(LĐ online) - Chiều 7/5/1954, tướng De Castries và đám tùy tùng của ông ta chui ra khỏi hầm chỉ huy đầu hàng quân đội Việt Minh, Chiến dịch Điện Biên Phủ kết thúc thắng lợi.
“Chín năm làm một Điện Biên, nên vành hoa đỏ nên thiên sử vàng”, Chiến thắng Điện Biên Phủ không đơn thuần chỉ là thắng lợi của một trận “quyết chiến chiến lược” kết thúc cuộc kháng chiến chống Pháp, mà thắng lợi này đã vượt ra khỏi ranh giới quốc gia, “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, tác động lớn đến tình hình thế giới, mang một ý nghĩa thời đại sâu sắc.
Ngày 7/5/1954, lá cờ "Quyết chiến, Quyết thắng” của Quân đội Nhân dân Việt Nam Anh hùng tung bay trên nóc hầm tướng De Castries, chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ toàn thắng. Ảnh tư liệu (Nguồn: TTXVN) |
“TIẾNG BOM” GIỮA HỘI NGHỊ GENÈVE
Năm 1953, nhằm cứu vãn sự sa lầy của Pháp tại Đông Dương, được sự giúp sức của Mỹ, Pháp đã cử viên tướng 4 sao Navarre sang làm Tổng chỉ huy quân đội viễn chinh. Navarre đã đề ra đã đề ra kế hoạch mang tên mình với âm mưu trong vòng 18 tháng có thể tìm kiếm “lối thoát trong danh dự”, nhưng chưa đầy 10 tháng sau, cái mà ông ta và cộng sự mình nhận được là một thất bại ê chề tại chiến trường Điện Biên Phủ - một nơi mà cả người Pháp và người Mỹ huênh hoang “pháo đài bất khả xâm phạm” là “Verdun Đông Dương” đã bị rung lắc dữ dội từ những ngày trung tuần tháng 3/1954.
Ngày 4/5/1954, đoàn đàm phán của ta do Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã đến Genève. Trong Zhou Enlai and the Geneva Conference (Chu Ân Lai và Hội nghị Genève), Qian Jiang viết: “Ông Phạm Văn Đồng đến Genève với nét mặt rạng rỡ. Tin chiến thắng từ mặt trận Điện Biên Phủ liên tiếp báo về làm cho ông tràn đầy hy vọng”. Chiến thắng của Việt Minh như một tiếng bom rền vang giữa lòng nước Pháp, nước Pháp chết lặng, bàng hoàng. Tin chiến thắng dội tới Hội nghị Genève như tiếng sét vào tai của Pháp và Mỹ, đoàn đàm người Pháp đến hội nghị ngày hôm sau (8/5/1954) trong trang phục comple đen, như là sự để tang cho thất bại Điện Biên Phủ - một sự thừa nhận thất bại không thể chối cãi.
Nhà báo Australia Willfred Burchett nhận định: “Người đồng chí thân thiết của ông Phạm Văn Đồng là ông Võ Nguyên Giáp đã trao lại cho ông một vũ khí hiệu nghiệm nhất, mà không phải bất kỳ nhà thương lượng nào cũng dám nghĩ khi bắt đầu một hội nghị như vậy - Điện Biên Phủ thắng lợi hoàn toàn một ngày trước khi Hội nghị Genève khai mạc. Nhờ thời điểm tuyệt diệu của ông Giáp, kế hoạch Dulles (ngoại trưởng Mỹ) nhằm quốc tế hóa cuộc chiến tranh đã thất bại”.
Trong Hồi ký của mình, Ni-ki-ta Khơ-rút-sốp (Bí thư thứ nhất Đảng Cộng sản Liên Xô) nhớ lại: “Một điều kỳ diệu đã xảy ra. Khi các phái đoàn vừa đặt chân đến Genève, những người kháng chiến Việt Nam đã giành được thắng lợi to lớn ở Điện Biên Phủ [tháng 5-1954]... Thú thật, khi tin tức này từ Genève bay về, chúng tôi thở phào nhẹ nhõm và cảm thấy hài lòng”.
Đúng như Đảng ta đã khẳng định: “Đạt được Hiệp định nói trên là một thắng lợi vĩ đại của nhân dân và quân đội ta đoàn kết, nhất trí, anh dũng chiến đấu dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh và của Đảng”.
ĐỘC LẬP CHỦ QUYỀN VÀ TOÀN VẸN LÃNH THỔ CHO NHÂN DÂN ĐÔNG DƯƠNG
Chiến thắng Điện Biên Phủ không chỉ là thắng lợi của quân đội và nhân dân ta mà còn là thắng lợi chung của nhân dân ba nước Đông Dương: Việt Nam – Lào – Campuchia. Trong bức điện gửi cán bộ, chiến sĩ Việt Nam tại Mặt trận Điện Biên Phủ, Mặt trận Dân tộc Thống nhất Khơme đã viết: “Thắng lợi của các anh em ở mặt trận Điện Biên Phủ chẳng những đã tiêu diệt một số quan trọng sinh lực địch mà còn có ảnh hưởng rất lớn đến chiến trường Khơme chúng tôi nữa...”.
Thủ tướng Souphanouvong nhấn mạnh “Chiến thắng Điện Biên Phủ có ảnh hưởng và có giá trị vô cùng to lớn đối với cuộc kháng chiến chung của ba nước Việt Nam - Lào - Campuchia và đối với phong trào đấu tranh bảo vệ hòa bình thế giới hiện nay”.
Đánh giá về tác động to lớn của Chiến thắng Điện Biên Phủ đối với Đông Dương, Phó giáo sư, tiến sĩ người Mỹ C.Lentz đã nhấn mạnh: “Trận Điện Biên Phủ đã làm thay đổi thế giới. Quân đội Nhân dân Việt Nam đã đánh bại thực dân Pháp. Chiến thắng góp phần khích lệ và củng cố vị thế Việt Nam trong các cuộc đàm phán ngoại giao, ký kết Hiệp định Geneva chấm dứt 8 năm chiến tranh, giải tán Liên bang Đông Dương và thừa nhận chế độ Cộng hòa dân chủ ở miền Bắc Việt Nam từ vĩ tuyến 17”.
Như vậy, trải qua 75 ngày đêm với 31 phiên họp toàn thể, tiếng sấm Điện Biên Phủ đã dẫn đến kết thúc Hội nghị Geneva với một Hiệp định về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương.
THỔI BÙNG LÊN CAO TRÀO ĐẤU TRANH GIẢI PHÓNG DÂN TỘC THẾ GIỚI
Tiếng xung phong của quân đội Việt Minh từ Điện Biên Phủ đã nhanh chóng vọng tới các châu lục, trở thành tiếng xung phong chung của các dân tộc bị áp bức.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp và quân đội Nhân dân Việt Nam với lá cờ “Quyết chiến, Quyết thắng” đã trở thành hình ảnh để nhân dân các dân tộc bị áp bức, các dân tộc yêu hòa bình, tiến bộ ngưỡng vọng.
Đánh giá về giá trị lịch sử và tác động của chiến thắng Điện Biên Phủ đến thế giới, M.Victoria thuộc Viện Hàn lâm khoa học Ukraine khẳng định: “Chiến thắng Điện Biên Phủ là một mốc quan trọng trong lịch sử Việt Nam. Sự kiện này không chỉ giúp Việt Nam thoát khỏi áp bức của thực dân Pháp mà còn mở ra con đường để giành độc lập cho cả Đông Dương và các nước thuộc địa ở châu Phi”.
C.Lentz - một Phó Giáo sư, Tiến sĩ người Mỹ cũng cùng quan điểm, ông cho rằng: “Chiến thắng này cũng có tác động lan tỏa, khích lệ các dân tộc bị áp bức khác phải quyết tâm hơn để đấu tranh chống chế độ đế quốc”.
Từ năm 1954, “tiếng nổ Điện Biên Phủ” nó đã bùng lên thành “tiếng sấm rền vang”, đánh thức giấc ngủ dài của nhân dân các dân tộc khắp châu Á, Phi và Mỹ latinh sống dưới ách thống trị của thực dân cũ và mới vùng dậy đấu tranh, và trở thành chất xúc tác gắn kết phong trào thành một khối vững chắc, thành “ngọn cuồng phong” thổi bay tất thảy từng mảng lớn hệ thống thuộc địa đang rạn nứt của chủ nghĩa thực dân.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Điện Biên Phủ như là một cái mốc chói lọi bằng vàng của lịch sử. Nó ghi rõ nơi chủ nghĩa thực dân lăn xuống dốc và tan rã, đồng thời phong trào giải phóng dân tộc khắp thế giới đang lên cao đến thắng lợi hoàn toàn”.
Tại châu Phi, sau trận Điện Biên Phủ, những người lính châu Phi trong các đội lính Lê dương đã hồi hương mang theo bài học về cuộc chiến tranh nhân dân Việt Nam; nhiều người đã trở thành chiến sĩ, người lãnh đạo phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc và tích cực phát huy những kinh nghiệm đó để phục vụ sự nghiệp cách mạng của quê hương.
“Chiến thắng Điện Biên Phủ đã làm cho các dân tộc thuộc địa ngửng cao đầu”, nhiều quốc gia đã giành lại được nền độc lập dân tộc: Algieri (1962), Tuynidi (1956), Marốc (1956), Xuđăng (1956), Ghana (1957), Ghinê (1958) … biến châu Phi thành “lục địa nổi dậy”.
Tại Châu Mỹ latinh, chiến thắng Điện Biên Phủ cổ vũ tinh thần đấu tranh của khu vực này, biến nó thành “lục địa bùng cháy” thiêu rụi đi các chế độ độc tài thân Mỹ. Mở đầu là phong trào đấu tranh của nhân dân Cuba, dưới sự lãnh đạo của Phidel Castro đã đánh tan tập đoàn phản động Batista (1959) và năm 1961 họ đã làm nên một Điện Biên Phủ với chiến thắng Hiron vang dội. Nhiều nước châu Mỹ Latinh như Bolivia, Venezuela, Colombia, Peru… giành lại quyền tự quyết dân tộc.
BÁO HIỆU SỰ SỤP ĐỔ CHỦ NGHĨA THỰC DÂN KIỂU CŨ
Chiến thắng Điện Biên Phủ không chỉ là hồi chuông báo tử đối với chủ nghĩa thực dân của Pháp ở châu Á mà còn báo hiệu sự sụp đổ của chủ nghĩa thực dân cũ, “Điện Biên Phủ và Hi-rôn là những dòng chữ ghi trên mồ chủ nghĩa đế quốc”.
Từ ảnh hưởng của chiến thắng Điện Biên Phủ, phong trào đấu tranh trên toàn thế giới đã mang lại nhiều thắng lợi vang dội của lực lượng hòa bình, dân chủ và tiến bộ. Cũng từ đây nó đánh dấu sự tan rã của chủ nghĩa thực dân kiểu cũ và mở đường cho phong trào chống chủ nghĩa thực dân kiểu mới.
Nhà báo người Pháp Jules Roa, trong cuốn sách Trận Điện Biên Phủ ghi nhận: “Trong toàn thế giới, trận Oa-téc-lô cũng ít tiếng vang hơn, sự thất thủ tại Điện Biên Phủ gây nên nổi kinh hoàng khủng khiếp. Đó là một trong những thất bại lớn của phương Tây, báo hiệu sự tan rã của các thuộc địa và sự cáo chung của một nền cộng hòa. Tiếng sấm của sự kiện Điện Biên Phủ vẫn còn rền vang”.
Chiến thắng Điện Biên Phủ đã giáng một đòn chí mạng vào nền móng của thực dân Pháp và can thiệp Mỹ, đánh sập thành lũy của chủ nghĩa thực dân cũ, báo hiệu sự thất bại chiến lược toàn cầu của Mỹ.
Nhà sử học Berna Fol cho rằng: “Điện Biên Phủ không chỉ là một chiến thắng quân sự của Việt Minh đối với người Pháp, mà còn là một chiến thắng chính trị của Việt Minh đối với người Mỹ”.
Sau thế chiến thứ hai, đế quốc Mỹ hết sức quan tâm và coi vị trí chiến lược của Đông Dương, nhất là Việt Nam. Các nhà chiến lược Mỹ và phương Tây cho rằng nơi đây có một vị trí đặc biệt quan trọng đối với việc bảo vệ Đông Nam Á trước “làn sóng đỏ” của Chủ nghĩa Cộng sản. Vì thế, chiến trường Đông Dương nằm trong chiến lược “trả đũa ào ạt” nhằm ngăn chặn, tiến tới tiêu diệt chủ nghĩa cộng sản trên thế giới. Để quốc tế hoá cuộc chiến tranh Đông Dương, Mỹ ngày càng tăng cường viện trợ cho Pháp, can thiệp sâu vào cuộc chiến Đông Dương.
Thế nhưng, chiến thắng Điện Biên Phủ như một nhát đánh vào mạn sườn, làm Mỹ trở tay không kịp, Mỹ buộc phải thay đổi chiến lược của mình sau đó. “Eisenhower (Tổng thống Mỹ) đã xác định Đông Dương như một quân bài domino sắp sụp đổ mà sự sụp đổ của nó do Cộng sản chi phối sẽ đe doạ các quốc gia khác ở Đông Nam Á”.
BỔ SUNG KHO TÀNG QUÂN SỰ THẾ GIỚI “NGHỆ THUẬT CHIẾN TRANH NHÂN DÂN”
Chiến thắng Điện Biên Phủ còn đóng góp vào kho tàng quân sự thế giới một đỉnh cao của nghệ thuật chiến tranh nhân dân. Trong chiến dịch này, chúng ta đã huy động dân công hỏa tuyến từ vùng kiểm soát đi tiếp tế bằng gánh gồng, xe đạp thồ… kết hợp cùng cơ giới đảm bảo hậu cần, nhu yếu phẩm cho toàn bộ chiến dịch.
Các nhà quân sự Pháp, Mỹ không thể lường được sự vĩ đại của chiến tranh nhân dân, họ không ngờ rằng các đoàn dân công đi bộ, hoặc xe đạp trên các cung đường thô sơ để chuyên trở hàng chục ngàn tấn lương thực và vũ khí, khí tài đáp ứng nhu cầu của chiến dịch có thể chiến thắng cầu hàng không hiện đại của họ.
Để nói về sự vĩ đại của nghệ thuật chiến tranh nhân dân, nhà sử học Stanley Karnow trong Lời nói đầu cuốn Điện Biên Phủ cuộc đối đầu lịch sử mà nước Mỹ muốn quên đi đã viết: “Giống như những đàn kiến, Việt Minh đi bộ, đẩy xe thồ qua các khu rừng để tới nơi đóng quân, chất lên xe mọi thứ từ vũ khí, đạn dược tới những bao gạo khổng lồ phải được đưa vào trong những vùng hẻo lánh. Với sức mạnh siêu nhân, họ có thể đẩy được những khẩu đại bác lên các sườn núi, tới các đỉnh cao có thể quan sát được quân Pháp”.
Đúng như Hồ Chủ tịch nhận định: “Lúc đầu, địch mạnh hơn ta gấp trăm gấp ngàn lần về vật chất. Nhưng về tinh thần và chính trị thì ta mạnh hơn địch gấp trăm gấp ngàn lần. Đấy chính là nghệ thuật chiến tranh nhân dân Việt Nam. Tướng Giáp khi trả lời Howard R. Simpson đã nói: “Chiến tranh nhân dân không có nghĩa là các hoạt động của du kích mà hơn thế nữa còn bao quát mọi việc từ hành động của một đơn vị nhỏ tới hành động của toàn quân”.
Có thể nói, Điện Biên Phủ là một trong những trận giao chiến đã làm thay đổi số phận thế giới góp phần nhấn chìm chủ nghĩa thực dân cũ và mở ra con đường đấu tranh chống lại chủ nghĩa thực dân mới. Nó mang tầm vóc thời đại to lớn trở thành nguồn cảm hứng vô tận cho các phong trào giải phóng dân tộc, phong trào hoà bình, dân chủ, tiến bộ xã hội ở các nước thuộc địa, nữa thuộc địa và phụ thuộc.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin