Đoàn ĐBQH Lâm Đồng góp ý dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) và Luật Công đoàn (sửa đổi)

NGUYỆT THU 20:01, 18/06/2024

(LĐ online) - Sáng 18/6, tại Nhà Quốc hội, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội tiến hành thảo luận ở Hội trường về dự án Luật Công đoàn (sửa đổi). Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh điều hành nội dung phiên họp.

Quang cảnh kỳ họp
Quang cảnh kỳ họp

Tham gia ý kiến tại phiên họp, các đại biểu Quốc hội cho rằng, sau hơn 10 năm thi hành, Luật Công đoàn hiện hành đã bộc lộ hạn chế, bất cập, một số quy định của luật đã không còn phù hợp với thực tiễn.

Trong bối cảnh đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, các tác động của cuộc Cách mạng khoa học - công nghệ lần thứ 4 đã và đang đặt ra cho đất nước ta và tổ chức công đoàn những thời cơ và thách thức mới. Việc thực hiện các cam kết quốc tế về lao động trong các Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới và các Công ước của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) đòi hỏi Công đoàn Việt Nam phải đổi mới mạnh mẽ, toàn diện để tiếp tục giữ vững và phát huy thành quả truyền thống của tổ chức công đoàn, đồng thời phải khẳng định được vai trò chủ lực, định hướng dẫn dắt phong trào công nhân trong tình hình mới. Do đó, đa số các ý kiến tán thành với sự cần thiết và các quan điểm xây dựng dự án Luật Công đoàn (sửa đổi).

Đại biểu Quốc hội Trịnh Thị Tú Anh tham gia góp ý thảo luận về dự án Luật Công đoàn (sửa đổi)
Đại biểu Quốc hội Trịnh Thị Tú Anh tham gia góp ý thảo luận về dự án Luật Công đoàn (sửa đổi)

Tham gia thảo luận, góp ý dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi), ĐBQH Trịnh Thị Tú Anh - Đoàn Lâm Đồng bày tỏ quan điểm về thể chế hóa các chủ trương, chính sách của Đảng có liên quan đến tổ chức và hoạt động công đoàn. Quá trình xây dựng dự án Luật, cơ quan trình dự án Luật đã tích cực nghiên cứu, thể chế hóa các chủ trương, đường lối trong các văn kiện của Đảng như: Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 05/11/2016 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về thực hiện có hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, giữ vững ổn định chính trị - xã hội trong bối cảnh nước ta tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới; Nghị quyết số 02-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng ngày 12/6/2021 về đổi mới tổ chức hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới (Nghị quyết 02-NQ/TW)…

Tuy nhiên, đại biểu cho rằng nên tiếp tục rà soát để hoàn thiện, thể chế hóa sâu sắc hơn trong dự thảo Luật một số chủ trương được nêu trong các văn kiện của Đảng, nhất là Nghị quyết số 02-NQ/TW như: Có mô hình phù hợp thu hút, tập hợp, bảo vệ người lao động ở khu vực phi chính thức;  Xây dựng mô hình tổ chức công đoàn theo hướng mở, linh hoạt, năng động nhằm giải quyết kịp thời nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của đoàn viên, người lao động; Có biện pháp phù hợp phòng ngừa, ngăn chặn việc lợi dụng, lôi kéo, kích động công nhân, người lao động đình công trái pháp luật, biểu tình, gây rối, làm mất an ninh, trật tự… (chủ trương này được thể hiện trong quy định về những hành vi bị nghiêm cấm (Điều 10) trong dự thảo Luật còn khá chung, chưa thật rõ, cụ thể như chủ trương được nêu trong Nghị quyết số 02-NQ/TW).

Về bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với các văn bản luật khác trong hệ thống pháp luật, đại biểu nhấn mạnh: So với yêu cầu này, trong dự thảo Luật Công đoàn lần này vẫn còn có những điểm cần được xem xét, rà soát để bảo đảm tính thống nhất. Chẳng hạn: về những hành vi bị nghiêm cấm (Điều 10): khoản 2 Điều 10 dự thảo Luật quy định chi tiết hơn các hành vi phân biệt đối xử đối với người lao động, cán bộ công đoàn vì lý do thành lập, gia nhập hoặc hoạt động công đoàn; hành vi sử dụng biện pháp kinh tế hoặc biện pháp khác gây bất lợi đối với tổ chức công đoàn, can thiệp, thao túng quá trình thành lập, hoạt động của công đoàn, làm suy yếu hoặc vô hiệu hóa việc thực hiện chức năng công đoàn (khoản 3 Điều 10).

Tuy nhiên, xem xét Bộ luật Lao động 2019 có thể thấy Điều 175 của Bộ luật đã quy định các hành vi bị nghiêm cấm đối với người sử dụng lao động liên quan đến thành lập, gia nhập vàh hoạt động của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở. Trong đó, quy định rất rõ các hành vi phân biệt đối xử tại khoản 1 và các hành vi thao túng tại khoản 2 Điều 175 Bộ luật Lao động. Do vậy, đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo xem xét, rà soát quy định khoản 2 Điều 10 của dự thảo Luật để đảm bảo phù hợp, thống nhất với Điều 175 Bộ luật Lao động 2019. Tôi cho rằng, về kỹ thuật, để tránh trùng lặp, có thể nghiên cứu thiết kế theo hướng dẫn chiếu sang quy định của Bộ luật Lao động 2019.

Đoàn ĐBQH Lâm Đồng tham dự phiên thảo luận
Đoàn ĐBQH Lâm Đồng tham dự phiên thảo luận

Về bảo đảm tổ chức, cán bộ (Điều 26), một số ý kiến cho rằng, quy định của dự thảo Luật cần bảo đảm thống nhất với Luật Công chức, Luật Viên chức… Đồng thời, rà soát lại nội dung về tổ chức biên chế trong dự thảo Luật để có quy định phù hợp, tương thích với các luật khác.

Tại khoản 2 Điều 26 Dự thảo quy định: “Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam xây dựng cơ cấu tổ chức bộ máy, vị trí việc làm và chức danh cán bộ công đoàn trình cơ quan có thẩm quyền quyết định hoặc quyết định theo thẩm quyền”, đại biểu Tú Anh cho rằng, dự thảo Luật nêu ra 2 cơ chế quyết định “cơ cấu tổ chức bộ máy, vị trí việc làm và chức danh cán bộ công đoàn” là chưa rõ ràng, trường hợp nào trình cơ quan có thẩm quyền quyết định và trường hợp nào thì Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam quyết định theo thẩm quyền? Vì vậy, đề nghị cần quy định cụ thể hơn những vấn đề nào về cơ cấu tổ chức bộ máy và chức danh cán bộ công đoàn phải trình cơ quan có thẩm quyền xem xét quyết định; những vấn đề nào về cơ cấu tổ chức bộ máy và chức danh cán bộ công đoàn giao cho Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam quyết định theo thẩm quyền, để thể hiện rõ tính công khai, minh bạch của pháp luật và cũng tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện khi Luật Công đoàn có hiệu lực.

Tại khoản 3 Điều 26 dự thảo Luật quy định: “3. Cơ quan có thẩm quyền quyết định số lượng cán bộ công đoàn chuyên trách là cán bộ, công chức, viên chức sau khi thống nhất với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam”. Về nội dung này, Đại biểu đề nghị xem xét thay cụm từ “sau khi thống nhất với”, thành “theo đề xuất”; bởi vì nếu quy định theo hướng “thống nhất” thì có thể hiểu là việc quyết định của cơ quan có thẩm quyền phải được đồng ý của Tổng Liên đoàn, điều này chưa thật phù hợp với nguyên tắc hành chính và luật chuyên ngành, cũng như việc thực hiện chủ trương tinh giản bộ máy, phù hợp với yêu cầu cải cách hành chính. Do đó, ý kiến này đề nghị cân nhắc chỉnh lý nội dung của khoản 3 Điều 26 dự thảo Luật như sau: “3. Cơ quan có thẩm quyền quyết định số lượng cán bộ công đoàn chuyên trách là…”.

Về Quản lý, sử dụng tài chính công đoàn (Điều 30), đại biểu nhất trí cần bổ sung các quy định về tài chính công đoàn, bổ sung quy định về tài chính của tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp trong bối cảnh tổ chức này đã được Bộ luật Lao động 2019 quy định nhằm đảm bảo quy định về tài chính công đoàn khoa học và minh bạch.

Về phương án phân chia kinh phí công đoàn cho các tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở, tại khoản 2 Điều 30 dự thảo Luật, với phương án 2, đại biểu đề nghị làm rõ cơ sở thực tiễn, pháp lý của việc quy định phân bổ kinh phí 2% theo tỷ lệ 25% và 75%, đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo cần làm rõ cơ sở của việc phân phối kinh phí công đoàn theo phương án này. Mặt khác cần cân nhắc để quy định không chỉ ưu tiên cho công đoàn cơ sở, thành lập công đoàn cơ sở tại những nơi chưa có công đoàn mà còn hỗ trợ các thiết chế quan hệ lao động tại doanh nghiệp. Do đó, có thể nghiên cứu để quy định tỷ lệ tối đa chi bảo đảm hoạt động của bộ máy quản lý công đoàn các cấp và tỷ lệ tối thiểu chi trực tiếp cho người lao động. Đề nghị tiếp tục nghiên cứu để điều chỉnh mức phân phối kinh phí công đoàn cho phù hợp hơn. Theo đó, tăng thêm tỷ lệ phân phối kinh phí công đoàn cho công đoàn cơ sở và tổ chức của người lao động tại đoanh nghiệp để chăm lo cho người lao động và tổ chức thực hiện các hoạt động tại doanh nghiệp.

Tiếp tục chương trình làm việc, chiều ngày 18/6, Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khoá XV dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh, Quốc hội nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi).

Phó Trưởng Đoàn ĐBQH Lâm Đống Nguyễn Tạo góp ý Luật Di sản văn hoá ( sửa đổi)
Phó Trưởng Đoàn ĐBQH Lâm Đồng Nguyễn Tạo góp ý Luật Di sản văn hoá (sửa đổi)

Tham gia thảo luận tại tổ góp ý dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi), ĐBQH Nguyễn Tạo - Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng bày tỏ quan điểm về cơ bản thống nhất về sự cần thiết xây dựng, ban hành Luật Di sản văn hóa (sửa đổi); Luật Di sản Văn hoá ra đời năm 2001 và được sửa đổi một số điều năm 2009. Tính đến nay đã hơn 20 năm từ khi luật ra đời và gần 15 năm từ khi luật được sửa đổi, nhu cầu nhìn nhận lại để sửa đổi Luật Di sản Văn hoá là rất cần thiết. Chính vì vậy, kỳ sửa đổi lần này rất được xã hội trông đợi là sẽ khắc phục được một số hạn chế, bất cập phát sinh trong quá trình thực thi luật và bổ sung những quy định cập nhật để quản lý di sản văn hoá được hợp lý và hiệu quả hơn.

Về đối tượng áp dụng (Điều 2), đại biểu cho rằng đối tượng áp dụng được dự thảo Luật sửa đổi quy định có “người Việt Nam định cư ở nước ngoài, đang hoạt động tại Việt Nam”. Nội dung đang hoạt động tại Việt Nam khá mơ hồ, nên đề nghị dự thảo Luật sửa đổi quy định cụ thể hơn là đang hoạt động có liên quan đến lĩnh vực di sản văn hóa thì mới đúng là đối tượng áp dụng của Luật Di sản văn hóa. Đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung.

Về nội dung giải thích từ ngữ “Di sản văn hóa phi vật thể”, Đại biểu đề nghị xem xét lại cụm từ thực hành văn hoá là chưa được chính xác và đầy đủ, ví dụ như hát Chầu văn phải được gọi là thực hành tín ngưỡng và qua những hoạt động đó mới được xem xét, đánh giá và xếp vào Di sản văn hóa phi vật thể. Do đó đề nghị bổ sung cụm từ thực hành tín ngưỡng sau cụm từ thực hành văn hoá vào khoản 1 Điều 3.

Về nội dung hoặc “hình thức biểu  đạt của tập quán, tri thức, kỹ năng và bí quyết cùng những...”, nhận thấy khi đề cập đến Di sản văn hóa phi vật thể ngoài những hình thức biểu đạt của tập quán không thể bỏ qua những hình thức biểu đạt của tín ngưỡng dân gian. Đề nghị bổ sung trước từ tập quán là cụm từ tín ngưỡng dân gian vào khoản 1 Điều  3.

Liên quan đến nguyên tắc quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa (Điều 6), Tại khoản 7 Điều 6, dự thảo Luật sửa đổi quy định: “Lồng ghép việc bảo vệ di sản vào các chương trình, quy hoạch tổng thể phát triển bền vững kinh tế - xã hội của đất nước”. Đại biểu cho rằng Dự thảo Luật sửa đổi quy định nguyên tắc quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa mà phải “Lồng ghép việc bảo vệ di sản ...” như một việc làm nhân tiện nào đấy thực sự là không thỏa đáng. Tham chiếu khoản 3 Điều 12 Luật Xây dựng quy định nghiên cấm hành vi xây dựng công trình trong khu vực cấm xây dựng hoặc lấn chiếm hành lang bảo vệ công trình khu di tích lịch sử - văn hoá. Như thế, Luật Xây dựng đã có quy định thì Dự thảo Luật sửa đổi cũng cần phải quy định rõ hơn, chặt chẽ hơn trên cơ sở nguyên tắc phải bảo vệ nghiêm ngặt các di sản văn hóa khi thực hiện các chương trình, quy hoạch tổng thể phát triển bền vững kinh tế - xã hội của đất nước.

Liên quan đền nội dung quản lý di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia và xử lý di vật, cổ vật được phát hiện, giao nộp (Điều 41). Tại Điều 41 dự thảo Luật sửa đổi đã quy định khá chặt chẽ về trình tự thủ tục trách nhiệm tổ chức tiếp nhận, quản lý, giám định và báo cáo đối với di vật, cổ vật được phát hiện, giao nộp. Tuy nhiên chưa thấy dự thảo Luật sửa đổi quy định về trách nhiệm phải giao nộp di vật, cổ vật được phát hiện đối với tổ chức cá nhân. Tại điểm c khoản 2 Điều 41, dự thảo Luật sửa đổi quy định: “Tổ chức, cá nhân phát hiện, giao nộp di vật, cổ vật được bồi hoàn chi phí phát hiện, bảo quản và được thưởng một khoản tiền theo quy định của pháp luật”. Đồng thời với quy định về trách nhiệm phải giao nộp di vật, cổ vật được phát hiện đối với tổ chức cá nhân, đề nghị cơ chế khen thưởng cũng cần được quy định cụ thể và thỏa đáng hơn để có thể khuyến khích mọi tổ chức cá nhân khi phát hiện di vật, cổ vật.

Về công trình kiến trúc vật thể, đại biểu đề nghị quan tâm đến các công trình kiến trúc tiêu biểu được xếp hạng của thế giới còn tồn tại ở nước ta (Cầu Long Biên, Chợ Bến Thành, Trường Cao đẳng Đà Lạt, Ga Đà Lạt…), cho đến nay chưa thống nhất được giữa Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Bộ Xây dựng để xác nhận công trình vật thể. Đề nghị Chính phủ chủ trì tháo gỡ vướng mắc như hiện nay.