Dân vận khéo trong xây dựng xã hội học tập ở Đà Lạt

VIỆT HÙNG 06:20, 09/01/2024

Thời gian qua, việc xây dựng và nhân rộng Mô hình “Dân vận khéo” trong xây dựng xã hội học tập (XHHT) đã trở thành phong trào quần chúng rộng lớn, đem lại hiệu quả thiết thực trên địa bàn TP Đà Lạt. Qua đó đưa khuyến học, khuyến tài, xây dựng XHHT gắn với việc phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng đời sống văn hóa ở địa phương, đơn vị, cơ sở.

Đà Lạt đẩy mạnh việc xây dựng xã hội học tập từ cơ sở
Đà Lạt đẩy mạnh việc xây dựng xã hội học tập từ cơ sở

Xây dựng XHHT, học tập suốt đời là nhiệm vụ chiến lược của Đảng, được coi là nội dung quan trọng của đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục - đào tạo theo yêu cầu phát triển của xã hội. Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI nêu rõ: “Đẩy mạnh xây dựng XHHT và tạo điều kiện cho mọi người dân được học tập suốt đời”. Đại hội XIII của Đảng một lần nữa nhấn mạnh: “Thúc đẩy xây dựng XHHT, học tập suốt đời”.

Trong những năm qua, các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội từ thành phố đến phường, xã trên địa bàn Đà Lạt đã đẩy mạnh tuyên truyền công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng XHHT. Thực hiện sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, Ban Dân vận Tỉnh ủy, Thành ủy Đà Lạt; Ban Dân vận Thành ủy Đà Lạt đã phối hợp với MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội thành phố, Hội Khuyến học thành phố triển khai trong hệ thống chính trị thực hiện tốt các kết luận, quyết định, chỉ thị của Ban Bí thư, của Thủ tướng Chính phủ, của UBND tỉnh Lâm Đồng về xây dựng XHHT; đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng và đơn vị; xây dựng mô hình Công dân học tập; công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng XHHT giai đoạn 2021-2030…

Công tác dân vận đã góp phần tích cực, hiệu quả trong tuyên truyền, vận động thực hiện xã hội hóa để mọi người tham gia hoạt động khuyến học, khuyến tài, XHHT. Ban Dận vận Thành ủy Đà Lạt đã phối hợp, triển khai xây dựng, nhân rộng mô hình, điển hình “Dân vận khéo” trên nhiều lĩnh vực, trong đó có các mô hình “Dân vận khéo” khuyến học, khuyến tài, xây dựng XHHT có sức lan tỏa rộng rãi như mô hình “Gia đình hiếu học”, “Gia đình học tập”, “Dòng họ khuyến học”, “Cộng đồng học tập”... 

Các phường, xã, cơ quan, đơn vị, trường học trên địa bàn thành phố đã triển khai kế hoạch đăng ký xây dựng các mô hình học tập như: Công dân học tập, Gia đình học tập, Dòng họ học tập, Cộng đồng học tập và Đơn vị học tập. Đồng thời lồng ghép, phối hợp việc đăng ký thực hiện các mô hình học tập gắn với “Gia đình văn hóa”, “Thôn, tổ dân phố văn hóa”. Đến nay, toàn thành phố có 44.631/45.913 Gia đình học tập, đạt 97,21%; 6/6 Dòng họ học tập, đạt 100%; 16/16 Cộng đồng học tập cấp xã, 204/204 Cộng đồng học tập cấp tổ, thôn, đạt 100%; 76/77 Đơn vị học tập thuộc xã, đạt 98,7%; 70.317/108.000 Công dân học tập, đạt 65,11%; 6/12 Hội đồng hương học tập cấp xã, đạt 50%.

Đồng thời, khối dân vận các phường, xã phối hợp với các trường học trên địa bàn làm tốt công tác chăm lo cho học sinh và gia đình học sinh có hoàn cảnh khó khăn để không có trường hợp vì lý do khó khăn mà phải bỏ học. Cùng với đó, tổ chức các hoạt động nhân kỷ niệm Ngày Khuyến học Việt Nam và tích cực hưởng ứng Phong trào “Cả nước thi đua xây dựng XHHT, đẩy mạnh học tập suốt đời giai đoạn 2023 - 2030” do Thủ tướng Chính phủ phát động. 

Theo đánh giá của Ban Dận vận Thành ủy Đà Lạt, xây dựng các mô hình “Dân vận khéo” khuyến học, khuyến tài, xây dựng XHHT và các hình thức vận động giáo dục đã trở thành phong trào quần chúng rộng lớn, đem lại hiệu quả thiết thực trên địa bàn thành phố. Mỗi cán bộ, hội viên Mặt trận, các đoàn thể chính trị - xã hội và Hội Khuyến học các cấp đã làm tốt công tác dân vận, vận động Nhân dân tham gia học tập nâng cao dân trí, nghề nghiệp chuyên môn. Qua đó đưa khuyến học, khuyến tài, xây dựng XHHT gắn với việc phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng đời sống văn hóa ở địa phương, đơn vị, cơ sở.