Vững vàng biển đảo quê hương (Bài 1)

Ký sự: VĂN VIỆT 10:55, 30/01/2024

(LĐ online) - Vùng biển Tây Nam của Tổ quốc có diện tích khoảng 150.000 km2 (Kiên Giang 63.000 km2, Cà Mau 87.000 km2). Trên mặt biển có hơn 150 đảo, trong đó 46 đảo có người sinh sống thuộc 5 quần đảo An Thới, Hải Tặc, Bà Lụa, Nam Du, Thổ Chu. Chiều dài bờ biển khoảng 450 km, tính từ cửa sông Gành Hào, Bạc Liêu tới Hà Tiên, Kiên Giang. Đây là vùng biển có vị trí địa kinh tế, địa chính trị rất thuận lợi cho dân cư sinh sống, phát triển kinh tế xã hội, nhất là ngành du lịch, dịch vụ, đánh bắt và nuôi trồng thủy, hải sản; xây dựng thế trận an ninh nhân dân trên biển, kết hợp kinh tế với quốc phòng - an ninh.

THỔ CHU VỚI HAI MÙA GIÓ TÂY NAM VÀ ĐÔNG BẮC

Trong chuyến hải trình ngày đầu tiên của Bộ Tư lệnh Vùng 5 Hải quân và đại diện các tỉnh, thành phía Nam cùng doanh nghiệp thăm, chúc Tết Giáp Thìn năm 2024 cán bộ, chiến sĩ Trạm Ra đa 610 thuộc Trung đoàn 551, đảo Thổ Chu, phóng viên lên độ cao 164m ngắm mặt biển xanh xa tít chân trời”. Đây thời điểm gió mùa Đông Bắc, cán bộ, chiến sĩ Trạm Ra đa 610 và các lực lượng biên phòng, Quân khu 9, cảnh sát biển với từng giờ, từng phút làm nhiệm vụ bảo vệ vững chắc biên cương Tổ quốc. Và người dân xã đảo Thổ Châu kết hợp thương mại dịch vụ, hậu cần nghề cá, không ngừng nâng cao đời sống thu nhập, phát triển kinh tế - xã hội vững vàng ở địa phương.

Đảo Thổ Chu đang phát huy tiềm năng nuôi trồng, khai thác thủy sản và dịch vụ du lịch

XÃ ĐẢO THỔ CHÂU ĐẠT 100% CÁC CHỈ TIÊU KẾ HOẠCH

Đại úy Trần Hữu Toán - Chính trị viên Trạm Ra đa 610 đảo Thổ Chu bày tỏ lòng biết ơn sự quan tâm động viên của hậu phương đối với cán bộ, chiến sĩ của Trạm trong những ngày Tết đến, Xuân về. Từ nơi tiền tiêu, cán bộ, chiến sĩ Trạm Ra đa 610 vui xuân với nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu cao, quán triệt tinh thần tuyệt đối chấp hành mệnh lệnh cấp trên, vững vàng tay súng bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc, giúp Nhân dân đón Tết bình yên gắn với với tuyên truyền, hướng dẫn đánh bắt cá trong vùng ngư trường hợp pháp và đạt hiệu quả cao nhất trong mùa gió Đông Bắc này.

Chiến sĩ trẻ - Hạ sĩ Lê Minh Trí tâm sự: ”Trong mùa gió Đông Bắc năm 2024, lần đầu tiên ăn tết xa nhà, nhớ gia đình, bạn bè, người thân. Nhờ chỉ huy đơn vị, đồng đội động viên chia sẻ, tôi an tâm tư tưởng công tác, quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ được giao. Nhờ hậu phương nhắn ba mẹ đừng lo lắng, hãy giữ gìn sức khỏe, Tết này ở đơn vị con rất vui và đủ đầy... ”.

Đoàn Công tác Bộ Tư lệnh Vùng 5 Hải quân và các tỉnh, thành phía Nam tưởng niệm trước đền thờ Bác Hồ trên đảo Thổ Chu

Tiếp xúc với phóng viên giữa bốn bề sóng nước biển, anh Nguyễn Thanh Nhiệm - Phó Chủ tịch UBND xã Thổ Châu nói rằng, hàng năm mùa gió Đông Bắc kéo dài từ tháng 9 đến tháng 4, người dân địa phương phát triển thương mại dịch vụ phục vụ ngư dân các tàu thuyền đánh bắt hải sản đến từ các khu vực trong và ngoài tỉnh Kiên Giang. Trong đó có các sản phẩm đặc sản chế biến như mực khô, cá nhồng khô, các bớp khô... Và mùa gió Tây Nam kéo dài từ tháng 5 đến tháng 8, người dân tập trung kinh doanh các mặt hàng nông sản, tạp hóa tổng hợp. Cả hai mùa gió Tây Nam và Đông Bắc, người dân xã đảo Thổ Châu đều dong thuyền ra ngư trường đánh bắt cá. Ở vùng gần bờ, bà con câu mực trên các rạn san hô; vùng xa bờ thì giăng lưới, chong đèn đánh bắt cá thu, cá mú...

“Nhân dân trên đảo Thổ Chu sinh sống hàng năm chuyển bãi theo gió mùa Đông Bắc từ tháng 9 đến tháng 4 (âm lịch), người dân tập trung sinh sống ở Bãi Ngự; gió mùa Tây Nam từ tháng 5 đến tháng 8 (âm lịch), người dân buôn bán tập trung sinh sống ở Bãi Dong. Ngành nghề chủ yếu của người dân trên đảo là: sản xuất, kinh doanh phục vụ hậu cần nghề cá; sơ chế mực, cá cơm khô; đánh bắt hải sản xung quanh đảo, nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi và trồng trọt…”, Phó Chủ tịch xã Nguyễn Thanh Nhiệm nói thêm.

Kết quả trong năm 2023, toàn xã Thổ Châu đạt 100% các chỉ tiêu kế hoạch như: tổng mức bán lẻ hàng hóa khoảng 40 tỷ đồng; bình quân thu nhập 33 triệu đồng/người/năm; chế biến, bảo quản thủy sản các loại như mực, cá cơm, khô 850 tấn; khai thác hải sản 100 tấn; 24 hộ nuôi cá bớp lồng bè, sản lượng khoảng 50 tấn; sản lượng rau, màu, cây ăn trái sản xuất trên địa bàn xã khoảng 18 tấn; chăn nuôi gia súc, gia cầm 50 tấn. Toàn xã hiện có 78 chiếc tàu (có tàu chiều dài từ 6m đến dưới 12m), chủ yếu khai thác đánh bắt xung quanh đảo như câu cá thu, câu rạn, câu mực…

Rừng phủ xanh đảo Thổ Chu

GIỮ VỮNG THẾ TRẬN QUỐC PHÒNG - AN NINH

Gắn phát triển kinh tế với bảo đảm quốc phòng - an ninh, toàn xã Thổ Châu trong năm 2023 “cơ bản được giữ vững thế trận an ninh quốc phòng, chế độ trực ban sẵn sàng chiến đấu được Ban Chỉ huy Quân sự xã thực hiện đầy đủ theo kế hoạch đề ra. Duy trì nền nếp họp giao ban, trao đổi thông tin, tình hình an ninh trật tự, phối hợp chặt chẽ với các lực lượng vũ trang đứng chân trên địa bàn tổ chức gần 40 đợt tuần tra, kiểm soát bảo vệ vùng biển, đảo với 275 dân quân tự vệ tham gia…”. Mục tiêu trong năm 2024 của xã đảo Thổ Châu tiếp tục nắm bắt thời cơ, khai thác tiềm năng, lợi thế, huy động các nguồn lực, khuyến khích đầu tư phát triển dịch vụ - thương mại trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời tăng cường củng cố thế trận quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh Nhân dân trên địa bàn. Bảo đảm giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, tăng cường mối đoàn kết với các đơn vị đứng chân trên địa bàn, bảo đảm quốc phòng - an ninh…

Trạm Hải đăng Thổ Chu nằm trên độ cao 164m so với mặt biển

Theo Bộ Tư lệnh Vùng 5 Hải quân, Đảo Thổ Chu hiện nay là đơn vị hành chính thuộc xã Thổ Châu, TP Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang. Là hòn đảo tiền tiêu phía Tây Nam của Tổ quốc, đảo Thổ Chu có diện tích khoảng 14 km2, cách đảo Phú Quốc khoảng hơn 100 km về phía Tây Nam, cách đất liền hơn 220km về phía Đông. Điểm cao nhất của đảo so với mực nước biển là 164m, là đảo lớn nhất trong 8 hòn đảo thuộc quần đảo Thổ Chu. Trong số này, Hòn Nhạn là một đảo nhỏ, có diện tích 2.000m2 với điểm cao nhất là 40m so với mặt nước biển, đây chính là điểm A1 trên đường cơ sở của Việt Nam.

“Thổ Chu là đảo có điều kiện tự nhiên thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng thế trận quốc phòng - an ninh. Năm 1993, tỉnh Kiên Giang đưa 17 hộ dân đầu tiên ra đảo. Đến nay, xã đảo đã có hơn 500 hộ dân với gần 1.900 nhân khẩu, sinh sống chủ yếu bằng nghề nuôi trồng, khai thác thủy sản và dịch vụ du lịch. Bên cạnh cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành đoàn thể của xã Thổ Châu, trên đảo có các lực lượng đứng chân như: Trạm ra đa 610 thuộc Trung đoàn 551, Vùng 5 Hải quân; Trạm Hải đăng thuộc Bộ Giao thông vận tải, Đài Khí tượng thủy văn thuộc Bộ Tài nguyên - Môi trường, Trung đoàn 152, Quân khu 9, Đồn Biên phòng Thổ Châu thuộc Bộ đội Biên phòng tỉnh Kiên Giang; Lữ đoàn 25 CB, Quân khu 9; Trạm Cảnh sát biển thuộc Vùng Cảnh sát biển 4 đang thực hiện nhiệm vụ quốc phòng - an ninh, bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc...”, theo Bộ Tư lệnh Vùng 5, Hải quân.

(CÒN NỮA)