Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng kiến nghị gỡ vướng về chồng lấn quy hoạch và tín dụng chính sách cho hộ nghèo

NGUYỆT THU 18:06, 23/05/2024

(LĐ online) - Ngày 23/5, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, Quốc hội tiến hành thảo luận tại tổ về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2023; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2024…

Chủ trì điều hành thảo luận
Chủ trì điều hành thảo luận

Qua thảo luận, các đại biểu cơ bản đồng tình với nhiều nội dung trong báo cáo của Chính phủ, đồng thời đánh giá cao sự nỗ lực, cố gắng của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các cơ quan ở Trung ương và địa phương đã góp phần cho kết quả kinh tế - xã hội đất nước những tháng đầu năm 2024 có những chuyển biến tích cực, khả quan. Theo đó, tăng trưởng kinh tế đạt 5,66% cao hơn cùng kỳ năm trước (3,41%). Các đại biểu cho rằng, đây là tín hiệu của sự phục hồi, thậm chí là sự tăng tốc trong các quý sau của năm 2024.

Bên cạnh đó, thu hút vốn đầu tư tăng cao, đặc biệt là vốn FDI; tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng 3,77% là năm thứ 9 liên tục kiểm soát được lạm phát. Xuất siêu hàng hóa cao hơn cùng kỳ cả về quy mô và cả tỉ lệ xuất siêu, đạt khoảng 9 tỉ USD. Khách quốc tế đến Việt Nam tiếp tục tăng cao, tăng khoảng 75% so cùng kỳ. Quốc phòng, an ninh được giữ vững; trật tự, an toàn xã hội được đảm bảo; an sinh xã hội và phúc lợi công cộng được quan tâm đúng mức và kịp thời. Công tác đối ngoại tiếp tục đạt được kết quả tích cực, thiết thực…

Thảo luận tại tổ về báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; tình hình triển khai Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, Đại biểu Nguyễn Tạo - Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng kiến nghị về tháo gỡ những khó khăn trong công tác quy hoạch; phải đồng bộ giữa các quy hoạch quốc gia, quy hoạch sử dụng đất,… Cần phải hướng tới sự trùng khớp, không có độ vênh, sau đó tới quy hoạch liên vùng, quy hoạch tỉnh. Hiện tại có sự trùng lắp giữa 3 loại rừng, đặc biệt là rừng tự nhiên về quy trình chuyển đổi ngặt nghèo. Quy hoạch vùng mỏ dự trữ khoáng sản ở Tây Nguyên là thủ phủ của bauxit, alumin, kim loại màu… phủ hết các tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng… nhưng khi phê duyệt chuyển đổi mục đích sử dụng thì không được do trùng với Quy hoạch mỏ. Đề nghị phải có giải pháp xử lý dứt điểm để tháo gỡ trong việc xây dựng các công trình trọng điểm như tuyến cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc và Bảo Lộc - Liên Khương của tỉnh Lâm Đồng.

Về đầu tư theo hình thức PPP, cần có cơ chế chia sẽ rủi ro khi các nhà đầu tư chu kỳ bị lỗ thì Nhà nước bù đắp kinh phí. Phải tính toán có cơ chế, chính sách đặc thù đối với các tỉnh miển núi phía Bắc, Đông Nam Bộ, Tây Nguyên dân cư ít, thời gian hoàn phí chậm thì không nên quy định cứng tỷ lệ 50 - 50, có thể quy định 80 - 20, 70 - 30 hoặc 90 -10 để thu hút nhà đầu tư.

Về giải ngân đầu tư công, nên chăng có chính sách đặc thù đối với việc giải phóng mặt bằng và nguyên liệu phục vụ công trình trọng điểm.

Về Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2015, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2019, một số địa phương khuyết các vị trí, chức danh nhân sự chủ chốt như: Chủ tịch HĐND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh, trong khi đó theo quy định thì chức danh Chủ tịch UBND tỉnh còn kiêm nhiệm một số chức danh tại các Ban Chỉ đạo, Hội đồng chuyên ngành cấp tỉnh như: Chủ tịch Hội đồng thi đua - khen thưởng tỉnh, các chế định của Chủ tịch UBND tỉnh trong tố tụng hành chính,… không thể triển khai các nhiệm vụ và quyền hạn của Chủ tịch UBND tỉnh theo Điều 22 Luật Tổ chức chính quyền địa phương nhưng không có quyền Chủ tịch UBND tỉnh (đơn cử như tỉnh Lâm Đồng đã khuyết chức danh Chủ tịch UBND tỉnh, không có Quyền Chủ tịch UBND tỉnh gần 150 ngày).

Đây là một khoảng trống pháp lý trong quy định hiện hành về chức danh Chủ tịch UBND tỉnh hoặc Quyền Chủ tịch UBND tỉnh để kịp thời trong công tác chỉ đạo, điều hành các hoạt động của địa phương nói chung.  Đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các cơ quan chuyên môn có giải pháp khắc phục ngay, nếu chưa có ngay thì phải có Quyền Chủ tịch UBND tỉnh.

Đại biểu Lâm Văn Đoan thảo luận tại tổ
Đại biểu Lâm Văn Đoan thảo luận tại tổ

Đại biểu Lâm Văn Đoan - Đoàn Lâm Đồng góp ý và thảo luận:  

Thứ nhất, theo dõi chỉ tiêu về lao động có bằng cấp chứng chỉ, năm 2022 Chính phủ báo cáo đạt theo Nghị quyết 32 của Quốc hội nhưng theo Tổng Cục thống kê thì không đạt; năm 2023 Tổng cục thống kê báo cáo đạt 27%, nhưng Chính phủ báo cáo đạt 27,2%, tăng 0,2 điểm %, đề nghị Chính phủ có báo cáo bổ sung, và tổng cục thống kê giải trình.

Thứ hai, về 3 chương trình mục tiêu quốc gia, nguồn vốn kéo dài, tổng nguồn vốn thực hiện của năm 2024 rất lớn nhưng các văn bản chậm triển khai, có nguy cơ gây lãng phí vốn.

 Chuyển đổi số liên quan đến tiền mặt, chuyển đổi rất mạnh nhưng thiếu văn bản hướng dẫn, người cao tuổi, đồng bào dân tộc thiểu số khó khăn trong việc không dùng tiền mặt. Chính phủ có đánh giá mức độ hài lòng nhưng cần đánh giá ngay tại chỗ việc không hài lòng của người dân trong việc sử dụng dịch vụ công trực tuyến, đặc biệt nhóm yếu thế, sử dụng dịch vụ công trực tuyến không thành công nhưng tiền không trả lại; cần bố trí, tăng cường cán bộ, đồng bộ công nghệ thông tin phù hợp để đảm bảo quyền người dân.

Thứ tư, liên quan chính sách nhà ở người có công cách mạng, Chính phủ ban hành Chương trình xây dựng nhà ở cho đối tượng người có công giai đoạn 2021 -2025, nhưng khó khăn trong bố trí nguồn nên đến 2024 vẫn chưa triển khai được.

Thứ năm, từ 1/7/2024 thực hiện  cải cách tiền lương, theo Nghị quyết số 27 bỏ mức lương cơ sở, nhưng nhiều văn bản pháp lý về chính sách BHXH, trợ cấp xã hội có liên quan đến mức lương cơ sở, cần phải có cơ quan đánh giá, chuyển tiếp quy định. Nguồn lực dành 680 nghìn tỷ cải cách tiền lương, nhưng phải cải cách nhiều chính sách khác về an sinh xã hội, trợ cấp xã hội, lương hưu, phải có chính sách để không có khoảng cách quá xa, đảm bảo cuộc sống cho các đối tượng.

Tiếp đó, chiều 23/5, với sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội thảo luận ở hội trường về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV. Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương điều hành phiên họp.

Về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 6, đa số đại biểu bày tỏ thời gian qua Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ban Dân nguyện đã rất quan tâm, chỉ đạo, giám sát, theo dõi và đôn đốc việc giải quyết, trả lời các kiến nghị của cử tri. 

Đại biểu Nguyễn Tạo - Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng góp ý, thảo luận và kiến nghị vướng mắc, khó khăn của Lâm Đồng
Đại biểu Nguyễn Tạo - Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng góp ý, thảo luận và kiến nghị vướng mắc, khó khăn của Lâm Đồng

• Đại biểu Nguyễn Tạo - Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng bày tỏ quan điểm: Về thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới, Giảm nghèo bền vững và Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; trong phạm vi nhiệm vụ, Chính phủ đã quy định về cơ chế quản lý, tổ chức thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia với các nội dung chủ yếu như phân cấp, phân quyền cho địa phương, nhất là cấp cơ sở nhằm nâng cao tính chủ động, linh hoạt của các cấp trong quản lý, tổ chức thực hiện; phát huy vai trò chủ thể của cộng đồng dân cư tham gia vào quá trình lập kế hoạch, tổ chức thực hiện và giám sát tổ chức thực hiện. Các địa phương đã chủ động bám sát chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước để chỉ đạo, điều hành thực hiện các nhiệm vụ của 3 chương trình, tuy nhiên, trong quá trình thực hiện phát sinh nhiều khó khăn, vướng mắc. Đơn cử như, thực hiện Quyết định số 866/QĐ-TTg ngày 18/7/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 thì đối với việc thăm dò, khai thác khoáng sản bauxit, sản xuất alumin, nhôm kim loại đồng bộ với phát triển hạ tầng giao thông, đảm bảo quốc phòng, an ninh, bảo vệ sinh thái vùng Tây Nguyên và phù hợp với Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 06/10/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Tuy nhiên, thực tế hiện nay, các công trình trọng điểm tại Tây Nguyên, đặc biệt là các tỉnh Đắk Nông, Lâm Đồng chưa thể triển khai thực hiện do vướng về mặt pháp lý, chồng lấn về mặt quy hoạch vùng dự trữ mỏ khoáng sản, rất khó khăn cho địa phương trong việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất dự trữ khoáng sản để phát triển kinh tế - xã hội, đơn cử là quy hoạch bố trí tái định cư phục vụ việc giải phóng mặt bằng các tuyến cao tốc Tân Phú – Bảo Lộc và Bảo Lộc  - Liên Khương .

Tóm lại, để xử lý chồng chéo giữa quy hoạch dự trữ mỏ và khai thác khoáng sản với các quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam như: Quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội tổng thể quốc gia, Quy hoạch kế hoạch sử dụng đất quốc gia; Quy hoạch vùng – liên vùng; quy hoạch vùng tỉnh… thì vấn đề quan trọng nhất là cần có sự phối hợp, tính toán toàn diện và sự chủ động trong quản lý và thực hiện quy hoạch để bảo đảm sự phát triển bền vững cho đất nước.

Đoàn Lâm Đồng đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét loại bỏ khỏi quy hoạch những vùng dự trữ mỏ khoáng sản có liên quan đến khu đô thị, dân cư nông thôn đã hình thành, tồn tại qua rất nhiều thế hệ (có nơi trên 30 năm) và liên quan đến các công trình trọng điểm nhằm phát triển kinh tế -xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của địa phương. Việc quản lý quy hoạch, quy hoạch dự trữ mỏ và khai thác khoáng sản cần phải được liên kết chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý Nhà nước ở địa phương và Trung ương nhằm chịu trách nhiệm bảo đảm thực hiện quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội mang tính khả thi cao nhất. Sự phân công, phối hợp theo quy định pháp luật giữa các ngành, các cấp là cần thiết để bảo đảm tính nhất quán và hiệu quả triển khai thực hiện nhằm hạn chế và khắc phục những tồn tại, bất cập, chồng lấn trong quá trình triển khai thực hiện công tác quy hoạch; tháo gỡ những nút thắt, rào cản, ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững kinh tế - xã hội của đất nước trong thời gian sắp tới.

Liên quan đến Quyết định số 1010/QQĐ-TTg ngày 10/8/2018 của Thủ tướng Chính phủ về đơn vị hành chính cấp xã thuộc vùng khó khăn, hiện nay, nhiều xẫ đạt chuẩn nông thôn mới đã chuyển từ xã của vùng khu vực II, khu vực III thành các khu vực I, không còn thuộc danh mục xã khó khăn, dẫn đến không được thụ hưởng chính sách tín dụng đối với vùng khó khăn. Và theo Nghị định số 28/NĐ-CP ngày 26/4/2022 của Chính phủ về chính sách tín dụng ưu đãi thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi thì đối tượng thụ hưởng chính sách cho vay hỗ trợ phát triển sản xuất là hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn hộ nghèo, hộ cận nghèo, dẫn đến một bộ phận người dân sinh sống ở khu vực này không được hỗ trợ vốn tín dụng chính sách. Thực tế cho thấy, tại những vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống thì vẫn có những hộ người Kinh nghèo nhưng chưa được thụ hưởng đầy đủ các chính sách, mặc dù họ cùng sinh sống, lao động sản xuất phụ thuộc nhiều vào thiên nhiên, chịu rủi ro bởi thiên tai, biến đổi khí hậu và thiếu đất sản xuất.

Đại biểu Nguyễn Tạo đề nghị Chính phủ xem xét, sửa đổi chính sách đối với các hộ nghèo, cận nghèo tại các xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi để người dân được tiếp tục thụ hưởng chính sách tín dụng ưu đãi, để chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước mang lại hiệu quả và có tính bền vững trong thời gian tới.