(LĐ online) - Đảng bộ Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch vừa tổ chức Hội nghị quán triệt, triển khai thực hiện Chỉ thị số 34-CT/TU ngày 20/4/2024 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lâm Đồng về “Phát huy tinh thần trách nhiệm, sự năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung của đội ngũ cán bộ, đảng viên, quyết tâm hoàn thành thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI; Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII” (viết tắt là Chỉ thị số 34-CT/TU) nhằm nhanh chóng đưa Chỉ thị đi vào cuộc sống.
Tham dự hội nghị có hơn 100 đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức từ Văn phòng Sở và các đơn vị trực thuộc.
Quang cảnh hội nghị |
Tại Hội nghị, đồng chí Nguyễn Anh Hùng - Phó Giám đốc Sở đã thông qua toàn văn Chỉ thị số 34-CT/TU của Tỉnh ủy Lâm Đồng. Theo đó, Chỉ thị yêu cầu quán triệt và triển khai thực hiện đồng bộ trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động Phương châm “3 điều cần làm, 4 điều cần tránh”.
Cụ thể, “3 điều cần làm” là: Nói đi đôi với làm, làm điều đúng vì lợi ích chung; Làm hết trách nhiệm, quyết tâm cao, tư duy đổi mới; Làm mang lại hiệu quả cao nhất, chất lượng tốt nhất”.
“4 điều cần tránh” là: Tránh làm sai, làm trái, tư lợi cá nhân; Tránh đùn đẩy, né tránh, sợ trách nhiệm; Tránh làm việc qua loa, đại khái, không mang lại hiệu quả; Tránh an phận thủ thường, dĩ hòa vi quý.
4 tham luận của các đơn vị: Phòng Nghiệp vụ Văn hóa, Trung tâm Văn hóa - Nghệ thuật tỉnh, Trung tâm Phát hành Phim và Chiếu bóng, Văn phòng Sở tại hội nghị đã đưa ra nhiều giải pháp nhằm thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 34-CT/TU trong chi bộ của mình. Trong đó nêu rõ những giải pháp đổi mới, nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý văn hóa, thể thao, du lịch đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững.
Tham luận của các Chi bộ nêu rõ giải pháp và quyết tâm thực hiện Chỉ thị |
Các tham luận nhấn mạnh: Trong thời gian tới, ngành tiếp tục nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của văn hóa, thể thao, du lịch trong đổi mới và phát triển bền vững. Đổi mới tư duy lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước về phát triển văn hóa, xây dựng con người. Phát triển văn hóa, xây dựng con người phải được chú trọng tương xứng, hài hòa với phát triển kinh tế - xã hội.
Nâng cao năng lực quản lý nhà nước về văn hóa, thể thao, du lịch; xây dựng đội ngũ cán bộ đủ về lượng, mạnh về chất, từng bước nâng cao tính chuyên nghiệp thông qua quá trình tiêu chuẩn hóa, tuyển chọn và bồi dưỡng cán bộ.
Tham luận của các Chi bộ nêu rõ giải pháp và quyết tâm thực hiện Chỉ thị |
Hoàn thiện hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao, du lịch mới theo hướng hiệu quả, bền vững, không phát triển thiết chế theo một mô hình thống nhất mà phải phù hợp với đặc điểm từng thôn, buôn, bản làng, tổ dân phố phù hợp với nhu cầu và nguyện vọng của người dân. Xây dựng một số thiết chế văn hóa, thể thao tiêu biểu cho thời đại mới, có trang thiết bị hiện đại, chuyên nghiệp tại một số khu vực trọng điểm.
Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa theo hướng chuyên nghiệp, có tính chuyên môn hóa cao và đồng bộ, theo đúng quy luật phát triển của công nghiệp văn hóa thế giới, dựa trên đặc thù tình hình phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội ở địa phương; quảng bá văn hóa quốc gia, đưa thương hiệu văn hóa Việt Nam ra với thế giới.
Ký kết thi đua thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 34/CT-TU giữa các Chi bộ |
Xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện, là những chủ thể văn hóa có bản lĩnh, sáng tạo, có đạo đức, trí tuệ, sức khỏe, có tinh thần nhân văn và ý thức lao động có khả năng đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp đổi mới, chủ động hội nhập quốc tế. Huy động sức mạnh của toàn xã hội nhằm bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa tốt đẹp của các dân tộc, khích lệ sáng tạo các giá trị văn hóa mới. Đẩy mạnh các chương trình giáo dục nghệ thuật truyền thống nhằm làm cho văn hóa Việt Nam thấm sâu vào tâm hồn và tình cảm mỗi người dân, phát huy bản sắc văn hóa Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế.
Tiếp tục đổi mới, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển mạnh mẽ, đa dạng của văn học - nghệ thuật về đề tài, nội dung, loại hình, phương pháp sáng tác, sự tìm tòi, thể nghiệm.
Chủ động và thích ứng với sự phát triển của công nghệ thông tin trong việc phát triển văn hóa, xây dựng con người. Tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong hoạt động và quản lý hệ thống truyền thông đại chúng, các phương tiện truyền thông mới, vừa chặt chẽ về nguyên tắc, vừa cởi mở về cơ chế và hình thức, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về văn hóa, thông tin của nhân dân.
Chỉ thị số 34-CT/TU của Tỉnh ủy ra đời đã kịp thời khắc phục tình trạng sợ trách nhiệm, né tránh công việc, ngại khó, ngại khổ, làm việc cầm chừng, đối phó, làm đúng làm đủ, làm hạn chế sự sáng tạo, hạn chế tinh thần dám nghĩ dám làm, sợ trách nhiệm trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động. Đồng chí Nguyễn Thị Bích Ngọc – Bí thư Đảng ủy, Phó Giám đốc Sở đã đi sâu phân tích làm rõ và đề ra giải pháp thực hiện Phương châm “3 điều cần làm, 4 điều cần tránh”. Từ đó, toàn Đảng bộ quyết tâm tạo chuyển biến đồng bộ, rõ nét về nhận thức và hành động của từng cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, nhanh chóng đưa Chỉ thị đi vào thực tiễn công tác, lao động.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin