(LĐ online) - Ngăn chặn tình trạng khai thác khoáng sản trái phép như thế nào? Khâu kiểm tra, giám sát và quản lý sau cấp phép được thực hiện ra sao, có gây thất thoát tài nguyên khoáng sản hay không? Đó là những vấn đề nóng được nhiều đại biểu đặt ra tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn của HĐND huyện Đơn Dương diễn ra sáng 8/5.
Quang cảnh phiên họp |
Dự kỳ họp có các đồng chí: Trương Văn Tùng - Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Đơn Dương; Dương Đức Đại - Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Đơn Dương và các đại biểu lãnh đạo các phòng, ban trực thuộc; lãnh đạo UBND các xã, thị trấn trên địa bàn cùng toàn thể các đại biểu HĐND huyện Đơn Dương.
Phát biểu khai mạc, Chủ tịch HĐND huyện Trương Văn Tùng nhấn mạnh: Hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn có ý nghĩa quan trọng, góp phần nâng cao hiệu quả công tác giám sát của HĐND huyện; tác động tích cực đến công tác điều hành của UBND huyện và các cơ quan chuyên môn; kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
Chủ tịch HĐND huyện đề nghị các đại biểu HĐND huyện nêu câu hỏi chất vấn ngắn gọn, rõ nội dung; các đại biểu trả lời chất vấn đi thẳng vào vấn đề, xác định rõ trách nhiệm, giải pháp, hướng khắc phục cụ thể trong thời gian tới, không phân tích viện dẫn các lý do dài dòng.
Chủ tịch UBND xã Tu Tra trả lời câu hỏi chất vấn |
Ngay tại phiên chất vấn, các câu hỏi liên quan đến vấn đề khai thác khoáng sản, san gạt đất mà Báo Lâm Đồng phản ảnh đã được các đại biểu đặt câu hỏi với Chủ tịch UBND các xã, thị trấn.
Liên quan vấn đề này, UBND huyện Đơn Dương xác định có 11 vị trí tại 2 thị trấn D’ran, Thạnh Mỹ và 4 xã Tu Tra, Ka Đơn, Ka Đô, Pró có hoạt động “san gạt, cải tạo mặt bằng”. Ở hầu hết các vị trí này, UBND huyện Đơn Dương đều xác định chủ sở hữu các thửa đất đều “không có văn bản cho phép san gạt, cải tạo mặt bằng của cơ quan nhà nước có thẩm quyền”; có một vài vị trí thì đã bị lập biên bản xử lý vi phạm hành chính, còn lại đa số thì chưa lập thủ tục xử lý.
Để chấn chỉnh kịp thời công tác quản lý về khoáng sản, đất đai, UBND huyện đã ban hành văn bản chỉ đạo các ngành chức năng của huyện và UBND các xã, thị trấn kiểm tra, xác minh các nội dung Báo Lâm Đồng phản ảnh; kiểm điểm làm rõ trách nhiệm đối với tập thể, cá nhân liên quan trong công tác quản lý khoáng sản, đất đai.
Chủ tịch UBND các xã Tu Tra, Lạc Xuân, Trưởng Phòng Tài Nguyên và Môi trường, Phó trưởng Công an huyện Đơn Dương đã lần lượt trả lời các câu hỏi liên quan đến vấn đề này. Riêng Công an huyện đã thành lập tổ đặc biệt, ban hành các văn bản, xử lý kịp thời. Kết quả, năm 2023 xử lý 45 trường hợp, từ đầu năm 2024 đến nay, đã xử phạt 15 trường hơp, phối hợp UBND các xã, thị trấn xử phạt 9 trường hợp. Đối với vấn đề cấp giấy san gạt 60 ngày, Công an huyện đề nghị phòng Tài nguyên và Môi trường hường xuyên kiểm tra sau khi giấp phép hết thời hạn để không dẫn đến lợi dụng tiếp tục khai thác trái phép…
Ngoài các câu hỏi chất vấn liên quan đến vấn đề “nóng” khai thác tài nguyên khoáng sản, phiên họp còn chất vấn các vấn đề liên quan đến bảo hiểm xã hội mà người dân quan tâm.
Chủ trì phiên họp |
Phát biểu tại phiên họp, đồng chí Trương Văn Tùng - Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Đơn Dương đã đề nghị UBND huyện Đơn Dương chỉ đạo UBND các xã, thị trấn liên quan kiểm tra, làm rõ trách nhiệm tập thể, cá nhân để xảy ra tình trạng san gạt, cải tạo mặt bằng, khai thác, vận chuyển đất trái phép mà không xử lý triệt để; đồng thời, có trách nhiệm lập thủ tục xử lý vi phạm hành chính đối với các vị trí san gạt, cải tạo mặt bằng, vận chuyển đất nếu có đối với phần diện tích đã tác động theo kết quả đã đo đạc. Công an huyện tiếp tục phối hợp với các phòng, cơ quan liên quan và UBND các xã, thị trấn xác minh, làm rõ hành vi vi phạm về khai thác, vận chuyên đất để xử lý nghiêm theo quy định.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin