Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới

LINH NHÂN 12:13, 05/01/2024

(LĐ online) - Mặc dù hoà bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế lớn, song Đảng ta dự báo tình hình thế giới và khu vực trong giai đoạn tới sẽ tiếp tục có những diễn biến phức tạp, khó lường, theo đó sẽ có nhiều khó khăn, thách thức mới. Đặc biệt trong nước, bốn nguy cơ mà Đảng ta đã từng cảnh báo vẫn còn hiện hữu, có mặt sẽ diễn biến phức tạp và gay gắt hơn. Do đó, việc ban hành Nghị quyết về “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới” là hết sức cần thiết.

KẾT QUẢ THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT TW 8 KHÓA XI VỀ CHIẾN LƯỢC BẢO VỆ TỔ QUỐC

Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 8 khóa XI về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc (BVTQ) trong tình hình mới, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đã nhận thức rõ hơn yêu cầu, nhiệm vụ BVTQ trong tình hình mới. Sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với quốc phòng, an ninh (QPAN) và lực lượng vũ trang (LLVT) luôn được giữ vững. Nền quốc phòng toàn dân (QPTD), nền an ninh nhân dân (ANND), thế trận QPTD, thế trận ANND gắn với “thế trận lòng dân” được xây dựng vững chắc. Bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, Nhân dân, chế độ XHCN, lợi ích quốc gia - dân tộc. Giữ vững môi trường hòa bình, ổn định chính trị, xã hội để xây dựng và phát triển đất nước. Xây dựng và thực hiện đường lối, chính sách đối ngoại mềm dẻo, linh hoạt; phát huy vai trò tiên phong của đối ngoại bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa… Những kết quả nêu trên là hết sức to lớn, cơ bản và có ý nghĩa rất quan trọng trong tình hình thế giới, khu vực đầy biến động, khó dự báo như hiện nay.

Tuy nhiên, việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 8 khóa XI còn một số hạn chế, đó là: Nhận thức về nhiệm vụ BVTQ của một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân chưa đầy đủ, sâu sắc, còn biểu hiện chủ quan, mất cảnh giác. Tình trạng quan liêu, xa dân, không nắm chắc tình hình, dẫn đến có sơ hở trong bảo đảm an ninh nội bộ, an ninh kinh tế, an ninh tư tưởng - văn hóa, an ninh thông tin, an ninh xã hội và an ninh ở một số địa bàn, lĩnh vực quan trọng vẫn còn xảy ra. Việc thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng còn bất cập, chưa hoàn thiện, có nội dung còn chậm; thiếu cơ chế, chính sách đặc biệt, đặc thù cho lĩnh vực quốc phòng, an ninh. Kinh tế xã hội phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế…

CHIẾN LƯỢC BVTQ TRONG TÌNH HÌNH MỚI

Hội nghị Trung ương 8 khóa XIII đánh giá trong giai đoạn mới hiện nay và sắp tới, tình hình thế giới và khu vực dự báo sẽ còn tiếp tục có những diễn biến phức tạp, khó lường. Hoà bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế lớn, song đứng trước nhiều trở ngại, khó khăn. Ở trong nước, bốn nguy cơ mà Đảng ta đã chỉ ra vẫn còn hiện hữu, có mặt gay gắt hơn…

Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8, khóa XIII về Chiến lược BVTQ tiếp tục kế thừa những tư tưởng, nguyên tắc mang tính quy luật của sự nghiệp “dựng nước đi đôi với giữ nước” của dân tộc ta, đồng thời cũng thể hiện những tư duy mới, sáng tạo của Đảng trước bối cảnh quốc tế, khu vực, trong nước đã có nhiều thay đổi.

Nghị quyết về Chiến lược BVTQ lần này nêu khái quát 5 quan điểm, thay cho 7 quan điểm mà Nghị quyết Hội nghị TW 8, khóa XI đã xác định:

(1) Tiếp tục khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc; đồng thời đưa ra nội dung mới là phương châm dựa vào dân “dân là gốc”; xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc, yên dân là nhân tố quyết định thắng lợi của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

(2) Tiếp tục khẳng định “phát triển kinh tế - xã hội là trung tâm, xây dựng Đảng là then chốt, phát triển văn hoá là nền tảng tinh thần, bảo đảm quốc phòng, an ninh là trọng yếu, thường xuyên”.

(3) Điểm mới nổi bật là nêu quan điểm “3 kiên” (kiên định, kiên quyết, kiên trì). Kiên định mục tiêu đã xác định là “độc lập dân tộc và CNXH”; “Kiên quyết, kiên trì, tận dụng mọi thời cơ, lợi thế, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, giữ vững môi trường hoà bình, ổn định để xây dựng, phát triển đất nước”; đồng thời nhấn mạnh “Không ngừng gia tăng tiềm lực, sức mạnh tổng hợp mọi mặt của quốc gia. Kết hợp chặt chẽ, hiệu quả hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và BVTQ…”.

(4) Trước đây, Nghị quyết TW 8, khóa XI chỉ rõ nội hàm lợi ích cao nhất của đất nước thì Nghị quyết lần này đã chỉ ra định hướng của việc “bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc, trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc, luật pháp quốc tế, bình đẳng, tôn trọng, hợp tác, cùng có lợi”, tạo thuận lợi cho thực tiễn hành động BVTQ phù hợp hơn.

(5) Quan điểm về đối tác, đối tượng có một điểm rất mới định hướng cả trước mắt và lâu dài, đó là: “Nỗ lực thúc đẩy hợp tác, giảm bất đồng, xung đột để đạt lợi ích cao nhất trong sự nghiệp xây dựng và BVTQ” thời kỳ mới. Những điểm mới trong các quan điểm cho thấy sự phát triển trong tư duy của Đảng về QPAN là hết sức linh hoạt, sáng tạo, thể hiện đúng phương châm, quan điểm “thêm bạn, bớt thù”, Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy, thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế…

Mục tiêu chung của Chiến lược BVTQ trong Nghị quyết lần này khẳng định bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc, trên cơ sở bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; bảo vệ Đảng, Nhà nước, Nhân dân, chế độ XHCN; bảo vệ thành quả cách mạng, sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nền văn hóa; đồng thời bổ sung nội dung bảo vệ uy tín, vị thế quốc tế của đất nước, bảo vệ an ninh quốc gia, an ninh con người, an ninh kinh tế, an ninh mạng; giữ vững, củng cố, tăng cường môi trường hoà bình để xây dựng, phát triển đất nước... Như vậy, mục tiêu chung vừa kế thừa, vừa phát triển nội dung cơ bản của Nghị quyết Đại hội XIII, đảm bảo bao quát, toàn diện, rõ nét hơn và cách diễn đạt cũng rành mạch hơn.

Mục tiêu cụ thể xác định 5 nội dung, bao gồm các lĩnh vực cơ bản của đất nước, trong đó có nhiều điểm mới so với Nghị quyết Hội nghị TW 8, khóa XI, chẳng hạn như: Vừa yêu cầu cao hơn, từ “Tạo chuyển biến rõ nét” (TW8 khóa XI) sang “Nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền và sức chiến đấu, nêu gương của Đảng…”; vừa bổ sung thành tố “ xây dựng đội ngũ cán bộ, hệ thống chính trị”. Điều này thể hiện tính toàn diện và rất sát thực trong tư duy về BVTQ của Đảng ta.

Về sức mạnh BVTQ, Nghị quyết không chỉ đề cập sức mạnh dân tộc, sức mạnh thời đại, mà còn đề cao dân chủ XHCN, quyền làm chủ và niềm tin của Nhân dân, đồng thuận xã hội, đặc biệt chú trọng nâng cao đời sống vật chất tinh thần của Nhân dân; nhấn mạnh vai trò đoàn kết trong toàn Đảng làm hạt nhân tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc... Đây là sự cụ thể hóa quan điểm “dân là gốc” và tư tưởng “yên dân”, “thế trận lòng dân” trong sự nghiệp xây dựng và BVTQ thời kỳ mới.

Mục tiêu về kinh tế - yếu tố trung tâm của tiềm lực quốc phòng, sức mạnh nền QPTD, nhấn mạnh chủ trương: Cơ cấu lại, nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, tăng cường chuyển đổi số, CNH, HĐH, phát triển đất nước toàn diện, nhanh, bền vững... Điểm mới là đưa nội dung “chuyển đổi số, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước toàn diện, nhanh, bền vững”. So với Nghị quyết Đại hội XIII, Đảng ta đã bổ sung nội dung phát triển đất nước “toàn diện”, đặt mục tiêu “toàn diện” đứng trước “nhanh, bền vững”, bởi có toàn diện mới phát triển bền vững hơn.

Một điểm nhấn so với nghị quyết lần trước là đưa định hướng phát triển nền công nghiệp quốc gia, xây dựng nền công nghiệp QPAN chủ động, tự lực, tự cường, lưỡng dụng, hiện đại, trở thành mũi nhọn của công nghiệp quốc gia. Điều này thể hiện rõ sự kế thừa, phát triển tư duy mới của Nghị quyết Đại hội XIII về tiềm lực kinh tế, khoa học - công nghệ của nền QPTD, sự nghiệp BVTQ.

So với Nghị quyết TW8 khóa XI, Nghị quyết lần này đã bổ sung nội dung mới về văn hóa, đó là: Khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, phát huy giá trị tốt đẹp truyền thống của dân tộc, tiếp thu những tinh hoa văn hóa nhân loại, tạo động lực phát triển kinh tế- xã hội và hội nhập quốc tế.

Các mục tiêu về tăng cường QPAN, xây dựng LLVT và hội nhập quốc tế đều kế thừa Nghị quyết Đại hội XIII, làm cho mục tiêu cụ thể của Chiến lược BVTQ trong tình hình mới được khái quát đầy đủ, toàn diện trên các lĩnh vực cơ bản của đời sống xã hội.

Về phương châm chỉ đạo, Nghị quyết nhấn mạnh tư tưởng “dĩ bất biến, ứng vạn biến” trong đó lợi ích quốc gia dân tộc là bất biến; kiên định về nguyên tắc, mục tiêu chiến lược, linh hoạt về sách lược; giữ “trong ấm, ngoài êm”; thực hiên “bốn không” (không tham gia liên minh quân sự, không liên kết với nước này để chông nước kia, không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ Việt Nam để chống lại nước khác, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế). Chính thức đưa định hướng BVTQ từ sớm, từ xa, giữ nước từ khi nước chưa nguy là phương châm của Chiến lược BVTQ thời kỳ mới. Nắm chắc tình hình, phát hiện sớm, xử lý kịp thời, hiệu quả các yếu tố bất lợi, nguy cơ ngay từ cơ sở.

Về nhiệm vụ, giải pháp, Nghị quyết 44-NQ/TW về chiến lược BVTQ trong tình hình mới tiếp tục xác định 6 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu:  (i) Xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. (ii) Tăng cường sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, dân chủ xã hội chủ nghĩa và quyền làm chủ của Nhân dân trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. (iii) Xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển đất nước nhanh, toàn diện, bền vững; kết hợp chặt chẽ phát triển kinh tế - xã hội với tăng cường quốc phòng – an ninh. (iv) Xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. (v) Tăng cường quốc phòng – an ninh, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN. (vi) Triển khai đồng bộ, sáng tạo, hiệu quả hoạt động đối ngoại, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng.

Nội dung từng nhiệm vụ, giải pháp đều có kế thừa, cập nhật và bổ sung, phát triển các nhiệm vụ cụ thể trên từng lĩnh vực của đời sống xã hội, sát hơn với tình hình thực tiễn trong nước cũng như bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng hiện nay. Riêng nhiệm vụ, giải pháp về “Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc” đặt ở vị trí thứ hai thay vì vị trí thứ tư trong Nghị quyết Trung ương 8, khóa XI và bổ sung nội hàm rộng hơn: “Phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, dân chủ XHCN và quyền làm chủ của nhân dân trong xây dựng và BVTQ”. Điều này thể hiện nhận thức, tư duy của Đảng ta về vai trò của sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, của dân chủ XHCN, quyền làm chủ của Nhân dân và tư tưởng “yên dân”, “thế trận lòng dân” trong sự nghiệp BVTQ đã được nâng lên một bước, đồng thời nhất quán trong tư duy của Đảng từ quan điểm đến mục tiêu, phương châm cho đến nhiệm vụ, giải pháp về vai trò của Nhân dân trong BVTQ thời kỳ mới.

Nghị quyết cũng xác định rõ việc học tập, quán triệt sâu sắc và tổ chức thực hiện thắng lợi quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của Đảng về nhiệm vụ BVTQ trong tình hình mới là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, nhằm đảm bảo Nghị quyết sớm đi vào cuộc sống một cách hiệu quả, thực chất.