KỶ NIỆM 70 NĂM CHIẾN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ (7/5/1954 - 7/5/2024):
Ðiện Biên Phủ oai hùng

VĂN DUẨN 06:05, 07/05/2024

Dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Trung ương Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, cách đây 70 năm, quân và dân ta đã làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” và được ghi vào lịch sử dân tộc như một Bạch Đằng, một Chi Lăng hay một Đống Đa của thế kỷ 20. 

Đối lập với hình ảnh thất bại của quân Pháp là hình ảnh quân ta vùng lên đánh chiếm tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ và điểm nhấn là lá cờ
“Quyết chiến, Quyết thắng” của Quân đội Nhân dân Việt Nam tung bay trên nóc hầm Tướng De Castries - chiến dịch Điện Biên Phủ thắng lợi. Ảnh: Nhandan.vn
Đối lập với hình ảnh thất bại của quân Pháp là hình ảnh quân ta vùng lên đánh chiếm tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ và điểm nhấn là lá cờ “Quyết chiến, Quyết thắng” của Quân đội Nhân dân Việt Nam tung bay trên nóc hầm Tướng De Castries - chiến dịch Điện Biên Phủ thắng lợi. Ảnh: Nhandan.vn

Những ngày trung tuần tháng Tư, chúng tôi cùng hàng trăm chiến sĩ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hoả tuyến năm xưa, cùng nhiều tướng lĩnh đã trở lại Điện Biên anh hùng, để tham dự Hội thảo khoa học cấp quốc gia với chủ đề "Chiến thắng Điện Biên Phủ với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa" .

CẢ NƯỚC MỘT LÒNG, TOÀN DÂN ĐÁNH GIẶC

Tháng 11/1953, quân Pháp nhảy dù đổ bộ xuống thung lũng Mường Thanh, chiếm đóng Điện Biên Phủ và xây dựng Điện Biên Phủ thành một tập đoàn cứ điểm mạnh chưa từng có ở Đông Dương với 3 phân khu, chia thành 8 cụm, 49 cứ điểm kiên cố. Ngày 6/12/1953, Bộ Chính trị quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ với bí danh Trần Đình, nhất trí thông qua phương án tác chiến của Tổng Quân ủy. Với quyết tâm cao nhất, ta đã dồn hết sức người, sức của cho chiến dịch Điện Biên Phủ. Nhiều tầng lớp Nhân dân hăng hái lên đường tham gia chiến dịch lịch sử. 

70 năm đã trôi qua nhưng mỗi khi nhắc đến chiến dịch Điện Biên Phủ, những cựu chiến binh trực tiếp tham gia chiến dịch không khỏi tự hào với những kí ức đầy xúc động. Trong bài thơ “Hoan hô chiến sĩ Điện Biên”, nhà thơ Tố Hữu đã khắc họa đầy đủ sự gian khổ, oai hùng đó: “Năm mươi sáu ngày đêm khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt/ Máu trộn bùn non/ Gan không núng/ Chí không mòn!/ Những đồng chí thân chôn làm giá súng/ Đầu bịt lỗ châu mai/ Băng mình qua núi thép gai/ Ào ào vũ bão/ Những đồng chí chèn lưng cứu pháo/ Nát thân, nhắm mắt, còn ôm...”.

Đại tá Nguyễn Hữu Tài, 96 tuổi, nguyên Chủ nhiệm chính trị Trung đoàn 209, Đại đoàn 312 trong chiến dịch Điện Biên Phủ, bùi ngùi: Nhiều đồng chí chỉ huy, nhiều đồng đội của tôi đã không còn nữa, họ đã anh dũng chiến đấu, hy sinh và vĩnh viễn nằm lại trên mảnh đất lịch sử này. “Nếu thời nhà Trần, hai chữ “Sát Thát” được các binh sĩ xăm lên tay trước khi xung trận đánh đuổi quân xâm lược, thì thời đại Hồ Chí Minh, chúng tôi đã viết chữ “Quyết chiến, quyết thắng” lên báng súng và lên vành mũ để đánh giặc” - ông Tài nói. 

Để chuẩn bị cho chiến dịch Điện Biên Phủ, với tinh thần “cả nước cùng ra trận”, theo Đại tá, PGS-TS Nguyễn Văn Sáu - Phó Viện trưởng Viện Lịch sử Quân sự, trên khắp miền Tây Bắc, đồng bào các dân tộc Thái, Mường, Mông, Dao, Hà Nhì... thi đua phục vụ chiến dịch. Nhiều gia đình đã vét những hạt thóc giống cuối cùng, hoặc nhịn bữa, ăn sắn, ăn khoai để dành gạo phục vụ cho chiến dịch. Khắp cả nước, nhiều phụ nữ nghe theo tiếng gọi của Đảng, không quản gian khổ, hiểm nguy, nô nức lên đường, mở đường, gánh gạo, cấp dưỡng, tải thương. Bằng quyết tâm và lòng dũng cảm, bằng sự gắn bó khăng khít, keo sơn, hàng vạn dân công hỏa tuyến, thanh niên xung phong (TNXP), bộ đội công binh đã ngày đêm lao động khẩn trương nên chỉ trong hơn 3 tháng (từ tháng 12/1953 đến đầu tháng 3/1954), ta đã hoàn thành việc tu sửa và mở các đường số 41, đường số 13, đường từ Tuần Giáo lên Điện Biên Phủ với tổng chiều dài khoảng 300 km. Trong toàn chiến dịch Điện Biên Phủ, Nhân dân cả nước đã “đóng góp 25.560 tấn gạo, 226 tấn muối, 1.909 tấn thực phẩm, 26.453 lượt dân công, 20.991 xe đạp thồ, 1.800 mảng nứa, 756 xe thô sơ, 914 con ngựa thồ... với tinh thần “cả nước một lòng, toàn dân đánh giặc”. 

Đầu tháng 3/1954, thời gian chuẩn bị mọi mặt cho cuộc tiến công vào tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ với phương châm “đánh chắc, tiến chắc” đã hoàn thành. Trên chiến trường, ta mở ba đợt tiến công vào Điện Biên Phủ. Ngày 13/3/1954, tiếng súng chính thức mở màn đợt 1 của chiến dịch với trận đánh tiêu diệt cụm cứ điểm Him Lam thuộc vòng ngoài Phân khu Bắc của tập đoàn cứ điểm. Đợt 2 diễn ra ngày 30/3/1954, đánh vào phân khu trung tâm. Đợt 3 chiến dịch diễn ra từ ngày 1/5 và kết thúc ngày 7/5/1954, đánh chiếm các cứ điểm phía Đông và tổng công kích tiêu diệt toàn bộ tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. 

Sau 56 ngày đêm chiến đấu, gian khổ, hy sinh, quân và dân ta đã tiêu diệt toàn bộ Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ với: Trên 21 tiểu đoàn và 10 đại đội, gồm hơn 16.000 quân tinh nhuệ của địch, trong đó có toàn bộ các cơ quan chỉ huy của chúng ở tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, gồm 1 thiếu tướng, 16 quan năm, 1.749 sĩ quan và hạ sĩ quan; bắn rơi và phá hủy 62 máy bay các loại, thu toàn bộ vũ khí, kho tàng, đạn dược, quân trang quân dụng. 

Chăm lo chu đáo cho gia đình người có công

Tại cuộc gặp mặt, tri ân các chiến sĩ Điện Biên, TNXP, dân công hỏa tuyến trực tiếp tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã khẳng định chúng ta không bao giờ quên những tấm gương anh dũng, mưu trí, sáng tạo, làm rạng danh truyền thống yêu nước nồng nàn của dân tộc ta như các anh hùng: Tô Vĩnh Diện, Phan Đình Giót, Bế Văn Đàn..., cùng hàng ngàn, hàng vạn chiến sĩ, đồng bào đã kiên cường, dũng cảm không sợ hy sinh, gian khổ với tinh thần "quyết tử để Tổ quốc quyết sinh".

Thủ tướng đề nghị các cấp, các ngành, các địa phương tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công tác chăm sóc thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng, bảo đảm người có công và gia đình có mức sống từ trung bình khá trở lên trong địa bàn; không để người có công nào không được hưởng chính sách ưu đãi của Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta.

• TẦM VÓC THỜI ĐẠI CỦA CHIẾN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ

Trong bài thơ “Hoan hô chiến sĩ Điện Biên”, nhà thơ Tố Hữu đã viết: “Dốc Pha Đin chị gánh anh thồ/ Đèo Lũng Lô anh hò chị hát/ Dù bom đạn xương tan, thịt nát/ Không sờn lòng không tiếc tuổi xanh...”. 

Xin khắc cốt, ghi tâm công lao của các thương binh, bệnh binh, thanh niên xung phong (TNXP), dân công hỏa tuyến đã không quản ngại khó khăn, gian khổ, xông pha vào nơi khói lửa, trận tuyến. Đồng chí Đỗ Văn Chiến - Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, khẳng định chúng ta mãi mãi tri ân công sức của Nhân dân trên mọi miền đất nước với hơn 240.000 người trực tiếp tham gia chiến dịch Điện Biên với khẩu hiệu "tất cả cho tiền tuyến, tất cả cho chiến thắng". Quên sao được hơn 30.000 chiếc xe đạp thồ trong chiến dịch đã vận chuyển hơn 23.000 tấn gạo, 266 tấn muối, gần 2.000 tấn thực phẩm cho chiến trường... Chúng ta không xúc động, nghẹn ngào sao được khi ông Trịnh Đình Bầm ở xã Định Liên, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa nhà nghèo, không có xe đạp thồ, ông đóng xe cút kít để đi dân công. Còn thiếu một bánh xe, ông đã kính cáo tổ tiên, gỡ bàn thờ hoàn thành chiếc xe cút kít để lên Điện Biên chở hàng hóa phục vụ chiến trường. “Ông cha ta đã lấy xương làm gạch, lấy máu làm hồ, xây nên thành đồng Tổ quốc Việt Nam. Các thế hệ người Việt Nam chúng ta không một phút giây nào được quên điều đó” - đồng chí Đỗ Văn Chiến nói. 

Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam khẳng định Tổ quốc ta, Nhân dân ta, muôn đời con cháu chúng ta nhớ ơn các anh hùng, liệt sĩ, những người con ưu tú của dân tộc dâng hiến tuổi thanh xuân của mình "quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh". Sau 70 năm, máu xương của các chiến sĩ đã hóa vào lòng đất thiêng Tây Bắc, Điện Biên, để hôm nay đất nước nở hoa độc lập, kết trái tự do, Nhân dân được sống trong hòa bình, ấm no, hạnh phúc. 

Đại tướng Lương Cường - Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam, khẳng định chiến thắng Điện Biên Phủ đã mở ra trang sử mới cho lịch sử nhân loại, cổ vũ, động viên các dân tộc bị áp bức đứng lên đấu tranh tự giải phóng; đánh dấu sự sụp đổ hoàn toàn của chủ nghĩa thực dân cũ trên phạm vi toàn thế giới, đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng đánh giá về thắng lợi của chiến dịch Điện Biên Phủ: Đó là thắng lợi vĩ đại của Nhân dân ta, mà cũng là thắng lợi chung của tất cả các dân tộc bị áp bức trên thế giới. 

Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa - Bí thư Trung ương Đảng - Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, nêu rõ chiến thắng Điện Biên Phủ “được ghi vào lịch sử dân tộc như một Bạch Đằng, một Chi Lăng hay một Đống Đa của thế kỷ XX và đi vào lịch sử thế giới như một chiến công chói lọi đột phá thành trì của hệ thống nô dịch thuộc địa của chủ nghĩa đế quốc”, là ngọn cờ tiên phong cổ vũ các dân tộc thuộc địa trên thế giới đấu tranh giành độc lập, tự do. Đó là thắng lợi của sức mạnh “toàn dân đánh giặc” dưới sự lãnh đạo tài tình, sáng suốt của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại; là biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng; tiêu biểu cho trí tuệ, bản lĩnh, ý chí quyết chiến, quyết thắng vì độc lập, tự do của Tổ quốc. 

“70 năm đã trôi qua, nhưng tầm vóc vĩ đại và ý nghĩa lịch sử của chiến thắng Điện Biên Phủ vẫn còn nguyên giá trị, là nguồn cổ vũ lớn lao cho toàn thể nhân dân ta trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay” - đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa nói.