Sáng 5.5, Hội đồng điều phối vùng Đông Nam Bộ tổ chức hội nghị lần thứ 3 tại tỉnh Tây Ninh. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính - Chủ tịch Hội đồng Điều phối vùng Đông Nam Bộ; ông Nguyễn Văn Nên - Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành uỷ Thành phố Hồ Chí Minh; ông Nguyễn Chí Dũng - Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng điều phối vùng chủ trì hội nghị.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính - Chủ tịch Hội đồng điều phối vùng cùng lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương, địa phương vùng Đông Nam Bộ dự hội nghị |
Hội nghị có sự tham dự của các thành viên Hội đồng điều phối vùng Đông Nam Bộ, lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương và các tỉnh, thành phố vùng Đông Nam Bộ.
Về phía lãnh đạo tỉnh Tây Ninh có ông Nguyễn Thành Tâm- Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh; ông Nguyễn Thanh Ngọc- Chủ tịch UBND tỉnh cùng các uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, lãnh đạo HĐND, UBND, các sở, ngành tỉnh.
Phát biểu mở đầu hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính- Chủ tịch Hội đồng điều phối vùng chuyển lời thăm hỏi, chúc mừng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến quân và dân vùng Đông Nam Bộ anh hùng.
Toàn cảnh hội nghị |
“Qua theo dõi, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng rất hài lòng khi triển khai Nghị quyết 24-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội vùng Đông Nam Bộ có nhiều chuyển biến tích cực, nhất là triển khai thực hiện tốt các văn bản về thể chế. Sau khi Quốc hội, Chính phủ ban hành nghị quyết, đến nay đã xây dựng xong Quy hoạch vùng, phê duyệt Quy hoạch vùng và đồng loạt triển khai nhiều dự án.
Đồng chí Tổng Bí thư chỉ đạo việc sơ kết 1 năm thực hiện Nghị quyết 24 của Bộ Chính trị. Điều này thể hiện sự quan tâm của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, nhất là đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đối với sự phát triển các vùng kinh tế, đặc biệt là vùng Đông Nam Bộ- vùng có đóng góp ngân sách cao nhất cả nước”- Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính - Chủ tịch Hội đồng điều phối vùng Đông Nam Bộ phát biểu mở đầu hội nghị |
Đối với Quy hoạch vùng Đông Nam Bộ thời kỳ 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2050, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, việc hoàn tất phê duyệt quy hoạch vùng có ý nghĩa quan trọng để cụ thể hoá tầm nhìn, quan điểm, mục tiêu tại nghị quyết phát triển vùng, quy hoạch cấp quốc gia và quy hoạch vùng; cụ thể hoá không gian phát triển các ngành quốc gia trên địa bàn, triển khai các dự án mang tính kết nối quan trọng giữa các tỉnh trong vùng, liên vùng, liên ngành; đẩy nhanh thực hiện các đột phá chiến lược nhằm phát huy tối đa lợi thế so sánh của vùng để tập trung phát triển nhanh, toàn diện và bền vững.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị Bí thư, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trong vùng, các thành viên hội đồng điều phối vùng và đại biểu tập trung thảo luận, làm sâu sắc hơn các giải pháp ưu tiên, đề xuất các giải pháp đột phá, cơ chế chính sách đặc thù, khơi thông mọi nguồn lực phục vụ phát triển vùng; thảo luận về các nhiệm vụ trọng tâm cần giao cho các địa phương thực hiện Quy hoạch vùng; thực hiện công tác phối hợp các địa phương trong vùng, liên vùng, giữa bộ, ngành Trung ương và địa phương.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính - Chủ tịch Hội đồng điều phối vùng trao Quyết định Quy hoạch vùng cho lãnh đạo các địa phương vùng Đông Nam Bộ |
Tại Hội nghị điều phối vùng Đông Nam Bộ lần thứ 3, lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố Quyết định số 370/QĐ-TTg ngày 4.5.2024 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch vùng Đông Nam Bộ thời kỳ 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2050. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính - Chủ tịch Hội đồng điều phối vùng trao Quyết định Quy hoạch vùng cho lãnh đạo các địa phương vùng Đông Nam Bộ.
Phạm vi ranh giới Quy hoạch vùng Đông Nam Bộ thời kỳ 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2050 gồm toàn bộ ranh giới hành chính của Thành phố Hồ Chí Minh và 5 tỉnh: Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Phước, Tây Ninh. Mục tiêu quy hoạch đến năm 2030, Đông Nam Bộ trở thành vùng văn minh, hiện đại, có công nghiệp phát triển, vượt qua ngưỡng thu nhập cao, đời sống vật chất, tinh thần của người dân dẫn đầu cả nước; là vùng động lực tăng trưởng lớn nhất cả nước, phát triển năng động, tốc độ tăng trưởng cao; trung tâm khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, công nghiệp công nghệ cao, logistics và trung tâm tài chính quốc tế có tính cạnh tranh cao trong khu vực; đi đầu trong đổi mới mô hình tăng trưởng, chuyển đổi số, phát triển các lĩnh vực văn hoá, xã hội, giáo dục, đào tạo, y tế, phát triển kinh tế xanh, phát thải cac-bon thấp, thích ứng với biến đổi khí hậu; phát triển nhanh hệ thống đô thị xanh, thông minh, hiện đại. Đông Nam Bộ là đầu tàu về kinh tế số, xã hội số, trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại, văn hoá, giáo dục, khoa học, công nghệ của cả nước; trung tâm tài chính quốc tế, nơi tập trung của các định chế tài chính quốc tế, các tập đoàn kinh tế lớn của thế giới; có vị thế nổi trội trong khu vực Đông Nam Á và phát triển ngang tầm các thành phố lớn trong khu vực Châu Á. Về kinh tế, phấn đấu tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2021 - 2030 đạt khoảng 8-9%/năm. GRDP bình quân đầu người theo giá hiện hành đạt khoảng 380-420 triệu đồng, tương đương 14.500-16.000 USD. Tỷ trọng khu vực dịch vụ chiếm khoảng 41-42% trong GRDP; khu vực công nghiệp và xây dựng 45-46% (riêng công nghiệp chế biến, chế tạo khoảng 33%); khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 2-3%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp 10-11%. Về xã hội, chỉ số phát triển con người (HDI) đạt trên 0,8. Tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp chứng chỉ đạt khoảng 40 - 45%; tỷ lệ thất nghiệp duy trì ở mức dưới 3%... Tầm nhìn đến năm 2050, Đông Nam Bộ trở thành vùng phát triển, có thu nhập cao; có tiềm lực kinh tế mạnh, cơ cấu kinh tế hiện đại; trung tâm khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, công nghiệp công nghệ cao, logistics và trung tâm tài chính quốc tế thuộc nhóm hàng đầu của khu vực và thế giới; có kết cấu hạ tầng hiện đại, đồng bộ. Thành phố Hồ Chí Minh là hạt nhân, cực tăng trưởng của vùng; trung tâm kinh tế, tài chính, dịch vụ của Châu Á, nơi tập trung các định chế tài chính quốc tế, các tập đoàn kinh tế lớn của thế giới; phát triển ngang tầm các đô thị lớn trên thế giới, là điểm đến hấp dẫn toàn cầu. Tốc độ tăng trưởng GRDP giai đoạn 2031-2050 đạt khoảng 7,5%/năm, GRDP/người đến năm 2050 đạt khoảng 54.000 USD. |
(Theo Baotayninh.vn)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin