Chiến thắng Điện Biên Phủ - thiên sử vàng chói lọi

   LINH NHÂN 09:58, 04/05/2024

(LĐ online) - “Năm mươi sáu ngày đêm khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt/ Máu trộn bùn non, gan không núng, chí không mòn”, quân và dân ta đã làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, thiên sử vàng chói lọi của dân tộc ta.

Cuối năm 1953, cuộc chiến tranh Đông Dương đã kéo dài 8 năm, quân Pháp đang lâm vào thế bị động trên chiến trường. Nước Pháp hầu như không còn đủ sức chịu đựng gánh nặng chiến tranh Đông Dương, phải cầu viện sự trợ giúp của Hoa Kỳ. Nhằm cứu vãn tình thế bi đát và tạo một trận thắng lớn hòng xoay chuyển cục diện chiến tranh theo hướng có lợi cho Pháp, Tướng Nava, Tổng chỉ huy quân đội viễn chinh Pháp đã đưa ra kế hoạch tập trung mọi nguồn lực để xây dựng “một pháo đài khổng lồ không thể công phá” ở Điện Biên Phủ, tập đoàn cứ điểm mạnh nhất Đông Dương với tổng số binh lực vào lúc cao nhất lên tới 16.200 quân. Giới quân sự Pháp và Mỹ coi đây là cái bẫy nhằm thu hút,“nghiền nát chủ lực Việt Minh”, nuôi tham vọng giành thắng lợi quyết định về quân sự trong vòng 18 tháng, làm cơ sở thực hiện “một giải pháp chính trị thích hợp để giải quyết chiến tranh” (H.Navarre, Thời điểm của những sự thật, Nxb CAND, H. 2004, tr. 93) và tìm “lối thoát danh dự” cho nước Pháp.

Trước diễn biến mới của tình hình, ngày 6/12/1953, Bộ Chính trị họp, nghe Tổng Quân ủy trình bày kế hoạch tác chiến mùa Xuân 1954. Với bản lĩnh, trí tuệ và phát huy cao độ chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam, Bộ Chính trị đánh giá Điện Biên Phủ là một tập đoàn cứ điểm mạnh, nhưng có mặt yếu cơ bản là bị cô lập, ở rất xa hậu phương địch, mọi tiếp tế vận chuyển đều phải dựa vào đường không. Đối với ta, Điện Biên Phủ tuy xa hậu phương, rất khó khăn về tiếp tế hậu cần, nhưng với ý chí quyết chiến, quyết thắng của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, cả tiền tuyến và hậu phương, ta có khả năng khắc phục được khó khăn và chắc chắn đánh thắng quân địch ở Điện Biên Phủ. Trên cơ sở phân tích một cách khoa học tương quan lực lượng giữa ta và địch, Bộ Chính trị thông qua kế hoạch tác chiến của Tổng Quân ủy, chọn Điện Biên Phủ làm điểm quyết chiến chiến lược trong chiến cuộc Đông Xuân 1953 - 1954 và quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ với quyết tâm tiêu diệt hoàn toàn tập đoàn cứ điểm của địch.

Với ý nghĩa đặc biệt quan trọng của chiến dịch Điện Biên Phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng quyết định thành lập Bộ Chỉ huy chiến dịch, Đảng uỷ mặt trận do Đại tướng Võ Nguyên Giáp làm Tư lệnh kiêm Bí thư Đảng uỷ. Chính phủ quyết định thành lập Hội đồng cung cấp mặt trận do đồng chí Phạm Văn Đồng làm Chủ tịch. Mọi công việc chuẩn bị cho chiến dịch được tiến hành khẩn trương với khẩu hiệu “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng”. Bộ Chính trị và Tổng Quân ủy đã quyết định tập trung 4 đại đoàn bộ binh, 1 đại đoàn công pháo với tổng quân số trên 40.000 người. Các đơn vị bộ đội chủ lực nhanh chóng tập kết, ngày đêm bạt rừng, xẻ núi mở đường kéo pháo, xây dựng trận địa, sẵn sàng tiến công địch. Hơn 260.000 dân công, thanh niên xung phong bất chấp bom đạn, hướng về Điện Biên Phủ bảo đảm hậu cần phục vụ chiến dịch. Ban đầu, Đảng ủy và Bộ Chỉ huy chiến dịch quyết định chọn phương châm “đánh nhanh, giải quyết nhanh” (dự kiến 3 đêm, 2 ngày liên tục), thời gian nổ súng vào ngày 20/01/1954, sau đó lùi thời gian nổ súng sang ngày 26/01/1954. Tuy nhiên, khi nắm được sự thay đổi lớn của địch ở Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, với bản lĩnh, trí tuệ và ý chí quyết chiến, quyết thắng, để đảm bảo “đánh chắc thắng”, Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp đã đưa ra quyết định khó khăn nhất trong cuộc đời chỉ huy của mình là chuyển phương châm tiêu diệt địch từ “đánh nhanh, giải quyết nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc” và chỉ đạo khẩn trương hoàn thành các công việc cần thiết để bảo đảm cho phương châm tác chiến mới. Sau khi phương châm “đánh chắc, tiến chắc” được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bộ Chính trị nhất trí, cho đây là một quyết định hoàn toàn đúng đắn, vào lúc 17 giờ 5 phút ngày 13/3/1954, quân ta đã nổ súng mở đầu chiến dịch Điện Biên Phủ. Sau “Năm mươi sáu ngày đêm khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt. Máu trộn bùn non, gan không núng, chí không mòn”, trải qua 3 đợt (đợt 1 từ 13 – 17/3/1954, đợt 2 từ 30/3 –  30/4/1954, đợt 3 từ ngày 01/5 – 07/5/1954), đến 17 giờ 30 phút ngày 7/5/1954, quân và dân ta đã giành thắng lợi hoàn toàn. Tổng số quân địch bị diệt và bắt sống tại Điện Biên Phủ là 16.200 tên; trong đó có Thiếu tướng Đờ-Cax-tơ-ri, 10 đại tá và trung tá, 353 sĩ quan, 62 máy bay bị bắn rơi và phá hủy tại mặt trận, thu 64 ô tô và toàn bộ vũ khí, đạn dược, quân trang quân dụng của địch…

Chiến dịch Điện Biên Phủ là chiến dịch dài ngày, nơi tập trung những nỗ lực cao nhất của cả hai bên. Chính vì vậy, đó là cuộc chiến đấu vô cùng gian khổ với nhiều mất mát, hi sinh. Nhưng dưới sự lãnh đạo, giáo dục, tổ chức và rèn luyện của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, nguồn sức mạnh tinh thần vô địch của dân tộc đã được khơi dậy, chuyển hóa thành sức mạnh vật chất để chiến thắng kẻ thù.

Chiến dịch Điện Biên Phủ giành được chiến thắng vang dội đã chứng minh chủ trương chiến lược phá Kế hoạch Nava và quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ là quyết sách hoàn toàn đúng đắn, để quân và dân ta chủ động, khôn khéo, buộc Pháp phải bị động giao chiến trên một chiến trường do ta lựa chọn. Điều đó không chỉ thể hiện tầm nhìn sâu rộng, tư duy quân sự sắc sảo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, mà còn thể hiện sự phát huy cao độ bản lĩnh, trí tuệ và chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam.

Chiến thắng Điện Biên Phủ là một trong những đỉnh cao chói lọi trong lịch sử dân tộc, mãi mãi là bản anh hùng ca tuyệt vời về tinh thần và ý chí quyết chiến, quyết thắng; về trí tuệ và bản lĩnh của con người Việt Nam trong đấu tranh cách mạng. Đó là chiến thắng của khát vọng độc lập, tự do, truyền thống yêu nước, đoàn kết và ý chí tự lực tự cường; chiến thắng của tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối cách mạng đúng đắn, sáng tạo của Đảng; chiến thắng của sức mạnh dân tộc và chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam đã được kết hợp chặt chẽ với sức mạnh của thời đại tạo nên sức mạnh vô địch. Chiến thắng Điện Biên Phủ đã chứng minh hùng hồn chân lý: Trong thời đại ngày nay, một nước nhỏ kinh tế chậm phát triển, nhưng có đường lối chính trị, quân sự đúng đắn, sáng suốt, biết phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, được nhân dân tiến bộ, yêu chuộng hòa bình trên thế giới đồng tình ủng hộ thì nhất định sẽ đánh bại bất kỳ kẻ thù xâm lược nào.

Chiến thắng Điện Biên Phủ đã buộc Chính phủ Pháp cùng các bên tham dự Hội nghị (trừ Mỹ) phải ký kết Hiệp định Genève, chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương ngày 21/7/1954; làm thức tỉnh và cổ vũ, động viên các dân tộc bị áp bức trên thế giới vùng lên đấu tranh giành độc lập, tự do của dân tộc, mở đầu quá trình sụp đổ của chủ nghĩa thực dân cũ trên thế giới. Đồng thời, mở ra một giai đoạn mới của cách mạng Việt Nam là miền Bắc được giải phóng và quá độ lên CNXH, trở thành căn cứ địa cách mạng rộng lớn, hậu phương vững chắc cho cách mạng miền Nam. Có thể nói, Chiến thắng Điện Biên Phủ là cơ sở để toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta vững tin, dám đánh, quyết đánh và đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Điện Biên Phủ là một trận quyết chiến chiến lược, có ý nghĩa lịch sử và tầm vóc thời đại to lớn, góp phần quyết định kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược của quân và dân ta. Chiến thắng đã để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý báu đến nay vẫn còn nguyên giá trị, cần được vận dụng và phát huy sáng tạo, hiệu quả trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN hiện nay. Đặc biệt là các bài học vế kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc gắn với sức mạnh thời đại, khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự lực, tự cường trong điều kiện mới; xây dựng nền quốc phòng toàn dân, toàn diện, tự lực cánh sinh, xây dựng quân đội tinh, gọn, mạnh, tiến thẳng lên hiện đại,… 

Kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ là dịp chúng ta ôn lại cuộc chiến đấu vô cùng dũng cảm và mưu trí với biết bao hi sinh, mất mát của dân tộc ta để làm nên thiên sử vàng chói lọi, từ đó khơi dậy và phát huy chủ nghĩa yêu nước, tinh thần, ý chí quyết chiến quyết thắng, trí thông minh, sáng tạo, tình đoàn kết quân - dân, khát vọng vươn tới độc lập, tự do, hạnh phúc của Nhân dân Việt Nam. Đồng thời, tiếp tục cỗ vũ, động viên toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đoàn kết vượt qua khó khăn, thách thức, thực hiện thành công mục tiêu xây dựng nước Việt Nam hùng cường, thịnh vượng.