(LĐ online) - Ngày 27/6/2024, Quốc hội tiếp tục ngày làm việc thứ hai mươi sáu của Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn.
Quang cảnh kỳ họp thứ 7 |
Trong phiên buổi chiều, với sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.
Tại phiên thảo luận, đã có 17 đại biểu phát biểu; trong đó đa số ý kiến tán thành với Tờ trình của Chính phủ, Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội, thống nhất cao với việc ban hành Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ. Để hoàn thiện hơn dự thảo Luật, các đại biểu tham gia góp ý về một số nội dung, cụ thể như: phạm vi điều chỉnh; chính sách của nhà nước; giải pháp và biện pháp phòng cháy; nguyên tắc phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ; trách nhiệm cứu nạn, cứu hộ, chữa cháy; nhiệm vụ của lực lượng dân phòng, lực lượng phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cơ sở, lực lượng chuyên ngành; trách nhiệm tuyên truyền, phổ biến giáo dục, huấn luyện nghiệp vụ về phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ; việc huy động lực lượng, phương tiện, tài sản tham gia phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ; thẩm tra, thẩm định thiết kế về phòng cháy và chữa cháy; nghiệm thu, kiểm tra công tác nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy; quy hoạch xây dựng, lập dự án, thiết kế xây dựng công trình, thiết kế phương tiện giao thông cơ giới;… Các đại biểu đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo cân nhắc, làm rõ sự giao thoa về phạm vi điều chỉnh của Luật này với một số luật khác có liên quan; làm rõ cơ quan, tổ chức có trách nhiệm tổ chức huấn luyện nghiệp vụ phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; bổ sung quy định về việc bồi thường, nguồn kinh phí thực hiện, quy trình, thủ tục thực hiện việc bồi thường; xã hội hóa các hình thức thẩm tra, thẩm định thiết kế về phòng cháy và chữa cháy, cũng như công tác nghiệm thu, kiểm tra công tác nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy; bổ sung quy định ưu tiên xây dựng lực lượng và trang bị phương tiện phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ; bổ sung quy định nguyên tắc phối hợp, hiệp đồng giữa các lực lượng cứu nạn, cứu hộ khi có sự cố, tai nạn xảy ra;…
Đại biểu Trịnh Thị Tú Anh tham gia góp ý tại hội trường về Luật PCCC và cứu nạn cứu hộ |
Tham gia góp ý tại hội trường, Đại biểu Trịnh Thị Tú Anh bày tỏ quan điểm, nguyên tắc ban hành Luật: Nội dung dự thảo Luật được xây dựng về cơ bản phù hợp với các quan điểm chỉ đạo của Đảng về công tác phòng cháy, chữa cháy.Về phạm vi điều chỉnh và tính thống nhất với hệ thống pháp luật: Đại biểu cho rằng so với Luật phòng cháy, chữa cháy hiện hành, phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật bao gồm cả hoạt động cứu nạn, cứu hộ, trên cơ sở luật hóa Nghị định số 83/2017/NĐ-CP ngày 18/7/2017 của Chính phủ quy định về công tác cứu nạn, cứu hộ của lực lượng phòng cháy và chữa cháy và được thể hiện tại Điều 33 dự thảo Luật.
Tuy nhiên, khi nghiên cứu, rà soát quy định của các luật liên quan như Luật Phòng thủ dân sự, Luật Đường sắt, dự án Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ... thì có một số vấn đề sau đây: Luật Phòng thủ dân sự năm 2023 quy định về thẩm quyền, trách nhiệm, biện pháp phòng, chống, khắc phục hậu quả sự cố, thảm họa, thiên tai (khoản 2 Điều 2), trong đó bao gồm cả sự cố như: sập, đổ nhà, công trình, sạt, lở đất đất đá,… (điểm c khoản 2 Điều 33 dự thảo Luật). Điểm đ khoản 2 dự thảo Luật cũng nêu phạm vi hoạt động cứu nạn cứu hộ trong trường hợp “tai nạn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa”. Tuy nhiên, Luật Đường sắt năm 2017 quy định trách nhiệm của tổ chức, cá nhân khi xảy ra tai nạn giao thông đường sắt ghi rõ việc thực hiện cứu nạn ngay khi xảy ra tai nạn (Điều 44). Đồng thời, Điều 84 Luật này giao cho Bộ Giao thông vận tải là cơ quan đầu mối giúp Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về hoạt động đường sắt trong đó có hoạt động phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và điều tra sự cố, tai nạn giao thông đường sắt. Dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ quy định về giải quyết tai nạn giao thông đường bộ, trong đó quy định trách nhiệm của cá nhân, tổ chức, trong việc giải quyết tai nạn giao thông (Điều 79); việc phát hiện, tiếp nhận tin báo tai nạn giao thông (Điều 80); cứu nạn, cứu hộ khi xảy ra vụ tai nạn giao thông đường bộ (Điều 81)…đề nghị cần nghiên cứu để thể hiện rõ hơn phạm vi điều chỉnh, tránh chồng chéo với quy định của pháp luật hiện hành cũng như gây khó khăn cho việc sắp xếp lực lượng, bố trí nguồn lực thực hiện nhiệm vụ CNCH. Đồng thời, tiếp tục thực hiện việc rà soát các luật chuyên ngành và các luật chuẩn bị thông qua tại Kỳ họp 7.
Về quy định chuyển tiếp (Điều 65): Dự thảo Luật quy định “Đối với các cơ sở không bảo đảm yêu cầu về phòng cháy và chữa cháy được đưa vào sử dụng trước ngày Luật phòng cháy và chữa cháy số 27/2001/QH10 có hiệu lực phải hoàn thành việc khắc phục các yêu cầu bảo đảm an toàn về phòng cháy và chữa cháy theo nội dung và lộ trình do Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quy định”. Việc quy định như dự thảo Luật sẽ có khả năng gây khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn khi triển khai thực hiện tại các địa phương, mỗi địa phương thực hiện một cách khác nhau. Do vậy, về quy định việc xử lý các cơ sở không bảo đảm yêu cầu về phòng cháy và chữa cháy được đưa vào sử dụng trước ngày Luật phòng cháy và chữa cháy số 27/2001/QH10 có hiệu lực, tôi đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, sửa đổi nội dung quy định này theo hướng quy định rõ mức độ vi phạm yêu cầu về phòng cháy, chữa cháy, thời gian khắc phục theo nội dung và lộ trình cụ thể để triển khai thực hiện thống nhất trên phạm vi toàn quốc, đảm bảo tính khả thi của Luật và tránh việc thực hiện không thống nhất, đồng bộ tại mỗi địa phương.
Về quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật Phòng cháy - chữa cháy: Không thể phủ nhận hệ thống các tiêu chuẩn, quy chuẩn phòng cháy, chữa cháy đã góp phần không nhỏ trong việc định hình hệ thống quy định kỹ thuật nền tảng về an toàn cháy cho nhà và công trình, giảm rủi ro thương vong cho con người. Tuy nhiên, thực tế triển khai vẫn còn rất nhiều khó khăn, bất cập. Theo thống kê, các bộ, ngành đã xây dựng tổng cộng trên 230 tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia về phòng cháy, chữa cháy đang có hiệu lực. Trong đó có trên 100 tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia chuyên về phòng cháy, chữa cháy và 130 tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia có nội dung liên quan đến phòng cháy, chữa cháy. Có những quy chuẩn, tiêu chuẩn vừa được ban hành đã được sửa chửa, bổ sung. Chỉ riêng việc đọc và hiểu hết các thay đổi trong những quy định trên cũng đã khiến doanh nghiệp vất vả, chưa nói đến việc triển khai thực hiện. Có những quy chuẩn, tiêu chuẩn quy định phi thực tế, rất khó khả thi trong triển khai thực hiện. Do đó, tôi trân trọng đề nghị Bộ Công an phối hợp với các bộ ngành rà soát, sửa đổi quy định về phòng cháy, chữa cháy, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật để bảo đảm thống nhất trong thực hiện, tránh gây phiền hà cho doanh nghiệp và người dân.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin