Doanh nghiệp Việt cạnh tranh thế nào?

LÊ PHƯƠNG 06:47, 23/05/2024

Điện là một yếu tố đầu vào của doanh nghiệp (DN), chưa nói đến những vấn đề khác, chỉ nhìn qua việc tiêu thụ điện năng đã thấy DN Việt kém cạnh tranh. Có nghĩa là, sử dụng điện một cách hiệu quả cũng là một cách tăng tính cạnh tranh của DN.

Con số cụ thể vừa được lãnh đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đưa ra cho chúng ta thấy phần nào bức tranh sử dụng điện kém hiệu quả của DN Việt. Theo lãnh đạo EVN: “Để làm ra 1.000 USD, Việt Nam tiêu tốn 376 tấn dầu quy đổi. Cũng theo EVN, mức tiêu tốn trung bình của thế giới vào khoảng 170 tấn dầu quy đổi. Đối với các nước trong Tổ chức Phát triển và hợp tác kinh tế châu Âu (OECD) chỉ là 104 tấn dầu quy đổi. Nhật Bản chỉ tiêu tốn 90 tấn dầu”… Nếu chiếu theo con số này, cùng một lượng dầu tiêu thụ như nhau, DN Việt chỉ làm ra được 1.000 thì DN Nhật Bản đã làm ra được 4.000.

Vấn đề của chúng ta là phải tìm biện pháp để sử dụng năng lượng một cách hiệu quả hơn.

Nói DN Việt không có ý thức tiết kiệm điện cũng không thật hợp lý. Bởi bản chất hoạt động của DN là tìm kiếm lợi nhuận. Những yếu tố đầu vào để hạ giá thành luôn được DN thường xuyên xem xét, mà điện là một trong những yếu tố. Cho nên, chúng ta khó có thể nói DN chưa có ý thức tiết kiệm điện. Số lượng DN chiếm một con số nhỏ so với tổng số người sử dụng điện, nhưng khối này đã sử dụng một nguồn năng lượng chiếm khoảng 40% tổng sản lượng điện thương phẩm. Cho nên, khối DN sử dụng điện hiệu quả chẳng những đưa lại thêm lợi nhuận cho DN mà còn góp phần quan trọng trong chương trình tiết kiệm điện quốc gia.

Thế thì, việc sử dụng năng lượng không hiệu quả ở khối DN Việt nằm ở chỗ nào?

Như trên đã nói, về ý thức thì chúng ta đã loại trừ. Thế thì vấn đề còn lại là về thực lực. Ý thức là một việc, thực lực lại là một việc khác. Mấu chốt của vấn đề có lẽ là nằm ở chỗ thực lực còn yếu của DN.

Thực lực, có thể là ở trình độ quản lý và vận hành. Nếu đúng là như vậy thì tìm giải pháp để cải thiện trình độ quản lý. Điều này có lẽ không khó vì ở Việt Nam cũng như trên thế giới không thiếu những tổ chức, đơn vị tư vấn để sử dụng năng lượng hiệu quả. Nếu dựa vào họ, DN sẽ biết mình còn thiếu ở chỗ nào và cần cải thiện những vấn đề gì, quản lý điện năng ra sao.

Điều khó nhất của cải thiện thực lực chính là ở các công cụ sản suất. Ví dụ như, cùng một thiết bị sản xuất như nhau, những thiết bị tiên tiến cho ra đời nhiều sản phẩm hơn, chất lượng hơn, hiệu quả hơn… có giá cả đắt đỏ hơn. Dù muốn đấy, nhưng DN Việt không đủ năng lực tài chính nên chọn những thiết bị có giá rẻ hơn. Có thể “của rẻ là của ôi” chính là ở chỗ này. Và DN Việt đã chọn của rẻ từ lâu nên không thể “một bước tới trời được”. Vì thực lực tài chính yếu, cộng với tâm lý khá phổ biến là chọn giải pháp để nhanh thu hồi vốn nên DN Việt chọn những công cụ sản xuất rẻ tiền hơn.

Đến đây, chúng ta thấy, cải thiện việc tiết kiệm điện, hay nói cách khác là sử dụng năng lượng hiệu quả là vấn đề không phải ngày một ngày hai mà DN Việt đạt được. Bởi muốn cải thiện điều này là phải cải thiện thực lực của DN Việt. Nói như thế để chúng ta thấy rằng không phải qua vài chỉ thị, qua vài hội thảo, hội nghị… mà DN Việt cải thiện được tình hình tiết kiệm điện được ngay mà là một quá trình lâu dài, có thể là… rất dài. Chương trình tiết kiệm năng lượng quốc gia cũng phải đi theo hướng này và có lộ trình phù hợp với thực lực của DN Việt.

Nhìn trên tổng thể, quả là DN còn rất nhiều vấn đề cần xử lý.