Những nhà báo ra trận ở Điện Biên Phủ

11:07, 07/05/2024

Ở mặt trận Điện Biện Phủ 70 năm trước, các nhà báo, với tinh thần của người trong cuộc đã thể hiện sinh động bản lĩnh, trí tuệ và lẽ sống của những chiến sĩ cách mạng. Mỗi trang viết, mỗi dòng tin, mỗi tấm ảnh ngày ấy đã góp phần làm nên Chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.

Trong chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ, các nhà báo đã tập trung đông đảo ở chiến trường. Báo Cứu Quốc cử các nhà báo Thái Duy và Chính Yên trực tiếp ra mặt trận. Thông tấn xã Việt Nam có Hoàng Tuấn - một “chuyên gia về tổng hợp tin và thông báo chiến sự”. Đài Tiếng nói Việt Nam có phóng viên Nguyễn Nhất. Báo Nhân Dân có Thép Mới và Trần Đĩnh...

Riêng Báo Quân đội nhân dân bố trí hẳn một “tòa soạn tiền phương” tại căn cứ địa Mường Phăng để sản xuất tin bài và tổ chức in ấn, phát hành những số báo “độc nhất vô nhị” trong lịch sử báo chí thế giới. Tòa soạn đặc biệt này gồm 5 người: Hoàng Xuân Tùy, phụ trách chung tờ báo; Trần Cư, phụ trách Thư ký tòa soạn; Phạm Phú Bằng, Nguyễn Khắc Tiếp...

Nhà báo Nguyễn Khắc Tiếp (đứng thứ 2 bên phải sang) được đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đến tặng hoa chúc mừng ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam
Nhà báo Nguyễn Khắc Tiếp (đứng thứ 2 bên phải sang) được đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đến tặng hoa chúc mừng ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam

Vì có thời gian làm việc tại Bảo tàng Báo chí Việt Nam thời kỳ đầu thành lập, nên tôi thường xuyên được gặp gỡ các nhà báo thời kháng chiến lấy tư liệu để lưu trữ, thuyết minh trưng bày. Đến thăm nhà báo Nguyễn Khắc Tiếp vào một chiều mùa thu, nhà ông ở sâu trong hẻm nhỏ trên con phố nhà binh, khiêm tốn như cuộc đời làm báo của ông. Nhà báo Nguyễn Khắc Tiếp sinh năm 1923 tại Nam Định, quê gốc ở Hưng Yên.

Ông rất giỏi tiếng Pháp và có khả năng viết báo tốt. Nhà báo Nguyễn Khắc Tiếp đã sớm có mặt trong lớp phóng viên đầu tiên của Thông tấn xã Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam. Khi Báo Quân Đội Nhân Dân thành lập (1950), ông được chọn và trở thành phóng viên.

Đặc biệt, ông là một trong những người tham gia làm 33 số báo tại tòa soạn tiền phương ở Mường Phăng, xuất bản trong Chiến dịch Điện Biên Phủ và đã vinh dự được Đảng, Nhà nước trao Huy hiệu 75 năm tuổi đảng. Trong thời gian 140 ngày đêm, từ ngày 28/12/1953 đến ngày 16/5/1954, “tòa soạn tiền phương” Báo Quân đội Nhân dân tại mặt trận Điện Biên Phủ đã in ấn và phát hành 33 số báo. Những số báo này từng được coi là “vũ khí đặc biệt” của Quân đội ta trên chiến trường Điện Biên Phủ thời bấy giờ.

Theo Đại tá, nhà báo Nguyễn Khắc Tiếp, nguyên phóng viên Báo Quân đội nhân dân: Ngày ấy phóng viên thiếu thốn đủ đường, máy ảnh không có, chỉ có bút chì và giấy của nhà in, ban ngày đi với các đơn vị chiến đấu, ban đêm dưới ánh sáng đèn dầu bắt đầu ngồi viết lại. Đi ra chiến trường, phóng viên phải đeo bao gạo, đeo súng, đeo cuốc. Gạo chỉ đủ ăn trong 3 ngày đi đường rừng núi, cuốc mang theo để đi đến đâu đào hầm tới đó, vừa làm nơi trú ẩn, vừa là nơi viết báo.

Phóng viên tác nghiệp độc lập, một thân một mình lo đủ mọi thứ. Biết được hướng đơn vị đóng quân, tên cán bộ chỉ huy, ký hiệu liên lạc, phóng viên cứ thế mà đi tìm. Càng tiếp cận được nhiều đơn vị, chiến sĩ càng tốt; ít khi ăn đến hai bữa ở một bếp, ngủ đến hai lần ở một nơi. Viết nhanh gọn, súc tích, nhiều khi viết đêm với đèn cơ động bỏ túi bằng lọ mực hay ống tiêm cũ. Làm báo mặt trận đòi hỏi phải rất nhanh và đặc biệt là phải rất chính xác. Chỉ đạo của báo: bài vở các anh tự chịu trách nhiệm điều đó khẳng định tự tin, tự làm và duyệt lấy, suốt 33 số báo không bị phê phán.

Phóng viên phải vượt qua bom đạn xuống đơn vị lấy tin, có bài viết xong, nhất là những bài viết về những tấm gương và kinh nghiệm chiến đấu phải mang bản thảo xuống đọc cho đơn vị và chiến sĩ nghe trước khi lên báo vì sai sót thì rất nguy hiểm.

Bên cạnh phóng viên, còn có một “nhà in” đi theo. Gọi là nhà in nhưng chỉ có một vài ba người làm công tác in ấn, báo in xong có một trung đội với nhiệm vụ phát báo cho các chiến sĩ ở mọi nơi, nơi nào xa thì đi phát trước. Việc in là sử dụng các chữ ghép vào với nhau để thành bản in, sau đó quét mực lên và in nhân bản, chờ mực khô, mọi thứ đều rất thô sơ. Trong hầm sâu những bản in đều được làm tỷ mỉ, trau chuốt để không được có bất kỳ sai sót nào. Mỗi số báo được chuyển đến các chiến sĩ ở mặt trận đều thể hiện tâm huyết của những người làm báo chiến trường. Với nhà báo Nguyễn Khắc Tiếp thì: “Viết là động lực, đồng thời là sức mạnh để sống”.

Nhà báo Phạm Phú Bằng (khi còn sống) rất thân với nhà báo Nguyễn Khắc Tiếp, thân đến mức một ngày 2 ông không gặp nhau một lần để uống trà đàm đạo là 2 ông cảm thấy thiếu cái gì đó.
Nhà báo Phạm Phú Bằng (khi còn sống) rất thân với nhà báo Nguyễn Khắc Tiếp, thân đến mức một ngày 2 ông không gặp nhau một lần để uống trà đàm đạo là 2 ông cảm thấy thiếu cái gì đó

Nhà báo Phạm Phú Bằng sinh ra trong một gia đình danh gia vọng tộc. Cụ nội của ông là quan Thượng thư Phạm Phú Thứ, từng là Tổng trấn Hải Yên (gồm 4 tỉnh Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng, Quảng Yên) dưới triều Nguyễn. Cha của ông là Tiến sĩ Phạm Phú Tiết, Tổng đốc Bình Phú (Bình Định và Phú Yên).

Dù làm quan dưới thời phong kiến nhưng những bậc tiên tổ của nhà báo Phú Bằng đều là những người có tư tưởng tiến bộ. Thượng thư Phạm Phú Thứ mang những tư tưởng canh tân đất nước táo bạo vượt khỏi thời đại lúc bấy giờ. Vì thế, cụ từng bị hạ xuống làm lính trơn. Tiến sĩ Phạm Phú Tiết sau Cách mạng Tháng Tám được Bác Hồ phong hàm đại tá Quân Đội Nhân dân, Chánh án Tòa án Quân sự miền Nam.

Hai nhà báo lão thành gặp nhau ngập tràn trong kỷ niệm thời kỳ làm báo chiến trường
Hai nhà báo lão thành gặp nhau ngập tràn trong kỷ niệm thời kỳ làm báo chiến trường

Nhà báo Nguyễn Khắc Tiếp kể: các chiến dịch trước, Báo QĐND thường chỉ cử 2 người đi tác nghiệp. Đến Chiến dịch Điện Biên Phủ là đông nhất, 5 người: Đồng chí Hoàng Xuân Tùy phụ trách chung, thêm cả công tác của Ban Tuyên huấn mặt trận; Trần Cư là thư ký tòa soạn; hai phóng viên là tôi (Nguyễn Khắc Tiếp) và Phạm Phú Bằng; họa sĩ Nguyễn Bích.

Khi ấy, Nguyễn Khắc Tiếp là cây viết thành thạo của Việt Nam Thông tấn xã bổ sung, vừa viết về Quân đội, vừa viết cho cả bản tin Việt Nam Thông tấn xã. Phạm Phú Bằng còn trẻ, rất tích cực đi cơ sở, có khi đi biền biệt ở các đơn vị...

Ngoài tin, bài của hai phóng viên, một lực lượng cộng tác viên (CTV) đông đảo và đắc lực là anh em làm tuyên huấn ở các đại đoàn. Có cả những đồng chí là cán bộ chính trị hay phái viên của Tổng cục Chính trị xuống đơn vị kiểm tra cũng viết cho Báo, trong đó có nhiều bài về kinh nghiệm lãnh đạo tư tưởng và hướng dẫn công tác rất bổ ích và kịp thời.

Trần Cư làm thư ký tòa soạn, tổ chức tin, bài của phóng viên và CTV, thỉnh thoảng cũng cao hứng làm mấy câu ca dao minh họa, hoặc bài vè, có khi cùng họa sĩ gợi ý vẽ châm biếm thời sự. Tòa soạn liên lạc với các CTV bằng mục “Hộp thư” trên Báo, qua mục này để thông tin việc nhận tin, bài, hướng dẫn cách viết, chọn đề tài... Sau mỗi tuần, CTV nào viết nhiều, có nhiều bài được đăng sẽ biểu dương và tặng giấy viết báo của tòa soạn.

Về cấp bậc, chức vụ, trước khi về hưu, nhà báo Phạm Phú Bằng là Đại tá, Trưởng phòng Văn hóa - Thể thao, Báo Quân đội nhân dân. Về tác phẩm - một trong những thứ được coi là thước đo của những người làm nghề viết - ông cũng không có gì nổi đình nổi đám. Thế nhưng, cuộc đời làm nghề của nhà báo Phạm Phú Bằng là sự đắm chìm trong vô vàn sự kiện lớn gắn với lịch sử của đất nước.

Ông trực tiếp tham gia, ông trải nghiệm, ông tích tụ những vốn quý ấy để làm dày bản thân. Để rồi, ông trở thành một “bách khoa thư” và luôn sẵn lòng truyền dạy cho lũ trẻ. Riêng việc học ngoại ngữ của ông đã đủ khiến người khác ngả mũ kính trọng. Kẻ hậu bối nghe kể lại, trong 1 tháng nằm trên giường điều trị bệnh ở Liên Xô (cũ), ông đã học thuộc lòng cuốn từ điển Nga - Việt. Kể từ đó, ông dần sử dụng tiếng Nga đến mức khá thạo.

Bên cạnh tiếng Nga, nhà báo Phạm Phú Bằng còn hoàn toàn tự học và sử dụng thành thạo tiếng Trung, Pháp, Anh. Khó có thể đo lường được lượng tri thức trong “bụng” ông. Chỉ biết, động đâu cũng thấy ông uyên thâm. Bởi thế, người biết nhiều chỉ nói khi cần nói chứ không ham thể hiện. Nhà báo Phạm Phú Bằng là thế. Thời gian ông lặng lẽ nhiều hơn nhiều lần so với thời gian ông chuyện trò.

Còn một sự lặng lẽ nữa của ông mà chỉ những người rất thân mới có thể biết. Hàng chục năm trời, khi còn có thể lội bộ, ông đi khắp trong Nam, ngoài Bắc thực hiện những công việc thiện nguyện. Ngôi nhà trong con ngõ nhỏ phố Lý Nam Đế của ông từng trở thành một cái kho tập kết hàng hóa đủ mọi thứ trên đời.

Ông không thành lập quỹ từ thiện, hay hội từ thiện. Tất cả là do mọi người tự nguyện mang đến. Để, ông mang đi đến với những hoàn cảnh khó khăn nơi vùng sâu nhất, xa nhất. Quan điểm của cố nhà báo, đại tá Phạm Phú Bằng thì: “Người làm báo phải gắn bó, thương yêu đồng đội, nhân dân và phải yêu nghề”. Tôi viết về người lính thì tôi phải đi theo người lính, ăn ngủ cùng họ và phải hiểu về người lính...

Báo chí đối với mặt trận Điện Biên Phủ ngày ấy là “kênh” thông tin cực kỳ quan trọng, chẳng những cung cấp nhiều tin tức từ hậu phương, những gương chiến đấu dũng cảm, kinh nghiệm đào hầm, làm trận địa mà còn đăng tải những bức thư động viên bộ đội của Bác Hồ, chỉ thị của cấp trên...

Tất cả tạo thành món ăn tinh thần vô giá, thúc giục các chiến sĩ giữ vững tinh thần, quyết tâm cho ngày chiến thắng. Đại tá Lê Kim, cộng tác viên tòa soạn tiền phương Báo Quân đội nhân dân tại mặt trận Điện Biên Phủ kể lại, lúc bấy giờ đời sống tinh thần của bộ đội ta còn nghèo nên tất cả trông chờ vào tờ báo này. Do nội dung tờ báo cũng rất phong phú, cả có tình hình quốc tế, có cả thơ trữ tình, thơ vui, thơ châm biếm... nên được anh em rất thích.

Báo chí còn góp phần đắc lực vào công tác chính trị chiến dịch. “Sau khi sang Lào chiến đấu trở về Điện Biên Phủ thì số báo Quân đội nhân dân đầu tiên ông đọc đã có tin về trận Him Lam, số tiếp theo là trận Độc Lập” Trung tướng Phạm Hồng Cư, nguyên Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, tại mặt trận Điện Biên Phủ là Phó Chính uỷ Trung đoàn 36, Đại đoàn 308 nhớ lại.

Ông nhớ nhất số báo ghi lại lời của Bác: “Các chú sắp ra trận, Bác hôn các chú, chúc các chú thắng to”. Chính tờ báo đã giúp ông làm tốt công tác chính trị mặt trận, truyền đạt những chỉ thị của Đại tướng Tổng Tư lệnh đến bộ đội và phản ánh đời sống của bộ đội ở chiến trường...

Trong Bảo tàng Báo chí Việt Nam hiện lưu trữ nhiều số báo và trưng bày trang trọng những hiện vật tài liệu về chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954. Lời kêu gọi của Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp với tựa đề “Kiên quyết tiêu diệt toàn bộ quân Pháp tại Điện Biên Phủ”. Ngay sau khi chiếm được cứ điểm Him Lam, ngày 14/3, báo đã đưa tin chiến thắng giòn giã với tiêu đề “Quân ta đã tiêu diệt toàn bộ quân địch ở Him Lam”.

 

Ngày 11/5, số báo 147 chạy tít lớn tràn trang nhất: Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam công bố: “Quân ta đã toàn thắng trên mặt trận Điện Biên Phủ”. Số 148 ra ngày 16/5/1954 là số báo Quân đội nhân dân cuối tại mặt trận, cũng là số báo đặc biệt chào mừng Chiến thắng Điện Biên Phủ.

Báo ra sáu trang in hai màu có Thư khen của Bác Hồ, Trung ương Đảng và Bác Tôn Đức Thắng; có Thông báo của Bộ Tổng Tư lệnh, có bài phân tích ý nghĩa chiến thắng của Đại tướng Tổng Tư lệnh, có bài tường thuật trận cuối cùng của Trần Cư và bài tường thuật Lễ duyệt binh mừng chiến thắng của nhà báo Thái Duy. Cuối trang nhất là khẩu hiệu: Chiến dịch Điện Biện Phủ vĩ đại đã toàn thắng!

Những tờ báo có mặt ở mặt trận Điện Biên Phủ 70 năm trước còn lưu trữ được là những báu vật. Đây là những chứng cứ quan trọng cho phép khẳng định: Mặt trận Điện Biên Phủ thực sự là một trường học lớn, mà ở đó những người làm báo cách mạng được tôi luyện về ý chí, được nâng cao về trình độ nghiệp vụ và trình độ tổ chức. Mỗi bài viết, mỗi trang báo là những kỳ tích phi thường, thấm đẫm mồ hôi, công sức, thậm chí là nước mắt và xương máu của họ.

(Theo baoquangtri.vn)