Việt Nam vững vàng vươn lên trong một thế giới đầy biến động

VĂN NHÂN  06:58, 06/02/2024

Năm 2023 là một năm thế giới có nhiều biến động nằm ngoài các dự báo, nhưng Việt Nam vẫn cơ bản vững vàng vượt qua mọi khó khăn, thách thức, đạt được nhiều kết quả quan trọng, khá toàn diện, tạo đà cho sự phục hồi, phát triển trong năm 2024.

Việt Nam đạt được nhiều kết quả quan trọng trong năm 2023, tạo đà cho sự phục hồi phát triển trong thời gian tới. Ảnh: Internet
Việt Nam đạt được nhiều kết quả quan trọng trong năm 2023, tạo đà cho sự phục hồi phát triển trong thời gian tới. Ảnh: Internet

Trước hết, năm 2023 là một năm sôi động về đối ngoại với nhiều dấu ấn nổi bật. Chỉ trong 1 năm, chúng ta được chứng kiến nhiều nguyên thủ, lãnh đạo cấp cao các nước và các tổ chức quốc tế lớn tới thăm Việt Nam (28 chuyến) và các lãnh đạo chủ chốt Việt Nam tới thăm các nước lớn, đối tác chiến lược (22 chuyến), trong đó nổi bật là chuyến thăm Việt Nam của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình; chuyến thăm Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden, nâng cấp mối quan hệ với Hoa Kỳ lên đối tác chiến lược toàn diện. Năm 2023, cuộc gặp cấp cao giữa Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch Đảng Nhân dân Campuchia và Tổng Bí thư Đảng Nhân dân cách mạng Lào, Chủ tịch nước Lào đã diễn ra. Ba Đảng có chung nguồn gốc từ Đảng Cộng sản Đông Dương, là tài sản vô giá, nguồn sức mạnh to lớn, quan trọng nhất cần được vun đắp, gìn giữ. Năm 2023, cũng là năm Việt Nam tổ chức thành công Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ 9... Nét nổi bật của đối ngoại Việt Nam năm 2023 là có sự kết hợp nhịp nhàng, chặt chẽ, hiệu quả của đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại Nhân dân; các hoạt động đối ngoại, nhất là đối ngoại cấp cao, diễn ra sôi động, bài bản, liên tục, rộng khắp các châu lục và tại nhiều diễn đàn, cơ chế đa phương quan trọng như ASEAN, Liên hợp quốc, Tiểu vùng Mekong, APEC, AIPA, COP 28, BRI… Đặc biệt, trong một năm đầy biến động như 2023, đối ngoại kinh tế trong vai trò “mũi nhọn chủ công” đã tranh thủ tốt các Hiệp định thương mại tự do, xu thế phát triển mới để đẩy mạnh xuất nhập khẩu, thu hút đầu tư, khoa học - công nghệ, góp phần giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Những dấu ấn đối ngoại tiếp tục khẳng định trường phái đối ngoại và ngoại giao thời đại Hồ Chí Minh, mang đậm bản sắc cây tre Việt Nam, mềm mại nhưng rất kiên cường. Có thể nói, chưa bao giờ tầm vóc, vị thế, uy tín và hình ảnh Việt Nam lại nổi bật trên trường quốc tế như hiện nay. 

Vượt lên những khó khăn, năm 2023, Việt Nam đã đạt được những thành tựu kinh tế -xã hội rất ấn tượng. Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định; lạm phát được kiểm soát ở mức 3,25%, thấp hơn mục tiêu Quốc hội đề ra; các cân đối lớn được bảo đảm; nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài, bội chi ngân sách được kiểm soát; tăng trưởng được thúc đẩy, tổng sản phẩm nội địa (GDP) cả năm đạt 5,05%, quý sau cao hơn quý trước, thuộc nhóm các nước tăng trưởng cao trong khu vực và thế giới. Khu vực nông nghiệp tiếp tục là trụ đỡ vững chắc của nền kinh tế trong khó khăn, khu vực dịch vụ phát triển khá sôi động, công nghiệp và xây dựng từng bước phục hồi. Xuất siêu lập kỷ lục mới, là năm thứ 8 liên tiếp đạt mức thặng dư kỷ lục gần 28 tỷ USD. Thu hút đầu tư nước ngoài tăng 32,1% (hơn 36,6 tỷ USD) và giải ngân vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng 3,5% (ước đạt 23,18 tỷ USD), cao nhất trong 5 năm qua. Xếp hạng tín nhiệm quốc gia dài hạn của Việt Nam lên mức BB+, với triển vọng “Ổn định”. Giá trị thương hiệu quốc gia Việt Nam đạt 431 tỉ USD, tăng 1 bậc lên thứ 32/100 thương hiệu quốc gia mạnh trên thế giới. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội tiếp tục được quan tâm, đầu tư phát triển đạt kết quả rõ nét hơn. Toàn bộ chỉ tiêu kế hoạch về xã hội đều đạt và vượt mục tiêu đề ra, thể hiện rõ bản chất tốt đẹp của chế độ ta. 

Năm 2023 ghi những dấu ấn mới trong cơ cấu lại nền kinh tế, phát triển những ngành, lĩnh vực mới nổi; thúc đẩy khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh; phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức, kinh tế chia sẻ. Tỉ trọng kinh tế số đạt khoảng 15% GDP; thị trường khoa học công nghệ có bước phát triển; hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia phát triển mạnh, chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu của Việt Nam xếp hạng 46/132 nước, tăng 2 bậc so với năm 2022. Đặc biệt, lĩnh vực bán dẫn Việt nam đánh dấu bước nhảy vọt với hàng loạt thỏa thuận, dự án hợp tác phát triển với các đối tác hàng đầu, những tập đoàn, doanh nghiệp khổng lồ trên thế giới. Chương trình hành động ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm phát thải, chuyển đổi năng lượng theo tuyên bố chính trị về chuyển dịch năng lượng công bằng (JETP), thể hiện trách nhiệm Việt Nam cùng cộng đồng quốc tế đưa phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050…

Cùng với đó, công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, pháp luật, cơ chế, chính sách được chú trọng xứng tầm đột phá chiến lược với nhiều đổi mới trong chỉ đạo, cách làm. Chính phủ đã nhận được sự chia sẻ, đồng hành, phối hợp chặt chẽ của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Quốc hội đã thông qua 16 luật, 29 nghị quyết và cho ý kiến 18 dự án luật. Chính phủ đã tổ chức 10 phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật, cho ý kiến đối với 47 nội dung, tập trung hoàn thiện, trình Quốc hội dự án Luật Đất đai (sửa đổi). Chính phủ ban hành 86 nghị định, Thủ tướng Chính phủ ban hành 29 quyết định quy phạm. Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước được triển khai quyết liệt, có hiệu quả; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền; rà soát, kiện toàn tổ chức bộ máy; chấn chỉnh tình trạng cán bộ, công chức đùn đẩy, sợ trách nhiệm, sợ sai trong thực thi công vụ, đồng thời khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. Công tác quy hoạch được đẩy nhanh, ban hành Quy hoạch tổng thể quốc gia và nhiều quy hoạch ngành, lĩnh vực, tỉnh.

Năm 2023 cũng là năm Trung ương Đảng tiếp tục kiên trì và đẩy mạnh công cuộc xây dựng chỉnh đốn Đảng, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực… tạo thêm niềm tin của Nhân dân với chế độ. Công tác phòng, chống tham nhũng có thêm nhiều chủ trương, cách làm mới, quyết liệt và hiệu quả hơn, tạo được sự lãnh đạo tập trung, thống nhất. Trong năm, đã khởi tố mới hơn 730 vụ án với hơn 2.100 bị can phạm tội về tham nhũng; trong đó đáng chú ý là đại án Vạn Thịnh Phát được xem là vụ án nghiêm trọng nhất về kinh tế trong lịch sử tố tụng của Việt Nam. Điều đó càng cho thấy sự kiên quyết, kiên trì trong đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng, Nhà nước ta, với tinh thần: Không có vùng cấm, không khoan nhượng, không lùi bước, khó mấy cũng làm. 

Bước sang năm 2024, dự báo tình hình chính trị, kinh tế thế giới vẫn còn nhiều khó khăn, phức tạp, khó lường; tăng trưởng của các nền kinh tế hàng đầu thế giới, là đối tác thương mại lớn, quan trọng của Việt Nam suy giảm so với năm 2023. Nhưng những điểm sáng về chính trị - kinh tế - xã hội trong năm 2023 sẽ tạo đà cho Việt Nam phục hồi tăng trưởng, phát triển trong năm 2024. Những động lực chủ yếu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2024 sẽ bao gồm: Sự ổn định chính trị của đất nước; một loạt các luật quan trọng đã, sắp được thông qua và những cải cách mạnh mẽ hơn về môi trường kinh doanh; kinh tế vĩ mô ổn định nhờ các chính sách tài chính và tiền tệ chủ động được tiếp tục duy trì; đầu tư (công - tư - nước ngoài), xuất khẩu, tiêu dùng đều có cơ hội tăng trưởng tốt nhờ kiềm chế được lạm phát; dự báo thị trường bất động sản phục hồi, phát triển; thu hút đầu tư nước ngoài tiếp tục tăng do các kết quả ngoại giao kinh tế năm 2023 đem lại, nhất là trong các lĩnh vực mới như năng lượng tái tạo, chip - bán dẫn, các ngành nghề khác... Triển vọng và động lực thúc đẩy phục hồi, phát triển kinh tế của đất nước trong năm 2024 là cơ sở để Quốc hội quyết định mục tiêu tăng trưởng GDP đạt 6 - 6,5%. Tuy nhiên, đạt được mục tiêu Quốc hội đề ra trong bối cảnh tình hình thế giới bất ổn, khó lường như hiện nay là một thách thức lớn. Do đó, đỏi hỏi cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương, cơ sở cần quán triệt đầy đủ, sâu sắc Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8, Nghị quyết của Quốc hội, 6 quan điểm chỉ đạo điều hành và 12 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu của Chính phủ về thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2024 để dồn lực triển khai thực hiện.

Năm Giáp Thìn - 2024 là năm tăng tốc, bứt phá, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong chặng đường phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025. Phát huy “Hùng khí rồng tiên”, “Hào khí Thăng Long”, cả nước đồng lòng, quyết tâm khắc phục mọi khó khăn, vượt qua mọi thách thức, phấn đấu hoàn thành các mục tiêu kinh tế - xã hội năm 2024 đã đề ra.