Nghị quyết hội nghị lần thứ Sáu, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về “Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo (PTLĐ), cầm quyền của Đảng” đã đặt ra 3 nhóm mục tiêu nhằm đổi mới PTLĐ và cầm quyền của Đảng. Các nhóm mục tiêu đó là: Tạo chuyển biến mạnh mẽ, thực chất trong đổi mới PTLĐ của Đảng đối với hệ thống chính trị (HTCT), bảo đảm hiệu quả, thiết thực, sát thực tiễn, đáp ứng yêu cầu lãnh đạo toàn diện của Đảng trong giai đoạn mới.
Bài 1: Thực trạng công tác đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng
Có thể thấy, qua thời gian, Đảng Cộng sản Việt Nam ngày càng nhận thức sâu sắc vai trò, tầm quan trọng của PTLĐ và yêu cầu phải đổi mới PTLĐ của Đảng đối với HTCT nhằm giữ vững vai trò lãnh đạo của Đảng, vừa để phát huy tính dân chủ và chủ động trong hoạt động của các cấp ủy, tổ chức Đảng, cơ quan Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội. Đổi mới PTLĐ của Đảng để Đảng không bao biện, làm thay, không can thiệp sâu vào các hoạt động của các cơ quan trong HTCT nhưng vẫn đảm bảo không đánh mất vai trò lãnh đạo của Đảng.
Thành công Đại hội XIII của Đảng có ý nghĩa định hướng và tầm nhìn chiến lược phát triển đất nước trong thời kỳ mới |
• KHẲNG ĐỊNH “NĂNG LỰC CẦM QUYỀN”
Đảng Cộng sản Việt Nam được Hiến pháp hiến định là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Ở Việt Nam có đặc điểm là nhất nguyên về chính trị, tức chỉ có một đảng duy nhất cầm quyền. Vì vậy, tất cả mọi việc trong xã hội thành tựu hay hạn chế đều có quan hệ với năng lực cầm quyền của Đảng. Đảng Cộng sản Việt Nam là Đảng cầm quyền, lãnh đạo Nhà nước và xã hội.
Trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn coi trọng đổi mới PTLĐ của Đảng đối với HTCT mà trọng tâm là với Nhà nước. Đặc biệt, kể từ khi đất nước thực hiện đường lối đổi mới dưới sự lãnh đạo của Đảng, trước bối cảnh mới nhiều vấn đề chưa có tiền lệ, Đảng đã ban hành nhiều nghị quyết về đổi mới PTLĐ của Đảng, đặc biệt là Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa X. Khái niệm “phương thức lãnh đạo” và “đổi mới phương thức lãnh đạo” được nhận thức ngày càng rõ hơn, thể hiện tập trung qua Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (năm 1991) và Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011). Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội năm 1991 ghi rõ: “Đảng lãnh đạo bằng cương lĩnh, chiến lược, các định hướng về chính sách và chủ trương lớn; bằng công tác tuyên truyền, thuyết phục, vận động, tổ chức, kiểm tra, giám sát và bằng hành động gương mẫu của đảng viên”.
Tại các kỳ đại hội, Đảng ta đều đề cập đến nhiệm vụ, yêu cầu đổi mới PTLĐ của Đảng. Gần đây nhất, Văn kiện Đại hội XII khẳng định “Nâng cao hiệu quả thực hiện và tiếp tục đổi mới mạnh mẽ PTLĐ của Đảng đối với HTCT, đặc biệt là với Nhà nước”.
Đại hội XII, Đại hội XIII bổ sung “năng lực cầm quyền” vào nội dung “nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng”. Đây là sự tiếp nối trong việc thực hiện nâng cao năng lực cầm quyền của Đảng đã được đề ra trong Cương lĩnh 2011. Đại hội lần thứ XIII của Đảng cũng đã giành hẳn một mục (mục 10) trong phần xây dựng dựng, chỉnh đốn Đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng để quy định về việc đổi mới PTLĐ của Đảng.
Từ thực tiễn lãnh đạo, mối quan hệ giữa Đảng, Nhà nước, giữa Đảng với các tổ chức chính trị - xã hội đã ngày càng được nhận thức rõ hơn, đầy đủ hơn. Thẩm quyền, trách nhiệm của Đảng và thẩm quyền, trách nhiệm của Nhà nước cũng ngày càng được nhận thức đầy đủ hơn.
• THỰC TIỄN CÔNG TÁC ĐỔI MỚI PTLĐ CỦA ĐẢNG
Việc đổi mới PTLĐ của Đảng đối với HTCT, nhất là đối với Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan tư pháp, với chính quyền địa phương các cấp đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Những thành tựu này chính là những điều kiện tiên quyết nhất nâng cao vị thế của Đảng trong nước và trên trường quốc tế bởi Đảng giữ vững được vai trò lãnh đạo của mình đối với xã hội. Ngoài ra, những thành tựu đạt được về đổi mới PTLĐ của Đảng cũng giúp phát huy được vai trò, tính chủ động sáng tạo của các cơ quan trong HTCT.
PTLĐ của Đảng được xác lập phù hợp với đặc điểm, chức năng, nhiệm vụ của từng nhánh quyền lực (lập pháp - hành pháp - tư pháp), phù hợp với các cấp chính quyền (Trung ương - địa phương); phù hợp với nguyên tắc hiệp thương dân chủ của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. PTLĐ của Đảng được đổi mới theo hướng dân chủ và pháp quyền, nghĩa là Đảng tôn trọng các cơ quan nhà nước, các đoàn thể chính trị - xã hội, tôn trọng Hiến pháp và pháp luật. Đảng lãnh đạo nhưng không áp đặt mà trên cơ sở dân chủ, phát huy dân chủ trong thảo luận, trao đổi nhằm tạo ra sự thống nhất chung. Đảng lãnh đạo trong khuôn khổ Hiến pháp, pháp luật, như quy định của Điều 4, Hiến pháp năm 2013 “Các tổ chức Đảng và đảng viên hoạt động trong khuôn khổ của Hiến pháp, pháp luật”.
Sau mỗi kỳ đại hội, Đảng đều ban hành quy chế làm việc của Ban Chấp hành Trung ương, của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, của các cấp ủy; ban hành nhiều quy chế, quy định về quan hệ giữa cấp ủy, các tổ chức Đảng, cơ quan đảng với các tổ chức, cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội. Xây dựng, tổ chức ký kết quy chế phối hợp giữa các tổ chức trong hệ thống chính trị. Đảng tăng cường cường công tác kiểm tra, giám sát, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực để làm trong sạch đội ngũ. Trách nhiệm của tập thể và cá nhân đã ngày càng rõ hơn theo hướng phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu, song không được vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, nguyên tắc lãnh đạo tập thể của Đảng.
Đánh giá về đổi mới PTLĐ thời gian qua, Nghị quyết số 28-NQ/TW khẳng định những kết quả đạt được, đó là: PTLĐ của Đảng đối với hoạt động của HTCT đã có nhiều đổi mới, đạt được nhiều kết quả quan trọng. Nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức Đảng, tính tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, người đứng đầu trong tuyên truyền, vận động, tổ chức thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng được nâng cao. Bảo đảm thực hiện đúng cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ”. Việc sắp xếp tổ chức bộ máy, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, phát huy tính chủ động, sáng tạo của các cấp ủy, tổ chức Đảng được tăng cường, từng bước khắc phục tình trạng bao biện, làm thay hoặc buông lỏng vai trò lãnh đạo của Đảng. Chất lượng đội ngũ cán bộ được nâng lên, việc phân công, bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ của Đảng vào các vị trí lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị ngày càng chặt chẽ. Công tác kiểm tra, giám sát được đẩy mạnh, góp phần siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong Đảng. Công tác tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận, cải cách hành chính, đổi mới phong cách, lề lối làm việc của Đảng được chú trọng. Đảng đã ban hành nhiều quy định, cơ chế để phát huy dân chủ, vai trò giám sát của cơ quan dân cử, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và Nhân dân trong xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị.
Như vậy có thể thấy, trong thời gian qua, PTLĐ của Đảng đối với HTCT trị đã góp phần quan trọng vào việc nâng cao năng lực cầm quyền, bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện, hiệu quả của Đảng đối với hoạt động của HTCT và trên các lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại, thúc đẩy sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, tăng cường niềm tin của Nhân dân đối với Đảng.
Dù đã đạt được nhiều thành tựu trong đổi mới PTLĐ của Đảng trong thời gian qua, song Nghị quyết số 28 cũng đánh giá những hạn chế cần khắc phục, đó là: Một số chủ trương, định hướng lớn của Đảng chưa được thể chế kịp thời, đầy đủ hoặc đã thể chế nhưng không khả thi. Chậm khắc phục tình trạng ban hành nhiều văn bản, một số văn bản còn chung chung, dàn trải, chậm bổ sung, sửa đổi, thay thế. Mô hình tổng thể của HTCT chưa hoàn thiện; chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, mối quan hệ công tác của tổ chức, cá nhân, người đứng đầu có nội dung chưa rõ; phân cấp, phân quyền chưa mạnh. Một số cấp ủy, tổ chức Đảng chưa chú trọng công tác kiểm tra, giám sát; chưa phát huy hết vai trò, trách nhiệm kiểm tra, giám sát của các cơ quan tham mưu, giúp việc. Công tác tuyên truyền, giáo dục chưa tác động đến một số đối tượng, địa bàn... Chưa phát huy tốt vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và Nhân dân tham gia xây dựng Đảng, xây dựng HTCT. Cải cách hành chính, đổi mới phong cách, lề lối làm việc trong Đảng chưa đáp ứng yêu cầu của tình hình mới.
Những hạn chế nêu trên có nhiều nguyên nhân đã được đúc kết là: “Nhận thức của một số cấp ủy, tổ chức Đảng, cán bộ, đảng viên về đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với HTCT chưa đầy đủ, sâu sắc, thiếu thống nhất, đồng bộ trong quá trình tổ chức thực hiện. Năng lực cụ thể hóa và lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng còn hạn chế, hiệu quả chưa cao. Chính sách cán bộ chưa thực sự tạo động lực để cán bộ toàn tâm, toàn ý với công việc. Một bộ phận cán bộ, đảng viên thiếu gương mẫu, năng lực, phẩm chất, uy tín hạn chế, vi phạm kỷ luật Đảng, pháp luật Nhà nước ảnh hưởng đến niềm tin của Nhân dân đối với Đảng. Một số cấp ủy, tổ chức Đảng, người đứng đầu chưa thực hiện nghiêm nguyên tắc của Đảng, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ; còn để xảy ra tình trạng cục bộ, mất đoàn kết, bao biện, làm thay, áp đặt, lạm dụng quyền lực, né tránh, sợ trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo”.
(CÒN NỮA)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin