Tây Nguyên là vùng có vai trò, vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước. Xuất phát từ điều đó, ngày 18/1/2002, Bộ Chính trị khóa IX đã ban hành Nghị quyết số 10-NQ/TW; Bộ Chính trị khóa XI đã tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 10 và ban hành Kết luận số 12-KL/TW, ngày 24/10/2011 về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 10 về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2010 và thời kỳ 2011 - 2020. Sau 20 năm thực hiện Nghị quyết và Kết luận của Bộ Chính trị khóa IX và khóa XI, vùng Tây Nguyên đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trên mọi mặt; tuy nhiên cũng còn gặp không ít khó khăn, thách thức.
Chính vì vậy, ngày 6/10/2022, Bộ Chính trị khóa XIII đã ban hành Nghị quyết 23-NQ/TW về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Ngày 15/11/2022, Chính phủ ban hành Chương trình hành động nhằm cụ thể hóa mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp nêu ra trong Nghị quyết số 23 của Bộ Chính trị. Mới đây, ngày 4/5/2024, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định phê duyệt quy hoạch vùng Tây Nguyên thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Có thể nói, đó là những cơ sở hết sức quan trọng để Tây Nguyên khắc phục khó khăn, tháo gỡ “điểm nghẽn”, phát huy lợi thế để phát triển, vươn lên cùng của nước.
Quy hoạch đề ra mục tiêu đến năm 2030, Tây Nguyên trở thành vùng phát triển nhanh, bền vững dựa trên kinh tế xanh, tuần hoàn; phát triển kinh tế nông nghiệp hiệu quả cao, dựa trên nền tảng khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; hình thành một số sản phẩm nông nghiệp quy mô lớn có thương hiệu quốc tế gắn với các trung tâm chế biến; trở thành điểm đến hấp dẫn khách du lịch trong nước và quốc tế. Cơ bản hình thành hạ tầng giao thông quan trọng, hạ tầng số. Hệ thống thiết chế văn hóa được nâng cấp; giàu bản sắc văn hóa dân tộc. Giải quyết căn bản vấn đề đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân được cải thiện. Hệ sinh thái rừng, đa dạng sinh học được bảo tồn và phát triển; rừng đầu nguồn được bảo vệ; an ninh nguồn nước được bảo đảm. Quốc phòng, an ninh được giữ vững; an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm, duy trì ổn định. Phấn đấu đến năm 2030, vùng Tây Nguyên vượt qua mức thu nhập trung bình thấp. Tầm nhìn đến năm 2050, một số tỉnh trong vùng thuộc nhóm phát triển khá của cả nước.
Theo đánh giá, quy hoạch vùng Tây Nguyên là một quy hoạch tích hợp đa ngành, đa lĩnh vực, lần đầu tiên được lập theo quy định của Luật Quy hoạch. Nội dung quy hoạch vùng có tính định hướng kiến tạo phát triển, có tính mở; quan điểm, mục tiêu và định hướng bám sát Nghị quyết Đại hội Đảng, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2030, Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị, các nghị quyết chuyên đề của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Nghị quyết số 81/2023/QH15 của Quốc hội về Quy hoạch tổng thể quốc gia và các nghị quyết của Quốc hội liên quan đến vùng và các địa phương trong vùng.
Cùng với quy hoạch vùng Tây Nguyên, quy hoạch các tỉnh cũng đã được Thủ tướng phê duyệt. Cơ sở pháp lý, mục tiêu, định hướng phát triển vùng và của từng địa phương đã có. Điều quan trọng bây giờ là các tỉnh trong vùng cần triển khai hiệu quả nhằm cụ thể hóa các mục tiêu đã đề ra. Trong đó, cần xây dựng kế hoạch, chính sách, giải pháp và chuẩn bị nguồn lực thực hiện quy hoạch; xây dựng, đề xuất cơ chế, chính sách đặc thù nhằm thực hiện có hiệu quả những mục tiêu và định hướng phát triển đã đề ra trong quy hoạch. Tổ chức các hoạt động xúc tiến, kêu gọi đầu tư; tuyên truyền, quảng bá, thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước và các thành phần kinh tế tham gia thực hiện quy hoạch. Ngoài việc phát huy nội lực, khai thác tối đa tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương, các tỉnh cũng cần chú trọng liên kết vùng, kết nối liên vùng để tương hỗ lẫn nhau cùng phát triển.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin