Đại biểu Quốc hội Trịnh Thị Tú Anh góp ý Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ

NGUYỆT THU 08:00, 23/05/2024

(LĐ online) - Chiều 22/5, tiếp tục chương trình xây dựng pháp luật tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, Quốc hội tiến hành thảo luận, góp ý vể dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Đây là một trong những nội dung được nhiều đại biểu quan tâm, nhất là về quy định điểm của giấy phép lái xe.

Đại biểu Trịnh Thị Tú Anh (Đoàn Lâm Đồng) góp ý về Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ
Đại biểu Trịnh Thị Tú Anh (Đoàn Lâm Đồng) góp ý về Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ

Dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, Quốc hội nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Sau đó, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật.

Các ý kiến cơ bản tán thành với nội dung của dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ và Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Quang cảnh phiên thảo luận tại hội trường về dự án Luật Trật tự An toàn giao thông đường bộ
Quang cảnh phiên thảo luận tại hội trường về dự án Luật Trật tự An toàn giao thông đường bộ

Bên cạnh đó, các đại biểu Quốc hội đã tập trung thảo luận về các nội dung: phạm vi điều chỉnh; giải thích từ ngữ; giáo dục kiến thức pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ; các quy định về bảo vệ trẻ em khi tham gia giao thông đường bộ; phân loại phương tiện giao thông đường bộ; các hành vi bị nghiêm cấm; về quy định cấm điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn; trách nhiệm của người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ; đấu giá biển số xe cơ giới; cấp, thu hồi chứng nhận đăng ký xe và biển số xe cơ giới, xe máy chuyên dùng tham gia giao thông đường bộ; niên hạn sử dụng của xe cơ giới; điểm của Giấy phép lái xe; việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ; việc bổ sung quy định trích một phần tỉ lệ tiền xử phạt vi phạm hành chính về trật tự an toàn giao thông đường bộ sau khi đã nộp vào ngân sách; hạng giấy phép lái xe; hiệu lực thi hành…

Nhiều ý kiến cho rằng, đây là quy định mới và lần đầu tiên được đề xuất trong dự thảo Luật lần này. Việc quy định điểm và trừ điểm của giấy phép lái xe là phù hợp và rất cần thiết nhằm nâng cao quản lý Nhà nước về trật tự, an toàn giao thông đường bộ, đồng thời là biện pháp có tính giáo dục, răn đe, giúp nâng cao ý thức của người tham gia giao thông.

Hiện nay, khi bị tước giấy phép lái xe có thời hạn thì người lái xe không được phép điều khiển phương tiện, do đó tác động không nhỏ đến đời sống hằng ngày của người dân như hoạt động đi lại, lao động, sản xuất, kinh doanh. Việc trừ điểm giấy phép lái xe tiến tới hạn chế áp dụng biện pháp xử phạt vi phạm hành chính bổ sung là tước giấy phép lái xe như quy định trong dự thảo Luật mang tính nhân văn. Khi giấy phép lái xe chưa bị trừ hết điểm, người lái xe vẫn được điều khiển phương tiện tham gia giao thông, không ảnh hưởng đến hoạt động tham gia giao thông cũng như việc làm, sinh kế đời sống của người dân. Vì vậy, nhiềuđại biểu thống nhất với quy định này, vì vừa mang tính nhân văn, vừa đảm bảo được yêu cầu trong công tác quản lý.

Có đại biểu cho rằng tại khoản 3 Điều này quy định “trường hợp giấy phép lái xe bị trừ hết điểm, người được cấp giấy phép lái xe phải tham gia kiểm tra kiến thức pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ do lực lượng cảnh sát giao thông tổ chức theo quy định của Bộ trưởng Bộ Công an, có kết quả đạt yêu cầu thì được phục hồi đủ 12 điểm”. Theo đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi (Đoàn Bến Tre), việc này nên giao cho Bộ Giao thông vận tải, vì theo quy định tại khoản 8 Điều 60 và khoản 7 Điều 61 của dự thảo Luật, Bộ Giao thông vận tải quy định hình thức, nội dung chương trình, quy trình đào tạo lái xe và sát hạch để cấp giấy phép lái xe nên việc kiểm tra kiến thức pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ thì nên giao cho Bộ Giao thông vận tải quy định.

Đồng quan điểm với các đại biểu góp ý tại hội trường, ĐBQH Trịnh Thị Tú Anh (Đoàn Lâm Đồng) cho rằng: về điểm của giấy phép lái xe (Điều 58 dự thảo Luật) Khoản 3 quy định “Trường hợp giấy phép lái xe bị trừ hết điểm, người được cấp giấy phép lái xe phải tham gia kiểm tra kiến thức pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ do lực lượng Cảnh sát giao thông tổ chức theo quy định của Bộ trưởng Bộ Công an, có kết quả đạt yêu cầu thì được phục hồi đủ 12 điểm.”, theo tôi cần xem xét lại quy định này, bởi lẽ theo Thông tư số 12/2017/TT-BGTVT ngày 15/4/2017 của Bộ Giao thông Vận tải quy định về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ thì Tổng cục đường bộ thuộc Bộ Giao thông Vận tải là cơ quan chịu trách nhiệm quản lý việc sát hạch, cấp giấy phép lái xe, và nghiên cứu ứng dụng công nghệ thông tin vào nghiệp vụ tổ chức, quản lý công tác sát hạch, cấp giấy phép lái xe; do đó, cần cân nhắc, đánh giá tác động và tính đồng bộ của việc phân cấp, phân quyền trong quản lý lĩnh vực giao thông đường bộ.

Đại biểu Tú Anh góp ý thêm tại khoản 11 giải thích cụm từ “thiết bị thông minh hỗ trợ chỉ huy, điều khiển giao thông”, bổ sung việc sử dụng thiết bị thông minh để xử lý các vi phạm về trật tự, an toàn giao thông đường bộ, vì thực tế hiện nay, chúng ta đang tăng cường áp dụng công nghệ thông tin, camera trong xử phạt vi phạm giao thông đường bộ, nói theo nôm na là “phạt nguội”.

Về giáo dục kiến thức pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ (tại Điều 7 dự thảo Luật): Các khoản 1, 2, 4 đã giao cho Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với Bộ Công an và các bộ, ngành có liên quan xây dựng, tích hợp, lồng ghép kiến thức pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ vào chương trình giảng dạy trong nhà trường từ mầm non trở lên. Do đó, để đồng bộ giữa kiến thức pháp luật và kỹ năng thực hành, đề nghị Ban soạn thảo bổ sung việc hướng dẫn kỹ năng lái xe đạp an toàn cho học sinh tiểu học, kỹ năng lái xe đạp điện an toàn cho học sinh trung học cơ sở vào quy định tại khoản 3 Điều 7.

Về Đấu giá biển số xe (tại Điều 38 dự thảo Luật): Ngày 15/11/2022, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 73/2022/QH15 về thí điểm đấu giá biển số xe ô tô (nền màu trắng, chữ và số màu đen), sau 5 tháng triển khai thực hiện (từ ngày 15/9/2023 đến tháng 02/2024), việc đấu giá biển số được dư luận xã hội rất quan tâm và đồng tình, ủng hộ. Đại biểu Tú Anh cho rằng việc luật hóa quy định về thí điểm đấu giá biển số xe vào Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ là rất cần thiết, phù hợp với thực tiễn của việc cấp và quản lý biển số xe theo mã định danh của chủ xe, đáp ứng chương trình chuyển đổi số quốc gia, phục vụ mục tiêu công dân số, Chính phủ số theo Đề án 06 của Chính phủ và khai thác, quản lý hiệu quả tài sản công. Tuy nhiên, đề nghị bổ sung quyền khiếu nại, quyền khởi kiện của người đấu giá biển số xe, vì quá trình chuyển nhượng, trao đổi, tặng cho có thể phát sinh tranh chấp, khiếu kiện dân sự.

Còn tại điểm a khoản 6 Điều 38 quy định “…người trúng đấu giá biển số xe không nộp hoặc nộp không đủ tiền trúng đấu giá thì biển số xe trúng đấu giá được đấu giá lại hoặc chuyển vào hệ thống đăng ký, quản lý xe và người trúng đấu giá không được hoàn trả số tiền đặt trước, số tiền đã nộp, không được tham gia đấu giá biển số xe trong thời hạn 12 tháng”; tôi cho rằng cần cân nhắc quy định này trong trường hợp sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan thì cần phải trả lại số tiền đặt trước và số tiền đã nộp, tránh xâm phạm đến quyền lợi của người trúng đấu giá.