Đại thắng mùa Xuân 1975 là sự kết tinh ý chí, bản lĩnh, trí tuệ Việt Nam

VĂN NHÂN 14:13, 25/04/2024

(LĐ online) - Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 đã giành được thắng lợi to lớn, nhanh chóng và toàn diện nhất trong toàn bộ cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Đó là thắng lợi của sự hội tụ sức mạnh dân tộc, sự kết tinh của ý chí, bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam trong cuộc đối đầu cam go, quyết liệt nhất, trước kẻ thù hung bạo nhất trong lịch sử của dân tộc ta.

DIỄN BIẾN CUỘC TỔNG TIẾN CÔNG VÀ NỔI DẬY MÙA XUÂN 1975

Cuối năm 1974 đầu năm 1975, trước  tình hình so sánh tương quan lực lượng ở miền Nam thay đổi có lợi cho ta, Bộ Chính trị đã đề ra kế hoạch giải phóng miền Nam trong hai năm 1975, 1976. Kế hoach nhấn mạnh “cả năm 1975 là thời cơ” và “nếu thời cơ đến vào đầu hoặc cuối năm 1975 thì lập tức giải phóng miền Nam trong năm 1975”.

Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975 đã diễn ra trong gần hai tháng (từ ngày 4/3 đến ngày 2/5) qua ba chiến dịch lớn: Tây Nguyên, Huế - Đà Nẵng và Chiến dịch Hồ Chí Minh đánh vào Sài Gòn. Mở đầu là Chiến dịch Tây Nguyên (từ ngày 4/3 đến ngày 24/3), một địa bàn chiến lược quan trọng mà ta và địch cố nắm giữ. Do nhận định sai hướng tiến công của ta, địch chỉ chốt giữ ở đây một lực lượng mỏng, nên Bộ Chính trị quyết định chọn Tây Nguyên làm hướng tiến công chủ yếu trong năm 1975. Sau khi đánh nghi binh ở Pleiku và Kon Tum (10/3/1975), ta tiến công và giải phóng Buôn Ma Thuột. Ngày 12/031975, địch phản công chiếm lại nhưng không thành. Ngày 14/3/1975, Nguyễn Văn Thiệu ra lệnh rút quân khỏi Tây Nguyên về giữ vùng duyên hải miền Trung. Trên đường rút chạy, chúng bị quân ta truy kích tiêu diệt. Ngày 24/03/1975, ta giải phóng Tây Nguyên với 60 vạn dân. Chiến dịch Tây Nguyên thắng lợi đã chuyển cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước sang giai đoạn mới, từ tiến công chiến lược ở Tây Nguyên phát triển thành Tổng tiến công chiến lược trên toàn chiến trường miền Nam.

Nhận thấy thời cơ chiến lược đến nhanh và hết sức thuận lợi, Bộ Chính trị quyết định giải phóng hoàn toàn miền Nam, trước hết là chiến dịch giải phóng Huế - Đà Nẵng. Ngày 25/3, ta tấn công vào Huế, (26/3) giải phóng Huế và toàn tỉnh Thừa Thiên. Cùng thời gian, ta giải phóng thị xã Tam Kỳ, Quảng Ngãi, Chu Lai, uy hiếp Đà Nẵng từ phía Nam. Đà Nẵng bị cô lập, hơn 10 vạn quân địch bị dồn về đây trở nên hỗn loạn, mất hết khả năng chiến đấu. Sáng 29/3, quân ta tiến công Đà Nẵng, đến 3 giờ chiều chiếm toàn bộ thành phố. Cùng thời gian này, các tỉnh còn lại ven biển miền Trung, Nam Tây Nguyên, một số tỉnh ở Nam Bộ lần lượt được giải phóng.

Sau hai chiến dịch, Bộ Chính trị nhận định: “Thời cơ chiến lược mới đã đến, ta có điều kiện hoàn thành sớm quyết tâm giải phóng miền Nam... trước tháng 5/1975” với phương châm “thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng”. Giữa tháng 4, Bộ Chính trị quyết định mở chiến dịch tiến công mang tên “Hồ Chí Minh” nhằm giải phóng Sài Gòn và toàn bộ miền Nam trước mùa mưa. Trước khi mở chiến dịch Hồ Chí Minh, quân ta đã đánh tan tuyến phòng thủ của địch ở Phan Rang (16/4/1975) và Xuân Lộc (21/4) - những căn cứ phòng thủ trọng yếu phía đông Sài Gòn của địch, làm cho Mỹ và Quân đội Sài Gòn hoảng loạn. Ngày 18/4/1975, Tổng thống Mỹ ra lệnh di tản người Mỹ khỏi Sài Gòn. Ngày 21/4, Nguyễn Văn Thiệu từ chức Tổng thống. 17 giờ ngày 26/4, quân ta nổ súng mở màn Chiến dịch Hồ Chí Minh. Từ 5 hướng, các quân đoàn đồng loạt tiến công Sài Gòn, lần lượt đánh chiếm các cơ quan đầu não của địch. 10 giờ 45 phút ngày 30/4, xe tăng của ta tiến vào Dinh Độc lập, bắt sống toàn bộ Chính phủ Trung ương Sài Gòn. Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng không điều kiện. 11 giờ 30 ngày 30/4, lá cờ cách mạng tung bay trên tòa nhà Phủ tổng thống (Dinh Độc lập), Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng. Các tỉnh còn lại của Nam Bộ, nhân dân đã nhất tề nổi dậy và tiến công theo phương thức xã giải phóng xã, huyện giải phóng huyện, tỉnh giải phóng tỉnh. Ngày 2/5/1975, Châu Đốc là tỉnh cuối cùng được giải phóng - miền Nam hoàn toàn giải phóng. Cùng với các tỉnh ở đất liền, đầu tháng 4 đến giữa tháng 4/1975, quân và dân ta đã giải phóng một loạt các đảo ven biển, các đảo thuộc quần đảo Trường Sa; sau ngày 30/4, đảo Côn Sơn, đảo Phú Quốc lần lượt được giải phóng. 

Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, bằng ba chiến dịch then chốt (Chiến dịch Tây Nguyên, Chiến dịch Huế - Đà Nẵng, Chiến dịch Hồ Chí Minh), diễn ra trong 55 ngày đêm với tốc độ “một ngày bằng hai mươi năm”, quân và dân ta đã giành thắng lợi nhanh chóng, trọn vẹn và đổ máu ít nhất. Đây là kết quả tổng hợp của sự phát triển liên tục tư duy chiến lược, ý chí, bản lĩnh, trí tuệ Việt Nam trong suốt cả cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước và được bùng phát cao độ trong Chiến dịch lịch sử Hồ Chí Minh 1975.

• Ý CHÍ, BẢN LĨNH VÀ TRÍ TUỆ VIỆT NAM TRONG ĐẠI THẮNG MÙA XUÂN 1975

Đại thắng mùa Xuân 1975 là sự kết tinh, hội tụ  ý chí, bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam được thể hiện ở các điểm sau:

(i) Sau chuyến đi của Ních Xơn đến Bắc Kinh (2/1972) và Mátxcơva (5/1972), Mỹ đã thỏa thuận dành một số lợi ích và mối quan tâm của Trung Quốc, Liên Xô…, đổi lại, Trung Quốc và Liên Xô sẽ giảm sự ủng hộ, giúp đỡ đối với cách mạng Việt Nam. Trước tình hình bất lợi đó, Đảng ta và quân dân cả nước đã thể hiện rõ ý chí, bản lĩnh chính trị của mình, kiên trì đường lối độc lập, tự chủ, hạn chế đến mức thấp nhất có thể được do thỏa thuận Mỹ - Trung Quốc - Liên Xô tác động, quyết tâm tiến hành cuộc kháng chiến đi đến thắng lợi hoàn toàn.

(ii) Sau Hiệp định Pa-ri (1/1973), Đảng ta chủ trương vừa kiên quyết, vừa mềm dẻo trong đấu tranh để đòi Mỹ phải thực hiện Hiệp định Pa-ri, đồng thời kêu gọi nhân dân yêu chuộng hòa bình thế giới ủng hộ cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân ta; tiếp tục khẳng định, con đường của cách mạng miền Nam vẫn là con đường bạo lực, cần khẩn trương nắm bắt thời cơ, kiên định giữ vững đường lối chiến lược tiến công, chớp thời cơ khi nó đến, thần tốc, táo bạo để thực hiện thắng lợi cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân.

(iii) Đến giữa năm 1974, mặc dù có xuất hiện thêm một số khó khăn mới, nhưng ta ngày càng mạnh lên, còn ngụy càng suy yếu rõ rệt, nước Mỹ lâm vào khủng hoảng nội bộ trầm trọng. Trước tình hình đó, Đảng ta hạ quyết tâm giải phóng miền Nam trong thời gian 2 năm 1975-1976, trong đó năm 1975 tranh thủ bất ngờ, tiến công rộng khắp tạo điều kiện để năm 1976 tiến hành tổng công kích, tổng khởi nghĩa, giải phóng hoàn toàn miền Nam; bên cạnh đó còn dự kiến nếu thời cơ đến sớm, lập tức giải phóng miền Nam trong năm 1975. Cuối năm 1974 đầu năm 1975, Chiến dịch giải phóng hoàn toàn tỉnh Phước Long thắng lợi, một phép thử cho thấy: Quân ngụy đã suy yếu nghiêm trọng, còn Mỹ không thể trở lại miền Nam Việt Nam. Điều này đã củng cố thêm quyết tâm chiến lược mà Đảng ta đã dự kiến trong năm 1974.

 (iv) Trên cơ sở đánh giá, phân tích, nhận định tình hình, thế và lực của hai bên, Đảng ta đã quyết định mở cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, mở đầu là đòn đánh điểm huyệt vào thị xã Buôn Ma Thuột trong chiến dịch Tây Nguyên, giành thắng lợi. Đặc biệt, trước sai lầm chiến lược của Tổng thống Việt Nam cộng hòa Nguyễn Văn Thiệu khi vội vã rút bỏ địa bàn trọng yếu Tây Nguyên, gây nên cơn hoảng loạn không gì ngăn chặn nổi trong hàng ngũ viên chức chính quyền và Quân đội Sài Gòn, chớp thời cơ chiến lược “20 năm có một” xuất hiện, Trung ương Đảng, Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng Tư lệnh đã họp (ngày 18/3/1975), quyết định chuyển từ kế hoạch giải phóng miền Nam trong 2 năm sang kế hoạch thời cơ, quyết tâm dồn sức hoàn thành giải phóng miền Nam trong năm 1975, sớm nhất là trước mùa mưa (5/1975).

(v) Sự lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện một cách đúng đắn, sáng tạo, nghiêm túc nhưng mềm dẻo, có hiệu quả trong việc phối hợp giữa tiến công và nổi dậy, giữa tiến công quân sự và giải quyết vấn đề chính trị - chính quyền trong những ngày cuối cùng của chiến tranh,… nên Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 đã giành được thắng lợi một cách nhanh chóng, triệt để, trọn vẹn và ít đổ máu nhất.

(vi) Diễn biến tình hình những ngày cuối cùng của chế độ Sài Gòn với nhiều hoạt động trung gian hối hả của các phe nhóm, lực lượng ở miền Nam cũng như của nước ngoài, kể cả những câu nói bóng gió hàm ý ngăn đe, hòng xoay chuyển kết cục theo ý của họ… Nhưng chúng vẫn không lung lay, thay đổi lập trường kiên định của ta là giải phóng hoàn toàn miền Nam, giành chính quyền về tay nhân dân, thực hiện thống nhất đất nước. Điều đó càng khẳng định bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam.

Có thể khẳng định, thắng lợi nhanh chóng, trọn vẹn của Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 là kết quả của sự hội tụ sức mạnh dân tộc, sự kết tinh của ý chí, bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam được hun đúc, rèn dụa trong suốt chiều dài lịch sử của dân tộc và được bùng phát cao độ trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước dưới sự lãnh đạo của Đảng. Trong bối cảnh mới hiện nay, ý chí, bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam nếu được tiếp tục bồi đắp, phát huy, nhất định sẽ là một nguồn lực, động lực to lớn thúc đẩy sự phát triển đất nước nhanh, bền vững, đến 1945 sẽ trở thành một nước phát triển, có thu nhập cao.