Chú trọng lập kế hoạch và giải ngân đầu tư công để tránh tình trạng "no dồn, đói góp”

NGUYỆT THU 08:43, 26/05/2024

(LĐ online) - Ngày 25/6, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường.

Quang cảnh Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khoá XV
Quang cảnh Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khoá XV

Quốc hội nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội, Phó Trưởng Đoàn giám sát của Quốc hội Lê Quang Mạnh trình bày Báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội “về việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia đến hết năm 2023”.

Quốc hội thảo luận về Báo cáo của Đoàn Giám sát và dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về kết quả giám sát chuyên đề “việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia  đến hết năm 2023”. 

 ĐBQH Trịnh Thị Tú Anh góp ý cần chú trọng đến việc lập kế hoạch và giải ngân đầu tư công để tránh tình trạng no dồn, đói góp” trong chi đầu tư
ĐBQH Trịnh Thị Tú Anh góp ý cần chú trọng đến việc lập kế hoạch và giải ngân đầu tư công để tránh tình trạng "no dồn, đói góp” trong chi đầu tư

Tham gia góp ý, kiến nghị, Đại biểu Trịnh Thị Tú Anh - Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng nêu giải pháp kiến nghị cần “Chủ động sử dụng chính sách tài khóa nhằm thúc đẩy các động lực tăng trưởng kinh tế”.

Đại biểu nhấn mạnh: Về gói hỗ trợ tài khóa đã góp phần phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam, ngân sách các cấp đã chủ động đảm bảo nguồn thực hiện tăng lương tối thiểu từ 1,49 triệu đồng/tháng lên 1,8 triệu đồng/tháng cho các đối tượng hưởng lương từ ngân sách nhà nước và tăng lương hưu, trợ cấp cho các đối tượng thuộc ngân sách nhà nước đảm bảo từ ngày 1/7/2023. Số liệu về chi tiêu dùng cho thấy năm 2023, chi tiêu cuối cùng của khu vực nhà nước ước tăng 3,7% so cùng kỳ, cao hơn mức tăng tiêu dùng chung. Điều này là một phần từ việc tăng lương cho cán bộ, công chức và người về hưu vào tháng 7/2023, tạo tiền đề tốt cho việc cải cách tiền lương được thực hiện từ 1/7/2024.

Tuy vậy, quá trình triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội nói chung và Nghị quyết số 43/2022/QH15 nói riêng còn có một số tồn tại, hạn chế.  Đó là, một số văn bản quy phạm pháp luật còn hạn chế về tính rõ ràng, chồng chéo và tính khả thi, dẫn đến việc nhiều bộ ngành và địa phương phải tổ chức xin ý kiến, hướng dẫn và gây thêm chi phí (thời gian, tài chính) không cần thiết cho doanh nghiệp. Đơn cử như cách hiểu còn tương đối thận trọng với Nghị định số 31/2022/NĐ-CP về hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh đã dẫn đến việc triển khai rất chậm gói hỗ trợ lãi suất này (kết quả giải ngân đạt 3.05% kế hoạch).

Việc chi đầu tư phát triển giữ vai trò quan trọng trong gói hỗ trợ tài khóa song tiến độ giải ngân vẫn chậm, không đạt kế hoạch. Tại các phụ lục II, III và IV kèm theo báo cáo đánh giá việc thực hiện các chính sách của Nghị quyết 43 cho thấy, nhiều khoản chi đầu tư phát triển từ chương trình phục hồi kinh tế - xã hội không đạt kế hoạch. Ngoài chính sách miễn giảm thuế có tác dụng rõ rệt thì các chính sách khác còn khá mờ nhạt như chương trình hỗ trợ 2% lãi suất hay chương trình hỗ trợ nhà ở cho người thu nhập thấp. Gói hỗ trợ nhà ở mặc dù được coi là rất có ý nghĩa về mặt xã hội, nhưng triển khai trên thực tế cũng còn nhiều khó khăn, chưa được như kỳ vọng cả về phía người mua và doanh nghiệp. Chi đầu tư cho các dự án lớn, có ý nghĩa quan trọng với phát triển kinh tế - xã hội như y tế, an sinh xã hội, lao động, việc làm, hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh không đạt kế hoạch. Có đến 94 trên tổng số 272 dự án (chiếm 34,6%) sử dụng vốn chương trình có kết quả giải ngân dưới 50% và tỷ lệ giải ngân vốn so với tổng hạn mức vốn của 94 dự án này chỉ đạt 12%. Một số dự án nâng cao năng lực cho y tế cơ sở, y tế dự phòng, chăm sóc sức khỏe nhân dân có tỷ lệ giải ngân 0%, điều này sẽ tác động lớn đến tăng trưởng kinh tế không chỉ của giai đoạn 2023-2025 mà cả trong dài hạn.

Vẫn còn hạn chế trong chia sẻ thông tin, dữ liệu giữa các bộ, ngành và địa phương và sâu xa hơn là công tác phối hợp, điều hành chính sách phát triển kinh tế - xã hội. Chưa tạo được cách tiếp cận và động lực đủ mới cho cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh.

Trong bối cảnh kinh tế - xã hội giai đoạn 2024-2025 có vai trò quan trọng để hoàn thành kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025, do đó, đại biểu đề xuất một số kiến nghị như sau:  

Thứ nhất, chính sách tài khóa cần các các giải pháp điều chỉnh tổng cầu của nền kinh tế. Cần tiếp tục các chính sách nhằm kích cầu tiêu dùng nội địa. Xem xét tiếp tục giảm một số loại thuế, phí hỗ trợ doanh nghiệp, để kích cầu. Trên thực tế, việc giảm thuế và phí 2 năm (2022 và 2023) nhưng tổng thu ngân sách vẫn hầu như không ảnh hưởng. Tôi đánh giá rất cao việc Quốc hội đã xem xét cho ý kiến Luật Thuế giá trị gia tăng tại kỳ họp thứ 7 này. Đồng thời, kiến nghị xem xét chính sách thuế thu nhập cá nhân để kích thích thị trường tiêu dùng, xem xét mức giảm trừ gia cảnh

Thứ hai, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho quản lý và phân bổ chi đầu tư công để phù hợp hơn với điều kiện thực thi chính sách ở Việt Nam. Việc quy định rõ ràng về trách nhiệm, trách nhiệm giải trình và phân cấp quản lý chi đầu tư chính luôn là hết sức cần thiết. Đặc biệt cần chú trọng đến việc lập kế hoạch và giải ngân đầu tư công để tránh tình trạng "no dồn, đói góp” trong chi đầu tư. Trong đó, cần tháo gỡ các quy định ảnh hưởng đến giải ngân chi đầu tư nói chung và chi đầu tư từ nguồn vốn ODA nói riêng. Có thể xem xét điều chỉnh các khoản đầu tư cho nhà ở xã hội sang hình thức hỗ trợ doanh nghiệp xây nhà ở xã hội bằng nguồn vốn đối ứng của doanh nghiệp và hỗ trợ xây nhà cho thuê tại các khu công nghiệp, khu chế xuất…

Cuối cùng, để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, chúng ta cần chủ động sử dụng chính sách tài khóa nhằm thúc đẩy các động lực tăng trưởng giai đoạn 2024-2025. Tuy nhiên, chính sách tài khóa cần phải được sử dụng cùng với các chính sách kinh tế khác và với quá trình cải cách thể chế chung, kích thích đầu tư, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao mới có thể phát huy hiệu quả.