5 năm qua (2019 - 2024), với sự quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền và đồng bào các dân tộc, TP Đà Lạt đã và đang vượt qua mọi khó khăn, thách thức, tiếp tục khẳng định tinh thần chung sức, đồng lòng, huy động mọi nguồn lực, tăng cường phát huy sức mạnh đại đoàn kết trong thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội thành phố. Với sự đóng góp không nhỏ của các vị già làng, chức sắc tôn giáo, người uy tín, trưởng thôn, tổ dân phố...; TP Đà Lạt đã và đang tiếp tục vươn mình khẳng định những thành tựu nổi bật trên mọi lĩnh vực; phát huy lợi thế, tiềm năng, xây dựng Đà Lạt ngày càng văn minh, hiện đại, giàu bản sắc.
Hoạt động biểu diễn văn hoá văn nghệ vùng đồng bào DTTS luôn hấp dẫn du khách đến Đà Lạt |
Thực hiện Quyết tâm thư Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số TP Đà Lạt lần thứ III (2019-2024) với phương châm “Đoàn kết, đổi mới sáng tạo, phát huy lợi thế, tiềm năng, hội nhập và phát triển bền vững”, đồng bào các dân tộc thành phố đã nêu cao tinh thần đoàn kết, biểu thị ý chí quyết tâm xây dựng TP Đà Lạt - thành phố Festival hoa phát triển nhanh về kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
TP Đà Lạt là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của tỉnh Lâm Đồng với diện tích tự nhiên 394,46 km2; có 16 xã, phường, 180 tổ dân phố, 24 thôn; dân số 231.334 người. Ngoài dân tộc Kinh chiếm đa số (96,8%) thì có 19 dân tộc thiểu số anh em cùng sinh sống, phân bố rải rác ở các phường, xã trong thành phố, nhiều nhất vẫn là đồng bào dân tộc thiểu số gốc Tây Nguyên (dân tộc K’Ho) với 814 hộ, 3.827 nhân khẩu. Riêng xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số Tà Nung có 653 hộ đồng bào dân tộc thiểu số với 2.642 nhân khẩu, chiếm tỷ lệ 49,91%.
Với sự vào cuộc mạnh mẽ của cấp ủy, chính quyền, MTTQ và đoàn thể chính trị - xã hội từ thành phố đến cơ sở đã thường xuyên, kịp thời tuyên truyền, vận động Nhân dân các dân tộc thực hiện các nghị quyết, chủ trương của Đảng, chấp hành tốt các chính sách, pháp luật của Nhà nước, các quy định, hương ước, quy ước của khu dân cư nên đã góp phần nâng cao nhận thức, tinh thần cảnh giác cách mạng, không bị kẻ xấu lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo để kích động, gây rối, chia rẽ khối đại đoàn kết, từng bước giữ vững ổn định chính trị - trật tự an toàn xã hội, thúc đẩy kinh tế - xã hội ngày càng phát triển. Kết quả, thu nhập bình quân đầu người trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số cuối năm 2023 đạt 57 triệu đồng/năm; thu hút 5-7% lao động sang làm các ngành, nghề công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, nhất là du lịch, dịch vụ.
Hiện 100% trường, lớp và trạm y tế được xây dựng kiên cố; 100% số hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia; 100% đồng bào dân tộc thiểu số được tiếp cận thông tin hiện đại qua kênh truyền hình và phát thanh. 100% hộ dân tộc thiểu số được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh, trên 98% học sinh học mẫu giáo 5 tuổi đến trường, học sinh trong độ tuổi học tiểu học, trung học cơ sở; 97% hộ tham gia Bảo hiểm y tế và tiêm chủng mở rộng. 70% lao động trong độ tuổi được đào tạo nghề phù hợp với nhu cầu, điều kiện của đồng bào dân tộc thiểu số.
Thành phố đã tập trung quan tâm, bảo tồn và phát triển các giá trị, bản sắc văn hóa, lễ hội truyền thống tốt đẹp của các dân tộc; có 100% số thôn có đội văn hóa, văn nghệ với các câu lạc bộ văn hoá cồng chiêng, văn hoá văn nghệ dân gian… hoạt động thường xuyên, có chất lượng đáp ứng nhu cầu của người dân và du khách trong và ngoài nước đến tham quan, nghỉ dưỡng tại Đà Lạt.
Được sự quan tâm của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và định hướng của Đảng bộ, chính quyền TP Đà Lạt, nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế đặc thù về đồng bào dân tộc thiểu số tại TP Đà Lạt, việc lựa chọn các chương trình, dự án liên quan đến phát triển giáo dục, chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân cũng được ưu tiên với kinh phí hàng tỷ đồng. Giai đoạn 2021-2024, tổng kinh phí thực hiện các chương trình, dự án được cấp cho thành phố là trên 16 tỷ đồng để thực hiện các dự án, Chương trình Giảm nghèo bền vững; Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Ngoài ra, các chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với chuyển đổi cơ cấu cây trồng được định hướng chỉ đạo thực hiện; hướng dẫn bà con chuyển đổi giống cây trồng năng suất thấp sang trồng các cây có giá trị kinh tế cao phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng; về các chương trình đầu tư hỗ trợ của Nhà nước như chương trình khuyến nông, khuyến lâm, chương trình mục tiêu quốc gia… được các phòng, ban của thành phố quan tâm triển khai đến các hộ gia đình, cá nhân như hỗ trợ giống mới, phân bón và hướng dẫn kỹ thuật canh tác cùng với đầu tư các công trình thủy lợi vừa và nhỏ… đã giúp cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nâng cao nhận thức, tiếp cận áp dụng khoa học vào sản xuất. Từ đó, xuất hiện nhiều điển hình kinh tế sản xuất giỏi, đã có 6/130 gương điển hình đồng bào dân tộc thiểu số được thành phố biểu dương khen thưởng vì có thành tích xuất sắc giai đoạn 2018-2023, thiết thực chào mừng kỷ niệm 130 năm Đà Lạt hình thành và phát triển.
Thông qua Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”; “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới - đô thị văn minh” do MTTQ Việt Nam TP Đà Lạt phát động, đã chú trọng mở rộng khối đại đoàn kết toàn dân, tập hợp lực lượng thông qua các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động tại cơ sở nhằm khơi dậy tinh thần yêu nước, trách nhiệm với cộng đồng, ý chí tự lực, tự cường, vươn lên phát triển kinh tế, thoát nghèo và làm giàu chính đáng. MTTQ đã kịp thời lắng nghe, tiếp nhận, đề xuất phối hợp giải quyết các nguyện vọng chính đáng của đồng bào dân tộc thiểu số.
Để tiếp tục phát huy những thành tựu đạt được, theo Phó Chủ tịch UBND TP Đà Lạt Trần Thị Vũ Loan: Thời gian tới, thành phố sẽ tập trung đẩy mạnh hoàn thiện và xây dựng chính sách phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số theo hướng toàn diện và bền vững, khai thác tiềm năng và lợi thế của vùng, khơi dậy tinh thần tự lực và khát vọng vượt khó vươn lên của đồng bào dân tộc thiểu số. Tập trung khai thác tiềm năng và lợi thế, đổi mới sáng tạo để phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh và giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của các dân tộc. Nâng cao hiệu quả của các chương trình và dự án, mở rộng vốn tín dụng ưu đãi cho các dự án tạo sinh kế cho đồng bào; đa dạng hóa và xã hội hóa nguồn lực, trong đó, nguồn lực nhà nước đóng vai trò quan trọng và quyết định trong việc huy động các nguồn lực khác. Tăng cường công tác tuyên truyền và vận động đồng bào sử dụng hiệu quả đất đai, đầu tư phát triển sản xuất ổn định lâu dài. Thực hiện các chính sách khuyến khích và hỗ trợ sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Xây dựng và nhân rộng các mô hình liên kết, tổ hợp tác sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, kết nối thị trường đầu ra cho sản phẩm của người dân. Tập trung cao độ thực hiện thắng lợi Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030. Xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân gắn với thế trận lòng dân vững chắc; chủ động nắm vững tình hình, giải quyết các mâu thuẫn phát sinh ngay từ cơ sở, kiên quyết không để xảy ra các "điểm nóng" và "điểm phức tạp" về an ninh trật tự.
Bên cạnh đó sẽ tăng cường đào tạo và tuyển dụng cán bộ người dân tộc thiểu số vào hệ thống chính trị và các cơ quan chức năng. Đảm bảo rằng tiếng nói của họ được lắng nghe và các chính sách phát triển phù hợp với nhu cầu thực tế của cộng đồng. Tổ chức các lễ hội văn hóa, các hoạt động cộng đồng nhằm giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống. Kết hợp giữa phát triển kinh tế với bảo tồn văn hóa để tạo ra môi trường sống phong phú, bền vững. Tiếp tục phát huy truyền thống đại đoàn kết giữa các dân tộc trong toàn thành phố, tạo sự bình đẳng, tôn trọng giúp nhau trong hội nhập và phát triển, cùng chung sức xây dựng Đà Lạt phát triển toàn diện, bền vững, văn minh, hiện đại,giàu bản sắc. Khẳng định thương hiệu của thành phố Festival Hoa, thành phố sáng tạo, thành phố giàu bản sắc về kiến trúc, hấp dẫn về văn hoá, du lịch chất lượng cao.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin