(LĐ online) - Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân khẳng định bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có ý nghĩa sâu sắc, được tổng kết không chỉ từ những cột mốc lịch sử quan trọng, mà còn được đúc rút ở tầm cao của tư duy lý luận. Bài viết như “kim chỉ nam” cho những công việc của Đảng, Nhà nước, cả hệ thống chính trị từ nay đến năm 2030 - kỉ niệm 100 năm thành lập Đảng.
Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân |
Nhân kỷ niệm 94 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930-3/2/2024), Giáo sư, Tiến sĩ, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có bài viết "Tự hào và tin tưởng dưới lá cờ vẻ vang của Đảng, quyết tâm xây dựng một nước Việt Nam ngày càng giàu mạnh, văn minh, văn hiến và anh hùng".
-Phóng viên: Xin ông cho biết những nội dung cốt lõi, những tư tưởng, quan điểm, chỉ đạo, định hướng lớn trong bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng?.
Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân: Đây là bài viết rất công phu, toàn diện, súc tích, tổng kết đầy đủ, rõ ràng nhất về lịch sử Đảng, từ quá trình hình thành, phát triển và những thành tựu đạt được trong vai trò là lực lượng lãnh đạo cách mạng Việt Nam gần 100 năm qua. Trên cơ sở tổng kết thực tiễn cách mạng Việt Nam từ khi có Đảng đến nay, bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã rút ra những bài học sâu sắc, những phương thức lãnh đạo tiến bộ, lề lối làm việc khoa học và xác định những nhiệm vụ trọng tâm từ nay đến năm 2025 và đến 2030.
Nội dung chính trong bài viết của Tổng Bí thư được kết cấu ba phần rất mạch lạc, rành rọt. Phần thứ nhất đánh giá lại về mặt lịch sử, đó là quá trình ra đời và trưởng thành nhanh chóng của Đảng với sứ mệnh lãnh đạo Nhân dân ta đấu tranh giành độc lập dân tộc và thống nhất đất giang sơn. Ở đây, Tổng Bí thư đã đưa ra ba mốc thời gian. Mốc thời gian thứ nhất từ 1930 đến 1945, là quá trình ra đời của Đảng và những thành tựu vượt bậc của một Đảng non trẻ chỉ trong 15 năm đã lãnh đạo Nhân dân giành được chính quyền. Mốc thời gian thứ hai từ 1946 đến 1954, là ngay sau khi giành được chính quyền về tay Nhân dân, thì đất nước đối mặt với muôn vàn khó khăn, thách thức, với thù trong giặc ngoài, “giặc đói”, “giặc dốt”, như tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”. Nhưng, Đảng đã lãnh đạo toàn dân kháng chiến trường kỳ để đánh đuổi đế quốc, thực dân, lập lại hòa bình ở miền Bắc. Mốc thời gian thứ ba từ năm 1955 đến 1975, là thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Có thể nói, ở phần thứ nhất của bài viết, tuy rất ngắn gọn, nhưng đã tổng kết lại toàn bộ lịch sử Đảng, từ khi mới thành lập cho đến khi hoàn thành được sứ mệnh thống nhất đất nước, với rất nhiều chông gai, gian nan, thách thức. Dưới sự lãnh đạo của Đảng quang vinh và Bác Hồ vĩ đại, Nhân dân Việt Nam anh hùng đã viết nên trang sử vẻ vang, chói lọi của nền độc lập, tự chủ nước nhà.
Phần thứ hai của bài viết, Tổng Bí thư đã tổng kết, đánh giá toàn diện quá trình xây dựng đất nước khi giang sơn đã thu về một mối, với hai mốc thời gian. Mốc thời thứ nhất từ năm 1976 đến năm 1985 là giai đoạn khắc phục hậu quả chiến tranh, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc và tiếp tục xây dựng chủ nghĩa xã hội. Mốc thời gian tiếp theo đó là giai đoạn từ 1986 đến nay. Đây là giai đoạn Đảng tiến hành công cuộc đổi mới, mà trước hết là đổi mới tư duy trên mọi lĩnh vực của đời sống chính trị, kinh tế, xã hội của đất nước. Nhờ đó, mà ngày nay đất nước ta có được cơ đồ, tiềm lực và vị thế lớn mạnh hơn trước đây, đặc biệt là việc mở rộng quan hệ đối ngoại và tích cực hội nhập sâu rộng vào các quan hệ quốc tế.
Ở phần này, trê cơ sở phân tích hai dấu mốc thời gian từ năm 1976-1985 và từ 1985 đến nay, Tổng Bí thư rút ra 5 truyền thống quý báu của Đảng trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam.
Thứ nhất, đó là trung thành vô hạn với lợi ích của dân tộc và giai cấp. Truyền thống thứ hai là nắm vững, vận dụng sáng tạo học thuyết của chủ nghĩa Mác-Lênin, kinh nghiệm quốc tế vào hoàn cảnh cụ thể và thực tiễn của Việt Nam. Truyền thống thứ ba đó là mối quan hệ gắn bó máu thịt giữa Đảng với Nhân dân, lấy việc phục vụ Nhân dân làm lẽ sống và mục tiêu phấn đấu. Truyền thống thứ tư đó là sự đoàn kết trong nội bộ Đảng và giữ gìn kỷ luật, kỷ cương, tinh thần tự phê bình, làm trong sạch cơ thể chính trị của một Đảng cầm quyền. Truyền thống thứ năm là sự đoàn kết thủy chung, trong sáng trong quan hệ quốc tế, dựa trên những nguyên tắc và mục tiêu cao cả, vì hoà bình, tiến bộ của nhân loại.
Khi tổng kết phần thứ hai trong bài viết, Tổng Bí thư đã khẳng định: "Đảng ta thật là vĩ đại! Nhân dân ta thật là anh hùng! Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay".
Phần thứ ba trong bài viết là phần mà Tổng Bí thư dành tâm huyết nhất. Trên cơ sở tổng kết súc tích cương lĩnh, đường lối của Đảng và tóm lược cô đọng những quan điểm nhất quán của Đảng ta từ trước đến nay, Tổng Bí thư nói về 5 bài học quan trọng trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo toàn bộ hệ thống chính trị, từ công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; xây dựng Nhà nước pháp quyền, xây dựng các tổ chức chính trị, tư tưởng lấy dân làm gốc; trong lãnh đạo, điều hành, tổ chức thực hiện; đặc biệt là nỗ lực, quyết tâm cao, năng động, sáng tạo; ưu tiên đồng bộ về phát triển chính sách và thể chế, lợi ích hài hòa và sự kiên định; dự báo, nắm bắt thời cơ, không chủ quan, không tư mãn với thành quả đạt được… tất cả đều là những bài học đắt giá, rất sâu sắc, có giá trị lâu dài.
Trên cơ sở 5 bài học đó, Tổng Bí thư đã chỉ ra 5 phương diện để tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, phong cách, lề lối làm việc của Đảng - nói rộng ra là cả hệ thống chính trị, cả bộ máy chính quyền, tất cả các tổ chức đảng cơ sở Đảng và cả cán bộ, đảng viên.
Thứ nhất, phải luôn luôn nắm vững, nghiêm túc chấp hành Cương lĩnh, Điều lệ Đảng, các văn kiện chứa đựng đường lối, chính sách của Đảng. Thứ hai, phải bám vào chương trình làm việc của Ban chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư - nói rộng ra là của cấp ủy Đảng và hệ thống chính trị các cấp. Phương diện thứ ba, là tập trung ưu tiên vào công tác xây dựng, ban hành đường lối, chủ trương, thể chế, chính sách, pháp luật, bảo đảm đồng bộ, trong đó phải chú ý đổi mới, nâng cao chất lượng công tác triển khai các văn bản lãnh đạo và văn bản quản lý. Phương diện thứ tư là phải luôn đề cao trách nhiệm của tập thể và từng cá nhân trong tập thể. Trong bài viết, Tổng Bí thư nói là “Bộ Chính trị, Ban Bí thư và từng đồng chí trong Bộ Chính trị, Ban Bí thư” chấp hành nghiêm túc các quy định, quy chế công tác. Suy rộng ra là các đồng chí trong cấp ủy, trong ban thường vụ các cấp cũng phải tuân thủ theo phương thức này. Phương diện thứ năm, đó là phải xác định trách nhiệm của từng thành viên trong cơ quan lãnh đạo, cụ thể như Tổng Bí thư chỉ ra đó là từng Ủy viên Bộ Chính trị, từng thành viên Ban Bí thư, từng Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương phải nêu gương, rèn luyện đạo đức cách mạng, tự soi, tự sửa thưởng xuyên.
Trên cơ sở 5 phương diện đã nêu, Tổng Bí thư chỉ ra 5 nhiệm vụ trọng tâm về phát triển kinh tế, phát triển văn hóa xã hội, về quốc phòng, an ninh, đối ngoại, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị và cuối cùng đó là công tác chuẩn bị cho Đại hội Đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.
Có thể khẳng định, đây bài viết rất công phu, rất toàn diện, thể hiện năng lực tư duy xuất chúng và tầm nhìn xa của người đứng đầu hệ thống chính trị nước ta hiện nay. Toàn bộ đường lối chiến lược, sách lược của Đảng đã được gói gọn trong bài viết này, có giá trị như “kim chỉ nam” trong quá trình phát triển tư duy và hoạt động thực tiễn. Bài viết của Tổng Bí thư đã làm rõ nhiều quan điểm chủ đạo của Đảng ta từ nay đến năm 2030, tiến tới kỉ niệm 100 năm thành lập Đảng.
- Vậy cán bộ, đảng viên cần nghiên cứu, quán triệt, học tập bài viết này như thế nào, để như cuối bài, Tổng Bí thư, đã nêu: “Toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta quyết tâm xây dựng một nước Việt Nam ngày càng giàu mạnh, văn minh, văn hiến và anh hùng theo định hướng xã hội chủ nghĩa”?.
Ngày 1/2, trong khi chủ trì phiên họp Chính phủ tháng 1/2024. Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đề nghị cần tiếp tục nghiên cứu, quán triệt bài viết rất quan trọng này của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về Đảng Cộng sản Việt Nam, qua đó nêu cao tinh thần yêu nước, phát huy hơn nữa trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, của mỗi người dân. Đây là một đề nghị rất xác đáng.
Bài viết của Tổng Bí thư có ý nghĩa sâu sắc, được tổng kết không chỉ từ những cột mốc lịch sử quan trọng, mà còn được đúc rút ở tầm cao của tư duy lý luận, được kiểm nghiệm, thực chứng bằng thực tiễn sinh động của cách mạng Việt Nam. Bởi vậy, đây là một tác phẩm rất có giá trị, cần thiết phải được quán triệt đến từng cơ sở Đảng và tới từng đảng viên.
Đặc biệt, trong quá trình quán triệt, phổ biến, cần phải lưu ý đến những nội dung ở phần sau trong bài viết của Tổng Bí thư. Tôi muốn nhắc lại là, Tổng Bí thư chọn con số 5 ấy để cho dễ nhớ. Đó là 5 bài học sâu sắc từ thực tiễn, 5 phương diện bao trùm trong đổi mới phương thức lãnh đạo và 5 nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới. Như vậy rất là dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thấm vào nhận thức, để biến thành hành động cụ thể.
Vấn đề là cần có cách thức để truyền đạt sao cho cán bộ, đảng viên dễ nhớ, dễ làm, thực hiện tốt được những điều Tổng Bí thư đã chỉ ra trong bài viết nay, từ đó, thống nhất trong tư duy và hành động của cả hệ thống chính trị nói chung và trong từng cơ sở Đảng, cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị xã hội và từng cán bộ, đảng viên nói riêng.
- Đối với mỗi cán bộ, đảng viên, cần phải học tập, quán triệt bài viết của Tổng Bí thư với tâm thế như thế nào để cho hiệu quả và tránh hình thức?
Tôi nghĩ rằng mỗi cán bộ, đảng viên trước hết phải đọc bài viết này của Tổng Bí thư - một bài viết rất sâu sắc, tổng kết cả lịch sử Đảng và từ đó rút ra được những mốc son trong quá trình lãnh đạo cách mạng, những bài học sâu sắc, rồi những phương diện cần phải đổi mới và những nhiệm vụ trọng tâm cần phải làm. Bài viết về toàn bộ lịch sử Đảng trong gần 100 năm mà chỉ hơn 13.000 từ là không dài, nhưng lại vừa dễ nhớ, vừa dễ tiếp cận, lời văn cũng dung dị, mộc mạc mà thực chất là tóm lược lại một cách cô đọng, súc tích toàn bộ đường lối, chủ trương, phương thức lãnh đạo của Đảng từ trước đến nay. Đặc biệt, trong bài viết này, Tổng Bí thư đã viện dẫn và làm rõ hơn những bài học sâu sắc mà Hội nghị giữa nhiệm kỳ khoá XIII đã tổng kết.
Tôi cho rằng có mấy giá trị trong việc quán triệt và học tập bài viết của Tổng Bí thư. Thứ nhất, là giúp mỗi cán bộ, đảng viên hiểu sâu hơn về lịch sử Đảng, lịch sử cách mạng Việt Nam và truyền thống anh hùng, bất khuất của Nhân dân ta. Thứ hai là, giúp mỗi cán bộ, đảnh viên hiểu rõ một cách bản chất toàn bộ quá trình phát triển lịch sử hiện đại của đất nước, đặc biệt là vai trò lãnh đạo của Đảng và sức mạnh vĩ đại của các tầng lớp nhân dân, đã làm nên lịch sử vẻ vang của dân tộc ta. Thứ ba, đó là, cách tiếp cận về phương pháp luận, cách thức tổng kết thực tiễn, tổng kết lý luận, lý giải việc tại sao chúng ta phải đi trên con đường quá độ…. để chúng ta có cái cách nhìn khách quan, toàn diện hơn, không chỉ là thẩm thấu được những quan điểm chủ đạo của Đảng, mà còn hiểu rõ được thực trạng hiện nay để chúng ta tự tin tiếp tiếp tục đi những chặng đường tiếp theo.
Việc quán triệt phải làm sao để từng cán bộ, đảng viên, các tổ chức cơ sở Đảng hiểu được hơn những nhiệm vụ trọng tâm, thể hiện rõ được sự đổi mới về phương thức hoạt động, thấy được trách nhiệm của mình, từ đó lan tỏa ra cả hệ thống chính trị, từ đó tạo thành hiệu ứng tích cục dẫn dắt xã hội, tạo được niềm tin, sự đồng lòng của nhân dân, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chiến lược mà Đại hội Đảng XIII đã đề ra.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin