Trải qua chín năm kháng chiến bền bỉ, kiên trì, vượt qua hy sinh, tổn thất, quân và dân ta đã làm nên thắng lợi Ðiện Biên Phủ, tạo nên “thiên sử vàng” trong lịch sử đấu tranh giữ nước của dân tộc. Thắng lợi đó được bắt nguồn từ sức mạnh nội sinh của một dân tộc đã đồng cam cộng khổ, vừa chiến đấu vừa xây dựng lực lượng, từng bước đánh bại các kế hoạch chiến tranh của thực dân Pháp để đi đến giành thắng lợi trận quyết chiến chiến lược.
Từng đoàn dân công hỏa tuyến với xe đạp thồ và sức người phục vụ chiến trường Ðiện Biên Phủ. (Trích đoạn trong bức tranh panorama tái hiện Chiến thắng Ðiện Biên Phủ |
1. Với tinh thần “Thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ” đã kết triệu người Việt Nam như một, tạo nên sức mạnh của một dân tộc hiệp lực đồng tâm, chung sức đánh đuổi thực dân Pháp. Ðó chính là nội lực của cả dân tộc được phát huy dưới sự lãnh đạo của đường lối đúng đắn của chính đảng tiên phong vì lợi ích quốc gia, dân tộc. Nội lực đó đã liên tiếp làm thất bại các kế hoạch chiến tranh của địch.
Với chiến thắng Việt Bắc Thu Ðông 1947, buộc quân thù phải từ kế hoạch “đánh nhanh, thắng nhanh”, chấp nhận cuộc chiến tranh kéo dài ngoài mong muốn, đưa cuộc kháng chiến bước sang giai đoạn “sức ta và địch dần cân nhau”, để đẩy mạnh vận động tiến lên giành quyền chủ động chiến lược bằng thắng lợi chiến dịch Biên giới Thu Ðông 1950. “Ðến đây, sức ta đã trội hơn sức địch, sức địch sa sút, kém sức ta” đẩy thực dân Pháp ngày càng lún sâu vào thế bị động, buộc phải dựa hẳn vào viện trợ Mỹ duy trì chiến tranh với mong muốn giành thắng lợi quân sự để kết thúc trong danh dự. Ðó là sự phát huy sức mạnh nội lực để xây dựng lực lượng vũ trang.
Cùng với đó, Ðảng đã ban hành, tổ chức thực hiện các chính sách “kiến quốc” có hiệu quả đã động viên mọi người dân hăng hái tham gia kháng chiến, phát huy khả năng của mọi công dân Việt Nam, tạo nên tiềm lực to lớn để đánh thắng quân địch.
Chính quyền dân chủ nhân dân ngày càng được củng cố và phát triển, tạo nên một trong những yếu tố căn bản lãnh đạo, tổ chức nhân dân tham gia đẩy mạnh kháng chiến, đây chính là yếu tố căn bản để huy động mọi tiềm lực, phát huy nội lực của dân tộc để ngày càng giành thêm nhiều thắng lợi có tính quyết định.
Nhằm gia tăng nội lực, Ðảng chủ trương “gia cường lãnh đạo kinh tế tài chính để đảm bảo kháng chiến trường kỳ, bồi dưỡng sức dân, làm cho cuộc kháng chiến được thuận chiều phát triển đi đến thắng lợi”. Trong sản xuất nông nghiệp, với chủ trương toàn dân tăng gia sản xuất và có các chính sách động viên, khuyến khích lại được sự tham gia của các đơn vị bộ đội, nên dù đất nước phải đương đầu với giặc ngoại xâm nhưng sản lượng lương thực không những giảm mà có xu hướng tăng, đủ cung cấp cho dân quân và nhân dân, không để đồng bào thiếu ăn dài ngày, là bước chuẩn bị cho “thực túc, binh cường”. Nền kinh tế ngày càng được củng cố, phát triển đã ổn định đời sống nhân dân, tạo điều kiện để nhân dân đóng góp cho kháng chiến. Cùng với đó, văn hóa, lĩnh vực giáo dục ngày càng được phát triển, góp phần quan trọng nâng cao dân trí, tạo nguồn cán bộ cho kháng chiến.
Những yếu tố nêu trên là bước phát huy nội lực, huy động được sức mạnh to lớn của cả dân tộc, là bước chuẩn bị tiền đề vững chắc để kết hợp với sức mạnh của thời đại, tạo tiềm lực cho cả nước bước vào trận quyết chiến chiến lược Ðiện Biên Phủ, giành thắng lợi quyết định.
2. Quyết định xây dựng Ðiện Biên Phủ thành một tập đoàn cứ điểm mạnh chưa từng có trong cuộc chiến tranh Ðông Dương, sẵn sàng nghiền nát chủ lực Việt Minh, giành lấy thắng lợi quyết định, Henri Navarre và các nhân vật hiếu chiến trong giới cầm quyền Pháp, Mỹ đều cho rằng họ đang nắm lợi thế, bởi “các công trình phòng ngự của Pháp được tổ chức theo nguyên tắc hiện đại nhất, đặc biệt có sự giúp đỡ của người Mỹ là bất khả xâm phạm.
Pháo binh Việt Nam dù sao đi nữa cũng thua kém pháo binh ta, không thể nào leo lên đến các đỉnh núi cao quanh lòng chảo. Các lực lượng của tướng Giáp không thể nào được tiếp tế vũ khí, đạn dược và lương thực. Vận chuyển hàng vạn tấn qua rừng rậm là việc làm kỳ dị, chúng ta làm chủ trên không và bắn phá các con đường giao thông của Việt Minh, họ không thể nào tránh được”.
Tuy vậy, quân và dân ta nêu cao quyết tâm “nhất định đem toàn lực chi viện chiến dịch Ðiện Biên Phủ và nhất định làm mọi việc cần thiết để giành toàn thắng cho chiến dịch”. Trên khắp cả nước, từ chiến khu Việt Bắc đến bưng biền Ðồng Tháp, từ hậu phương Liên khu 4 đến đồng bào các dân tộc Tây Nguyên, từ vùng mới giải phóng Tây Bắc đến vùng du kích và căn cứ du kích ở Ðồng bằng Bắc Bộ, từ Khu 5 khúc ruột miền trung,… dồn sức, đồng lòng cho trận quyết chiến chiến lược.
Sức mạnh nhân dân được phát huy, mặt trận cầu đường được đẩy mạnh, cả dân tộc bừng bừng ra trận, tạo nên trận tuyến hậu cần nhân dân, với sự tham gia của 261.453 dân công với 18.301.570 ngày công; sử dụng 20.911 xe đạp thồ, 11.800 thuyền mảng… vận chuyển 25.056 tấn gạo, 1.824 tấn thịt và thực phẩm khô, hàng nghìn tấn rau cung cấp cho chiến dịch. Nhà báo Jules Roy khẳng định: “Không phải viện trợ bên ngoài đã đánh bại tướng Navarre, mà chính là những chiếc xe đạp Peugeot, thồ 200, 300 ký hàng và đẩy bằng sức người, những con người ăn chưa đủ no và ngủ thì nằm ngay dưới đất trải lấm nilông.
Cái đã đánh bại tướng Navarre, không phải là phương tiện, mà là sự thông minh và ý chí của đối phương (nhân dân Việt Nam-TG)”. Nội lực của dân tộc đã giải quyết được bài toán hậu cần, một yếu điểm mà đối phương cho rằng chúng ta không thể vượt qua. Các đoàn dân công hỏa tuyến không chỉ hoàn thành nhiệm vụ vận lương, tải đạn mà họ còn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ truyền tải sức mạnh hậu phương, tiếp thêm ý chí chiến đấu cho cán bộ, chiến sĩ trên chiến trường Ðiện Biên Phủ. Ðây chính là yếu tố quan trọng để làm nên chiến thắng.
Tại hội nghị tổng kết chiến dịch, Ðại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp nhận định: “Bọn đế quốc, phản động không bao giờ đánh giá được sức mạnh của nhân dân. Sức mạnh đó có thể khắc phục tất cả mọi khó khăn, chiến thắng mọi kẻ thù”. Chính nhân dân đã tạo nên nội lực để làm nên thắng lợi vĩ đại này. Nội lực của dân tộc được xây dựng từ truyền thống, từ ý chí vì độc lập, tự do, từ quyết tâm đánh bại quân xâm lược đã tạo nên đoàn quân có phẩm chất tuyệt vời, đó là nhân tố quan trọng để làm nên thắng lợi Ðiện Biên Phủ.
3. Tháng 9/1946, tại cuộc Hội đàm Fontainebleau, Trưởng phái đoàn Pháp Max André ngạo mạn khi tuyên bố với đồng chí Phạm Văn Ðồng, Trưởng phái đoàn Việt Nam Dân chủ cộng hòa: “Ngài thấy đó, hãy nên biết điều, ngài biết rằng trong trường hợp đàm phán thất bại, ngài sẽ thấy chiến tranh và quân đội chúng tôi sẽ đè bẹp các du kích quân của các ngài trong vài tuần…”. Nhưng chưa đầy tám năm sau đó, nước Pháp phải loay hoay tìm kiếm lối thoát trong danh dự bằng đánh cược vào tập đoàn cứ điểm Ðiện Biên Phủ và phải nhận kết cục thất bại, chấp nhận chấm dứt chiến tranh, công nhận độc lập, chủ quyền của quốc gia từng là thuộc địa đẹp đẽ nhất mà họ không muốn từ bỏ.
Ðường lối “kháng chiến, kiến quốc” của Ðảng đã đáp ứng nguyện vọng của dân tộc, nhân dân Việt Nam đã cống hiến hết mình, tạo nên nội lực để làm nên Chiến thắng Ðiện Biên Phủ, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến trường kỳ. Thành quả đó được xuất phát từ truyền thống hàng nghìn năm giữ nước, sức mạnh của ý chí một dân tộc tự cường, không cam chịu làm nô lệ, được dẫn dắt bởi tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm chiến tranh cách mạng của chủ nghĩa Mác-Lênin, được tiếp thêm sức mạnh thời đại; để lại bài học lớn về phát huy sức mạnh hiệp lực đồng tâm của toàn dân tộc để tạo nên nội lực lớn lao đưa đất nước đến hùng cường, thịnh vượng.
Ðể phát huy cao độ sức mạnh của dân tộc, tạo nên nội lực lớn cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, chúng ta cần ra sức xây dựng Ðảng thật sự trong sạch, vững mạnh, giữ vững mục tiêu đi lên chủ nghĩa xã hội. Bài trừ nạn tham nhũng, quan liêu trong bộ máy chính quyền, nhằm củng cố sức mạnh nhà nước, tăng cường niềm tin của nhân dân. Xây dựng nhà nước “của dân, do dân, vì dân”, đẩy mạnh cải cách hành chính; hoàn thiện hành lang pháp lý; xây dựng đội ngũ cán bộ công chức đủ đức, đủ tài; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; tiến hành công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nâng cao tiềm lực kinh tế; thực hiện đại đoàn kết toàn dân tộc, khơi dậy mọi nguồn lực, mọi tiềm năng, thế mạnh đất nước; khai thác, sử dụng hợp lý các nguồn lực để tạo nên nội lực của toàn dân tộc phục vụ cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Bài học từ cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và Chiến thắng Ðiện Biên Phủ càng cho chúng ta nhận thức rõ điều đó. |
(Theo Nhandan.vn)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin