(LĐ online) - Ngày 13/10/1945, tức chỉ hơn 1 tháng sau ngày nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ra đời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư cho các giới công thương Việt Nam. Đây là tư tưởng nhất quán của Chủ tịch Hồ Chí Minh bởi ngay từ năm 1919, trong Bản yêu sách của nhân dân An Nam, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã đề cập đến việc “mở mang kỹ nghệ, lập thành công thương”.
Ảnh: Hồ Chí Minh toàn tập, tập 4, trang 49 - NXB Chính trị Quốc gia, năm 2009 |
Cuộc Cách mạng tháng Tám năm 1945 đã thành công nhanh chóng bởi đã phát huy được sức mạnh đại đoàn kết của toàn dân tộc, trong đó có sự đóng góp không nhỏ của giới công thương (nay gọi là đội ngũ doanh nhân) Việt Nam khi ấy.
Căn nhà số 48 phố Hàng Ngang - Hà Nội, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh viết bản Tuyên ngôn độc lập là tư dinh của một gia đình giàu có ở Hà Nội khi ấy: Trịnh Văn Bô và Hoàng Thị Minh Hồ. Nhiều chi dùng của Chính phủ những ngày đầu khi mới từ chiến khu về Hà Nội là do các nhà giàu có hỗ trợ, ủng hộ. Bởi vậy, ngay trong Tuần lễ vàng, các nhà công thương Hà Nội là giới chức xã hội đầu tiên được Bác tiếp tại Phủ Chủ tịch.
Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đã tập hợp 74 bài nói, bài viết của Bác Hồ từ những ngày đầu thành lập nước đến năm 1969, liên quan đến sự phát triển kinh tế và doanh nghiệp, doanh nhân.
Bức thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi các giới công thương ngày 13/10/1945 là bài viết mở đầu của cuốn sách này. Toàn bộ bức thư hơn 200 chữ ấy nay được xem như là tư tưởng đầu tiên của Đảng và Nhà nước đối với doanh nghiệp, doanh nhân và vẫn còn giá trị thời sự đối với hôm nay và mai sau.
Trước hết, bức thư khẳng định khẳng định vai trò, sứ mệnh của doanh nhân, đó là: “Trong lúc các giới khác trong quốc dân đang phải cố gắng nỗ lực để giành lấy hoàn toàn nền độc lập, thì giới công thương cũng phải cố gắng nỗ lực để xây dựng nền kinh tế, tài chính vững vàng và thịnh vượng. Việc nước, việc nhà bao giờ cũng đi liền với nhau. Nền kinh tế quốc dân thịnh vượng nghĩa là sự kinh doanh của các nhà công thương nghiệp thịnh vượng. Chính phủ, nhân dân và tôi sẽ tận tâm giúp giới công thương trong cuộc kiến thiết này…”.
Việt Nam năm 1945 là một quốc gia nông nghiệp lạc hậu và bị chi phối bởi hệ tư tưởng Nho giáo. Trong quan niệm về thứ tự các tầng lớp xã hội Việt Nam theo Nho giáo thì sĩ đứng đầu, sau đó tới nông, công và thương. Vậy mà, ngay từ những ngày đầu dân quốc ấy, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đánh giá rất cao vai trò của giới doanh nhân Việt Nam. Đây có thể xem là tư tưởng vượt trước của Hồ Chí Minh về vấn đề này.
Về vị trí của giới doanh nhân, Người viết: “Được tin giới công thương đã đoàn kết lại thành Công thương cứu quốc đoàn và gia nhập mặt trận Việt Minh, tôi rất mừng. Hiện nay Công thương cứu quốc đoàn đang hoạt động để làm nhiều việc ích nước lợi dân, tôi rất hoan nghênh và mong đợi nhiều kết quả tốt”.
Như vậy, ngay từ rất sớm, Hồ Chí Minh khẳng định doanh nhân là một bộ phận không thể thiếu của khối đại đoàn kết toàn dân tộc và kêu gọi các nhà công nghiệp và thương nghiệp “mau mau gia nhập vào Công thương cứu quốc đoàn cùng đem vốn vào làm những công cuộc ích quốc, lợi dân”.
Người Việt có thành ngữ nổi tiếng “buôn có bạn, bán có phường”. Những tư tưởng về liên kết trong làm ăn, buôn bán mà Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu lên trong bức thư này chính là kế thừa những kinh nghiệm quý báu của cha ông.
Sau bức thư này, ngày 19/12/1946, Kháng chiến toàn quốc bùng nổ. Sau năm 1954, nhất là giai đoạn cải tạo công thương ở miền Bắc bắt đầu từ năm 1958 rồi sau đó là cuộc kháng chiến chống Mỹ, vì vậy, điều kiện lịch sử hoàn cảnh khi ấy đã không cho phép Việt Nam thực hiện được dòng tư duy về doanh nghiệp, doanh nhân như trong bức thư của Bác Hồ ngày 13/10/1945. Tuy nhiên, những tư tưởng lớn ấy vẫn là những viên gạch đầu tiên đặt nền móng để Việt Nam tiến hành trong giai đoạn đổi mới, hội nhập quốc tế.
Chủ tịch Hồ Chí Minh với giới công thương Hà Nội tháng 9/1945. Ảnh tư liệu |
Sau khi Đảng tiến hành công cuộc đổi mới đất nước, hàng loạt những chính sách về doanh nghiệp, doanh nhân đã được ban hành. Năm 2004, Đảng và nhà nước quyết định chọn ngày 13/10 hàng năm làm ngày doanh nhân Việt Nam.
Trong suốt những năm qua, nhất là từ năm 2000 khi Luật Doanh nghiệp có hiệu lực và đặc biệt là từ sau khi Ban Chấp hành Trung ương ban hành Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 3/6/2017 về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam đã có sự phát triển vượt bậc.
Sách trắng doanh nghiệp Việt Nam năm 2022 cho biết đến hết năm 2021, cả nước có khoảng 857.500 doanh nghiệp, trong đó riêng TP Hồ Chí Minh có 268.400 doanh nghiệp, chiếm 31,3% tổng số doanh nghiệp cả nước. Tính đến nay, Việt Nam có khoảng gần 7 triệu doanh nhân, đóng góp hơn 60% GDP, 70% nguồn thu ngân sách nhà nước, tạo ra việc làm cho 14,7 triệu lao động, chiếm gần 28% lực lượng lao động của toàn xã hội.
Tuy nhiên, Sách trắng doanh nghiệp Việt Nam năm 2022 cũng cho biết đa số các doanh nghiệp của Việt Nam hiện nay là doanh nghiệp vừa và nhỏ, trung bình tại TP Hồ Chí Minh có 61,9 doanh nghiệp/1.000 lao động, Hà Nội có 49,8 doanh nghiệp/1.000 lao động, Đà Nẵng có 45,4 doanh nghiệp/1.000 lao động, Bình Dương có 23,2 doanh nghiệp/1.000 lao động, Hải Phòng có 22 doanh nghiệp/1.000 lao động.
Nghị quyết số 41-NQ/TW ngày 10/10/2023 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới đã chỉ ra những hạn chế, yếu kém của đội ngũ doanh nhân Việt Nam là: “Sự phát triển đội ngũ doanh nhân chưa đáp ứng yêu cầu của thời kỳ mới; phần lớn doanh nghiệp có quy mô nhỏ, sức cạnh tranh, hiệu quả hoạt động, năng lực kinh doanh, kỹ năng quản trị còn hạn chế; số doanh nghiệp quy mô lớn, có năng lực dẫn dắt các chuỗi cung ứng còn ít; tính liên kết, hợp tác, khả năng tận dụng cơ hội từ hội nhập kinh tế quốc tế và Cách mạng công nghiệp lần thứ tư còn yếu. Một bộ phận doanh nhân đạo đức, văn hoá kinh doanh, ý thức chấp hành pháp luật, trách nhiệm xã hội, tinh thần dân tộc chưa cao, còn vi phạm pháp luật, cấu kết với cán bộ suy thoái, chạy theo lợi ích cá nhân, gây thiệt hại cho Nhà nước, làm giảm sút niềm tin của Nhân dân”. Đây là những hạn chế, yếu kém cần dũng cảm nhìn nhận để vượt lên và phát triển.
Đại hội XIII của Đảng đã xác định mục tiêu: “Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”. Trong quá trình đi tới khát vọng phồn vinh, hạnh phúc của dân tộc chắc chắn không thể thiếu vai trò của đội ngũ doanh nhân.
Nhìn sang các quốc gia xung quanh, sở dĩ họ trở thành những “con rồng”, “con hổ” là nhờ một phần lớn sự đóng góp của các tập đoàn. Một đất nước, một quốc gia không thể thịnh vượng nếu thiếu các tập đoàn lớn, thiếu đội ngũ doanh nhân tài năng, tâm huyết, vừa biết làm giàu từ sản xuất kinh doanh, vừa có trách nhiệm xã hội. Muốn vậy, đội ngũ doanh nhân phải xây dựng được triết lý và văn hoá kinh doanh, phải thoát khỏi “lời nguyền” “thương trường là chiến trường” bởi trong bối cảnh mới hiện nay, thương trường không còn là chiến trường mà trở thành nơi hai bên cùng thắng với triết lý “win - win”. Muốn vậy, ngoài các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, đội ngũ doanh nhân chắc chắn cũng phải nỗ lực vươn lên, cùng nhau đoàn kết, xây dựng văn hoá kinh doanh làm lợi cho bản thân cho cộng đồng, cho đất nước…
Gần 80 năm đã trôi qua, những tư tưởng lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong bức thư gửi các giới công thương Việt Nam đã được Đảng đưa vào trong các nghị quyết về xây dựng và phát triển đội ngũ doanh nhân Việt Nam, nhất là trong Nghị quyết số 41-NQ/TW mới đây. Có thể thấy, những lời dạy của Bác Hồ trong bức thư này dù thời gian đã xa song vẫn mang tính thời sự, vẫn là những chỉ dẫn quý báu đối với đội ngũ doanh nhân hiện nay.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin