Đoàn ĐBQH Lâm Đồng góp ý Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp

NGUYỆT THU 11:14, 31/05/2024

(LĐ online) - Chiều 30/5 tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội thảo luận về dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp. Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành nội dung phiên họp.

Quang cảnh kỳ họp thứ 7, Quốc hội khoá XV

Dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp liên quan đến nhiều lĩnh vực, nhất là về ngân sách nhà nước, quản lý vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp, đầu tư, khoa học - công nghệ, chính sách đối với người lao động là chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành, tổng công trình sư... Để thể chế quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng về xây dựng, phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh, đồng thời, xuất phát từ yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; dự thảo Luật cần có các chính sách đặc thù, đột phá, cơ chế vượt trội, khả thi để thúc đẩy phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh.

Tham gia góp ý dự án Luật, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng Nguyễn Tạo cho rằng: Trước hết, nhìn nhận công nghiệp quốc phòng có vai trò hết sức quan trọng trong thực hiện nhiệm vụ đảm bảo an ninh quốc gia, bảo vệ Tổ quốc và sự hưng thịnh của đất nước. Trong bối cảnh Việt Nam hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, toàn diện như hiện nay, đặc biệt là khi hội nhập quốc tế về công nghiệp quốc phòng được xác định là một kênh không tách rời của quá trình hội nhập quốc tế về quốc phòng, an ninh; từng bước đi vào chiều sâu, ổn định, thực chất và hiệu quả thì xây dựng, phát triển công nghiệp quốc phòng hiện đại là tất yếu khách quan, phù hợp với xu hướng phát triển công nghiệp quốc phòng thế giới. Qua đó, góp phần hội nhập sâu, rộng và đầy đủ hơn vào nên kinh tế toàn cầu.

Đại biểu Nguyễn Tạo - Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH Lâm Đồng góp lý Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp

Hiện nay, qua nhiều lần chỉnh sửa, bổ sung, dự thảo lần này đã đưa ra nhiều chính sách mới, đặc thù, có tính đột phá để thúc đẩy sự phát triển của công nghiệp quốc phòng, đặc biệt là nội dung Tổ hợp Công nghiệp quốc phòng (Mục 7, Chương II từ Điều 41, đến Điều 44). Đại biểu Nguyễn Tạo đề nghị những nội dung lớn cần được quan tâm và xác định rõ để từng bước phát triển bền vững Công nghiệp quốc phòng.

Trong đó, cần lưu ý về khung cơ chế chính sách pháp lý cần được ưu đãi phát triển mang tính đặc thù; chương trình hợp tác quốc tế (trong đó nhấn mạnh việc chuyển giao công nghệ); nguồn lực chủ đạo xây dựng nền công nghiệp quốc phòng an ninh; vị trí của hạt nhân tổ hợp công nghiệp quốc phòng và mối quan hệ với một số doanh nghiệp, tổ chức khác trong việc phát triển công nghiệp quốc phòng.

Cụ thể, đại biểu góp ý đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu và bổ sung tại khoản 2, Điều 41, quy định nhóm chức năng, nhiệm vụ của Tổ hợp công nghiệp quốc phòng, trong đó mới chỉ quy định việc chuyển giao công nghệ, đây là nội dung mới và rất thiết thực để phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tuy nhiên, quy định như vậy là chưa đầy đủ, đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, bổ sung nội dung “nhận chuyển giao công nghệ hiện đại, tiên tiến từ nước ngoài” để đảm bảo tính bao quát trong hoạt động chuyển giao và nhận chuyển giao.

Tại điểm c, khoản 2, Điều 42, quy định về trích lại một phần từ Quỹ đầu tư, phát triển của doanh nghiệp để phục vụ hoạt động khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo. Để đảm bảo tính khả thi trong quá trình thực hiện thì đối các Quỹ dự kiến được thành lập, đề nghị Ban soạn thảo rà soát và quy định cụ thể, tránh sự trùng lặp với nhiệm vụ chi của Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp hạt nhân tổ hợp công nghiệp quốc phòng.

Đại biểu nhấn mạnh: đề nghị Ban soạn thảo rà soát bổ sung cơ chế quản lý đặc thù phù hợp để tạo hiệu quả trong hoạt động liên kết, hợp tác của tổ hợp công nghiệp quốc phòng và giao Chính phủ quy định chi tiết trong quá trình triển khai thực hiện.

Thay mặt Bộ Quốc phòng, cơ quan chủ trì soạn thảo dự án Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng trân trọng cảm ơn những ý kiến phát biểu tâm huyết, đầy trách nhiệm của các vị đại biểu Quốc hội. Cơ quan chủ trì soạn thảo sẽ nghiên cứu, tiếp thu tối đa ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội để hoàn thiện dự thảo luật, bảo đảm thống nhất, đồng bộ với hệ thống pháp luật.