Cùng với việc nâng cao chất lượng các kỳ họp của Quốc hội, đổi mới, tăng cường hoạt động của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các cơ quan của Quốc hội cần phải tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động của đại biểu Quốc hội và Đoàn đại biểu Quốc hội.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu bế mạc hội nghị tổng kết và lễ phát động phong trào thi đua |
Đó là một trong những nội dung trong được nhấn mạnh trong phát biểu chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tại Hội nghị triển khai hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố năm 2024 và phát động thi đua hướng tới kỷ niệm 80 năm Ngày Tổng tuyển cử đầu tiên bầu Quốc hội Việt Nam.
Cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, trải qua gần 80 năm hình thành và phát triển với 15 khóa, Quốc hội Việt Nam có nhiều đóng góp to lớn vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, góp phần nâng cao vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế; ngày càng khẳng định vai trò cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân và cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, hiện thân của khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ: Dù thời kỳ nào và trong hoàn cảnh nào, thì Quốc hội Việt Nam luôn nói tiếng nói tâm huyết, trách nhiệm của nhân dân, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và lợi ích chính đáng của nhân dân, phát huy trí tuệ của cả dân tộc, cùng chung sức xây dựng và phát triển đất nước.
Để hướng tới kỷ niệm mốc rất lịch sử tròn 80 năm, Chủ tịch Quốc hội khẳng định: năm Ngày Tổng tuyển cử đầu tiên bầu Quốc hội Việt Nam, Đảng đoàn Quốc hội đã có chủ trương từ rất sớm, chủ động chuẩn bị và lần đầu tiên Ban Bí thư đã có thông báo chính thức đồng ý đưa chương trình Lễ kỷ niệm 80 năm Ngày Tổng tuyển cử đầu tiên với quy mô cấp quốc gia.
Trên tinh thần đó, Đảng đoàn Quốc hội đã thành lập Ban Chỉ đạo các hoạt động kỷ niệm 80 năm Ngày Tổng tuyển cử đầu tiên bầu Quốc hội Việt Nam do Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Quốc hội làm Trưởng ban.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết thành lập Ban Tổ chức Lễ kỷ niệm do Phó Bí thư Đảng đoàn Quốc hội, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn làm Trưởng ban với đại diện đông đảo của các cấp, các ngành, cơ quan trong Quốc hội và của cả nước. Điều này thể hiện sự quan tâm rất lớn của Đảng và Nhà nước ta, Chủ tịch Quốc hội nói.
Đồng thời, Chủ tịch Quốc hội cũng cho biết, theo quy định của Luật Thi đua, khen thưởng năm 2022, lần đầu tiên công tác thi đua, khen thưởng của khối Quốc hội được luật hóa, trong đó có quy định Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp Quốc hội Việt Nam” và giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về công tác thi đua, khen thưởng trong các cơ quan của Quốc hội.
Để triển khai Luật Thi đua, khen thưởng năm 2022, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, với sự hỗ trợ của các cơ quan bên trong và bên ngoài Quốc hội, nhất là Chính phủ, trực tiếp là Bộ Nội vụ, đã dày công nghiên cứu và ban hành Nghị quyết số 43/2024/UBTVQH15 quy định về Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp Quốc hội Việt Nam”; Nghị quyết 44/2024/UBTVQH15 quy định về “thi đua, khen thưởng đối với đại biểu Quốc hội, các cơ quan của của Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội và cán bộ, công chức thuộc thẩm quyền quản lý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội”.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết về thành lập Hội đồng Thi đua, khen thưởng của Quốc hội do Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội làm Chủ tịch Hội đồng để triển khai các công tác thi đua, khen thưởng trong khối Quốc hội.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và các đại biểu tham dự lễ phát động |
Đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động
Về tổng kết hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024, qua các phát biểu, tham luận trình bày tại Hội nghị, Chủ tịch Quốc hội vui mừng nhận thấy, các đại biểu đều đánh giá cao việc lần đầu tiên Đảng đoàn Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định tổ chức hội nghị tổng kết hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội; đồng tình với Báo cáo tổng kết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Nhìn lại những kết quả quan trọng vừa qua, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, khi nói đến hoạt động của Quốc hội và hiệu quả hoạt động của Quốc hội, thì được đo lường và đánh giá bằng kết quả hoạt động của các chủ thể như thế, trong đó đại biểu Quốc hội vừa là vị trí chủ thể, vừa là vị trí trung tâm.
Các quy định của pháp luật đã đề cập rõ về Đoàn đại biểu Quốc hội là một mô hình rất đặc thù của Việt Nam, khác với các nước trên thế giới - trong đó quy định rõ Đoàn đại biểu Quốc hội là một tổ chức của các đại biểu Quốc hội được bầu tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hoặc của những đại biểu Quốc hội được phân công về công tác tại địa phương.
Theo Chủ tịch Quốc hội, việc tổ chức Hội nghị tổng kết hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội là sự cố gắng, nỗ lực tiếp tục tìm tòi, đổi mới của Quốc hội chúng ta nói chung và của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nói riêng trong việc tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động của Quốc hội.
Điểm lại với 5 kỳ họp, trong đó có 3 kỳ họp bất thường, Quốc hội đã giải quyết khối lượng công việc rất lớn.
“Đạt được những kết quả như vậy có sự đóng góp rất lớn, mang tính quyết định của đại biểu Quốc hội và một tổ chức hạt nhân quy tụ các đại biểu Quốc hội, đó là các Đoàn đại biểu Quốc hội của địa phương”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Chủ tịch Quốc hội đánh giá cao từ thực tiễn có nhiều mô hình tốt và cách làm hay; nhiều Đoàn đại biểu Quốc hội, nhất là các đồng chí Trưởng đoàn, Phó trưởng đoàn… rất quan tâm đến công tác xây dựng pháp luật.
Về công tác lập pháp, các đại biểu Quốc hội đóng góp ý kiến để Quốc hội xem xét, thông qua 16 dự án luật và cho ý kiến với 10 dự án luật khác; đã có 617 hội nghị ở các đoàn đại biểu Quốc hội, với sự tham gia của 22.702 người và 10.621 ý kiến để đóng góp cho các dự án luật này. Tại các kỳ họp Quốc hội, đã có 2.636 lượt đại biểu Quốc hội phát biểu tại Tổ và 1.296 đại biểu Quốc hội phát biểu tại hội trường. Các đại biểu Quốc hội cũng đã đóng góp nhiều ý kiến, để Quốc hội xem xét, thông qua hơn 1.000 nghị quyết trong năm 2023. |
Theo số liệu báo cáo, về hoạt động giám sát, trong năm 2023, các Đoàn đại biểu Quốc hội thực hiện giám sát theo kế hoạch của Đoàn là 80 cuộc; giám sát theo yêu cầu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội là 201 cuộc; tham gia Đoàn giám sát, khảo sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội là 51 cuộc. Phối hợp với Thường trực Hội đồng nhân dân cùng cấp tiến hành 54 cuộc giám sát ở địa phương…
Đánh giá một cách tổng thể, Chủ tịch Quốc hội ghi nhận, trong năm 2023 - một năm Quốc hội có khối lượng công việc rất lớn, các Đoàn đại biểu Quốc hội và các đại biểu Quốc hội đã tích cực phát huy tinh thần “lập pháp chủ động, giám sát hiệu quả và quyết sách kịp thời”, làm việc với tinh thần trách nhiệm rất cao. Những kết quả Quốc hội đạt được chính là từ hiệu quả hoạt động của từng đại biểu Quốc hội và của các Đoàn đại biểu Quốc hội.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát động phong trào thi đua hướng tới kỷ niệm 80 năm ngày tổng tuyển cử đầu tiên bầu Quốc hội Việt Nam |
Chú trọng nâng cao chất lượng các đại biểu Quốc hội
Trên cơ sở phát huy những kết quả đã được, trong năm 2024, Chủ tịch Quốc hội đề nghị cần thống nhất một định hướng lớn, đó là tiếp tục mở rộng, tăng thêm khối lượng công việc và nâng cao hơn nữa chất lượng hoạt động của các Đoàn đại biểu Quốc hội gắn với tăng cường hoạt động, nâng cao chất lượng của các đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách và kiêm nhiệm.
Về giải pháp, Chủ tịch Quốc hội đề nghị tiếp tục quán triệt sâu sắc vị trí, vai trò, ý nghĩa, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Đoàn đại biểu Quốc hội trong tổ chức và hoạt động của Quốc hội Việt Nam nói chung, tăng cường hơn nữa hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội.
Trong đó, nhiệm vụ đầu tiên quan trọng nhất của các Đoàn đại biểu Quốc hội là tổ chức để đại biểu Quốc hội tiếp công dân và phối hợp, bảo đảm các điều kiện để các đại biểu Quốc hội tiếp xúc cử tri.
Nhiệm vụ thứ hai, theo Chủ tịch Quốc hội, đó là các đoàn đại biểu Quốc hội tổ chức để các đại biểu Quốc hội thảo luận, đóng góp ý kiến cho các dự án luật và các vấn đề quan trọng khác, cho ý kiến về chương trình các kỳ họp Quốc hội.
Nhiệm vụ nữa là tổ chức hoạt động giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội, trong đó chú trọng hoạt động tổ chức để đại biểu Quốc hội trong Đoàn thực hiện nhiệm vụ giám sát tại địa phương; tham gia và phối hợp với Hội đồng Dân tộc, các ủy ban của Quốc hội giám sát tại địa phương.
Hiện nay, mỗi năm Quốc hội tiến hành 2 giám sát chuyên đề tối cao, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành 2 giám sát chuyên đề.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị các đoàn đại biểu Quốc hội nghiên cứu để tổ chức giám sát có trọng tâm, trọng điểm, theo đúng tinh thần giám sát chuyên đề của Quốc hội là “truy đến cùng và gỡ đến cùng”; cần khắc phục tính chồng chéo trong hoạt động giám sát của Hội đồng Dân tộc, các cơ quan của Quốc hội và của Đoàn đại biểu Quốc hội.
Theo quy định của luật hiện hành, đại biểu Quốc hội đại diện cho ý chí, nguyện vọng của cử tri và nhân dân ở đơn vị bầu ra mình, đồng thời đại diện cho ý chí, nguyện vọng của cử tri và nhân dân cả nước.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị, các đoàn đại biểu Quốc hội cần cân đối giữa hai nhiệm vụ này, bởi lẽ, “nếu đại biểu Quốc hội chỉ nói tiếng nói của địa phương thì không được, nhưng nếu chỉ thuần túy nói tiếng nói của Trung ương càng không được”.
Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị các Đoàn đại biểu Quốc hội tiếp tục đóng góp ý kiến cụ thể để nâng cao chất lượng, hiệu quả các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng cho đại biểu Quốc hội; tăng cường công tác phối hợp giữa các Đoàn đại biểu Quốc hội với Thường trực Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Mặt trận Tổ quốc cùng cấp và phối hợp với các cơ quan của Quốc hội; tiếp tục bám sát sự lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương để chuẩn bị nhân sự cho nhiệm kỳ khóa Quốc hội tới.
(Theo nhandan.com.vn)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin