(LĐ online) - Chiều 9/5, đồng chí Nguyễn Thái Học - Quyền Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng có buổi làm việc với Đảng bộ Trường Đại học Đà Lạt về công tác đào tạo, giới thiệu nguồn nhân lực trẻ cho tỉnh.
Đồng chí Nguyễn Thái Học - Quyền Bí thư Tỉnh ủy phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc |
Cùng tham dự buổi làm việc có đồng chí Võ Ngọc Hiệp - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đồng chí Bùi Thắng - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; các đồng chí đại diện lãnh đạo Văn phòng Tỉnh ủy, Ban Tổ chức Tỉnh ủy; lãnh đạo Sở Nội vụ, Sở Giáo dục và Đào tạo, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Lâm Đồng; đại diện Đảng ủy, Ban Giám hiệu các Trường Đại học Yersin Đà Lạt, Cao đẳng Đà Lạt, Cao đẳng Du lịch Đà Lạt, Cao đẳng Y tế Lâm Đồng.
Đồng chí Võ Ngọc Hiệp - Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại buổi làm việc |
Về phía Trường Đại học Đà Lạt, có đồng chí Lê Minh Chiến - Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng; đồng chí Nguyễn Văn Vinh - Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường; cùng các đồng chí trong Ban Chấp hành Đảng bộ, Ban Giám hiệu, trưởng các đơn vị, đoàn thể và nhà khoa học trẻ của nhà trường.
Đồng chí Bùi Thắng - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đánh giá cao công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho sinh viên của Trường Đại học Đà Lạt |
Tại buổi làm việc, Hiệu trưởng Trường Đại học Đà Lạt Lê Minh Chiến đã báo cáo một số kết quả trong công tác đào tạo nguồn nhân lực và định hướng phát triển đến năm 2030 của nhà trường. Theo đó, hiện Đảng bộ Trường Đại học Đà Lạt có 217 đảng viên, đang sinh hoạt ở 22 chi bộ trực thuộc. Trường có 452 viên chức và người lao động, trong đó có 315 giảng viên (chiếm tỉ lệ 69,7%), có 1 giáo sư, 17 phó giáo sư, 106 tiến sĩ, 160 thạc sĩ và 31 cử nhân. Đội ngũ giảng viên có trình độ tiến sĩ của trường chiếm tỉ lệ 39,4% trên tổng số giảng viên, cao hơn mức trung bình chung của cả nước.
Hiệu trưởng Trường Đại học Đà Lạt Lê Minh Chiến báo cáo một số kết quả trong công tác đào tạo nguồn nhân lực của nhà trường |
Đến nay, Trường Đại học Đà Lạt có tổng cộng 57 ngành đào tạo ở tất cả các trình độ đại học, thạc sĩ và tiến sĩ. Cụ thể: 40 ngành đại học, 10 ngành thạc sĩ và 7 ngành tiến sĩ. Từ khoá tuyển sinh đầu tiên năm 1977, đến tháng 3/2023, hơn 77.000 sinh viên, học viên và nghiên cứu sinh đã tốt nghiệp ở các loại hình, trình độ khác nhau tại Trường Đại học Đà Lạt.
Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Đà Lạt Mai Minh Nhật trình bày các ngành học mà nhà trường đang đẩy mạnh đào tạo để đáp ứng nhu cầu của xã hội |
Về công tác nghiên cứu khoa học - hợp tác quốc tế, Tạp chí khoa học của Trường Đại học Đà Lạt là một trong 6 tạp chí đầu tiên của cả nước được chấp thuận chỉ mục vào Hệ thống trích dẫn khoa học các quốc gia Đông Nam Á - ACI. Liên tục trong nhiều năm qua, Trường luôn nằm trong top 30 Trường có số bài báo được Bộ Giáo dục và Đào tạo khen thưởng nhiều nhất cả nước. Từ năm 2018 đến nay, Trường đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác với 70 đối tác nước ngoài, các đối tác tài trợ hơn 230.000 USD cho các dự án khác nhau của Trường.
Hiệu trưởng Trường Đại học Yersin Đà Lạt Phạm Đình Trung phát biểu tại buổi làm việc |
Trường Đại học Đà Lạt xếp thứ 33 trong tổng số 100 trường đại học hàng đầu Việt Nam và đứng đầu khu vực Tây Nguyên theo bảng xếp hạng các trường đại học Việt Nam VNUR năm 2024.
Trường Đại học Đà Lạt đặt mục tiêu đến 2030 trở thành một trung tâm đào tạo chất lượng cao hàng đầu khu vực, cung cấp nguồn nhân lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tiểu vùng Nam Tây Nguyên và vùng phụ cận. Tỷ lệ giảng viên toàn trường có trình độ tiến sĩ đạt trên 50%. Đào tạo, cung cấp cho địa phương và khu vực khoảng 2.000 cử nhân, kỹ sư, thạc sĩ, tiến sĩ trong các lĩnh vực trọng điểm. Tỷ lệ sinh viên có việc làm 12 tháng sau khi tốt nghiệp đạt trên 90%, riêng các lĩnh vực trọng điểm đạt trên 95%.
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Phạm Thị Hồng Hải nêu ý kiến về công tác đào tạo chuyên môn đối với sinh viên ngành sư phạm |
Bên cạnh đó, Hiệu trưởng Trường Đại học Đà Lạt cũng đưa ra một số khó khăn mà nhà trường gặp phải. Cụ thể như nguồn thu tài chính của trường phụ thuộc phần lớn vào học phí (bình quân chiếm khoảng 96%), do đó phụ thuộc rất lớn vào kết quả tuyển sinh hằng năm, trong khi mức học phí của trường thấp so với mặt bằng chung. Bên cạnh đó, việc thực hiện các chính sách thu hút cũng như giữ chân giảng viên, nhà khoa học có trình độ cao về trường công tác còn nhiều hạn chế. Trường cũng khó có thể tự đầu tư hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị thí nghiệm, nghiên cứu, sản xuất, chuyển giao một cách có hệ thống, đồng bộ và liên thông.
Sau khi nghe báo cáo, đồng chí Nguyễn Thái Học - Quyền Bí thư Tỉnh ủy đã đặt các câu hỏi cũng như vấn đề để các đại biểu cùng trao đổi, thảo luận. Cụ thể như tỷ lệ sinh viên sau tốt nghiệp có việc làm; các ngành đào tạo mà Trường Đại học Đà Lạt có thế mạnh hiện có đáp ứng được nhu cầu của xã hội; việc bắt nhịp, đáp ứng các ngành học mà xã hội đang cần được nhà trường thực hiện như thế nào; việc giới thiệu sinh viên giỏi, sinh viên xuất sắc, các nhà khoa học trẻ cho các cơ quan, ban ngành của tỉnh;...
Đồng chí Phan Văn Phấn - Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật tỉnh nêu vấn đề về công tác đào tạo nguồn nhân lực trẻ |
Tại buổi làm việc, đại diện lãnh đạo các trường đại học, cao đẳng cũng trình bày khái quát về tình hình, hoạt động đào tạo của đơn vị. Đại diện các sở, ban, ngành cũng nêu ra những vấn đề, khó khăn, vướng mắc trong công tác đào tạo, giới thiệu nguồn nhân lực trẻ tại địa phương. Các ý kiến tập trung vào những vấn đề như: chú trọng nâng cao chất lượng đào tạo để sinh viên ra trường đáp ứng được nhu cầu xã hội; vấn đề về quy hoạch công tác đào tạo; liên kết trong đào tạo; cơ hội việc làm cho sinh viên khi nhu cầu của xã hội và ngành học của sinh viên chưa gặp nhau,...
Đại diện nhà khoa học trẻ Trường Đại học Đà Lạt phát biểu tại buổi làm việc |
Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Võ Ngọc Hiệp - Phó Chủ tịch UBND tỉnh đánh giá cao về những kết quả mà Trường Đại học Đà Lạt đã đạt được trong công tác đào tạo, góp phần cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho tỉnh, đặc biệt là trong lĩnh vực giáo dục, khoa học, công nghệ.... Bên cạnh đó, đồng chí cũng thẳng thắn chỉ ra những hạn chế như: công tác phối hợp giữa Trường Đại học Đà Lạt và tỉnh trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao chưa đi vào chiều sâu; những ứng dụng trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học áp dụng vào thực tế còn ít;... Do đó, trong thời gian tới, Trường Đại học Đà Lạt cần chú trọng xây dựng trở thành một trung tâm đào tạo chất lượng cao không chỉ ở trong khu vực mà còn ngoài khu vực; gắn nghiên cứu với chuyển giao, thực nghiệm; giới thiệu nguồn nhân lực chuyên sâu theo yêu cầu đặt ra.
Các đồng chí trong Ban Chấp hành Đảng bộ, Ban Giám hiệu Trường Đại học Đà Lạt tham gia buổi làm việc |
Kết luận buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Thái Học - Quyền Bí thư Tỉnh ủy ghi nhận các ý kiến của đại diện lãnh đạo các trường đại học, cao đẳng, các sở, ban, ngành. Đồng chí khẳng định: Nguồn nhân lực ở tỉnh Lâm Đồng nói riêng và các tỉnh khu vực miền Trung - Tây Nguyên đang sử dụng hiện nay có công rất lớn trong công tác đào tạo của Trường Đại học Đà Lạt, đây là lực lượng đang từng ngày phục vụ cho sự phát triển chung của các địa phương. Chính điều này đã khẳng định vị thế, vai trò, tầm quan trọng và chất lượng giáo dục của Trường Đại học Đà Lạt trong gần 50 năm qua kể từ khi trường thành lập.
Đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành tham gia buổi làm việc |
Tuy nhiên, đồng chí Quyền Bí thư Tỉnh ủy cũng bày tỏ trăn trở khi hiện nay, từ tỉnh đến huyện, các sở, ngành đều đang gặp khó khăn về nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao. Có nhiều vị trí cần thay thế, kiện toàn nhưng không có người đủ năng lực, đủ tố chất đáp ứng được yêu cầu. Bên cạnh đó, hiện có nhiều bất cập giữa việc đào tạo với nhu cầu sử dụng nhân lực. Một số chuyên ngành khan hiếm nhân lực, trong khi đó, nhiều ngành đào tạo không phù hợp với nhu cầu xã hội, không phát huy được khả năng chuyên môn của sinh viên sau khi tốt nghiệp. Đây là những vấn đề cần được Đảng ủy, Ban Giám hiệu các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn tỉnh cần đặc biệt quan tâm.
Quang cảnh buổi làm việc |
Đồng chí Quyền Bí thư Tỉnh ủy đề nghị trong thời gian tới, các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn tỉnh cần phát huy lợi thế của mình, đồng thời có sự hỗ trợ, chia sẻ lẫn nhau mà trong đó, Trường Đại học Đà Lạt đóng vai trò là trung tâm, hạt nhân. Đặc biệt, Đảng ủy, Ban Giám hiệu Trường Đại học Đà Lạt cần xây dựng môi trường sống, làm việc, công tác công bằng, lành mạnh, trọng dụng người trẻ, người thật sự có năng lực. Bên cạnh đó, trong quá trình đào tạo cần cố gắng gắn kết với thực tiễn. Từ đó góp phần tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn đang đặt ra.
Đồng thời, Đảng ủy, Ban Giám hiệu Trường Đại học Đà Lạt cần nghiên cứu, tìm tòi, đề xuất, giới thiệu những mô hình tốt, điển hình, hiệu quả cho công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền; cũng như trong triển khai thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Đồng chí Nguyễn Thái Học giao Sở Nội vụ và Ban Tổ chức Tỉnh ủy làm việc cụ thể với Trường Đại học Đà Lạt để giới thiệu những sinh viên xuất sắc, tiêu biểu, ưu tú; có quá trình học tập, rèn luyện, phấn đấu tốt; có tố chất tốt để tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng ngay từ khi vừa tốt nghiệp đại học. Từ đó, sớm tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, cán bộ tốt cho tỉnh cũng như các địa phương trong thời gian tới.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin