Việt Nam chưa bao giờ lãng quên cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc năm 1979

KỲ VIÊN 17:36, 20/02/2024

(LĐ online) - Ngược dòng lịch sử để thấy: Đất nước ta vừa ra khỏi cuộc chiến tranh 30 năm chống lại sự can thiệp của đế quốc Mỹ, thống nhất đất nước (30/4/1975), tiếp theo là cuộc chiến đấu giải phóng biên giới Tây Nam và giúp nước bạn Campuchia thoát khỏi chế độ diệt chủng (7/1/1979), thì một lần nữa quân và dân cả nước ta lại phải tiếp tục can trường bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Đó là cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc diễn ra cách đây 45 năm (17/2/1979).

 Dưới chiêu bài “Phản kích tự vệ”, rạng sáng ngày 17/2/1979, quân Trung Quốc sử dụng pháo binh bắn phá một số mục tiêu trong lãnh thổ của nước ta, sau đó huy động lực lượng lớn (hơn 600 nghìn quân) tiến công sang lãnh thổ của Việt Nam. Hướng tiến công chủ yếu là Lạng Sơn và Cao Bằng; hướng quan trọng là Lào Cai (Hoàng Liên Sơn); hướng phối hợp là Phong Thổ (Lai Châu); hướng nghi binh, thu hút lực lượng là Quảng Ninh và Hà Tuyên.

 Trước cuộc tiến công quy mô lớn của Trung Quốc, ngày 17/2/1979, Chính phủ Việt Nam ra tuyên bố nêu rõ: Nhà cầm quyền Trung Quốc đã đi ngược lại lợi ích của Nhân dân, phá hoại nghiêm trọng tình đoàn kết hữu nghị truyền thống giữa Nhân dân hai nước, đồng thời khẳng định: “Quân và dân Việt Nam không có con đường nào khác phải dùng quyền tự vệ chính đáng của mình để đánh trả”. Với tinh thần “khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”, một lần nữa, quân và dân cả nước ta, đặc biệt là các tỉnh biên giới phía Bắc lại đứng lên đánh đuổi quân thù xâm lược ra khỏi bờ cõi.

Do không đạt được mục đích đề ra, bị quân và dân các tỉnh biên giới của Việt Nam giáng trả mạnh mẽ, bị tổn thất nặng nề, đồng thời bị dư luận tiến bộ trên thế giới và trong nước lên án mạnh mẽ; ngày 05/3/1979, Trung Quốc buộc phải tuyên bố rút quân trên tất cả các hướng. Từ ngày 06/3/1979, phía Trung Quốc vừa rút quân, vừa đánh phá, gây nhiều thiệt hại về người và của đối với đồng bào ta ở một số vùng giáp biên giới. Đến ngày 18/3/1979, Trung Quốc đã cơ bản rút quân khỏi nước ta.

Mặc dù tuyên bố rút quân nhưng trên thực tế, chiến tranh biên giới phía Bắc kéo dài suốt 10 năm (1979-1989) khi Trung Quốc duy trì nhiều sư đoàn, trung đoàn độc lập áp sát biên giới lấn chiếm lãnh thổ, biến Việt Nam thành thao trường. Trong cuộc chiến này, hàng nghìn thanh niên Việt Nam tuổi 18-20 đã mãi nằm lại trên dải biên cương. Sự hy sinh anh dũng của họ đã viết nên khúc tráng ca bất tử, khẳng định sức mạnh, tinh thần yêu nước và tính chính nghĩa của cuộc chiến đấu của quân dân Việt Nam. 

Thế nhưng, vẫn chiêu bài cũ, cứ đến dịp này, các thế lực thù địch lại ráo riết tung ra những lời lẽ bịa đặt, lộng ngôn để xuyên tạc nhằm chống phá Đảng, Nhà nước ta đối với cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc năm 1979. Cụ thể, trong những ngày qua, Đài Á Châu Tự Do (RFA), Việt Tân, VOA Tiếng Việt… đồng loạt đăng tải các video, bài viết với luận điệu, như: Những trang sử hào hùng của đất nước chống giặc ngoại xâm đã bị chính quyền hiện nay cố tình chối bỏ; Trong xã hội, mọi hình thức tưởng niệm, kể cả việc dâng hương, của dân chúng đều bị ngăn cấm; hoặc: Đảng và chính phủ Việt nam đang cố không thấy không biết không nghe những gì liên quan đến ngày 17/2/1979…

Đây là những lời lẽ thiếu thiện chí, bịa đặt nhằm cố tình chống phá, bởi thực tế:  Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta chưa bao giờ lãng quên cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc năm 1979. Cuộc chiến đấu chính nghĩa này là một trong những trang sử vàng oanh liệt chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam. Đồng thời, chính sách đối với những người có công trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc năm 1979 luôn được quan tâm. Thực hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, tri ân các Anh hùng liệt sĩ, Đảng, Nhà nước đã quan tâm, xây dựng Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Vị Xuyên để an táng hài cốt các liệt sĩ hy sinh trong cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc. Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Vị Xuyên là “địa chỉ đỏ” để giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ.

Bên cạnh đó, nhiều địa phương ở các tỉnh biên giới phía Bắc đã phối hợp với các ban, ngành Trung ương, đoàn thể xây đài tưởng niệm, tôn tạo nghĩa trang liệt sĩ; tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ; lấy tên một số liệt sĩ để đặt tên đường phố, trường học; gặp mặt các cựu quân nhân tham gia chiến đấu bảo vệ Tổ quốc năm 1979 vào dịp 17/2 hàng năm…

Rõ ràng, Việt Nam không những không né tránh, không lãng quên, mà còn luôn quan tâm đến các chính sách đối với những người có công trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc năm 1979. Đó là sự thật, điều này sẽ bác bỏ hoàn toàn các luận điệu cố tình xuyên tạc, vu cáo chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước ta đối với cuộc chiến đấu chính nghĩa này.

Cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc đã lùi xa, với sự nỗ lực và thiện chí của mỗi bên, tháng 11/1991, Việt Nam và Trung Quốc đã chính thức bình thường hóa quan hệ. Chủ trương, chính sách nhất quán của Đảng, Nhà nước Việt Nam trong quan hệ với Trung Quốc là gác lại quá khứ đau thương, xây dựng quan hệ hữu nghị, hợp tác, bình đẳng, cùng có lợi giữa hai nước trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau.

Cuối năm 2023, trong chuyến thăm cấp nhà nước tới Việt Nam của Tổng Bí thư - Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, hai bên đã ra Tuyên bố chung Việt Nam và Trung Quốc về việc tiếp tục làm sâu sắc và nâng tầm quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện, xây dựng cộng đồng chia sẻ tương lai. 

45 năm đi qua, nhắc lại cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc năm 1979 để càng hiểu thêm những bài học của lịch sử và không bao giờ quên những người đã đổ máu để giữ cho biên cương được bình yên, để làm nên tên tuổi của một dân tộc anh hùng. Đồng thời, thêm nhấn mạnh chủ trương, đường lối, chính sách nhất quán của Đảng, Nhà nước Việt Nam trong quan hệ với Trung Quốc, với tinh thần “Gác lại quá khứ, hướng tới tương lai” cùng các nỗ lực của Việt Nam trong xây dựng quan hệ hữu nghị, hợp tác, bình đẳng và cùng có lợi.