Bài 2: Tình hình mới và những quan điểm về đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng
Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã nêu ra những dự báo về tình hình trong nước và quốc tế. Đặc biệt, Đại hội lần này đã đánh giá sau 35 năm đổi mới, thế và lực, sức mạnh tổng hợp quốc gia, uy tín quốc tế, niềm tin của Nhân dân ngày càng được nâng cao, tạo ra những tiền đề quan trọng để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Quang cảnh Đại hội XIII của Đảng |
Về tình hình trong nước, Đại hội cũng đưa ra dự báo là Việt Nam hội nhập quốc tế sâu, rộng hơn và sẽ phải thực hiện đầy đủ, hiệu quả các cam kết khi tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Nền kinh tế phát triển chưa bền vững, còn nhiều hạn chế, yếu kém, đứng trước nhiều khó khăn, thách thức mới do tác động của đại dịch COVID-19 và khủng hoảng kinh tế toàn cầu gây ra. Xu hướng già hoá dân số nhanh; tốc độ công nghiệp hoá, đô thị hoá tăng mạnh; đặc biệt biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh gay gắt, phức tạp... ngày càng tác động mạnh đến sự phát triển của đất nước.
Về tình hình quốc tế, Đại hội dự báo thế giới đang trải qua những biến động to lớn, diễn biến rất nhanh chóng, phức tạp, khó dự báo. Hoà bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế lớn, song đang đứng trước nhiều trở ngại, khó khăn; cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, xung đột cục bộ tiếp tục diễn ra dưới nhiều hình thức, phức tạp và quyết liệt hơn, làm gia tăng rủi ro đối với môi trường kinh tế, chính trị, an ninh quốc tế. Toàn cầu hoá và hội nhập quốc tế tiếp tục tiến triển nhưng đang bị thách thức bởi sự cạnh tranh ảnh hưởng giữa các nước lớn và sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc cực đoan. Luật pháp quốc tế và các thể chế đa phương toàn cầu đứng trước những thách thức lớn...
Tình hình thế giới và trong nước có cả thuận lợi, thời cơ và khó khăn, thách thức đan xen, đặt ra nhiều vấn đề mới, yêu cầu mới nặng nề, phức tạp hơn đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đòi hỏi toàn Đảng phải tiếp tục đổi mới mạnh mẽ tư duy, có quyết tâm chính trị cao, dự báo chính xác, kịp thời diễn biến của tình hình, chủ động ứng phó kịp thời với mọi tình huống, nỗ lực hơn nữa để tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, không ngừng gia tăng tiềm lực mọi mặt của quốc gia, bảo vệ vững chắc Tổ quốc và những thành quả phát triển đã đạt được, đưa đất nước vững bước tiến lên, phát triển nhanh và bền vững.
Trước tình hình mới, để tiếp tục đổi mới PTLĐ của Đảng đối với HTCT, Hội nghị lần thứ Sáu, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII đã ban hành Nghị quyết về “Tiếp tục đổi mới PTLĐ, cầm quyền của Đảng” với các quan điểm chỉ đạo, đó là:
Đổi mới PTLĐ, cầm quyền của Đảng phải kiên định, vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; thực hiện nghiêm các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng, đặc biệt là nguyên tắc tập trung dân chủ; làm rõ hơn nữa chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, gắn với nêu cao trách nhiệm của tổ chức và cá nhân, nhất là người đứng đầu; giữ vững sự lãnh đạo tập trung, thống nhất, kỷ luật, kỷ cương; bảo đảm nguyên tắc quyền lực đi đôi với trách nhiệm, mọi cán bộ, đảng viên phải hoạt động trong khuôn khổ pháp luật, nguyên tắc và kỷ luật của Đảng.
Phải chủ động, tích cực, có quyết tâm chính trị cao, đồng thời cần thận trọng, có bước đi vững chắc; vấn đề đã rõ thì kiên quyết đổi mới, vấn đề cần thiết nhưng chưa rõ, còn ý kiến khác nhau thì phải nghiên cứu, thí điểm, không nóng vội nhưng cũng không bỏ qua hoặc để chậm, ảnh hưởng đến sự phát triển; kế thừa, phát huy những thành tựu, kết quả, kinh nghiệm tốt trong PTLĐ của Đảng đã được thực tiễn chứng minh là đúng. Ở mỗi cấp, mỗi lĩnh vực phải vừa quán triệt các nguyên tắc chung, vừa phải phù hợp với đặc điểm, yêu cầu, nhiệm vụ lãnh đạo của từng cấp, từng lĩnh vực và của từng loại hình cơ quan nhà nước, từng tổ chức chính trị - xã hội.
Cần có quyết tâm cao, nỗ lực lớn trong tổ chức thực hiện, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, sâu sắc về đổi mới PTLĐ của Đảng trong điều kiện mới, triển khai thực hiện đồng bộ các phương thức lãnh đạo của Đảng. Đẩy mạnh đổi mới, nâng cao chất lượng công tác nghiên cứu xây dựng, ban hành, tổ chức thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng; đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tổ chức, cán bộ; đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động; phát huy vai trò, trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên; đồng thời, đẩy mạnh cải cách hành chính, đổi mới phong cách lãnh đạo, phương pháp công tác, lề lối làm việc của các cơ quan lãnh đạo của Đảng từ Trung ương tới cơ sở.
Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng khẳng định: “Phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị còn chậm đổi mới, có mặt còn lúng túng. Cơ chế kiểm soát quyền lực trong Đảng và Nhà nước chưa đầy đủ, đồng bộ; hiệu lực, hiệu quả chưa cao”. Để khắc phục những tồn tại, hạn chế này, Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 (khoá XIII) đã nêu ra 6 nhiệm vụ, giải pháp đổi mới PTLĐ của Đảng trong thời gian tới. Đó là: Đổi mới, nâng cao chất lượng ban hành và tổ chức thực hiện đạt hiệu quả cao chủ trương, đường lối của Đảng; Đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động; Đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tổ chức, cán bộ; Đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát; Phát huy vai trò, trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên. Đẩy mạnh cải cách hành chính, đổi mới phong cách lãnh đạo, phương pháp công tác, lề lối làm việc của các cơ quan lãnh đạo của Đảng từ Trung ương tới cơ sở. Nghị quyết đã đưa ra những giải pháp tổng thể, đồng bộ để triển khai có hiệu quả 6 nhóm nhiệm vụ này.
Để thực hiện có hiệu quả các giải pháp mà Nghị quyết 28 đã đề ra, cần thực hiện tốt các nội dung:
Trước hết, về đổi mới, nâng cao chất lượng ban hành và tổ chức thực hiện đạt hiệu quả cao chủ trương, đường lối của Đảng. Gần đây, các cấp uỷ, tổ chức Đảng đã ban hành rất nhiều các văn bản, thậm chí một người làm việc trong HTCT cũng khó mà nhớ hết được các văn bản của Đảng đã ban hành. Theo chúng tôi, các cấp uỷ cần thống nhất, đồng bộ khi ban hành các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo.
Nghị quyết 28 và cả Luật Ban hành văn bản Quy phạm pháp luật đều có quy định lấy ý kiến của các cơ quan, ý kiến Nhân dân khi ban hành các nghị quyết, chỉ thị, các chính sách pháp luật của Nhà nước. Đây là việc làm cần thiết để nâng cao chất lượng các chủ trương, chính sách ban hành. Tuy nhiên, thực ra các cơ quan hoạt động trong HTCT nhiều khi không dám phản biện, thậm chí bác lại các dự thảo vì rất nhiều lý do khác nhau; người dân không phải khi nào cũng có thời gian và đủ hiểu biết để góp ý cho các dự thảo. Chúng tôi cho rằng có một nhóm đối tượng cần chú ý xin ý kiến khi ban hành các chủ trương, đường lối, chính sách chính là đội ngũ trí thức có trình độ chuyên môn sâu liên quan đến lĩnh vực mà dự thảo đề cập.
Việc đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động. Để dân tin Đảng tất nhiên các cấp uỷ phải làm công tác tuyên truyền, vận động. Để Nhân dân hiểu và ủng hộ các chủ trương, chính sách của Nhà nước, Đảng tiến hành công tác tuyên truyền, vận động. Tuy nhiên, tuyên truyền, vận động cần thống nhất giữa lý luận và thực tiễn. Chẳng hạn, tuyên truyền Nhân dân chấp hành chính sách di dời để làm dự án nhưng đền bù với giá rẻ, dự án do tư nhân làm và bán lại với giá cao là bất cập. Có những vụ việc nếu thật sự chưa rõ cần cẩn trọng, nhất là các vấn đề liên quan đến các dự án có tác động tới đông đảo người dân, các dự án liên quan đến môi trường. Trong thực tế đã có những nội dung các cấp uỷ triển khai, tuyên truyền, vận động người dân thực hiện nhưng bản chất vấn đề lại không hoàn toàn như nội dung đưa ra tuyên truyền, vận động người dân. Nếu chúng ta không cẩn trọng trong vấn đề này về lâu dài sẽ làm mất niềm tin của dân... Về đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tổ chức, cán bộ. Hiện nay hãy nên ít xáo trộn về tổ chức, nên chăng chúng ta cần giữ ổn định về tổ chức và áp dụng công nghệ thông tin, tiến bộ khoa học để tinh giảm biên chế, tinh gọn tổ chức bộ máy. Nếu nhiệm kỳ nào chúng ta cũng tổ chức chia tách, sáp nhập sẽ tạo ra sự bất ổn.
Cần tạo môi trường công khai, dân chủ, minh bạch để đội ngũ cán bộ có động lực phấn đấu. Nên chăng đã đến lúc nghiên cứu thực thi mô hình chính quyền đô thị, trước hết là ở các thành phố lớn, để cử tri trực tiếp bầu ra thị trưởng. Đối với chức danh chủ tịch UBND các cấp từ cấp xã trở lên, chúng tôi cho rằng mỗi vị trí ấy cấp uỷ nên lựa chọn từ 2 đến 3 ứng cử viên. Tất nhiên các ứng cử viên này phải đảm bảo tất cả các tiêu chuẩn của công tác cán bộ.
Đối với việc đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát. Tăng cường kiểm tra, giám sát các tổ chức Đảng trong các đơn vị dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng; thường xuyên kiểm tra, giám sát người đứng đầu trong các đơn vị này. Phát huy vai trò của báo chí, người dân trong giám sát cán bộ, đảng viên. Cần có các quy định để định kỳ hàng năm các cơ quan, đơn vị, nhất là các cơ quan, đơn vị phụ trách các ngành, lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng cần có thông cáo báo chí để công luận nắm và đây cũng là cách gián tiếp nhắc nhở, cảnh báo, giám sát hiệu quả.
Về phát huy vai trò, trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên. Chúng ta đã có rất nhiều các quy định về nêu gương, từ Quy định 101-QĐ/TW, Quy định 08-QiĐ/TW… Tuy nhiên tại sao vẫn nhiều cán bộ, đảng viên vi phạm? Rõ ràng quy định chặt chẽ, xử lý nghiêm minh mới chỉ là một phần đóng góp vào hiệu quả quá trình thực hiện, vấn đề chính còn lại là mỗi đảng viên, cán bộ phải tự tu dưỡng, nêu gương. Các tổ chức Đảng cần ban hành các quy định để đảng viên, cán bộ cam kết hàng năm trong việc thực hiện trách nhiệm nêu gương.
Về đẩy mạnh cải cách hành chính, đổi mới phong cách lãnh đạo, phương pháp công tác, lề lối làm việc của các cơ quan lãnh đạo của Đảng từ Trung ương tới cơ sở. Muốn đổi mới phong cách, phương pháp công tác, lề lối làm việc bảo đảm khoa học, dân chủ, sâu sát, cụ thể cần ban hành các quy định, quy chế làm việc khoa học. Mỗi tổ chức cần có quy chế phối hợp giữa cấp uỷ và người đứng đầu. Văn bản, báo cáo của Đảng cần ngắn gọn, chặt chẽ tránh viết dài lê thê, hạn chế đến mức thấp nhất việc dùng các hư từ như tăng cường, nâng cao, đẩy mạnh, tiếp tục phát huy, tăng cường hơn nữa, đẩy mạnh hơn nữa, quyết liệt, triệt để, kiên quyết, kiên trì, rất thành công, rất tốt đẹp, rất đoàn kết… Đây là những từ chỉ nên được dùng ở những văn bản đặc biệt, ở những sự kiện đặc biệt. Đồng thời, cần đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong các cơ quan, tổ chức của hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin