Theo thông tin từ Cục Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và Cứu nạn, cứu hộ (Bộ Công an), năm 2023, toàn quốc xảy ra 3.440 vụ cháy, làm chết 146 người, bị thương 109 người, thiệt hại về tài sản ước tính khoảng 878 tỷ đồng và 236 ha rừng; xảy ra 16 vụ nổ, làm 11 người chết, bị thương 27 người. Trong đó, số vụ cháy nhà dân chiếm tỷ lệ cao nhất với 1.016 vụ, chiếm 29,5%. Trong 4 tháng đầu năm nay, cả nước xảy ra 1.547 vụ cháy, làm 35 người chết, 18 người bị thương.
Đặc biệt, trong 2 tháng gần đây liên tiếp xảy ra các vụ cháy nghiêm trọng gây thiệt hại lớn về người, đó là vụ cháy nhà trọ xảy ra vào ngày 24/5 tại quận Cầu Giấy, Hà Nội làm 14 người chết; vụ cháy nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh xảy ra vào ngày 16/6 tại quận Hoàng Mai, Hà Nội làm 4 người chết; và chỉ cách đây vài ngày là vụ cháy nhà tại Phường 7, TP Đà Lạt, Lâm Đồng làm 3 cháu nhỏ là anh em ruột tử vong.
Điểm qua những con số nhức nhối này để thấy rằng, tình trạng cháy nổ diễn biến hết sức phức tạp, khó lường, gây thiệt hại lớn cho xã hội và để lại nỗi đau cho không ít gia đình.
Theo nhận định, nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng cháy, nổ diễn biến phức tạp là do hạ tầng phục vụ công tác phòng cháy, chữa cháy (PCCC) tại một số địa phương còn thiếu đồng bộ; tình trạng vi phạm về PCCC, nhất là xây dựng nhà nhiều tầng, chung cư mini chưa đảm bảo các điều kiện về PCCC và không trang bị các phương tiện chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ để sẵn sàng xử lý khi có sự cố xảy ra. Bên cạnh đó, tại một số nơi, chính quyền địa phương còn buông lỏng, chưa làm hết trách nhiệm trong việc quản lý nhà nước về xây dựng và PCCC; công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật, kỹ năng PCCC, thoát nạn chưa đạt mục tiêu, yêu cầu đề ra; nhận thức, ý thức của một bộ phận người dân về công tác PCCC còn hạn chế…
Thời gian qua, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều chỉ thị, kết luận, nghị quyết, công điện… về công tác PCCC. Và để chủ động phòng ngừa, ngăn chặn tình trạng cháy, nổ, hạn chế thấp nhất thiệt hại do cháy, nổ gây ra, ngày 24/6 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục ban hành Chỉ thị về tăng cường công tác PCCC đối với nhà ở nhiều tầng, nhiều căn hộ, nhà ở riêng lẻ kết hợp sản xuất, kinh doanh. Trong đó, yêu cầu bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục tổ chức thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các chỉ thị, kết luận, nghị quyết, công điện… đã ban hành trước đó; xác định đây là nhiệm vụ thường xuyên, trọng tâm của các cơ quan, đơn vị.
Cũng ngày 24/6, sau khi xảy ra vụ cháy nghiêm trọng tại Phường 7, TP Đà Lạt, UBND tỉnh Lâm Đồng đã ban hành công điện yêu cầu Công an tỉnh, giám đốc, thủ trưởng các sở, ban, ngành trực thuộc tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố chỉ đạo thực hiện nghiêm túc, quyết liệt và hiệu quả các nội dung chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, đặc biệt là Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 3/1/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác PCCC trong tình hình mới và các kế hoạch, văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh về công tác PCCC. Việc chỉ đạo, triển khai phải cụ thể, thường xuyên kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả và trách nhiệm của các đơn vị, tổ chức và cá nhân có liên quan trong việc thực hiện công tác PCCC. Bên cạnh đó, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, hướng dẫn kiến thức, kỹ năng PCCC, cứu nạn, cứu hộ và các điều kiện an toàn cháy, nổ cho người dân và các khu dân cư, các cơ sở có nguy cơ cháy, nổ cao.
Công tác chỉ đạo từ Trung ương đến tỉnh về PCCC đã rất thường xuyên, cụ thể và quyết liệt. Điều quan trọng là các cơ quan, đơn vị, địa phương cần triển khai thực hiện một cách nghiêm túc, hiệu quả và thường xuyên. Cùng với đó, một yếu tố quyết định, chính là người dân cần nâng cao ý thức về PCCC. Có như vậy mới hạn chế nguy cơ xảy ra cháy, nổ, giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản do cháy, nổ gây ra.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin