(LĐ online) - Sáng 24/6, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi). Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành phiên họp.
Đại biểu Trịnh Thị Tú Anh thảo luận tại hội trường về dự án Luật Phòng chống mua bán người (sửa đổi) |
Với tinh thần trách nhiệm cao, các đại biểu đã phân tích, đánh giá sâu sắc thực tiễn tình hình, những tồn tại, vướng mắc và đề xuất phương án chỉnh lý hoàn thiện nhiều nội dung, nhiều điều khoản của dự thảo luật cả về kết cấu, khái niệm, thuật ngữ, nội dung, văn phong và kỹ thuật lập pháp.
Tham gia thảo luận tại hội trường, ĐBQH Trịnh Thị Tú Anh – Đoàn Lâm Đồng bày tỏ quan điểm thống nhất việc ban hành Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi). Việc sửa đổi toàn diện Luật Phòng, chống mua bán người năm 2011 góp phần thực hiện tốt hơn trách nhiệm thành viên của Việt Nam đối với các điều ước quốc tế. Theo đó, Việt Nam có trách nhiệm tuân thủ, thực hiện các điều ước quốc tế này một cách tận tâm, thiện chí. Dự thảo Luật cũng xây dựng một loạt các điều khoản quy định về quyền của nạn nhân, về tiếp nhận, xác minh, xác định và bảo vệ nạn nhân, bảo vệ người đang trong quá trình xác định là nạn nhân và người thân thích của họ, cho thấy tính ưu việt so với Luật năm 2011 trong việc bảo vệ quyền con người, thực hiện một cách thiện chí các cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Điển hình như các cam kết từ Điều 6 đến Điều 13 của Nghị định thư về việc ngăn ngừa, phòng chống và trừng trị việc buôn bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em.
Đi sâu nghiên cứu, góp ý về các hành vi bị nghiêm cấm trong phòng, chống mua bán người (Điều 3) đại biểu đề nghị sửa quy định tại khoản 1, điều 3 thành “Mua bán người theo quy định của Bộ luật Hình sự”; bổ sung đối tượng “người thân thích của nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân” tại khoản 11, bởi thực tế cho thấy nhiều quốc gia quy định về cấm tiết lộ thông tin cá nhân không chỉ áp dụng cho nạn nhân mà còn áp dụng cho người thân thích của nạn nhân nhằm bảo vệ quyền riêng tư và tránh việc gây tổn thương hoặc nguy hiểm cho họ sau khi thông tin của nạn nhân được tiết lộ; xem xét không quy định tại khoản 13 về hành vi “Vi phạm quy định của pháp luật và quy định của Luật này khi tham gia công tác phòng, chống mua bán người” và sửa đổi khoản 14 thành “Hành vi khác vi phạm các quy định của pháp luật và quy định của Luật này trong phòng, chống mua bán người” để tránh trùng lặp nội dung với các khoản 5, 6, 7, 8, 9, 11, vì các khoản này đã liệt kê các hành vi bị nghiêm cấm liên quan đến việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn trong phòng, chống mua bán người.
Quang cảnh kỳ họp thứ 7 Quốc hội khoá XV tại Nhà Quốc hội |
Về nội dung chính sách của Nhà nước trong phòng, chống mua bán người (Điều 5), đại biểu đề nghị nghiên cứu, bổ sung sự ưu tiên nhất định đối với đối tượng nạn nhân yếu thế vào khoản 4 Điều 5 dự thảo Luật quy định “Hằng năm, Nhà nước bố trí ngân sách cho công tác phòng, chống mua bán người, ưu tiên vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn”. Bởi xuất phát từ đặc điểm tình hình mua bán người ở Việt Nam chủ yếu diễn ra ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng khó khăn về kinh tế - xã hội và những đối tượng người yếu thế, thiếu kiến thức dễ bị mua chuộc, dụ dỗ…
Tại khoản 3 Điều 35, đề nghị quy định rõ thẩm quyền của các cơ quan, tổ chức thực hiện; rà soát nội dung bảo đảm phù hợp với điểm a khoản 1 Điều 6 “đề nghị cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền áp dụng các biện pháp bảo vệ mình, người thân thích của mình khi bị xâm hại, đe dọa xâm hại…” theo hướng làm rõ quy định về: nội dung đề nghị; cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền; các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn theo quy định. Đồng thời, theo điểm b khoản 1 Điều 6 dự thảo Luật thì nạn nhân, người đang trong quá trình xác định nạn nhân có quyền “Từ chối biện pháp bảo vệ do cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền áp dụng đối với cá nhân mình (trừ trường hợp bị đe dọa, ép buộc từ chối)”, do đó, dự thảo Luật cần bổ sung quy định về thủ tục từ chối biện pháp bảo vệ của nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân.
Về nguyên tắc phòng, chống mua bán người (Điều 4), đề nghị xem xét tính khả thi của quy định “Bảo đảm nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân… được hưởng các chế độ hỗ trợ phù hợp tín ngưỡng, tôn giáo của họ trong khuôn khổ pháp luật Việt Nam…” (khoản 7). Đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu ghép khoản 2 với khoản 3 và không quy định “không kỳ thị, phân biệt đối xử đối với nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân” vì đây là hành vi bị cấm tại Điều 3 dự thảo Luật.
Cuối cùng, về kỹ thuật lập pháp đại biểu đề nghị nghiên cứu thiết kế gom Điều 10 về quản lý các hoạt động kinh doanh, dịch vụ vào Điều 17 về trách nhiệm phòng ngừa mua bán người trong các tổ chức, cơ sở hoạt động kinh doanh, dịch vụ, do nội dung hai điều này có mối quan hệ chặt chẽ với nhau, theo hướng: (1) khoản 1 quy định về trách nhiệm của các cơ quan chức năng trong việc quản lý, kiểm tra, thanh tra đối với các tổ chức, cơ sở hoạt động kinh doanh, dịch vụ kết hôn giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài, cho, nhận con nuôi, giới thiệu việc làm, đưa người Việt Nam đi làm việc ở nước, đi học tập ở nước ngoài, tuyển dụng người nước ngoài làm việc tại Việt Nam, dịch vụ văn hóa, du lịch,... ; (2) khoản 2 quy định về trách nhiệm của các tổ chức, cơ sở hoạt động kinh doanh, dịch vụ.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao Thường trực Ủy ban Tư pháp phối hợp với cơ quan chủ trì soạn thảo và các cơ quan có liên quan khẩn trương nghiên cứu tiếp thu, giải trình ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội để hoàn thiện dự thảo luật; tổ chức các hội nghị, hội thảo, tọa đàm lấy ý kiến chuyên gia để trao đổi làm rõ thêm các nội dung cụ thể thảo luận, nhất là các vấn đề được nhiều vị đại biểu Quốc hội quan tâm phát biểu ý kiến. Trên cơ sở đó, hoàn thiện dự thảo luật và Báo cáo tiếp thu giải trình để trình Hội nghị Đại biểu Quốc hội chuyên trách; sau đó tiếp tục hoàn thiện dự thảo gửi xin ý kiến các Đoàn Đại biểu Quốc hội, các đại biểu Quốc hội, các cơ quan, tổ chức có liên quan trước khi hoàn chỉnh để trình Quốc hội xem xét tại Kỳ họp thứ 8 vào tháng 10/2024.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin