(LĐ online) - Ngày 25/6, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội Thảo luận ở hội trường về dự án Luật Công chứng (sửa đổi). Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành phiên họp.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành phiên thảo luận |
Tại phiên thảo luận, đa số ý kiến đại biểu Quốc hội thể hiện sự đồng thuận cao về sự cần thiết sửa đổi toàn diện Luật Công chứng và đóng góp nhiều ý kiến cụ thể, thẳng thắn, tâm huyết, thiết thực, và đề xuất nhiều phương án sửa đổi.
Tham gia thảo luận, góp ý tại hội trường, ĐBQH Đoàn Lâm Đồng Trịnh Thị Tú Anh bày tỏ quan điểm thống nhất với các nội dung Luật Công chứng (sửa đổi) được trình tại kỳ họp lần này. Tuy nhiên, đi sâu nghiên cứu, tìm hiểu kỹ, đại biểu cũng góp ý điều chỉnh một số nội dung chưa phù hợp như: Điểm k khoản 2 Điều 16 quy định nghĩa vụ của công chứng viên là “Chịu trách nhiệm trước pháp luật và trước người yêu cầu công chứng về văn bản công chứng mà mình thực hiện”. Quy định này trùng lặp với nội dung khoản 4 Điều 4 nên cần cân nhắc việc lặp lại quy định. Nếu giữ nguyên quy định này tại điểm k thì cũng cần cân nhắc việc bổ sung phạm vi chịu trách nhiệm, bởi việc công chứng giao dịch không đúng có thể gây ảnh hưởng đến quyền lợi của người thứ ba mà không chỉ là với người yêu cầu công chứng.
ĐBQH Trịnh Thị Tú Anh tham gia góp ý về Luật công chứng ( sửa đổi) |
Khoản 2 Điều 26 của dự thảo Luật quy định “Công chứng viên hợp danh có quyền rút vốn khỏi Văn phòng công chứng hoặc chuyển nhượng vốn góp của mình cho công chứng viên hợp danh khác của Văn phòng công chứng khi được ít nhất ba phần tư tổng số công chứng viên hợp danh của Văn phòng công chứng chấp thuận bằng văn bản và Văn phòng công chứng phải còn ít nhất là 2 công chứng viên hợp danh tại thời điểm công chứng viên hợp danh được rút vốn hoặc chuyển nhượng vốn góp”. Việc quy định nêu trên sẽ dẫn đến làm mất quyền của các công chứng viên hợp danh về rút vốn khỏi Văn phòng công chứng khi mà Văn phòng chỉ còn dưới 4 công chứng viên. Vì vậy, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc thêm về nội dung quy định nêu trên để bảo đảm quyền được rút vốn bình đẳng, công bằng của các công chứng viên hợp danh của Văn phòng công chứng.
Góp ý về thủ tục công chứng giao dịch (Chương V): đại biểu Tú Anh cho rằng tại Khoản 2 Điều 58 của dự thảo Luật quy định: “Đối với di chúc đã được tổ chức hành nghề công chứng nhận lưu giữ nhưng sau đó tổ chức này chấm dứt hoạt động, chuyển đổi, chuyển nhượng hoặc giải thể, tổ chức hành nghề công chứng phải thỏa thuận với người lập di chúc về việc chuyển cho tổ chức hành nghề công chứng khác lưu giữ di chúc....”. Cơ quan soạn thảo cần quy định cụ thể hơn, trường hợp tổ chức hành nghề công chứng không liên hệ được với người lập di chúc để thỏa thuận về việc chuyển cho tổ chức hành nghề công chứng khác lưu giữ di chúc thì xử lý thế nào, vì thực tế có một số người sau khi lập di chúc và giao cho tổ chức hành nghề công chứng nhận lưu giữ thì họ có thể chuyển nơi khác ở, hoặc đi nước ngoài... Đồng thời, quy định cụ thể việc tổ chức hành nghề công chứng được quyền thu một phần phí lưu giữ di chúc tương ứng với thời gian đã lưu giữ; việc chịu trách nhiệm về làm mất, hỏng bản di chúc...
Về công chứng điện tử: dự thảo Luật đã dành ra một mục riêng để quy định về công chứng điện tử, tạo cơ sở pháp lý cho chuyển đổi số hoạt động công chứng (Mục 3 Chương V), theo đại biểu các nội dung của mục này cơ bản là hợp lý. Tuy nhiên, công chứng điện tử là thủ tục công chứng mới, lần đầu tiên được ghi nhận trong dự thảo nên việc tiếp cận hoạt động công chứng điện tử cần phải được thí điểm và thực hiện có lộ trình để đánh giá tính khả thi các quy định pháp luật trên thực tế. Bên cạnh đó, trong điều kiện sự hiểu biết, trình độ về công nghệ của người dân chưa đồng đều, tội phạm lừa đảo qua mạng internet càng ngày tinh vi như hiện nay, cần quy định cụ thể về một số loại việc đơn giản hoặc không chuyển quyền sở hữu tài sản thì nên ưu tiên áp dụng trước, sau khi hạ tầng dữ liệu công chứng được xây dựng hoàn thiện, kết nối đồng bộ với các dữ liệu khác thì sẽ áp dụng công chứng điện tử rộng rãi.
Liên quan đến Công chứng giao dịch do công chứng viên soạn thảo theo đề nghị của người yêu cầu công chứng (Điều 40): Khoản 2 quy định “Trường hợp nội dung, ý định giao kết giao dịch không vi phạm pháp luật, không trái đạo đức xã hội thì công chứng viên soạn thảo giao dịch”. Trong quy định này, cụm từ “ý định giao kết giao dịch” cần phải được rõ ràng hơn, có thể nghiên cứu thay bằng cụm từ “mục đích giao kết giao dịch” để thống nhất với quy định tại khoản 1 Điều 45 dự thảo Luật và phù hợp với quy định của Bộ luật dân sự năm 2015 về điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự (Điều 117).
"Về nội dung quản lý nhà nước về công chứng (Điều 70): Khoản 6 Điều 70 “Các nội dung quản lý khác theo quy định của Luật này” chưa thực sự rõ ràng. Tham khảo một số luật đã ban hành gần đây, thì điều luật quy định về các nội dung quản lý nhà nước đều quy định cụ thể về các công việc phải thực hiện, thể hiện tính công khai, minh bạch và tạo thuận lợi cho việc thực hiện. Trường hợp giữ như dự thảo thì phải quy định rõ dẫn chiếu thực hiện nội dung quản lý nhà nước ở điều khoản nào của Luật này" Đại biểu Tú Anh nhấn mạnh.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo Tổng Thư ký Quốc hội, cơ quan chủ trì thẩm tra và cơ quan chủ trì soạn thảo, các cơ quan có liên quan khẩn trương nghiên cứu tiếp thu, giải trình ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội để hoàn thiện dự thảo luật.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin