(LĐ online) - Chiều 5/1, dưới sự chủ trì của đồng chí Trần Đình Văn - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh - Trưởng Ban Chỉ đạo thực hiện Chiến lược cải cách tư pháp tỉnh, hội nghị giao ban và tổng kết hoạt động của Ban Chỉ đạo đã tổ chức nhằm tổng kết hoạt động cải cách tư pháp năm 2023, và phương hướng nhiệm vụ trọng tâm năm 2024.
Quang cảnh hội nghị |
Tham dự hội nghị có các đồng chí: ông K' Mák - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Văn Yên - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Nội Chính Tỉnh ủy; Phạm S - Phó Chủ tịch UBND tỉnh và các thành viên trong Ban Chỉ đạo, đại diện lãnh đạo các cơ quan tư pháp nội chính của tỉnh gồm Ban Nội chính, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh uỷ, Công an tỉnh, Bộ CHQS tỉnh, Viện Kiểm sát nhân dân, Toà án nhân dân, Thanh tra, Sở Tư pháp, Cục Thi hành án dân sự, Chi cục Kiểm lâm.
Theo đánh giá, năm 2023, công tác tư pháp và cải cách tư pháp trên địa bàn tỉnh đạt nhiều kết quả tích cực, Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp tỉnh với chức năng, nhiệm vụ của mình đã tham mưu Tỉnh ủy ban hành Chương trình hành động số 51 về thực hiện Nghị quyết 27 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới; thực hiện giám sát hoạt động xét xử của Tòa án nhân dân hai cấp thông qua tham dự các phiên toà trực tuyến; phát huy vai trò của từng thành viên trong Ban Chỉ đạo trong lãnh đạo, thực hiện các nội dung tư pháp phù hợp với chức năng nhiệm vụ đặc thù của từng ngành.
Lãnh đạo các cơ quan Nội chính tham dự hội nghị |
Chất lượng tham gia công tác góp ý xây dựng và hoàn thiện pháp luật được nâng lên, công tác điều tra, truy tố xét xử thi hành án hầu hết đạt các chỉ tiêu của ngành dọc cấp trên; các hoạt động bổ trợ tư pháp như luật sư, công chứng, giám định tư pháp, đấu giá tài sản, thừa phát lại, tư vấn pháp luật từng bước đáp ứng các yêu cầu tư pháp tại địa phương.
Hoạt động cải cách tư pháp về chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động tư pháp có nhiều chuyển biến. Theo đó, toàn tỉnh đã thực hiện được gần 2.800 cuộc phổ biến giáo dục pháp luật; tổ chức 71 cuộc thi tìm hiểu pháp luật; cấp phát hơn 770 ngàn tài liệu tuyên truyền phổ biến pháp luật. Việc nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng chống tội phạm, điều tra, truy tố, xét xử án hình hình sự, trong năm, các cơ quan điều tra hai cấp đã tiếp nhận trên 3.360 tin báo trong đó đã gải quyết hơn 3.000 ngàn tin còn hơn 300 tin đang trong thời hạn giải quyết; điều tra hơn 2.000 bị can.
Công tác bắt, giam giữ, điều tra, xử lý đảm bảo đúng quy định của pháp luật. Trong hoạt động thực hành quyền công tố, kiểm soát hoạt động tư pháp trong giai đoạn truy tố trên 1.500 vụ, 3.200 bị can. TAND các cấp thụ lý hơn 10.700 vụ án các loại, đã giải quyết gần 9.000 vụ, đạt tỷ lệ 83,04%. Trong giải quyết, xét xử đã áp dụng đúng quy định của pháp luật. Xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật....
Tại hội nghị, các thành viên Ban Chỉ đạo đã tập trung thảo luận, phát biểu về một số nội dung có liên quan, nhất là về những khó khăn, vướng mắc, tồn tại, hạn chế trong hoạt động tư pháp và một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong thời gian tới.
Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Trần Đình Văn - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy,vTrưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh - Trưởng Ban Chỉ đạo thực hiện Chiến lược Cải cách tư pháp tỉnh đã phân tích làm rõ thêm những kết quả đạt được, những nguyên nhân tồn tại hạn chế trong hoạt động của Ban Chỉ đạo thời gian qua.
Để tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ cải cách tư pháp của tỉnh trong thời gian tới, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ đề nghị Ban Chỉ đạo, các thành viên Ban Chỉ đạo cần tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các văn bản chỉ đạo, kết luận của Trung ương và Ban Thường vụ Tỉnh ủy về công tác cải cách tư pháp. Tăng cường phối hợp giữa các cơ quan tư pháp trong công tác điều tra, truy tố, xét xử, nhất là những vụ án tham nhũng, tiêu cực, vụ án phức tạp, dư luận quan tâm.
Thực hiện tốt nguyên tắc tranh tụng; làm tốt công tác hòa giải trong giải quyết các vụ việc dân sự và công tác đối thoại trong giải quyết các vụ án hành chính; chú trọng thực hiện các yêu cầu, kiến nghị khắc phục, xử lý vi phạm pháp luật trong hoạt động tư pháp; bảo đảm giải quyết, xét xử nghiêm minh, khách quan, công bằng, đúng pháp luật, không để xảy ra oan, sai, bỏ lọt tội phạm.
Bên cạnh đó, các thành viên Ban Chỉ đạo, cơ quan thành viên tăng cường công tác tuyên truyền trong đó chú trọng đến việc đa dạng các hình thức phổ biến tuyên truyền pháp luật đến người dân. Khẩn trương hoàn thành đề án giám định tư pháp. Cùng với đó là tăng cường công tác xây dựng Đảng trong các cơ quan tư pháp; nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu tổ chức cơ sở đảng nhất là phát huy vai trò của người đứng đầu các cơ quan tư pháp nhằm hướng đến đạt hiệu quả cao nhất trong cải cách tư pháp, đáp ứng nhu cầu và mong đợi của người dân.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin