Năm 2023 đánh dấu Đà Lạt tròn 130 năm hình thành và phát triển, cũng là thời điểm lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh có chủ trương thống nhất trong chỉ đạo, thực hiện việc xây dựng hồ sơ TP Đà Lạt trở thành Thành phố Di sản thế giới. Dịp này, phóng viên Báo Lâm Đồng có cuộc phỏng vấn đồng chí Phạm S - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo đề xuất TP Đà Lạt trở thành Thành phố Di sản thế giới.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm S |
• PV: Thưa đồng chí, theo tiêu chí về Thành phố Di sản thế giới thì Đà Lạt có các giá trị gì nổi bật mang tính toàn cầu?
• ĐỒNG CHÍ PHẠM S: Đà Lạt được biết đến với kiến trúc độc đáo của những ngôi nhà gỗ, những tòa lâu đài và biệt thự thuộc thời Pháp thuộc. Việc bảo tồn và khai thác kiến trúc này có thể tạo ra cơ hội phát triển mới, bằng cách khai thác bảo tồn và phát triển các công trình kiến trúc cổ và tổ chức các chương trình hướng dẫn du lịch để du khách trong và ngoài nước có thể khám phá và hiểu rõ hơn về giá trị lịch sử và văn hóa con người Đà Lạt. Đà Lạt là một trong những đô thị của Việt Nam sở hữu nhiều biệt thự cổ kiến trúc châu Âu, đặc biệt, Trường Cao đẳng Đà Lạt được ghi nhận là công trình kiến trúc độc đáo nhất thế kỷ XXI (duy nhất ở Việt Nam). Đà Lạt là vùng đất rất đa dạng, phong phú với núi rừng hoang sơ, khí hậu mát mẻ, trong lành, cảnh sắc thiên nhiên đẹp diệu kỳ và Khu dự trữ sinh quyển thế giới LangBiang tạo nên sự đa dạng, trù phú cho vùng đất Đà Lạt. Sự kết hợp độc đáo, đa dạng văn hóa đặc sắc, di sản kiến trúc, cảnh quan thiên nhiên kỳ thú và môi trường trong lành đã tạo nét riêng có đối với TP Đà Lạt đáp ứng các tiêu chí đô thị di sản thế giới. Hơn nữa, Đà Lạt là đô thị có lịch sử hình thành rõ ràng và không kém phần lãng mạn, hấp dẫn, có nhiều tên gọi trìu mến như: Thành phố Ngàn hoa, Thành phố Sương mù, Thành phố Festival Hoa, Thành phố Ba thiên đường: Tình yêu, Du lịch và Nông nghiệp…
Đà Lạt đã được UNESCO công nhận Thành phố Sáng tạo toàn cầu trên lĩnh vực Âm nhạc vào ngày 31/10/2023 và tổ chức lễ công bố với Nhân dân trong nước cùng bạn bè quốc tế vào tối 30/12/2023 nhân kỷ niệm 130 năm Đà Lạt hình thành và phát triển. Đây là nguồn năng lượng tích cực giúp cho chính quyền và Nhân dân các dân tộc TP Đà Lạt tiếp tục xây dựng hồ sơ TP Đà Lạt trở thành Thành phố Di sản thế giới, là niềm tự hào không chỉ của người dân Đà Lạt - Lâm Đồng mà còn là niềm vui chung của mọi người dân cả nước và bạn bè trên toàn thế giới. Đó là những giá trị nổi bật, hiếm có mang tính toàn cầu của TP Đà Lạt.
• PV: Để xây dựng hồ sơ trình UNESCO công nhận Đà Lạt là Di sản thế giới, tỉnh Lâm Đồng đã có kế hoạch, lộ trình thực hiện như thế nào, thưa đồng chí?
• ĐỒNG CHÍ PHẠM S: Với những kỳ vọng lớn lao về Đà Lạt trở thành đô thị di sản thế giới, vào ngày 5/5/2023, đồng chí Trần Đức Quận - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Lâm Đồng cùng các đồng chí trong Thường trực Tỉnh ủy đã có cuộc làm việc với Đại sứ Phạm Sanh Châu - Phó Chủ tịch Trung tâm Á - Âu, Vương quốc Bỉ, thống nhất việc xây dựng hồ sơ TP Đà Lạt trở thành Thành phố Di sản thế giới. Được sự thống nhất của Thường trực Tỉnh ủy, ngày 31/7/2023, Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành quyết định số 1460/QĐ-UBND về việc thành lập Ban Chỉ đạo, Ban Soạn thảo đề xuất TP Đà Lạt trở thành Thành phố Di sản thế giới. Ban Chỉ đạo gồm 12 thành viên, do Chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng ban; đồng chí Phạm S - Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm Phó Trưởng ban Thường trực. Ban sẽ chỉ đạo toàn diện các nhiệm vụ và vận động kinh phí thực hiện trong công tác đề xuất TP Đà Lạt trở thành Thành phố Di sản thế giới.
Ban Soạn thảo gồm 22 thành viên, có chức năng giúp việc cho Ban Chỉ đạo trong công tác xây dựng hồ sơ; là cầu nối giữa Ban Chỉ đạo và đơn vị tư vấn; giao đơn vị có tư cách pháp nhân ký hợp đồng với đơn vị tư vấn lập hồ sơ đề xuất TP Đà Lạt trở thành Thành phố Di sản. UBND tỉnh đã giao UBND TP Đà Lạt chủ trì, phối hợp cùng Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, các sở, ngành liên quan nghiên cứu, xây dựng đề án, hoàn thiện hồ sơ và các thủ tục có liên quan để đề xuất công nhận TP Đà Lạt trở thành Thành phố Di sản thế giới theo tiêu chí UNESCO.
Với tinh thần khẩn trương và trách nhiệm cao, sáng ngày 18/8/2023, Ban Chỉ đạo đã có buổi làm việc nghe UBND TP Đà Lạt báo cáo về công tác chuẩn bị xây dựng hồ sơ TP Đà Lạt trở thành Thành phố Di sản thế giới. Ban Chỉ đạo đề nghị UBND TP Đà Lạt cần xây dựng kế hoạch triển khai cụ thể: nội dung; việc gì, ai làm; làm như thế nào; kinh phí bao nhiêu, khi nào hoàn thành với chất lượng chuẩn nhất (không nhất thiết thực hiện theo trình tự thủ tục mà có thể lồng ghép triển khai thực hiện song song với các nhiệm vụ khác để đảm bảo tiến độ kế hoạch đã đề ra). Quyết tâm hoàn thiện đầy đủ hồ sơ và các thủ tục có liên quan trình UNESCO công nhận để UBND tỉnh Lâm Đồng công bố với Nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế trong tháng 9/2025 nhân dịp chào mừng Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng lần thứ XII (nhiệm kỳ 2025-2030).
Để đẩy nhanh quá trình xây dựng hồ sơ, UBND tỉnh Lâm Đồng có văn bản gửi Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch xin ý kiến hướng dẫn về trình tự thủ tục xây dựng hồ sơ Thành phố Di sản thế giới. Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch có văn bản hướng dẫn triển khai thủ tục và hồ sơ để TP Đà Lạt tham gia Chương trình Thành phố Di sản thế giới. Theo đó, TP Đà Lạt cần tiến hành 3 bước cơ bản theo Công ước 1972 của UNESCO, do đó thời gian tiến hành sẽ kéo dài hơn dự kiến ban đầu.
• PV: Xin đồng chí cho biết những giá trị cốt lõi khi Đà Lạt trở thành Thành phố Di sản của thế giới?
• ĐỒNG CHÍ PHẠM S: Có thể khẳng định với cách nhìn tổng thể khi Đà Lạt trở thành Thành phố Di sản của thế giới thì Đà Lạt có vô vàn giá trị không chỉ tầm quốc gia mà còn có tầm quốc tế. Bởi trong sự đa dạng và phong phú của thế giới đương đại, đô thị di sản thế giới nổi bật như những ngôi sao sáng, không chỉ là những bức tranh lịch sử đẹp đẽ mà còn mang trong mình tầm ảnh hưởng sâu rộng đối với việc bảo tồn kiến trúc, văn hóa, cảnh quan, bảo vệ môi trường sinh thái và kích thích tư duy sáng tạo nhân loại. Với kỳ vọng lớn lao trong tương lai không xa Đà Lạt sẽ có tên trong bản đồ đô thị di sản thế giới cùng với giá trị văn hoá trường tồn với thời gian, đó chính là giá trị cốt lõi của TP Đà Lạt trở thành Thành phố Di sản thế giới.
Khi bước chân vào một đô thị di sản thế giới, người ta như đang đặt chân vào một cuốn sách dày cộp về lịch sử và di sản. Những con đường mòn, những ngôi nhà cổ kính, những tòa tháp, đền chùa và nhà thờ đầy nguy nga, bí ẩn không chỉ đơn thuần là những công trình xây dựng, mà là những câu chuyện thăng trầm của nhân loại đã tồn tại với thời gian.
Những đô thị di sản thế giới không chỉ là những kho tàng về lịch sử và văn hóa của một quốc gia, mà còn đại diện cho sự phát triển toàn cầu của con người. Chúng là những điểm dừng chân của thời gian, chứa đựng cả những mất mát và những thành công của con người, từ những khoảnh khắc lu mờ đến những khoảnh khắc xán lạn, tồn tại song hành cả thời gian và con người trên toàn cầu.
• PV: Đi cùng với danh hiệu này thì cần có tầm nhìn chiến lược để bảo tồn di sản và phát triển hài hòa cho Đà Lạt, thưa đồng chí?
• ĐỒNG CHÍ PHẠM S: Việc xây dựng hồ sơ TP Đà Lạt trở thành Thành phố Di sản là nội dung rất quan trọng nhằm quảng bá hình ảnh đất nước và con người Đà Lạt, tăng hiệu quả khai thác di sản và phát triển du lịch trong tương lai. Do đó, việc xây dựng hồ sơ TP Đà Lạt trở thành Thành phố Di sản thế giới cần có tầm nhìn chiến lược về giá trị cốt lõi; tổ chức triển khai đồng bộ và hiệu quả. Qua nghiên cứu thực tế và xem xét quá trình hình thành và phát triển, đến thời điểm này các bên liên quan xác định Đà Lạt đáp ứng 2 tiêu chí về di sản văn hóa thế giới của UNESCO, đó là: (II) Thể hiện một sự giao lưu quan trọng giữa các giá trị của nhân loại, trong một khoảng thời gian hoặc trong phạm vi một vùng văn hoá của thế giới, về các bước phát triển trong kiến trúc hoặc công nghệ, nghệ thuật tạo hình, quy hoạch đô thị hoặc thiết kế cảnh quan; (IV) Là một điển hình nổi bật về một kiểu kiến trúc xây dựng hoặc một quần thể kiến trúc cảnh quan minh hoạ cho một hay nhiều giai đoạn có ý nghĩa trong lịch sử nhân loại.
Khi Đà Lạt trở thành đô thị di sản thế giới không chỉ đơn thuần là những di tích lịch sử, mà là những mảng ghép vô cùng quan trọng trong bức tranh chung của nhân loại. Những kiệt tác kiến trúc, những tác phẩm nghệ thuật tuyệt đẹp và những không gian bảo tồn là những kho báu của con người, giữ vững ký ức và tạo nên độc đáo văn hóa của mỗi dân tộc.
Bên cạnh việc giữ gìn giá trị văn hóa, đô thị di sản thế giới còn có tầm ảnh hưởng lớn đối với môi trường và sự phát triển bền vững, đặc biệt là phát triển công nghiệp văn hoá và du lịch xanh, bền vững. Các chương trình bảo tồn và phục hồi trong các đô thị này không chỉ bảo vệ môi trường, mà còn khơi dậy ý thức về tầm quan trọng của sự cân bằng giữa con người và thiên nhiên trong quá trình hội nhập quốc tế.
Dĩ nhiên khi Đà Lạt trở thành đô thị di sản thế giới cũng đặt ra những thách thức, việc bảo tồn và phát triển đô thị di sản thế giới đòi hỏi sự hợp tác và hiểu biết sâu rộng từ cộng đồng quốc tế. Chúng ta cần phải duy trì sự cân bằng giữa việc bảo vệ giá trị lịch sử và khả năng đáp ứng các nhu cầu của thế hệ tương lai. Đô thị di sản thế giới không chỉ là một kho tàng của quá khứ, mà còn là một nguồn cảm hứng, một tài liệu cho tương lai. Do đó, khi Đà Lạt trở thành đô thị di sản thế giới được UNESCO công nhận không chỉ trách nhiệm của người dân địa phương mà còn trách nhiệm của nhân loại trên toàn thế giới cần tôn vinh và bảo vệ những nơi này, để chúng có thể tiếp tục kể câu chuyện về nhân loại, văn hóa và sự phát triển bền vững trong tương lai.
• PV: Xin cảm ơn đồng chí!
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin