(LĐ online) - Chiều 21/5, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 7 do Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn chủ trì, Quốc hội thảo luận phiên toàn thể tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp.
Quang cảnh phiên họp |
Tại phiên họp, Quốc hội nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản. Sau khi Quốc hội thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản, cơ quan trình và cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.
Rất nhiều ý kiến của các đại biểu thể hiện tinh thần tâm huyết, trách nhiệm kiến nghị Quốc hội, ban soạn thảo nghiên cứu kỹ lưỡng, điều chỉnh để hoàn thiện dự thảo luật.
Các đại biểu tham dự phiên họp |
Tham gia góp ý cho dự thảo Luật Đấu giá tài sản, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Tạo - Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng bày tỏ quan tâm đến quy định về đấu giá đối với một số loại tài sản đặc thù như quyền sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư, tài sản thi hành án dân sự, quyền sử dụng tần số vô tuyến điện, quyền khai thác khoáng sản…
Đại biểu cho rằng, quy định về đấu giá đối với một số loại tài sản đặc thù như: Quyền sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư, tài sản thi hành án dân sự, quyền sử dụng tần số vô tuyến điện, quyền khai thác khoáng sản..., những quy định này được đưa ra trong bối cảnh pháp luật về đấu giá tài sản thời gian qua còn chưa chặt chẽ, chưa phù hợp với thực tiễn, gây khó khăn, vướng mắc cho tổ chức đấu giá tài sản, người có tài sản đấu giá và các cá nhân, tổ chức có liên quan. Chẳng hạn, quy định về thời hạn bán, tiếp nhận hồ sơ tham gia đấu giá còn chưa hợp lý; chế tài xử lý chưa đủ mạnh đối với các hành vi vi phạm, chưa có cơ chế hủy kết quả đấu giá trong một số trường hợp; quy định về trường hợp cấm tham gia đấu giá chưa đầy đủ; chưa có quy định về thẩm quyền xét duyệt hồ sơ đối với một số loại tài sản có các yêu cầu, điều kiện tham gia đấu giá như quyền khai thác khoáng sản, quyền sử dụng đất được Nhà nước giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư, quyền sử dụng tần số vô tuyến điện. Ngoài ra, việc áp dụng một số quy định chung của Luật Đấu giá tài sản đối với một số loại tài sản đặc thù như tài sản thi hành án dân sự còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, vì vậy, việc đưa các tài sản đặc thù này vào dự thảo Luật cần được quy định cụ thể, đảm bảo tính khả thi khi triển khai thi hành luật.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Tạo phát biểu góp ý về Luật Đấu giá tài sản |
Những quy định này được đưa ra trong bối cảnh pháp luật về đấu giá tài sản thời gian qua theo Luật hiện hành còn nhiều bất cập, chưa chặt chẽ, chưa phù hợp với thực tiễn, gây khó khăn, vướng mắc cho tổ chức đấu giá cũng như người có tài sản đấu giá và các cá nhân, tổ chức có liên quan.
Mặt khác, cần quy định ngay trong Luật một số hành vi có dấu hiệu khi giá vượt quá giá trị thực hoặc quá vô lý để xác thực, bảo đảm việc trả giá thực chứ không phải là trả giá ảo, cần quy định cụ thể trách nhiệm về mặt dân sự, hình sự khi đối tượng đấu giá trả giá một cách xa vời thực tế, tuy nhiên khi đã được đấu giá viên giải thích (tại phiên đấu giá trực tiếp) và đối tượng vẫn tiếp tục chấp nhận giá đấu một cách chủ quan phi thực tế, cần quy định việc trả giá vượt mức khởi điểm bao nhiêu lần mà khi trúng đấu giá lại thực hiện bỏ cọc, dẫn hết hủy kết quả đấu giá thì phải chịu số tiền phạt bằng bao nhiêu lần số tiền cọc, quy định như vậy tạo sự chặt chẽ trong mức giá và bước giá.
Cụ thể như quy định về thời hạn bán, tiếp nhận hồ sơ tham gia đấu giá còn chưa thực sự hợp lý, chế tài xử lý chưa đủ mạnh đối với hành vi vi phạm pháp luật. Việc áp dụng quy định chung về đấu giá tài sản với một số loại tài sản đặc thù như tài sản thi hành án dân sự còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Vì vậy, đại biểu Nguyễn Tạo cho rằng, cần đưa các tài sản đặc thù này vào dự thảo Luật với những quy định cụ thể, rõ ràng, chặt chẽ để đảm bảo tính khả thi khi triển khai thi hành Luật. Đối với nội dung về tài sản đặc thù, Chính phủ cần có quy định chi tiết khi triển khai thi hành Luật.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin