Bác bỏ luận điệu xuyên tạc, vu cáo về tự do báo chí và tự do ngôn luận ở Việt Nam

SONG HOÀNG 10:45, 19/06/2024

(LĐ online) - Ở Việt Nam, tự do báo chí, tự do ngôn luận được Nhà nước bảo đảm, thể hiện rõ trên cả khía cạnh pháp lý và thực tiễn.

Vậy nhưng, lợi dụng chiêu bài “tự do báo chí”, “tự do ngôn luận”, vấn đề “nhân quyền”, các thế lực thù địch đã và đang ra sức tiến hành diễn biến hòa bình trên lĩnh vực chính trị, tư tưởng nhằm thao túng dư luận, gây rối loạn xã hội, chống phá Đảng, Nhà nước ta. Cụ thể: Thời gian gần đây, một số tổ chức, hãng thông tấn, báo chí nước ngoài như Tổ chức phóng viên không biên giới (RSF), Tổ chức Bảo vệ ký giả (CPJ), Việt Tân, Đài Á Châu Tự Do (RFA), VOA Tiếng Việt… vẫn chiêu bài cũ, giọng điệu cũ, cố tình rêu rao rằng: Ở Việt Nam “Không có tự do ngôn luận, tự do báo chí”; “Không tôn trọng và không bảo đảm quyền tự do báo chí và tự do ngôn luận”; “Việt Nam là một trong những nước kiểm duyệt internet gắt gao nhất thế giới…”; “Việt Nam kiểm soát và bóp nghẹt quyền tự do báo chí, tự do internet”; hay “Đảng tiến hành kiểm soát chặt chẽ tư tưởng và quyền tự do ngôn luận, quy hoạch báo chí, đẩy các nhà báo phải tự kiểm duyệt cao độ, lùng bắt và hạn chế tối đa tiếng nói bất đồng trên mọi không gian”… Rõ ràng, họ cố tình đưa ra những nhận định, đánh giá sai lệch, thiếu khách quan như trên hòng hạ thấp uy tín nước ta trên trường quốc tế.

Thực tế, Nhà nước Việt Nam đã xây dựng khung pháp luật về quyền tự do ngôn luận, báo chí, tiếp cận thông tin của công dân đầy đủ, đồng bộ, hoàn toàn tương thích với pháp luật quốc tế về quyền con người. “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định” và khẳng định: “Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của pháp luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng” (Điều 25, Hiến pháp năm 2013).

Quy định này cũng được thể chế trong nhiều văn bản pháp luật Việt Nam, như Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi 2017; Luật Báo chí năm 2016... Theo đó, công dân có đầy đủ các quyền tự do báo chí: sáng tạo tác phẩm báo chí; cung cấp thông tin cho báo chí; phản hồi thông tin trên báo chí; tiếp cận thông tin báo chí; liên kết với cơ quan báo chí thực hiện sản phẩm báo chí; in, phát hành báo in. Còn các cơ quan báo chí, các nhà báo nước ta đã và đang hoạt động tự do theo luật pháp và Luật Báo chí quy định.

Điều 13 Luật Báo chí quy định: “Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi để công dân thực hiện quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí và để báo chí phát huy đúng vai trò của mình. Báo chí, nhà báo hoạt động trong khuôn khổ pháp luật và được Nhà nước bảo hộ. Không ai được lạm dụng quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí để xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức và công dân. Báo chí không bị kiểm duyệt trước khi in, truyền dẫn và phát sóng”…

Vì cố tình bịa đặt nên các thế lực phản động, cơ hội chính trị cố tình phớt lờ điều này và phớt lờ các con số cụ thể, thể hiện sự phát triển mạnh mẽ của báo chí Việt Nam. Tính đến tháng 12/2023, cả nước có 127 cơ quan báo, 671 cơ quan tạp chí, 72 cơ quan đài phát thanh, truyền hình. Có 57 kênh truyền hình nước ngoài đã được cấp phép biên tập, biên dịch, phát sóng, trong đó có các kênh như CNN, BBC, Bloomberg, TV5, DW, NHK, KBS, Australia Network... Các cơ quan truyền thông quốc tế và hầu hết kênh truyền thông lớn thế giới đều đến được với công chúng Việt Nam dễ dàng, thuận tiện mà không có bất kỳ rào cản công nghệ hay pháp lý nào… 

Việt Nam hiện có khoảng 41.000 người hoạt động trong lĩnh vực báo chí, trong đó khối phát thanh, truyền hình xấp xỉ 16.500 người. Tổng số người được cấp thẻ nhà báo kỳ hạn 2021-2025 tính đến tháng 12/2023 là 20.508 trường hợp, trong đó 7.587 trường hợp có bằng tốt nghiệp đại học trở lên ngành báo chí… Ở Việt Nam, không chỉ các phóng viên, nhà báo chuyên nghiệp mà mọi công dân đều có quyền sáng tạo tác phẩm báo chí, có quyền bày tỏ chính kiến của mình trên mặt báo.

Và có một thực tế mà các thế lực chống phá chính trị cố tình không đề cập đến là: suốt nhiều năm qua, báo chí Việt Nam đã đăng tải ý kiến người dân từ những việc trọng đại của đất nước như: tham gia góp ý xây dựng pháp luật, các ý kiến phản biện, đề xuất ý kiến về những chính sách… cho đến những góp ý và kiến nghị, quan điểm trên rất nhiều lĩnh vực... Đồng thời, thông tin rộng rãi, công khai, minh bạch các vấn đề người dân quan tâm, những vấn đề nóng của đất nước… Những việc làm này góp phần tích cực, củng cố niềm tin của Nhân dân vào Đảng và Nhà nước ta, thể hiện cụ thể, sinh động tự do báo chí, tự do ngôn luận ở nước ta.

Trong bối cảnh hiện nay, môi trường internet năng động với lượng người dùng đứng thứ 12 thế giới và thứ 6 khu vực là một trong những ví dụ về thành tựu bảo đảm tự do thông tin, tự do ngôn luận, báo chí ở Việt Nam (tính đến tháng 1/2023, Việt Nam có 77,93 triệu người dùng internet, chiếm 79,1% tổng dân số). Mọi người dân được thoải mái tham gia các mạng xã hội như Facebook, Youtube, Twitter, Tiktok,... mà không có sự cản trở nào; được tiếp cận các nguồn thông tin một cách đa chiều và khách quan, được bày tỏ quan điểm của mình trên các nền tảng thông tin truyền thông.

Chính sự “thoải mái” này, có những cá nhân đã lợi dụng để đưa các thông tin sai sự thật lên mạng xã hội, gây hoang mang trong dư luận và quần chúng Nhân dân. Trong đó, có những kẻ gây phương hại cho an ninh quốc gia và trật tự, an toàn xã hội, vi phạm luật pháp Việt Nam. Những trường hợp như thế đều phải bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Rõ ràng, bước vào kỷ nguyên số, trong sự phát triển với tốc độ chóng mặt của môi trường thông tin và không gian mạng, Việt Nam ngày càng nỗ lực trong đảm bảo các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí và thông tin cho người dân trong các lĩnh vực.  

Vì vậy, không thể lấy cái gọi là “nhà báo tự do” mà có thể đứng ngoài vòng pháp luật hiện hành; không thể lợi dụng quyền tự do dân chủ, tự do báo chí, tự do ngôn luận để viết, phát tán, phát ngôn các thông tin sai trái, độc hại hay sản xuất, tung ra các ấn phẩm nhằm tuyên truyền chống Đảng, Nhà nước Việt Nam. Đồng thời, không thể ảo tưởng về cái gọi là tự do báo chí không có giới hạn hoặc vô tổ chức, vô kỷ luật bởi khi đó sẽ gây ra những hậu quả nặng nề cho xã hội.