(LĐ online) - Thật hiếm có một vĩ lãnh tụ nào như Hồ Chí Minh khi còn tại thế cũng như sau khi qua đời lại được khắp mọi nơi, mọi người dân hết lời ca ngợi, tôn vinh và học tập làm theo, bởi: “Người là tượng trưng cho tinh hoa của dân tộc Việt Nam, cho ý chí kiên cường bất khuất của nhân dân Việt Nam suốt bốn nghìn năm lịch sử” (Điếu văn của BCH Trung ương Đảng Lao động Việt Nam tại lễ truy điệu Người).
Suốt 24 năm giữ trọng trách Chủ tịch nước do Nhân dân tín nhiệm, ủy thác, Người không bao giờ coi mình là lãnh tụ mà chỉ như một người lính vâng lệnh quốc dân ra trận, suốt đời tận tụy phục vụ nhân dân. Bác từng tâm sự: “Tôi tuyệt nhiên không ham muốn công danh phú quý chút nào. Bây giờ phải gánh chức Chủ tịch là vì đồng bào ủy thác thì tôi phải gắng sức làm, cũng như người lính vâng mệnh lệnh của quốc dân ra trước mặt trận. Bao giờ đồng bào cho tôi lui, thì tôi rất vui lòng lui…”. Ngay việc Bác luôn từ chối tổ chức sinh nhật của mình theo lễ nghi của vị Chủ tịch nước, lãnh tụ tối cao của Ðảng, càng thể thể hiện sự khiêm nhường, giản dị, cao đẹp đúng với nghĩa là người đầy tớ nhân dân, vì nhân dân mà phục vụ. Đức tính khiêm tốn, giản dị và đạo lý làm người càng làm cho hình ảnh Bác Hồ vừa lung linh cao quý, vừa gần gũi với Nhân dân. Chính sự lung linh cao quý nhưng hết đỗi gần gũi, bình dị của một lãnh tụ thiên tài đã làm nên điều khác biệt ở Hồ Chí Minh so với những nhà lãnh đạo khác trên thế giới, được nhân dân Việt Nam và thế giới tôn vinh, ngưỡng mộ như một bậc thánh nhân. Đúng như Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã từng nói: “Chủ tịch Hồ Chí Minh cao mà không xa, mới mà không lạ, to lớn mà không làm ra vĩ đại, sáng chói mà không gây choáng ngợp, gặp lần đầu mà như thân thuộc từ lâu”. Thực tế không chỉ ở Việt Nam, mà trên thế giới cũng đánh giá cao nhân cách Hồ Chí Minh là nhân cách của người anh hùng giải phóng dân tộc, nhân danh văn hóa kiệt xuất của nhân loại - thật toàn bích, toàn vẹn, có tầm vóc vĩ đại mà lại rất bình dị. Nhân cách ấy đã làm nên một lãnh tụ Hồ Chí Minh đẹp nhất tên Người luôn tỏa sáng trong lòng mỗi người dân Việt Nam và bạn bè quốc tê.
Đối với nhân dân và bạn bè trên thế giới, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng là vị lãnh tụ kiệt xuất, người chiến sĩ cộng sản lỗi lạc, người đồng chí, người thầy kính yêu, người bạn thân thiết. Cảm phục những cống hiến vĩ đại cho dân tộc, cho nhân loại và tấm gương đạo đức cao đẹp của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân và bạn bè trên thế giới đã ngợi ca Người với những lời lẽ tốt đẹp nhất. Kỷ niệm Ngày sinh nhật Bác Hồ 19/5, chúng ta thật vinh dự và tự hào chọn trích dẫn lại trong vô số lời thế giới ca ngợi Hồ Chí Minh kính yêu.
Năm 1923, nhà thơ, nhà báo nổi tiếng người Xô Viết O.Mandenxtam đã đánh giá Nguyễn Ái Quốc: “Từ Nguyễn Ái Quốc tỏa ra một thứ văn hóa, không phải văn hóa châu Âu, mà có lẽ là một nền văn hóa của tương lai. Từ trong giọng nói đầm ấm, thanh cao của Người, chúng ta như nghe thấy ngày mai, như thấy viễn cảnh trời yên biển lặng của tình hữu ái bao la toàn thế giới mênh mang như nước đại dương”.
Thủ tướng Ấn Độ P.J Nehru đã chào mừng Chủ tịch Hồ Chí Minh sang thăm Ấn Độ, tháng 2/1958: “Thật là một điều hân hạnh được gặp Hồ Chí Minh, con người vĩ đại và có sức hút mãnh liệt. Thế giới ngày nay còn có khác biệt và xung đột, nhưng được gặp Hồ Chí Minh, chúng ta thật sung sướng được thấy lòng tốt của con người, tình bạn, lòng nhân ái”. Năm 1969, khi Bác qua đời, Thủ tướng Ấn Độ P.J Nehru đã viết:… “Một lãnh tụ có sự kết hợp hiếm có giữa lòng khoan dung tột độ và ý chí kiên cường nhất. Xét theo bất cứ tiêu chuẩn nào, Người cũng là nhân vật nổi bật nhất trong thời đại của chúng ta”,
Lãnh tụ Cu Ba Fidel Castro đánh giá: “Cuộc đời của đồng chí Hồ Chí Minh là một tấm gương sáng chói, những phẩm chất cách mạng và nhân đạo cao cả nhất. Hiếm có một nhà lãnh đạo nào trong những giờ phút thử thách lại tỏ ra sáng suốt, bình tĩnh, gan dạ, quên mình, cương nghị và dũng cảm một cách phi thường như vậy… Đồng chí Hồ Chí Minh thuộc lớp những người đặc biệt mà cái chết là mầm mống của sự sống đời đời bất diệt… Hồ Chí Minh là nguồn cổ vũ đời đời bất diệt ...” (1969).
Tổng thống Chile Xanvado Agiende đã viết trên báo dân tộc của Ấn Độ, 05/09/1969: “Đằng sau vẻ bề ngoài mềm mỏng của Ông là một tinh thần quật cường, dũng cảm, bất khuất… Lúc đầu người phương Tây chỉ cười bộ quần áo của Ông, xong rồi nhiều người nhận rõ rằng bộ quần áo đặc biệt của Ông chứng tỏ cho dù bất cứ ở đâu, giữa những người thượng lưu hay giữa đám đông quần chúng, không bao giờ Ông quên mình là người trong quần chúng của đất nước Việt Nam yêu quý của mình… Nếu ai muốn tìm một từ có thể tóm gọn tất cả cuộc đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh thì đó là một sự hết sức giản dị và hết sức khiêm tốn của Ông”.
Tổng thống Nga V. Putin khi đến thăm nơi ở của Chủ tịch Hồ Chí Minh, 12/11/2013 đã viết trong sổ lưu niệm: “Nhân loại đã bước sang thế kỷ XXI, thế kỷ hòa bình tiến bộ và phồn vinh. Nhưng giá trị tư tưởng, đạo đức của Hồ Chí Minh vẫn là ngọn đuốc, là biểu tượng cho một nền văn hóa tương lai… Và vì thế lịch sử mãi mãi nhắc tới Người như một bậc thánh nhân”.
Giám đốc UNESCO khu vực châu Á-Thái Bình Dương - MeĐaGát AhMed, 1990: …“Chỉ có ít nhân vật trong lịch sử trở thành một phần của huyền thoại ngay tử khi còn sống - Chủ tịch Hồ Chí Minh là một trong số đó”.
Chủ tịch Ủy ban đoàn kết Ấn Độ - Việt Nam Geetesh Sharma trong một phát biểu năm 2015 khẳng định: ... “Sẽ khó tìm thấy người Ấn Độ nào không biết vị lãnh tụ huyền thoại vĩ đại của Việt Nam - Hồ Chí Minh - hoặc không biết tinh thần bất khuất và lòng yêu nước của nhân dân Việt Nam. Những thắng lợi của cách mạng Việt Nam có thể không đạt được nếu như không có sự lãnh đạo và nhân cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh soi đường và những quyết sách định hướng vì nhân dân của Người. Chúng tôi ở Ấn Độ ngưỡng mộ Người, kính trọng Người và học theo Người”.
Mặt trận yêu nước giải phóng dân tộc Bồ Đào Nha, 1969: …“Khi muốn nói đến cuộc chiến đấu chống đế quốc, chúng tôi sẽ nói: Hồ Chí Minh. Khi muốn nói đến lòng trung thành với nhân dân, đức độ giản dị và dũng khí kiên quyết, chúng tôi sẽ nói: Hồ Chí Minh. Chúng tôi sẽ nói đến tên Người: Hồ Chí Minh mỗi khi chúng tôi nói đến lòng tin ở thắng lợi”.
Nhà nghiên cứu Ê-len Tuốc me rơ, trong tác phẩm Trở thành người Bác như thế nào? xuất bản ở Béc-lin, Đức, đã viết: …“Hình ảnh của Hồ Chí Minh đã hoàn chỉnh với sự kết hợp đức khôn ngoan của Phật, lòng bác ái của Chúa, triết học Mác, thiên tài cách mạng của Lênin và tình cảm của một người chủ gia tộc, tất cả bao bọc trong một dáng dấp rất tự nhiên”.
Tờ Bưu điện Washington, có số phát hành và ảnh hưởng lớn nhất ở Mỹ, sau lễ tang Bác tháng 9/1969, đã viết: “Không một nhà hoạt động lớn nào trong thập kỷ cách mạng dân tộc đầy sôi động này lại sống lâu, có ảnh hưởng lớn trên thế giới, thực hiện nhiều sách lược đường lối với nhiều thách thức to lớn như vị lãnh tụ cộng sản Việt Nam - Ông Hồ Chí Minh…, một nhà tổ chức không mệt mỏi, vươn lên trên những nhân vật đương thời”.
Báo “Tiến lên”, cơ quan Trung ương Đảng Cộng sản Sri Lan Ka, 9/9/1969: …“Người là một trong những vĩ nhân cùa thời đại chúng ta, một người làm ra lịch sử hiện đại, một trong những nhân vật cao quý nhất, đáng yêu nhất trong thời đại chúng ta”.
Với những cảm nhận chân thành, sâu sắc về Hồ Chí Minh, báo Le Figaro của Pháp trong bài “Một trong những nhân vật nổi tiếng nhất” đã viết: “Cụ Hồ Chí Minh là người đã buộc Pháp phải bỏ thuộc địa quan trọng nhất là Đông Dương… Cụ là một trong những nhân vật nổi tiếng nhất và làm cho chúng ta kinh ngạc nhất của thế kỷ chúng ta”.
Khi viết về 60 năm hoạt động cách mạng của Bác Hồ, nhà báo Harrison S. Salisbury viết: “Người Mỹ thường nghĩ về Hồ Chí Minh qua cuộc chiến tranh ở Việt Nam và qua những dính líu của Mỹ… Cụ đã bằng phương pháp nào đó, đưa toàn bộ kỹ thuật quân sự Mỹ đến đường cùng trong một cuộc chiến đấu không tiền khoáng hậu giữa chàng David và tên khổng lồ Goliath thời hiện nay”.
Tờ Manila Times bình chọn Bác là một trong 100 nhân vật có ảnh hưởng lớn nhất trong thế kỷ XX đã viết: “Ông Hồ là là một biểu tượng của châu Á. Không những Ông đã thành công trong vai trò người lãnh đạo một cách mẫu mực, toàn tâm, toàn ý phục vụ quyền lợi của nhân dân mà còn nêu một chân lý chưa từng thấy: Một dân tộc dù nhỏ bé nếu có quyết tâm thì có thể chống lại cả những cường quốc quân sự mạnh nhất”.
Tờ Tiến lên của Sri Lanca nhấn mạnh: “Người (Chủ tịch Hồ Chí Minh) đã làm nên lịch sử hiện đại, là một trong những nhân vật cao quý nhất, đáng kính nhất của thời đại chúng ta. Sự lãnh đạo lâu dài và vẻ vang của Người trong cuộc đấu tranh giành tự do ở Việt Nam có ảnh hưởng không chỉ đối với Việt Nam mà còn ảnh hưởng với quá trình phát triển các sự kiện toàn thế giới”.
Từ điển Danh nhân văn hóa thế giới, trong lĩnh vực chính trị - xã hội, đã dành hai trang 332-333 ghi rõ: “Chủ tịch Hồ Chí Minh là ngọn cờ đầu của giải phóng dân tộc. Người đã dẫn dắt triệu triệu người Việt Nam cùng hàng ngàn triệu người nô lệ hơn 100 nước trên thế giới vùng lên giành độc lập tự do, chống chủ nghĩa thực dân cũ và mới. Người đã làm nên cuộc đảo lộn thế giới chưa từng có từ sau khi chủ nghĩa tư bản lật đổ đế chế La Mã cổ xưa. Người đã vẽ lại bản đồ thế giới. Chủ tịch Hồ Chí Minh xứng đáng là Danh nhân văn hóa thế kỷ XX”.
Những lời ngợi ca tốt đẹp của các chính khách, tổ chức, nhà nghiên cứu, báo chí,… trên thế giới đã nói lên uy tín và tầm vóc vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa kiệt xuất nhân loại”. Chủ tịch Hồ Chí Minh và những lời ngợi ca Người sẽ mãi trường tồn, tỏa sáng trong lòng dân tộc Việt Nam và bạn bè quốc tế.
Bác Hồ đã đi xa nhưng sự nghiệp và tấm gương mẫu mực, sáng ngời của Bác vẫn sống mãi trong sự nghiệp cách mạng Việt Nam, trường tồn theo thời gian, tỏa sáng trong hành trình phát triển của nhân dân ta và nhân loại tiến bộ. Yêu quý Người, chúng ta càng ra sức học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, góp phần xây dựng đất nước Việt Nam ngày càng phồn vinh, hạnh phúc để thỏa lòng mong ước của Người.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin