(LĐ online) - Chiều 21/5, đoàn công tác của Ban Kinh tế Trung ương đã có buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lâm Đồng về tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (Nghị quyết số 52-NQ/TW) và Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 22/3/2018 của Bộ Chính trị về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Nghị quyết số 23-NQ/TW).
Đồng chí Nguyễn Đức Hiển - Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương phát biểu định hướng nội dung buổi làm việc |
Đồng chí Nguyễn Đức Hiển - Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Trưởng đoàn công tác và đồng chí Nguyễn Thái Học - Quyền Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng đồng chủ trì hội nghị
Tham dự buổi làm việc có các đồng chí đại diện lãnh đạo các vụ thuộc Ban Kinh tế Trung ương; đại diện lãnh đạo các vụ, cục thuộc các bộ, ngành Trung ương. Về phía tỉnh Lâm Đồng, có các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy; các đồng chí Phó Chủ tịch HĐND, UBND tỉnh và lãnh đạo một số sở, ngành của tỉnh.
Đồng chí Nguyễn Thái Học - Quyền Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng phát biểu tại buổi làm việc |
Tại buổi làm việc, đồng chí Võ Ngọc Hiệp - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng đã trình bày Báo cáo tóm tắt tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết số 52-NQ/TW và Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.
Các đồng chí chủ trì buổi làm việc |
Theo đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lâm Đồng đã chỉ đạo các cấp ủy, chính quyền, địa phương, cơ quan, đơn vị tổ chức quán triệt nghị quyết đến cán bộ chủ chốt toàn tỉnh và các cấp ủy, tổ chức đảng..., xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của đơn vị. Các mục tiêu, nhiệm vụ thực hiện Nghị quyết số 52-NQ/TW và Nghị quyết số 23-NQ/TW đã được Tỉnh ủy đưa vào phương hướng, mục tiêu, chỉ tiêu phát triển trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025 và Nghị quyết số 13-NQ/TU, ngày 25/5/2022 về phát triển công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy và UBND tỉnh cũng ban hành chương trình, kế hoạch cụ thể để triển khai, thực hiện các nghị quyết đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế của đơn vị, địa phương.
Đồng chí Nguyễn Ngọc Trung - Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Công nghiệp, Ban Kinh tế Trung ương đặt câu hỏi tại buổi làm việc |
Từ đó, việc thực hiện Nghị quyết số 52-NQ/TW trên địa bàn tỉnh đã được một số kết quả nổi bật như: Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh Lâm Đồng (https://dichvucong.lamdong.gov.vn) được xây dựng thống nhất, liên thông 4 cấp từ cấp xã tới cấp Trung ương. Hoàn thành việc kết nối, liên thông Hệ thống với Cổng dịch vụ công quốc gia, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
100% cơ quan Đảng, các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện, cấp xã kết nối mạng LAN và Internet tốc độ cao. Tỷ lệ xã có điểm phục vụ bưu chính có người phục vụ đạt 100%; 100% các sở, ban, ngành, huyện, thành phố thực hiện tiếp nhận, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích; 100% xã, phường, thị trấn được phủ sóng mạng băng rộng cáp quang, mạng di động 3G, 4G. Phát triển mới 5 trạm phát sóng 5G, đảm bảo 100% khu dân cư được phủ sóng thông tin di động 2G/3G/4G.
Đồng chí Nguyễn Thanh Tuyên - Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp Công nghệ Thông tin và Truyền thông, Bộ Thông tin và Truyền thông nêu ý kiến về vấn đề chuyển đổi số |
Tỉnh Lâm Đồng đã triển khai vận hành Trung tâm điều hành thông minh (IOC) và hệ thống báo cáo số liệu liên thông với các sở, ngành, cơ quan (LRIS) để phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; đầu tư hoàn thành và đi vào hoạt động 14 Trung tâm điều hành thông minh (IOC) của tỉnh, gồm: Trung tâm IOC của tỉnh; 3 Trung tâm IOC tại các sở và 10/12 Trung tâm IOC cấp huyện.
Hệ thống trục tích hợp chia sẻ, kết nối dữ liệu LGSP tỉnh được Cục An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (A05) đánh giá đáp ứng các tiêu chí về bảo mật, bảo đảm an ninh, an toàn thông tin để kết nối vào Cơ sở dữ quốc gia về dân cư.
Đồng chí Nguyễn Tiến Mạnh - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam nêu ý kiến về công tác chuẩn bị, cũng như những khó khăn trong việc triển khai các dự án của Tập đoàn trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng |
Chỉ số đổi mới sáng tạo (PII) tỉnh Lâm Đồng năm 2023 đạt 43,58 điểm, đứng đầu khu vực Tây Nguyên và đứng thứ 16 cả nước. Quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo.
Trong thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW đã đạt được một số kết quả cụ thể như: Năm 2022, tỷ trọng công nghiệp trong GRDP đạt 11,26%. Tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng công nghiệp bình quân giai đoạn 2018 - 2022 đạt 3,40%/năm. Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp bình quân giai đoạn 2018 - 2022 đạt 10,70%. Tỷ lệ lao động trong ngành công nghiệp và dịch vụ năm 2022 chiếm 33,7% lao động toàn tỉnh. Năm 2023, GRDP bình quân đầu người đạt 86,12 triệu đồng/người; tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 929 triệu USD, tăng 4,8% so cùng kỳ.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Võ Ngọc Hiệp trình bày Báo cáo tóm tắt tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết số 52-NQ/TW và Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị trên địa bàn tỉnh |
Tỉnh Lâm Đồng đã tích hợp quy hoạch phát triển công nghiệp vào Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Phát triển công nghiệp theo hướng chuyển dịch từ tăng trưởng chiều rộng sang tăng trưởng theo chiều sâu. Phát triển các khu, cụm công nghiệp nhằm thu hút doanh nghiệp sản xuất công nghiệp vào hoạt động, với 2 khu công nghiệp đang hoạt động (tỷ lệ lấp đầy trên 85%) và 6 cụm công nghiệp (tỷ lệ lấp đầy 51,52%). Đến nay, có 120 dự án đăng ký đầu tư trong các khu, cụm công nghiệp.
Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Lâm Đồng Nguyễn Trọng Ánh Đông phát biểu tại buổi làm việc |
Trên địa bàn tỉnh đã thu hút đầu tư, đưa vào hoạt động được một số nhà máy sản xuất công nghiệp với quy mô lớn, giá trị cao, như: Nhà máy sản xuất Alumin công suất 650.000 tấn/năm, nhà máy sản xuất bia công suất 100 triệu lít/năm, nhà máy sợi len lông cừu công suất 4.000 tấn/năm, nhà máy sản xuất chế biến nông sản công suất 30.000 tấn sản phẩm/năm, sản xuất dược phẩm Nanogen 332 triệu đơn vị sản phẩm/năm, nhà máy thủy điện 340 MW,…
Tỉnh Lâm Đồng đã từng bước tạo dựng môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia phát triển các cụm liên kết công nghiệp. Đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hóa quy trình và thủ tục, giảm mạnh thời gian và chi phí trong thực hiện thủ tục hành chính; nâng cao chất lượng dịch vụ hành chính công; nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI); chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI) cấp tỉnh. Từ đó tạo điều kiện đơn giản nhất, thuận lợi nhất cho hoạt động của doanh nghiệp, nhà đầu tư.
Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Lâm Đồng Tôn Thiện San nêu ý kiến về vấn đề quy hoạch |
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lâm Đồng cũng thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, hạn chế trong thực hiện Nghị quyết số 52-NQ/TW và Nghị quyết số 23-NQ/TW trên địa bàn tỉnh. Từ đó đề xuất những nội dung kiến nghị Chính phủ, bộ, ngành Trung ương xem xét, giải quyết.
Sau khi nghe báo cáo, các đồng chí trong đoàn công tác của Ban Kinh tế Trung ương đã đặt ra các câu hỏi đối với tỉnh Lâm Đồng, đặc biệt là những đánh giá của địa phương về các cơ chế, chính sách trong thực hiện các nội dung từ thực tiễn triển khai thực hiện 2 Nghị quyết tại địa phương.
Giám đốc Sở Công thương tỉnh Lâm Đồng Hoàng Trọng Hiền nêu lên những hạn chế trong phát triển công nghiệp tại địa phương |
Các đồng chí trong Ban Thường vụ, lãnh đạo các sở, ngành của tỉnh Lâm Đồng đã giải đáp các câu hỏi của các thành viên đoàn công tác. Tập trung phân tích, đánh giá làm rõ thêm những kết quả nổi bật; những khó khăn, tồn tại trong triển khai Nghị quyết số 52-NQ/TW và Nghị quyết số 23-NQ/TW. Từ đó có những đề xuất, kiến nghị, giải pháp thực hiện trong thời gian tới.
Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Lâm Đồng Huỳnh Minh Hải phát biểu ý kiến về nội dung chuyển đổi số |
Các ý kiến tại buổi làm việc tập trung đến các nội dung liên quan đến các vấn đề như: vấn đề quy hoạch, chồng lấn quy hoạch, kế hoạch để thực hiện quy hoạch; cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển công nghiệp, đặc biệt là phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ; các chính sách về khoa học công nghệ; quy định, cơ chế chính sách về chuyển đổi số; thúc đẩy liên kết vùng; đề xuất, kiến nghị về chuyển đổi trong một số lĩnh vực, đặc biệt là lĩnh vực nông nghiệp...
Các thành viên đoàn công tác của Ban Kinh tế Trung ương tham gia buổi làm việc |
Bên cạnh đó là các ý kiến liên quan đến quy hoạch và phân bố không gian phát triển công nghiệp, chuyển đổi xanh; xây dựng đô thị thông minh; phát triển kinh tế số, xã hội số và xây dựng Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số... Nhiều ý kiến tại buổi làm việc cũng tập trung trao đổi về các phương án trong thực hiện Đề án phát triển tổng thể lĩnh vực bô xít - alumin - nhôm đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.
Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Thái Học - Quyền Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng thay mặt Ban Thường vụ, Thường trực Tỉnh ủy cảm ơn đồng chí Nguyễn Đức Hiển và đoàn công tác của Ban Kinh tế Trung ương đã dành thời gian đến thăm, làm việc với tỉnh Lâm Đồng.
Đồng chí Quyền Bí thư Tỉnh ủy khẳng định: Nghị quyết số 52-NQ/TW và Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị là 2 Nghị quyết cần thiết và quan trọng vì đề cập đến các lĩnh vực có ý nghĩa hàng đầu đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương. Quá trình triển khai thực hiện 2 nghị quyết đã tạo sự chuyển biến rõ nét trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.
Các đại biểu của tỉnh Lâm Đồng tham gia buổi làm việc |
Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả 2 nghị quyết trong thời gian tới, đồng chí Nguyễn Thái Học đề nghị các sở, ban, ngành trên địa bàn tỉnh cần nhìn nhận, đánh giá lại các mục tiêu, chỉ tiêu đã đề ra để triển khai phù hợp với tình hình thực tiễn; nhìn nhận lại sự vào cuộc một cách đồng bộ giữa các bộ, ngành Trung ương với địa phương. Đồng thời, đề nghị các bộ, ngành Trung ương kịp thời rà soát và tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc từ đề xuất, kiến nghị của địa phương.
Quang cảnh buổi làm việc |
Kết luận buổi làm việc, đồng chí Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Đức Hiển thay mặt đoàn công tác tiếp thu, ghi nhận các ý kiến, kiến nghị của các đại biểu Lâm Đồng trình bày tại buổi làm việc. Đồng thời khẳng định, Ban Kinh tế Trung ương sẽ tổng hợp, nghiên cứu và sớm có kiến nghị, tham mưu để cùng địa phương tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin