Đường Hồ Chí Minh - Con đường của khát vọng thống nhất

PHAN VĂN BÔNG 06:35, 18/05/2024

(LĐ online) - Đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh là con đường kết nối Bắc - Nam, thể hiện khát vọng thống nhất nước nhà, là kỳ tích lịch sử của dân tộc Việt Nam trong cuộc trường chinh chống Mỹ.

Nhà nghiên cứu lịch sử quân sự Jacques c. Despuech từng nhận xét: “Toàn bộ con đường mòn Hồ Chí Minh mà người ta nói hôm nay là tổng kết của hàng thế kỷ đấu tranh và áp bức. Con đường ấy có sức sống mãnh liệt vì nó tượng trưng cho sức chiến đấu của cả một dân tộc”.

Bộ đội Trường Sơn vận chuyển bộ đội, vũ khí, lương thực thực phẩm từ miền Bắc chi viện giải phóng miền Nam. Ảnh tư liệu TTXVN
Bộ đội Trường Sơn vận chuyển bộ đội, vũ khí, lương thực thực phẩm từ miền Bắc chi viện giải phóng miền Nam. Ảnh tư liệu TTXVN

• KẾT NỐI DẤU VẾT QUÁ KHỨ

Từ xa xưa, việc kết nối Bắc - Nam bằng con đường “thiên lý” (gần trùng với Quốc lộ 1 ngày nay), còn có một con đường khác được nhắc đến đó là con đường “thượng đạo”. Từ thời vua Lê Đại Hành, khi cất binh đánh Chiêm Thành (năm 982) ông đã sử dụng con đường “thượng đạo” này.

Đến thời Tây Sơn, việc sử dụng con đường này cho đánh dẹp chúa Nguyễn ở Đàng Trong và chúa Trịnh ở Đàng ngoài được Nguyễn Huệ sử dụng hiệu quả. Ông đã từng dùng con đường phía Tây thành Quảng Ngãi, Quảng Nam để ra đánh thành Phú Xuân tạo sự bất ngờ cho quân chúa Nguyễn. Từ vùng Tây Sơn thượng đạo theo đường rừng núi tiến ra thượng du Nghệ An đánh chúa Trịnh. Khi quân Xiêm tấn công Gia Định, quân Tây Sơn lại mở đường xuyên sơn tiến vào Phú Yên, Khánh Hòa, Gia Định…

Sau năm 1945, thực dân Pháp quay lại xâm lược Việt Nam, chúng chiếm đóng nhiều điểm trên Quốc lộ 1. Việc tìm kiếm con đường Nam - Bắc thay thế cho con đường cũ trở nên cần thiết.

Các ông Ngô Tấn Nhơn - Bộ trưởng Bộ Canh nông, Ca Văn Thỉnh - Quyền Bộ trưởng Bộ Giáo dục, cùng bác sĩ Trần Hữu Nghiệp, bác sĩ Nguyễn Thiện Thành tình nguyện vào Nam tham gia chỉ đạo sự nghiệp kháng chiến Nam Bộ. Trên đường vào Nam các ông mang nhiều tài liệu, tiền, vàng… để xây dựng bộ máy kháng chiến Nam Bộ, nhưng chỉ đi được một đoạn từ Hà Nội đến Hà Tĩnh, sau đó phải đi bộ, nhờ dân địa phương “hướng đạo” theo đường “thượng đạo” Trường Sơn di chuyển vào Quảng Ngãi, thời gian ròng rã hơn 1 tháng trời.

Do Quảng Ngãi là vùng cách mạng kiểm soát, nên đoàn di chuyển bằng tàu hỏa đến Phú Yên, từ Phú Yên đoàn tiếp tục vượt Trường Sơn phải mất 1 tháng 10 ngày mới vào Nam Bộ.

Sau đó, đoàn của ông Nguyễn Duy Trinh - Chủ tịch kiêm Bí thư Liên Khu ủy V (Nam Trung Bộ), mang tiền bạc, thuốc men từ Vinh cũng men theo dãy Trường Sơn vào Nam.

Sau hai chuyến đi vô cùng gian khổ, khi trèo đèo, khi lội suốt, khi phải phát quang, khi phải dùng đò... với nhiều hiểm nguy, cọp, beo… rình rập. Các đoàn của các ông Ngô Tấn Nhơn và Nguyễn Duy Trinh thực sự đã khai thông con đường bộ từ miền Bắc đi dọc Trường Sơn vào tới Nam Trung Bộ và tới các căn cứ của Nam Bộ kháng chiến.

Trong kháng chiến chống Pháp, nhiều đoàn tiếp tục theo con đường này ra Bắc, vào Nam. Theo ông Võ Văn Kiệt, ông dự Đại hội Đảng lần thứ II tại Tuyên Quang (năm 1951), từ Tuyên Quang đi bộ vào Bạc Liêu mất hết một năm trời, do trên đường đi phải dừng lại lấy lương thực, thuốc men.

Đường Hồ Chí Minh qua các tỉnh Tây Nguyên. Ảnh tư liệu
Đường Hồ Chí Minh qua các tỉnh Tây Nguyên. Ảnh tư liệu

ĐƯỜNG HỒ CHÍ MINH - KHÁT VỌNG “BẮC - NAM SUM HỌP MỘT NHÀ”

Sau Hiệp định Genève (năm 1954), một thời gian con đường Trường Sơn bị lãng quên. Tuy nhiên, trước âm mưu phá vỡ Hiệp định của Mỹ và chính quyền Ngô Đình Diệm, khi muốn biến miền Nam thành thuộc địa kiểu mới của Mỹ. Sau Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 15 (tháng 1/1959), với quyết tâm “dù phải hy sinh đến đâu, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn, chúng ta cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập”. Đảng ta đã xác định rõ: “Miền Nam là tiền tuyến lớn, miền Bắc là hậu phương lớn”, vì vậy miền Bắc phải chi viện sức người, sức của cho miền Nam chiến đấu.

Ngày 19/5/1959, Tổng Quân ủy Trung ương quyết định thành lập Đoàn quân sự đặc biệt (Đoàn 559 sau này) có nhiệm vụ mở đường Trường Sơn vào Nam, kết nối lại các tuyến đường đã có, nhằm chi viện sức người, sức của từ miền Bắc cho tiền tuyến miền Nam.

Cũng chính từ đây – đường Trường Sơn – đường Hồ Chí Minh huyền thoại được hình thành, trở thành “mạch máu” giao thông quan trọng, góp phần quyết định thắng lợi vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, thống nhất nước nhà.

Trong gần 6.000 ngày (19/5/1959 - 30/4/1975), với quyết tâm: “Đánh địch mà tiến, mở đường mà đi”, con đường Trường Sơn đã không ngừng củng cố và mở rộng, kết thành mạng lưới giao thông liên hoàn, thành “xương sống” ở bán đảo Đông Dương. Tuyến đường đã đi qua 20 tỉnh thuộc cả 3 nước, với 216 con đường, dài tổng cộng hơn 20.000 km tỏa ra các chiến trường cả ở Việt Nam, Lào và Campuchia, tạo nên một hệ thống giao thông bền vững.

Trong 6.000 ngày ấy, con đường đã “gồng gánh” vào Nam hơn một triệu tấn vũ khí, khí tài, hơn hai triệu lượt người cho các chiến trường. Và, cũng con đường ấy đã chịu đựng gần 4 triệu tấn bom, hàng triệu lít chất độc hóa học, rồi Hàng rào điện tử McNamara với đủ loại mìn thông minh, Hệ thống thám báo tự động “Igloo White” với khoảng gần 100 loại thiết bị điện tử mệnh danh “thám tử giấu mặt”, “những kẻ gác đường” được Mỹ rải xuống giữa đại ngàn Trường Sơn…

Trong thiếu thốn trăm bề, từ vũ khí cho đến lương thực, thuốc men…, hàng vạn con người đã ngã xuống... nhưng với tinh thần: “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước/ Mà lòng phơi phới dậy tương lai” (thơ Tố Hữu), chúng ta không những đã giữ vững mà còn mở rộng và hoàn thiện con đường huyết mạch này.

Trên tờ Le Figaro (năm 1971), một nhà báo người Pháp đã bình luận: “Con đường Hồ Chí Minh trở thành câu chuyện thần thoại ở Đông Dương, chính con đường mòn đã quyết định hòa bình hay chiến tranh. Quân đội mạnh nhất thế giới đã không làm gì được con đường này. Cái máy bay khổng lồ B52 đã ném bom xuống đường mòn Hồ Chí Minh để hủy diệt, nhưng nó vẫn tồn tại, là con rắn trăm đầu luôn mọc lại”.

Gabriel Kolko – nhà sử học người Mỹ trong Giải phẫu cuộc chiến tranh đã viết: “Đường mòn Hồ Chí Minh là một sản phẩm kỳ diệu của tài năng, sự kiên nhẫn và sự hy sinh không bờ bến của con người”.

Nói về con đường Hồ Chí Minh, Tổng Bí thư Lê Duẩn tự hào: “Đường Trường Sơn là một chiến công chói lọi trong lịch sử kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc ta. Đường Trường Sơn là con đường của ý chí quyết thắng, của lòng dũng cảm, của khí phách anh hùng. Đó là con đường nối liền Nam - Bắc, là con đường đoàn kết các dân tộc của 3 nước Đông Dương”.

Có thể nói, đường Trường Sơn là sự hiện thực hóa cho quyết tâm: “Tổ quốc ta nhất định sẽ thống nhất. Đồng bào Nam, Bắc nhất định sẽ sum họp một nhà” của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đồng thời, con đường cũng là một hiện thân cho khát khao cháy bỏng về độc lập dân tộc và thống nhất nước nhà của cả dân tộc Việt Nam.

Đến nay, con đường chi viện cho miền Nam ngày ấy, bây giờ là con đường Hồ Chí Minh dự kiến sẽ dài khoảng 3.000 km, đi qua 30 tỉnh thành đang được mở rộng, kéo dài từ Cao Bằng đến tận Cà Mau. Tuyến đường chiến lược này song song với Quốc lộ 1A, từng bước hoàn thiện mạng lưới giao thông, tăng cường liên hệ chặt chẽ ba miền Bắc - Trung - Nam, giúp phát triển kinh tế, an ninh, quốc phòng ở phía Tây đất nước.

Kỷ niệm 65 năm ngày mở đường Trường Sơn, xin tạ ơn những anh hùng, liệt sĩ, những người đã ngã xuống trên con đường huyền thoại, cho nền độc lập dân tộc và sự thống nhất nước nhà. 65 năm ngày mở đường Trường Sơn để ta nhớ về: “Mười nghìn đôi vai từng gánh Trường Sơn/ Mười nghìn đôi tay mở rừng xé núi”… và còn đó “Mười nghìn hài cốt chưa về khói hương/Mười nghìn đơn côi nằm trong cõi vắng/ Mười nghìn cô quạnh lang thang nẻo rừng” (thơ Nguyễn Hữu Quý), để tự răn mình trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước hôm nay.