Bến K15 - Nơi khởi nguồn con đường huyền thoại

KIỀU NINH 11:47, 04/02/2024

(LĐ online) - Đến với thành phố Hải Phòng, chúng tôi được tham quan, nghiên cứu thực tế các di tích lịch sử văn hóa nổi tiếng, trong đó phải nhắc đến Di tích lịch sử Bến tàu không số K15, nơi xuất phát của những con tàu không số, làm nhiệm vụ bí mật, chở vũ khí chi viện cho chiến trường miền Nam trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, làm nên con đường huyền thoại mang tên “Đường Hồ Chí Minh trên biển”.

Đoàn công tác của ngành Tuyên giáo cả nước dâng hương tại khu Di tích lịch sử Bến K15
Đoàn công tác của ngành Tuyên giáo cả nước dâng hương tại khu Di tích lịch sử Bến K15

Bến tàu không số hay còn gọi là Bến K15. Tên gọi Bến K15, “K” là ký hiệu quân sự chỉ cảng, “15” là số hiệu lấy từ số của Nghị quyết Trung ương Đảng về đường lối và phương pháp cách mạng miền Nam tại Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 15. Để vận chuyển hàng chi viện cho miền Nam, chủ yếu là vũ khí, nhằm hiện thực hóa phương pháp đấu tranh quân sự, đấu tranh vũ trang theo tinh thần Nghị quyết 15-NQ/TW của Đảng Cộng sản Việt Nam, tên gọi Bến K15 đã ra đời để chỉ bến tàu của “Đoàn tàu không số” tại chân đồi Nghinh Phong, phường Vạn Hương, quận Đồ Sơn, thành phố Hải Phòng.

Năm 1959, thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị đã chỉ đạo thành lập 2 tuyến đường vận tải chiến lược nhằm chi viện sức người, sức của cho chiến trường miền Nam. Đó chính là con đường vận tải xuyên Trường Sơn và con đường chiến lược vận tải xuyên biển Đông. Cả 2 con đường độc đáo và sáng tạo này đều mang tên đường Hồ Chí Minh. Đến tháng 10/1961, Bộ Quốc phòng ra nghị quyết thành lập Đoàn 759 vận tải đường biển với nhiệm vụ ban đầu được giao là mua sắm phương tiện, tiến hành vận chuyển tiếp tế các loại hàng cho chiến trường miền Nam bằng đường biển. Để thực hiện chủ trương đó, hàng loạt công tác chuẩn bị đã được bí mật tiến hành. Xưởng đóng tàu 1 Hải Phòng được giao nhiệm vụ bí mật đóng tàu, bộ đội quân khí được giao nhiệm vụ bí mật đóng gói các súng đạn để sao cho những bao gói ấy không có dấu vết gì chứng tỏ là từng được tiến hành ở miền Bắc Việt Nam.

Nhằm giữ bí mật, bảo đảm an toàn tuyệt đối cho công tác vận chuyển, việc chọn địa điểm trú đậu, nhận hàng và xuất phát của các con tàu không số được đặc biệt chú trọng.  Khi đó, khu vực Nam bán đảo Đồ Sơn, dưới chân núi Vạn Hoa với tên gọi “Thung lũng xanh” có vị trí đảm bảo theo đúng yêu cầu đã được chọn. Đúng 22 giờ đêm ngày 11/10/1962 con tàu gỗ đầu tiên chở 30 tấn vũ khí đã bí mật xuất phát tại bến Vạn Sép, Đồ Sơn lên đường. Trên tàu có 13 đồng chí thủy thủ đều là các chiến sĩ miền Nam ra Bắc tập kết do đồng chí Lê Văn Một làm thuyền trưởng, đồng chí Bông Văn Dĩa làm chính trị viên. Khi ra tiễn anh em tại chân cầu cảng, bác Phạm Văn Đồng có dặn rằng: “Các chú được Đảng giao cho nhiệm vụ hết sức quan trọng, đó là chuyển dòng máu nóng từ trái tim miền Bắc về với cơ thể miền Nam, các chú cố gắng hoàn thành nhiệm vụ của mình cho thật tốt”. Với ý nghĩa sâu sắc và lớn lao như vậy, cho nên con tàu số 01 đi chuyến đầu tiên này được đặt tên tàu “Phương Đông 1”. Sau 5 ngày lênh đênh trên biển, phải chịu sóng to gió lớn, tàu Phương Đông 1 đã khôn khéo lách qua hệ thống hàng rào phong tỏa gắt gao của địch, vào cửa Bồ Đề (Cà Mau) và cập bến Vàm Lũng an toàn.  Chuyến vận chuyển vũ khí đầu tiên bằng đường biển chi viện cho chiến trường miền Nam thành công đã khai thông con đường vận tải chiến lược trên Biển Đông.

Đến tháng 4/1963, lực lượng công binh đã xây dựng cầu tàu K15 - cột mốc số 0 của đường Hồ Chí Minh trên biển. Từ bến K15 đã có 168 lượt tàu không số xuất phát, vận chuyển hơn 150.000 tấn vũ khí, trang thiết bị và đưa hàng chục ngàn lượt cán bộ từ miền Bắc vào chi viện kịp thời cho chiến trường miền Nam. Trong các chuyến tàu “đặc biệt” ấy, tất cả những ai đặt chân lên con tàu không số đều phải nghiêm chỉnh chấp hành các biện pháp, hình thức “kỷ luật sắt”. Để đảm bảo tuyệt mật, các chiến sĩ khi được giao nhiệm vụ chỉ được biết là cử đi tham gia công tác đột xuất và phải thực hiện lệnh “cấm trại” đặc biệt của chỉ huy tại các tàu, các bến cho đến ngày chiến tranh kết thúc. Với họ, mỗi lần nhận nhiệm vụ chở hàng thực sự là một lần “vào sinh ra tử”. Các tàu không số phải luồn lách, ngụy trang để đi qua nhiều vùng kiểm soát của địch, luôn phải đặt trong nguy cơ bị phát hiện, phải chiến đấu, hy sinh. Trên mỗi con tàu luôn chuẩn bị sẵn một khối thuốc nổ, nếu bị phát hiện và không thể chạy thoát, chỉ huy tàu nhất quyết phải đánh thuốc nổ để phá tàu nhằm không để vũ khí rơi vào tay kẻ địch, đồng thời phá hết dấu vết, không để lộ bí mật.

Đoàn công tác dâng hương tại khu Di tích lịch sử Bến K15
Đoàn công tác dâng hương tại khu Di tích lịch sử Bến K15

Trong suốt 14 năm (1961-1975), cán bộ, chiến sĩ “Đoàn tàu không số” đã lập nên những kỳ tích anh hùng trong hoàn cảnh hết sức khó khăn, ác liệt. Các đơn vị vận tải quân sự trên tuyến đường biển mang tên Hồ Chí Minh đã khắc phục mọi khó khăn, gian khổ, hi sinh, vượt qua sự kiểm soát gắt gao, phong tỏa, đánh phá ác liệt của địch, tổ chức hàng trăm lượt tàu ra khơi, về đích; hàng trăm tấn vũ khí, đạn dược, trang bị kỹ thuật, khí tài quân sự, hàng hóa, thuốc chữa bệnh… Đã có hàng trăm nghìn cán bộ, chiến sĩ từ hậu phương lớn được đưa vào tiền tuyến, đáp ứng kịp thời sức người, sức của cho chiến trường miền Nam trong những năm tháng ác liệt của chiến tranh.

Con đường vận tải chi viện chiến lược trên biển đã cùng quân và dân cả nước đánh bại các chiến lược “Chiến tranh đặc biệt”, “Chiến tranh cục bộ”, “Việt Nam hóa chiến tranh” của đế quốc Mỹ và làm nên thắng lợi của chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Mỗi chuyến đi là một cuộc đấu trí căng thẳng, quyết liệt với kẻ thù, với thiên nhiên, với sóng gió, với mọi khó khăn thử thách, sẵn sàng hy sinh tính mạng, sẵn sàng điểm hỏa khối thuốc nổ được bố trí sẵn để huy tàu, hủy hàng, bảo vệ bí mật con đường, con tàu và bến bãi... Trong các trận chiến ấy, nhiều người con ưu tú của Tổ quốc đã anh dũng hy sinh vĩnh viễn ở lại với con đường biển, nằm lại dưới biển sâu, hóa thân thành sóng nước.

 Có thể nói, nhờ đoàn kết tốt, kỷ luật nghiêm, xây dựng và phát huy mối quan hệ máu thịt với Nhân dân, các đơn vị, cán bộ, chiến sĩ lực lượng vận chuyển chi viện trên con đường biển được cấp ủy, chính quyền và Nhân dân các địa phương, đặc biệt là nơi các đơn vị đóng quân, tại các bến bãi giao nhận hàng và bà con ngư dân làm ăn trên các vùng cửa biển yêu thương, quý mến, ủng hộ, giúp đỡ, đùm bọc, cưu mang cả trong lúc bình thường cũng như lúc nguy cấp, bảo vệ được bí mật đơn vị và nhiệm vụ. Do đó, khi có được “bến đậu” trong lòng dân vững chắc, cán bộ, chiến sĩ “Đoàn tàu không số” đã tạo nên thành công của con đường biển nối liền miền Bắc với chiến trường miền Nam, góp phần vào những chiến công vang dội của quân và dân miền Nam.  Tất cả những yếu tố đó đã tạo nên sức mạnh tổng hợp to lớn, làm nên huyền thoại của Đường Hồ Chí Minh trên biển.

Chia tay khu Di tích lịch sử Bến tàu không số K15, mỗi người đều cảm thấy tự hào về tinh thần đoàn kết, ý chí kiên cường, sự hy sinh vì Tổ quốc của những người lính trên Đoàn tàu không số năm xưa. Bến K15 là một trong những “địa chỉ đỏ” để giáo dục truyền thống yêu nước, tinh thần bất khuất kiên trung của cả một dân tộc anh hùng cho các thế hệ hôm nay và mai sau.