(LĐ online) - Trong thời đại bùng nổ thông tin trên internet hiện nay, mạng xã hội với đặc điểm nổi trội là tốc độ kết nối nhanh, phạm vi chia sẻ rộng, hiệu quả tác động lớn, đang trở thành nhu cầu không thể thiếu trong đời sống xã hội. Tuy nhiên, các thế lực thù địch lợi dụng mạng xã hội để truyền bá quan điểm sai trái, tung tin bịa đặt, xuyên tạc với quy mô ngày càng rộng, mức độ ngày càng mạnh nhằm tấn công vào nền tảng tư tưởng của Đảng, chống phá công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội của Nhân dân ta.
Hiện nay, Việt Nam đang thuộc nhóm các quốc gia có tỷ lệ người dân sử dụng mạng xã hội cao trên thế giới và xu hướng đọc tin trên mạng xã hội ngày càng tăng. Các nền tảng mạng xã hội có lượng người sử dụng lớn như Facebook, YouTube, Zalo, Instagram..., đều có sự phát triển nhanh chóng, phủ sóng rộng rãi, mang lại nhiều tác động tích cực như tạo nên sự kết nối, chia sẻ các thông tin hữu ích, nâng cao kỹ năng sống, làm thay đổi nhận thức, hành vi của mỗi cá nhân, qua đó tác động đến sự phát triển của toàn xã hội; tham gia vào mọi lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội của mỗi cá nhân, mỗi quốc gia và cộng đồng quốc tế.
Bên cạnh tính ưu việt, mạng xã hội cũng có những tác động tiêu cực tới sự phát triển xã hội, con người, an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, đặc biệt là việc các thế lực thù địch, các phần tử cơ hội, chống đối chính trị đã và đang triệt để lợi dụng internet, mạng xã hội để tiến hành phá hoại nền tảng tư tưởng của Đảng ta. Trong thời gian qua, các thế lực thù địch, phản động đã lập ra và sử dụng hàng nghìn trang mạng xã hội vào các hoạt động tuyên truyền phá hoại nền tảng tư tưởng, chống phá chế độ ta. Chúng tập trung xuyên tạc, nói xấu chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Hiện nay, nhiều trang mạng xã hội của bọn phản động trong và ngoài nước như: Chính phủ quốc gia Việt Nam lâm thời, Dân làm báo, Quan làm báo, Việt Tân, BBC... thường xuyên đăng tải những bài viết với lời lẽ chống Đảng, chống chế độ một cách điên cuồng, mù quáng. Chúng tuyên truyền xuyên tạc chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, lợi dụng chiêu bài phản biện xã hội, đấu tranh chống tiêu cực, tham nhũng, bảo vệ môi trường, các vấn đề dân chủ, nhân quyền, tôn giáo, dân tộc... để đăng tải những bài viết có thông tin sai lệch, không được kiểm chứng, suy diễn xuyên tạc, từ đó kết luận các chủ trương, chính sách đó là sai lầm và đòi xóa bỏ. Lợi dụng những sơ hở, thiếu sót trong triển khai các chính sách phát triển kinh tế - xã hội của chính quyền các cấp, các vụ việc phức tạp... để kích động dư luận, hình thành tâm lý phản kháng, tư tưởng bất mãn, chống đối, tiến tới kêu gọi biểu tình, bạo loạn lật đổ chế độ.
Bên cạnh đó, mạng xã hội có thể làm gia tăng nguy cơ lộ, lọt bí mật nhà nước. Trong số hàng chục triệu người dân Việt Nam sử dụng mạng xã hội, có không ít người là cán bộ, đảng viên, làm việc trong các cơ quan, đơn vị có liên quan đến bí mật nhà nước. Nhiều người có thói quen thích chia sẻ thông tin về cuộc sống, công việc, hoạt động của cơ quan, đơn vị lên mạng xã hội hoặc sử dụng mạng xã hội làm công cụ liên lạc, trao đổi. Trong khi đó, hiểu biết về công tác bảo vệ bí mật nhà nước của một số cán bộ, đảng viên chưa cao, trách nhiệm, ý thức bảo mật chưa tốt, làm gia tăng nguy cơ lộ, lọt bí mật nhà nước. Lợi dụng các vụ lộ, lọt bí mật nhà nước trên internet, nhiều đối tượng đã đăng tải lại các tài liệu mật trên mạng xã hội, tạo diễn đàn xuyên tạc, nói xấu chính quyền.
Trong tình hình hiện nay, mỗi người dân càng phải nâng cao trách nhiệm khi tham gia vào cộng đồng mạng. Cùng với tỉnh táo nhận diện âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch, cần phải phân biệt rõ các quan điểm sai trái, thù địch với những ý kiến phản biện chính đáng, tâm huyết. Muốn vậy, hơn lúc nào hết, chúng ta phải xây dựng, củng cố và phát triển vững mạnh “thế trận lòng dân” bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trên không gian mạng. Theo đó, cần quan tâm:
Thứ nhất, xây dựng, phát triển, hoàn thiện hệ thống pháp luật để quản lý hoạt động trên internet, mạng xã hội là vấn đề tất yếu, khách quan, quan trọng hàng đầu. Cơ quan chức năng các cấp cần thường xuyên theo dõi, khảo sát, đánh giá, kịp thời tham mưu cấp có thẩm quyền điều chỉnh, bổ sung, hoàn hiện hệ thống pháp luật, đảm bảo công tác quản lý hoạt động internet, mạng xã hội phù hợp với các quy trình sinh hoạt xã hội, cộng đồng, thực sự “ích nước, lợi nhà”, ngăn chặn hiệu quả các mặt tiêu cực.
Thứ hai, nâng cao chất lượng tuyên truyền, giáo dục nhận thức, trách nhiệm cho Nhân dân, trước hết là đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, sinh viên, học sinh khi sử dụng mạng xã hội. Để thực hiện tốt nội dung này, các cấp ủy cần đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp tuyên truyền, giáo dục cho phù hợp với từng đối tượng, làm cho họ nhận thức và thực hiện tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về quyền tự do thông tin, tự do báo chí, công tác quản lý, sử dụng internet và mạng xã hội.
Thứ ba, phát huy tính tiền phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên trong việc thực hiện Quy định số 85-QĐ/TW ngày 07/10/2022 của Ban Bí thư về việc cán bộ, đảng viên thiết lập và sử dụng trang thông tin điện tử cá nhân trên internet, mạng xã hội, góp phần bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch và xây dựng môi trường mạng xã hội văn minh, lành mạnh, an toàn.
Thứ tư, đối với thế hệ trẻ, cần giáo dục việc sử dụng mạng internet, mạng xã hội an toàn, thông minh. Trong môi trường giáo dục hiện đại không thể thiếu internet, mạng xã hội, phụ huynh và nhà trường cần chung tay xây dựng một “bức tường lửa” an toàn cho học sinh khi sử dụng mạng xã hội.
Thứ năm, các cấp ủy, tổ chức đảng và người đứng đầu các cơ quan, đơn vị cần xây dựng được quy định, quy ước sử dụng mạng xã hội; phát huy vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức quần chúng, cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên phải là “người lính xung kích” trong việc đưa trang mạng cá nhân mình thành một kênh thông tin, tuyên truyền thường xuyên, chính thống về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đảm bảo cho họ phải trở thành “pháo đài vững chắc” trên trận địa đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; chủ động “lấy cái đẹp dẹp cái xấu”, tự giác đăng tải, chia sẻ, lan tỏa thông tin tích cực, trực diện đấu tranh với thông tin xấu, độc, tạo thành phong trào rộng khắp làm cho mạng xã hội ngày càng tích cực, lành mạnh.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin