Năm 2023, Phong trào thi đua “Dân vận khéo” tiếp tục được các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn tỉnh triển khai với nhiều hình thức, nội dung phong phú, đa dạng. Từ đó tạo sức lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng dân cư, phát huy hiệu quả thiết thực trong việc tập hợp, vận động đông đảo các tầng lớp Nhân dân tham gia hoàn thành các chỉ tiêu quan trọng về phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.
Bà con Nhân dân Thôn 3, xã Đinh Trang Hòa, Di Linh chung tay làm đường vào khu sản xuất |
Theo thống kê từ Ban Dân vận Tỉnh ủy, trong năm 2023, toàn tỉnh có 1.474 Mô hình “Dân vận khéo” được đăng ký. Trong đó, hiện có 456 mô hình được cấp ủy các cấp công nhận, gồm 389 mô hình tập thể và 67 mô hình cá nhân trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa - xã hội, quốc phòng, an ninh, xây dựng đảng và hệ thống chính trị. Nhiều mô hình có nội dung phong phú, đa dạng với cách làm hay, sáng tạo, sát với thực tiễn đã mang lại hiệu quả thiết thực. Tập hợp, vận động được đông đảo các tầng lớp Nhân dân tham gia phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị các cấp vững mạnh. Từ đó góp phần củng cố niềm tin của Nhân dân với Đảng, Nhà nước, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Để làm được điều này, ngay từ đầu năm, Ban Dân vận Tỉnh ủy đã ban hành các văn bản nhằm triển khai thực hiện hiệu quả Phong trào thi đua “Dân vận khéo” nói chung và “Dân vận khéo trong xây dựng nông thôn mới” nói riêng. Đồng thời, tăng cường phối hợp với UBND tỉnh, các sở, ban, ngành, các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả Phong trào “Dân vận khéo trong xây dựng nông thôn mới. Cụ thể như chương trình phối hợp giữa Ban Dân vận Tỉnh ủy và Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh về công tác dân vận giai đoạn 2022 - 2026; phối hợp chỉ đạo tổ chức đợt công tác dân vận tập trung tại các xã thuộc 6 huyện Lạc Dương, Đức Trọng, Lâm Hà, Bảo Lâm, Di Linh, Đam Rông...
Triển khai từ đầu năm 2022, Mô hình “Ngày Chủ nhật cùng Nhân dân” của Ban Chỉ đạo 855 huyện Đạ Tẻh được đánh giá là Mô hình “Dân vận khéo” tiêu biểu, đến nay đã được nhân rộng ra 12/12 huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh. Theo đó, vào lúc 7h30 ngày Chủ nhật tuần thứ 3 mỗi tháng, các cán bộ, công chức, viên chức, giáo viên, học sinh cùng Nhân dân trên địa bàn các xã, thị trấn lại dành thời gian ra quân dọn dẹp vệ sinh môi trường. Đồng chí Nguyễn Văn Tuyên - Trưởng Ban Dân vận huyện Đạ Tẻh cho biết: Mô hình được triển khai đồng bộ, nhằm đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả công tác dân vận về cơ sở; nâng cao nhận thức, trách nhiệm và vai trò của các tổ chức trong hệ thống chính trị, huy động sức mạnh tổng hợp. Đặc biệt là sự tham gia trực tiếp của cán bộ, đảng viên và người dân trong việc tạo cảnh quan môi trường, góp phần thực hiện tốt chương trình xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu và đô thị văn minh.
Trên cơ sở đánh giá hiệu quả các Mô hình Dân vận khéo năm 2022, Ban Dân vận Tỉnh ủy đã giới thiệu và nhân rộng điển hình “ Ngày Chủ nhật cùng Nhân dân” để Ban Dân vận các huyện ủy, thành ủy tham mưu triển khai thực hiện, nhân rộng. Đến nay, Mô hình “Ngày Chủ nhật cùng Nhân dân” đã lan tỏa rộng khắp và được nhân rộng đến các địa phương, cơ quan, đơn vị trên địa bàn toàn tỉnh. Hầu hết, các địa phương căn cứ vào tình hình thực tế, nhiệm vụ chính trị được giao đã xây dựng kế hoạch phát động “Ngày Chủ nhật cùng Nhân dân” hoặc “Ngày thứ Bảy cùng Nhân dân” để thực hiện công tác dân vận tập trung. Định kỳ hàng tháng, hàng quý tổ chức cho cán bộ, công chức, cán bộ không chuyên trách của cấp xã lần lượt xuống các thôn, tổ dân phố làm dân vận cùng Nhân dân, góp phần xây dựng hình ảnh cán bộ, công chức, lực lượng vũ trang gần dân, trọng dân, học dân, có trách nhiệm với Nhân dân.
Bên cạnh đó, còn có các Mô hình “Dân vân khéo” tiêu biểu, nổi bật khác như Mô hình “Đổi rác thải lấy quà tặng” của TP Đà Lạt; Dân vận khéo trong tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện các chính sách, pháp luật của Nhà nước của Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh; Dân vận khéo trong vận động phát triển các mô hình kinh tế tập thể của huyện Đam Rông; Bếp ăn từ thiện của TP Bảo Lộc; Mô hình Hỗ trợ sinh kế, giảm nghèo bền vững; Dân vận khéo trong vận động Nhân dân tham gia hiến đất làm đường, đóng góp kinh phí xây dựng cơ sở vật chất xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu; Dân vận khéo trong tuyên truyền, vận động các chi hội phụ nữ tham gia phát triển kinh tế tập thể; Dân vận khéo trong vận động các tổ chức, cá nhân “Tuần gửi tiền tiết kiệm chung tay vì người nghèo”;...
Đặc biệt, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh phối hợp với Ban Chỉ đạo 502 tỉnh đã thực hiện nhiều nội dung, công trình, hạng mục dân vận thiết thực cho các hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, có hoàn cảnh khó khăn tại các địa phương trong tỉnh. Từ đó phát huy sự đồng lòng, tự nguyện của Nhân dân trong việc góp công sức, tiền của đối ứng cùng Ban Chỉ đạo thực hiện từng công trình, hạng mục, phân việc. Qua đó, góp phần ổn định cuộc sống người dân, đổi thay diện mạo nông thôn, giúp các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số khó khăn sớm hoàn thành các tiêu chí quan trọng về xây dựng nông thôn mới.
Từ những kết quả đã đạt được, đồng chí Phạm Thị Phúc - Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy khẳng định: Năm 2023, công tác dân vận của hệ thống chính trị tiếp tục đạt được những kết quả khá toàn diện. Nội dung, phương thức lãnh đạo của Đảng đối với công tác vận động Nhân dân được đổi mới, bám sát yêu cầu thực tế của địa phương. Có nhiều chủ trương, chính sách đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội, an sinh xã hội trong tình hình khó khăn chung. Phong trào thi đua “Dân vận khéo” gắn với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đã được các cấp ủy đảng quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện đi vào nền nếp và từng bước nâng cao chất lượng.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin