(LĐ online) - Chủ tịch Hồ Chí Minh là vị lãnh tụ vĩ đại của cách mạng Việt Nam, là cha già của dân tộc. Trong tâm thức những người con đất Việt, ai cũng tôn kính và gọi một cách thân thương là Bác Hồ. Bác đã dành trọn cuộc đời mình cho sự nghiệp cách mạng; cho nền độc lập, hòa bình của Tổ quốc; cho tự do, no ấm, hạnh phúc của Nhân dân. Dẫu biết rằng, Bác luôn hiện diện trong tim mỗi người qua năm tháng, nhưng hằng năm cứ đến ngày 19/5 kỷ niệm sinh nhật Bác, lại càng khiến chúng ta thêm xúc động, kính yêu, biết ơn và tưởng nhớ đến công lao trời biển của Người.
Ngày 19/5/1890, tại làng Hoàng Trù, nay thuộc xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An, cậu bé Nguyễn Sinh Cung cất tiếng khóc chào đời. Thân phụ là Nguyễn Sinh Sắc có tuổi thơ cơ cực: mồ côi, nhà nghèo nhưng hiếu học. Thân mẫu là Hoàng Thị Loan tần tảo, đảm đang, yêu thích các làn điệu dân ca, thuộc nhiều bài ví, dặm. Năm 1901, Nguyễn Sinh Cung được đổi tên thành Nguyễn Tất Thành như gửi gắm bao kì vọng. Xuất thân trong gia đình nhà nho yêu nước, lớn lên trên vùng đất giàu truyền thống lịch sử và văn hóa, chứng kiến cảnh nước mất nhà tan, tiếp nối tinh thần yêu nước và đúc kết những bài học đấu tranh của các bậc tiền bối, chàng thanh niên Nguyễn Tất Thành đã rời bến Nhà Rồng năm 1911 quyết tâm ra đi “Tìm đường đi cho dân tộc theo đi”.
Với tên gọi Nguyễn Ái Quốc khi hoạt động ở nước ngoài, làm đủ nghề để kiếm sống, cuối cùng Bác cũng tìm thấy ánh sáng soi đường cho các dân tộc bị áp bức, đó là Luận cương của Lênin về các vấn đề dân tộc và thuộc địa, như Chế Lan Viên đã viết: “Luận cương đến Bác Hồ. Và Người đã khóc/ Lệ Bác Hồ rơi trên chữ Lênin”. Chủ nghĩa Mác - Lênin được bí mật truyền bá về nước đã soi sáng và cổ vũ tinh thần cách mạng của Nhân dân ta. Công lao vô cùng to lớn của Bác là chủ trì Hội nghị thành lập Đảng vào ngày 3/2/1930 để đoàn kết, hợp nhất các tổ chức cộng sản lúc bấy giờ. Sự kiện này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng là chấm dứt sự khủng hoảng về đường lối và tổ chức lãnh đạo của phong trào yêu nước ở Việt Nam đầu thế kỉ XX. Ngày 28/1/1941, sau 30 năm bôn ba khắp năm châu bốn biển, Bác trở về Tổ quốc, trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Thời khắc xúc động đó được Tố Hữu tái hiện trong bài Theo chân Bác: “Ôi sáng xuân nay, Xuân 41/ Trắng rừng biên giới nở hoa mơ/ Bác về im lặng con chim hót/ Thánh thót bờ lau vui ngẩn ngơ”.
Có Đảng và Bác Hồ lãnh đạo, con thuyền cách mạng Việt Nam vượt qua muôn vàn sóng gió, đến bến bờ vinh quang. Nhân dân giành chính quyền, Cánh mạng tháng Tám thành công, ngày 2/9/1945 Bác đọc Tuyên ngôn độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Trong kháng chiến chống Pháp, nhân dân ta anh dũng chiến đấu và giành thắng lợi, đỉnh cao là chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” mãi mãi là mốc son chói lọi trong lịch sử “Chín năm làm một Điện Biên/ Nên vành hoa đỏ, nên thiên sử vàng”. Đất nước chia đôi, tiếp tục cuộc kháng chiến chống Mỹ khốc liệt nhưng khát vọng hòa bình, thống nhất non sông vẫn luôn cháy bỏng trong lòng Bác và cả dân tộc. Bài thơ chúc Tết cuối cùng của Bác năm Kỷ Dậu 1969 là lời cổ vũ, động viên, là nỗi khát khao non sông nối liền một dải, được kết thúc bằng hai câu: “Tiến lên! Chiến sĩ đồng bào/ Bắc Nam sum họp xuân nào vui hơn”. Năm ấy, Bác mãi mãi đi xa, để lại niềm tiếc thương vô hạn đối với toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta. Cả dân tộc nhớ ơn Bác, cùng “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước/ Mà lòng phơi phới dậy tương lai”, vượt lên bao mất mát để tiến tới đại thắng mùa xuân 1975. Đất nước thanh bình, non sông thống nhất, Bắc - Nam sum họp và thời khắc lịch sử 30/4/1975 “Như có Bác trong ngày vui đại thắng”.
Cuộc đời của Bác là tấm gương sáng ngời về tư tưởng, đạo đức, phong cách của người chiến sĩ cộng sản. Di sản mà Bác để lại là những bài học quý giá ở nhiều lĩnh vực, từ công tác xây dựng Đảng, cán bộ, tư tưởng trọng dân và chăm lo cho dân, cho đến quốc phòng - an ninh, y tế, giáo dục… Bác luôn nêu cao tư tưởng tận trung với nước, tận hiếu với dân; suốt đời cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; nói đi đôi với làm. Ngôi nhà sàn, đôi dép cao su, bộ quần áo kaki, chiếc nón cối… là minh chứng cho lối sống giản dị, gần gũi của bậc vĩ nhân, đúng như Tố Hữu viết: “Ôi lòng Bác vậy, cứ thương ta/ Thương cuộc đời chung, thương cỏ hoa/ Chỉ biết quên mình cho hết thảy/ Như dòng sông chảy nặng phù sa”.
Ngày nay, đất nước ta đang phát triển mạnh; Nhân dân ta được sống trong hòa bình, hạnh phúc, ấm no; vị thế của Việt Nam ngày càng cao trên trường quốc tế. Nhân kỉ niệm 134 năm sinh nhật Bác, chúng ta càng tưởng nhớ, biết ơn công lao to lớn của Người, đồng thời mỗi chúng ta cần ra sức học tập và làm theo tấm gương tư tưởng, đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin