(LĐ online) - Chiều 11/1, Hội nghị tổng kết tình hình kinh tế - xã hội, thu ngân sách, đầu tư công toàn tỉnh năm 2023 và triển khai công tác năm 2024 tiếp tục làm việc nhằm đánh giá, thảo luận đề ra các giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội cũng như thực hiện kế hoạch đầu tư công và thu ngân sách nhà nước trong năm 2024.
Buổi chiều, hội nghị đã đánh giá, thảo luận đề ra các giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội cũng như thực hiện kế hoạch đầu tư công và thu ngân sách nhà nước trong năm 2024 |
Các đồng chí: Trần Đình Văn - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh; Võ Ngọc Hiệp - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị. Tham dự hội nghị trực tiếp và trực tuyến còn có lãnh đạo HĐND tỉnh, Ủy ban MTTQ, lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể và các địa phương trong toàn tỉnh.
Theo đánh giá của UBND tỉnh, năm 2023, là năm bản lề, có ý nghĩa quan trọng trong việc hiện thực hóa mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 06/10/2022 của Bộ Chính trị, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng lần thứ XI, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025. Được sự ủng hộ, giúp đỡ, hỗ trợ của Trung ương, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ban, ngành Trung ương; sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên, sát sao của Tỉnh ủy; sự phối hợp, đồng hành và giám sát của HĐND, Ủy ban MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội; Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh đã lãnh đạo UBND tỉnh chỉ đạo triển khai thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 một cách chủ động, linh hoạt, sáng tạo, hiệu quả, sát tình hình, có trọng tâm, trọng điểm và nỗ lực ứng phó kịp thời với những vấn đề phát sinh, được dư luận quan tâm. Qua đó, tình hình phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả nổi bật, hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch 14/18 chỉ tiêu kế hoạch.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ Lâm Đồng Trần Đình Văn phát biểu chỉ đạo tại hội nghị |
Kinh tế của tỉnh tiếp tục tăng so cùng kỳ (tăng 5,63% - cao hơn bình quân cả nước); sản xuất nông nghiệp phát triển ổn định; hoạt động công nghiệp, dịch vụ tăng khá so với cùng kỳ. Hoạt động du lịch tiếp tục tăng trưởng mạnh, tổ chức nhiều sự kiện nghệ thuật với quy mô, chất lượng đẳng cấp quốc tế, thu hút đông đảo khách du lịch đến Lâm Đồng, đặc biệt khách quốc tế tăng mạnh so cùng kỳ, tăng 167%.
Bên cạnh đó, công tác lập quy hoạch được chỉ đạo sát sao, kịp thời phê duyệt và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt một số quy hoạch trên địa bàn tỉnh gồm: quy hoạch tỉnh; quy hoạch sử dụng đất; quy hoạch đô thị, vùng huyện... góp phần tăng cường công tác quản lý đất đai, trật tự xây dựng, thu hút đầu tư, thu ngân sách để phát triển kinh tế - xã hội.
Lãnh đạo Công an Lâm Đồng báo cáo tình hình an ninh |
Các nhiệm vụ thuộc lĩnh vực văn hóa, xã hội tiếp tục được chú trọng; đầu tư cơ sở vật chất trường, lớp học và trang thiết bị dạy học theo hướng đạt chuẩn; đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên cơ bản đủ về số lượng, đáp ứng yêu cầu về chất lượng; tổ chức nhiều chương trình, lễ hội, hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể thao; thành phố Đà Lạt trở thành thành viên chính thức của Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO trong lĩnh vực Âm nhạc.
Thực hiện tốt chính sách người có công với cách mạng, đảm bảo an sinh xã hội; quan tâm phát triển nhà ở xã hội, công tác giảm nghèo, người đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, đối tượng yếu thế... Kiểm soát hiệu quả các dịch bệnh; đảm bảo đầy đủ thuốc men, vật tư y tế, sinh phẩm phục vụ công tác khám, chữa bệnh.
Công tác cải cách hành chính, chuyển đổi số được quan tâm thực hiện tốt; điểm số và thứ hạng về cải cách hành chính năm 2022 tăng đáng kể so với năm 2021 (đạt 86,72 điểm, xếp thứ 15/63 tỉnh, thành, tăng 14 bậc). Định kỳ hàng tháng, lãnh đạo UBND tỉnh tiếp doanh nghiệp, nhà đầu tư để kịp thời nắm bắt thông tin, giải quyết các khó khăn, vướng mắc liên quan...
Đặc biệt, quốc phòng, an ninh chính trị được đảm bảo; trật tự xã hội cơ bản ổn định. Công tác tiếp dân, giải quyết đơn thư; công tác thanh tra, kiểm tra, phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí được chú trọng thực hiện hiệu quả.
Đại diện các đơn vị cấp tỉnh dự hội nghị tại đầu cầu UBND tỉnh |
Tuy nhiên, đặt trong bối cảnh tình hình kinh tế gặp phải nhiều khó khăn, thách thức nên một số chỉ tiêu không đạt so với kế hoạch đề ra. Đó là mức tăng trưởng kinh tế, khu vực công nghiệp - xây dựng và dịch vụ mặc dù có tăng nhưng không đạt so với kế hoạch dẫn tới cơ cấu kinh tế của tỉnh không đạt theo như kế hoạch đề ra. Chỉ tiêu thu ngân sách đạt chỉ đạt 90,3% so với kế hoạch, tương đương 13.100,491 tỷ đồng.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Ngọc Phúc phát biểu tại hội nghị |
Đáng chú ý, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp so với kế hoạch. Theo báo cáo tại hội nghị, tổng kế hoạch đầu tư công năm 2023 và năm 2022 kéo dài sang năm 2023 là 7.208,269 tỷ đồng. Tính đến ngày 07/01/2024, số vốn giải ngân 4.785,7 tỷ đồng, đạt 66,4% kế hoạch, giảm 13,7% so với cùng kỳ. Trong đó, tổng kế hoạch vốn đầu tư năm 2023 đã được HĐND tỉnh giao là 6.589,326 tỷ đồng, số vốn giải ngân 4.223,3 tỷ đồng, đạt 64,1% kế hoạch, giảm 14,4% so với cùng kỳ.
Đồng chí Phạm Triều - Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Lâm Đồng phát biểu tại hội nghị |
Các địa phương có tỷ lệ giải ngân trên 95% bao gồm huyện Đơn Dương đạt 98,1%, thành phố Đà Lạt đạt 98,0% và Lạc Dương đạt 97,0%. Ba địa phương có tỷ lệ giải ngân thấp nhất đó là Bảo Lâm đạt 81,7%, Bảo Lộc đạt 78,9% và Lâm Hà đạt 56,9%.
Tương tự, tình hình giải ngân vốn của các sở ngành, đơn vị có tỷ lệ giải ngân trên 95% gồm: Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, Sở Giáo dục và Đào tạo, Công ty Cổ phần cấp thoát nước Lâm Đồng, Đoàn Kinh tế quốc phòng cùng đạt 100%, Đài Phát thanh – Truyền hình tỉnh đạt 99,9%, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh 98,7%, Bệnh viện Phục hồi chức năng 97,1%, Sở Kế hoạch và Đầu tư 96,1%, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đạt 95,4%. Trong khi đó, các sở ngành có tỷ lệ giải ngân thấp hơn bình quân toàn tỉnh bao gồm các đơn vị quản lý rừng đạt 23,1%, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đạt 20,2%, Bệnh viện II Lâm Đồng 51,0%, Tỉnh đoàn Lâm Đồng 60,5%, Văn phòng Tỉnh ủy 61,9% và Ban Quản lý dự án giao thông tỉnh đạt 62,1% kế hoạch.
Giám đốc Sở Y tế Lâm Đồng Nguyễn Đức Thuận phát biểu tại hội nghị |
Cũng theo báo cáo tại hội nghị, tổng kế hoạch đầu tư công năm 2024 là 6.940,487 tỷ đồng, trong đó nguồn ngân sách địa phương 5.158,913 tỷ đồng; nguồn ngân sách Trung ương 1.781,574 tỷ đồng và số vốn chưa phân bổ 15,631 tỷ đồng, chiếm 0,22% tổng kế hoạch vốn.
Riêng lĩnh vực thu ngân sách nhà nước, dự toán thu ngần sách nhà nước năm 2024 được Trung ương giao là 13.092 tỷ đồng, trong đó, thu thuế phí 7.207 tỷ đồng, thu tiền sử dụng đất 2.750 tỷ đồng, thu xổ số kiến thiết 1.890 tỷ đồng. Còn UBND tỉnh giao chỉ tiêu thu ngân sách là 14.150 tỷ đồng, trong đó thu thuế phí 8.000 tỷ đồng, thu tiền sử dụng đất 2.900 tỷ đồng, thu xổ số kiến thiết 1.900 tỷ đồng.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Hiệp phát biểu kết luận hội nghị |
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Trần Đình Văn cho rằng: Năm 2023 là năm bản lề thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI trong bối cảnh có nhiều khó khăn, thách thức; song với phương châm “Quyết liệt, đồng bộ, đột phá; kỷ cương, nêu gương, trách nhiệm”, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh quyết tâm cao trong lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện cùng với tinh thần tự lực, tự cường, ý chí, khát vọng vươn lên, nên tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị năm 2023 đạt nhiều kết quả tích cực.
Lãnh đạo các sở, ngành của tỉnh dự hội nghị |
Năm 2024, là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, với quyết tâm thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI. Tỉnh ủy xác định chủ đề năm là: “Trách nhiệm - Nêu gương - Kỷ cương - Hiệu quả”; phát huy những kết quả được, tinh thần tự lực, tự cường, không ngừng đổi mới, sáng tạo, quyết tâm phấn đấu hoàn thành cơ bản các chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra. Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Trần Đình Văn yêu cầu các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội thời gian tới tiếp tục bám sát chỉ đạo của Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực Tỉnh ủy cũng như bám sát các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp năm 2024 về phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh, xây dựng đảng, chính quyền; khắc phục mọi khó khăn, tập trung triển khai thực hiện nhiệm vụ với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, phấn đấu thực hiện tốt nhiệm vụ ngay từ những tháng đầu năm.
Qua đó, phấn đấu thực hiện thắng lợi nhiệm vụ năm 2024 theo Nghị quyết số 28-NQ/TU, ngày 06/12/2023 của Tỉnh ủy; Nghị quyết của HĐND tỉnh; Kế hoạch của UBND tỉnh phát trển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh, xây dựng chính quyền và Công văn số 3467-CV/TU, ngày 05/01/2024 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về khẩn trương, tập trung triển khai thực hiện nhiệm vụ năm 2024.
Để thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đầu tư công cũng như thu ngân sách nhà nước năm 2024, sau khi tiếp thu ý kiến của Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Hiệp lưu ý các sở, ban, ngành và địa phương việc hoàn thành các nhiệm vụ trong năm 2024 sẽ đặt nền tảng cho năm 2025 để thực hiện hoàn thành Nghị quyết Đảng bộ tỉnh. Đồng thời chỉ đạo các sở, ban, ngành và đia phương cần thực hiện đồng bộ các giải pháp hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2024 mà Tỉnh ủy, HĐND giao, đặc biệt thực hiện tốt công tác thu ngân sách, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin