(LĐ online) - ĐBQH Trịnh Thị Tú Anh - Đoàn Lâm Đồng phát biểu về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 -2035.
Quang cảnh kỳ họp thứ 7 Quốc hội khoá XV |
Ngày 19/6, ngày làm việc thứ 20 của Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội.
Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035.
Tại phiên thảo luận đã có 29 ý kiến đại biểu Quốc hội phát biểu, trong đó có 3 ý kiến đại biểu Quốc hội tranh luận. Các ý kiến đại biểu cơ bản nhất trí với sự cần thiết đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035 và nhấn mạnh đây là một Chương trình quan trọng, có nội dung rất rộng, phản ánh ở tất cả các lĩnh vực, nhằm cụ thể hóa và đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả các quan điểm chủ trương lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng về phát triển văn hóa…
Đại biểu Trịnh Thị Tú Anh góp ý tại hội trường về chương trình mục tiêu quốc gia về văn hoá |
Tham gia thảo luận tại hội trường, ĐBQH Trịnh Thị Tú Anh - Đoàn Lâm Đồng phát biểu về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035.
Đại biểu bày tỏ quan điểm thống nhất với sự cần thiết xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa. Đây là chương trình có ý nghĩa quan trọng, tạo động lực, nguồn lực cho sự phát triển của văn hoá góp phần phát triển bền vững của đất nước.
Tuy nhiên, theo đại biểu cần rà soát về sự phù hợp với các quy hoạch: Hiện nay, một số quy hoạch quan trọng liên quan tới văn hóa chưa được ban hành như: Quy hoạch mạng lưới cơ sở văn hóa, thể thao; một số quy hoạch vùng; quy hoạch tỉnh, thành phố. Đề nghị đánh giá, làm rõ căn cứ, cơ sở pháp lý về sự phù hợp với các quy hoạch trong bối cảnh một số quy hoạch quan trọng liên quan tới phát triển văn hóa chưa được phê duyệt.
Ngoài góp ý chi tiết cho một số mục tiêu cụ thể, đại biểu Trịnh Thị Tú Anh góp ý về phát triển nguồn nhân lực. Đây là một trong những nội dung thành phần quan trọng được triển khai thực hiện trong Chương trình, tuy nhiên, các chỉ tiêu đưa ra nhiều, có số liệu cụ thể, tuy nhiên, giải pháp thực hiện còn chung chung, chưa thấy được những nội dung đầu tư đột phá. Trong khi đó, số lượng người được đào tạo trong ngành văn hóa, thể thao và du lịch ngày càng giảm sút. Số lượng tuyển sinh học viên, sinh viên, học sinh tuyển sinh trong ngành văn hóa, thể thao và du lịch năm 2012 là 18.466 người, năm 2015 là 21.145 và năm 2020 là 11.191 người. Con số trên cho thấy, tương lai sẽ thiếu hụt nguồn nhân lực trong lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch - lĩnh vực cung cấp nhân lực chủ yếu cho các ngành công nghiệp văn hóa.
vì vậy, đại biểu đề nghị cần đánh giá đúng hiện trạng nguồn nhân lực trong lĩnh vực công nghiệp văn hóa, đặc biệt là nguồn nhân lực sáng tạo, dự báo chính xác sự biến động của nguồn nhân lực này để có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng phù hợp. Có chính sách phù hợp trong đào tạo, bồi dưỡng, phát hiện tài năng văn hóa, nghệ thuật; xây dựng cơ chế đặc thù trong tuyển dụng, đãi ngộ, thu hút, tôn vinh, khen thưởng những cống hiến, đóng góp của các cá nhân.
Đồng thời, đề nghị nghiên cứu xây dựng chính sách cho lực lượng cộng tác viên làm công tác văn hóa ở cơ sở (những người không hưởng lương từ ngân sách Nhà nước), cộng tác viên duy trì, phát huy câu lạc bộ văn hoá, văn nghệ, thể thao, câu lạc bộ phòng chống bạo lực gia đình tại cơ sở; cộng tác viên quản lý duy trì tổ chức sinh hoạt tại nhà văn hóa - khu thể thao thôn để các chương trình, dự án thực sự bền vững, phát huy tối đa hiệu quả và đi vào cuộc sống.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin