(LĐ online) - Cách đây 70 năm, quân và dân ta đã làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Chủ tịch Hồ Chí Minh đánh giá: “là cái mốc chói lọi bằng vàng của lịch sử. Nó ghi rõ nơi chủ nghĩa thực dân xuống dốc và tan rã, đồng thời phong trào giải phóng dân tộc khắp thế giới đang lên cao đến thắng lợi hoàn toàn”.
Chiến thắng Điện Biên Phủ mang tầm vóc vĩ đại:
Điện Biên vời vợi nghìn trùng
Mà lòng bốn biển nhịp cùng lòng ta
Đêm nay bè bạn gần xa
Tin về chắc cũng chan hòa vui chung
(Tố Hữu)
Chiến thắng Điện Biên Phủ không chỉ là chiến thắng vĩ đại của Nhân dân Việt Nam mà còn là chiến thắng của tất cả các dân tộc bị áp bức trên thế giới. Nó chứng tỏ trong thời đại ngày nay, chiến tranh xâm lược của đế quốc nhất định thất bại, cách mạng giải phóng dân tộc nhất định thắng lợi.
Chiến thắng Điện Biên Phủ đưa đến kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của Việt Nam mở đầu cho sự sụp đổ của chủ nghĩa thực dân cũ trên thế giới, đánh dấu thời kỳ mới trong cuộc đấu tranh của nhân dân thế giới. Nó cổ vũ mạnh mẽ phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới, góp phần tích cực làm suy yếu chủ nghĩa đế quốc, thu hẹp dinh lũy của chúng, góp phần giáng một đòn đau vào chiến lược toàn cầu của đế quốc Mỹ, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp đấu tranh của nhân loại tiến bộ: Vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội. Vì vậy, chúng ta cảm động và trân trọng những tình cảm của nhiều nước vốn là thuộc địa của Pháp ở châu Phi đã vùng lên giành được độc lập và khi các đoàn đại biểu nước ta sang thăm, họ cùng hô vang: “Việt Nam - Điện Biên Phủ - Hồ Chí Minh!”.
Đối với Nhân dân ta, Chiến thắng Điện Biên Phủ, một trong những chiến công chói lọi nhất trong lịch sử đấu tranh chống ngoại xâm của dân tộc ta thật xứng đáng “được ghi vào lịch sử dân tộc như một Bạch Đằng, một Chi Lăng hay Đống Đa trong thế kỷ XX và đi vào lịch sử thế giới như một chiến công chói lọi, đột phá thành trì của hệ thống nô dịch thuộc địa của chủ nghĩa đế quốc” (Lê Duẩn “Dưới là cờ vẻ vang của Đảng”). Nó làm sáng ngời chân lý một dân tộc đất không rộng lắm, người không đông lắm, kinh tế chậm phát triển, quân đội còn non trẻ, trang bị còn ít, nhưng đoàn kết chặt chẽ, có sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ, biết vũ trang toàn dân làm chiến tranh nhân dân, được các nước xã hội chủ nghĩa và nhân loại tiến bộ trên thế giới đồng tình ủng hộ thì hoàn toàn có thể đánh thắng mọi kẻ thù xâm lược dù chúng mạnh hơn mình gấp bội.
Chiến thắng Điện Biên Phủ chấm dứt ách xâm lược của thực dân Pháp trên đất nước ta cũng như ở Lào và Campuchia. Nó trực tiếp dẫn đến thắng lợi của Hội nghị Giơ-ne-vơ về Đông Dương, buộc nước Pháp và các nước tham dự hội nghị phải công nhận độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam.
Chiến thắng Điện Biên Phủ không những đã bảo vệ và phát triển thành quả cách mạng Tháng Tám mà còn mở ra giai đoạn mới, Nhân dân ta tiến lên làm cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc, tiếp tục hoàn thành nhiệm vụ cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân trong cả nước, xây dựng Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Chiến thắng Điện Biên Phủ khẳng định đường lối kháng chiến đúng đắn, sáng tạo của Đảng và sự lớn mạnh, trưởng thành vượt bậc của quân đội nhân dân Việt Nam. Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, quân đội ta không ngừng lớn mạnh, càng đánh càng trưởng thành. Đây là cơ sở đề sau này toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta phát huy cao độ chủ nghĩa anh hùng cách mạng, vững tin, dám đánh, quyết đánh và đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, giải phóng miền Nam thống nhất đất nước.
Sau năm 1954, cụm từ “Việt Nam - Hồ Chí Minh - Võ Nguyên Giáp - Điện Biên Phủ” trở thành biểu tượng chiến thắng. Đại tướng Võ Nguyên Giáp đúc kết: “Chiến thắng Điện Biên Phủ là công đầu thuộc Chủ tịch Hồ Chí Minh - Nhà chiến lược thiên tài, là người cha thân yêu của các lực lượng vũ trang” (Sách “Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Điện Biên Phủ, điểm hẹn lịch sử”, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội 2000, tr.294).
Bước sang trang sử mới, chúng ta càng thấm thía lời Bác Hồ cảnh báo ngày 8/5/1954 trong thư khen ngợi bộ đội, dân công, thanh niên xung phong và đồng bào Tây Bắc đã chiến thắng vẻ vang ở Điện Biên Phủ. Với tầm nhìn xa, Bác chỉ rõ: “Thắng lợi tuy lớn nhưng mới là bắt đầu”. Đúng là “Mới là bắt đầu” vì lúc đó đế quốc Mỹ đang rình rập thay chân Pháp để cai trị miền Nam; “Mới là bắt đầu” vì chúng ta còn phải chiến đấu giành độc lập, tự do trong phạm vi cả nước để hoàn thành cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước! “Mới là bắt đầu” vì sau ngày giải phóng miền Nam, Nhân dân ta đứng trước bề bộn khó khăn để hàn gắn vết thương chiến tranh, xây dựng lại cơ sở hạ tầng và cải thiện đời sống Nhân dân. Điều này được Lênin nhắc nhở “Giành chính quyền đã khó, giữ chính quyền còn khó hơn”.
Trung thành với chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, Đảng ta kiên định xây dựng đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa, đề ra đường lối đổi mới toàn diện đất nước từ Đại hội VI (năm 1986). Từ đó đến nay, qua các kỳ Đại hội, với sự đồng thuận và ủng hộ của Nhân dân, sự năng động, sáng tạo trong điều hành của Đảng và Nhà nước, vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, chúng ta đã thu được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử - như Nghị quyết Đại hội XIII khẳng định: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”. Tuy nhiên, đó đây vẫn xuất hiện những trạng thái tiêu cực đan xen như: bệnh kiêu ngạo thành tích; bệnh chủ quan duy ý chí; bệnh trông chờ ỷ lại; bệnh đùn đẩy trách nhiệm; bệnh sợ khó, sợ khổ, kết hợp với nạn tham nhũng, quan liêu, đã và đang là rào cản trên con đường đi lên của cách mạng. Trước lúc đi xa không lâu, Bác Hồ từng cảnh báo: “Tôi không sợ bọn đế quốc, bọn phản động. Đồng bào sẽ đánh thắng chúng. Tôi chỉ sợ những hành vi xấu xa của cán bộ, làm cho đồng bào mất lòng tin với chế độ, Nhà nước và Đảng. Có thể nói, kẻ phá hoại sự nghiệp cách mạng đáng sợ nhất là những người ấy vì trước mắt đồng bào, họ là Đảng và Nhà nước. Kẻ thù hàng ngày nói xấu chúng ta, đồng bào ta không mắc lừa. Người của ta làm hại cách mạng là nguy hiểm nhất. Đồng bào sẽ xa lánh, không tin chúng ta. Đưa những người yếu kém về năng lực, nhất là kém cỏi về phẩm chất, nhân cách vào bất kỳ nhiệm vụ nào cũng nguy hại” (Báo Nhân dân 19/8/1967).
Ôn lại truyền thống vẻ vang Điện Biên Phủ, chúng ta càng tự hào, tin tưởng vào sự lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt của Đảng ta, vào tinh thần quật cường bất khuất và trí thông minh, sáng tạo của dân tộc ta, quân đội ta. Trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước, tinh thần Điện Biên Phủ vẫn ngời sáng, vẫn là động lực, nguồn cổ vũ to lớn của Nhân dân ta trong công cuộc đổi mới nhằm mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng văn minh”.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin