(LĐ online) - Xây dựng Đảng về chính trị được đặt lên hàng đầu trong những mục tiêu xây dựng Đảng: Chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ. Tuy mỗi mục tiêu có những khía cạnh đặc trưng và cách thể hiện khác nhau, song những mục tiêu này có mối quan hệ mật thiết, gắn bó, tác động qua lại lẫn nhau.
Chính trị hiểu vắn tắt là toàn bộ tư tưởng, lý luận, tổ chức liên quan đến nhiệm vụ, nội dung, hình thức hoạt động của Đảng; liên quan đến cuộc đấu tranh giai cấp và sự nghiệp cách mạng nhằm khẳng định vai trò lãnh đạo của một Đảng mang bản chất giai cấp công nhân, giải quyết mối quan hệ giữa các giai cấp, các dân tộc trong cộng đồng Việt Nam và quan hệ quốc tế.
Sở dĩ xây dựng Đảng về chính trị được đặt lên hàng đầu là bởi những nội dung thuộc chủ trương, đường lối, cương lĩnh của Đảng nhằm lãnh đạo Nhà nước và các tổ chức chính trị - xã hội, thực hiện mục tiêu xây dựng nước Việt Nam độc lập, tự chủ, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội.
Xây dựng Đảng về chính trị tập trung ở đường lối chính trị đúng, bản lĩnh chính trị kiên định, vững vàng và tác phong cư xử chính trị chuẩn mực, có văn hóa của cán bộ, đảng viên.
Đường lối chính trị đúng của Đảng trước hết phản ánh ở đường lối chung, kịp thời thể chế hóa, cụ thể hóa, hiệu quả trên tất cả mọi lĩnh vực của đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội. Hồ Chí Minh chỉ rõ một đường lối chính trị đúng thì những việc khác mới đúng được. Đường lối chính trị đúng là một đường lối có chất lượng khoa học, cách mạng và nhân văn. Đường lối đó được xây dựng trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, xuất phát, phù hợp với đặc điểm, hoàn cảnh, thực tiễn Việt Nam và xu thế phát triển của thế giới; tôn trọng quy luật khách quan; phản ánh đầy đủ khát vọng, lợi ích của quốc gia-dân tộc, vừa bảo đảm yêu cầu trước mắt vừa có tính chiến lược lâu dài.
Đánh giá công tác xây dựng Đảng, Đại hội XIII của Đảng chỉ rõ: Trong những nhiệm kỳ qua, nhất là nhiệm kỳ Đại hội XII, công tác xây dựng Đảng về chính trị được đặc biệt chú trọng. Đảng ta luôn vững vàng, kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và không ngừng vận dụng sáng tạo phù hợp với thực tiễn Việt Nam; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; kiên định những nguyên tắc trong đổi mới và công tác xây dựng Đảng. Năng lực dự báo hoạch định đường lối, chủ trương của Đảng ta được nâng lên rõ rệt. Tuy nhiên, việc lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện một số nghị quyết còn chậm, chưa quyết liệt, chưa hiệu quả. Thực hiện các nguyên tắc xây dựng Đảng, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ ở một số tổ chức đảng còn chưa nghiêm, thậm chí vi phạm.
Đại hội XIII xác định: Tăng cường xây dựng Đảng về chính trị. Kế thừa Đại hội XII, Đại hội XIII tiếp tục khẳng định: “Kiên định và không ngừng vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh phù hợp với thực tiễn Việt Nam trong từng giai đoạn. Kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Kiên định đường lối đổi mới vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Đồng thời đã bổ sung: “Giữ vững bản chất giai cấp công nhân của Đảng, kiên định các nguyên tắc xây dựng Đảng”. Điều lệ Đảng hiện hành xác định: Đảng là một tổ chức chặt chẽ, thống nhất ý chí và hành động, lấy tập trung dân chủ là nguyên tắc tổ chức cơ bản, thực hiện tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, thương yêu đồng chí, kỷ luật nghiêm minh, đồng thời thực hiện các nguyên tắc: tự phê bình và phê bình, đoàn kết trên cơ sở Cương lĩnh chính trị và Điều lệ Đảng, gắn bó mật thiết với Nhân dân, Đảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật. Đây là những nguyên tắc phải kiên định.
Đại hội XIII đã bổ sung, nhấn mạnh ba nhiệm vụ, giải pháp mới nhằm xây dựng Đảng về chính trị:
Thứ nhất, về bản lĩnh và năng lực dự báo. Trong bối cảnh tình hình thế giới diễn biến rất nhanh chóng, phức tạp, khó lường, tác động đến nước ta, yêu cầu Đảng phải “Nâng cao bản lĩnh, năng lực dự báo và chất lượng công tác hoạch định đường lối, chính sách phù hợp với thực tiễn Việt Nam và xu hướng phát triển của thời đại”. Đây là yêu cầu rất cần thiết.
Thứ hai, về tổ chức thực hiện nghị quyết. Thực tế nhiều năm qua việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nghị quyết của Đảng vẫn là khâu yếu, chưa được khắc phục; năng lực cụ thể hóa, thể chế hóa chủ trương, nghị quyết còn hạn chế, năng lực tổ chức thực hiện của cán bộ chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ làm cho pháp luật, nghị quyết chưa được thực hiện và hiệu quả thấp. Điều đó đòi hỏi phải “Kịp thời thể chế hóa, cụ thể hóa, triển khai đúng đắn, hiệu quả chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và phát luật của Nhà nước, khắc phục sự yếu kém trong lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện. Nâng cao lập trường, bản lĩnh chính trị, trình độ, trí tuệ, tính chiến đấu của cấp ủy, tổ chức đảng và của mỗi cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý, chủ chốt các cấp, cán bộ cấp chiến lược”.
Thứ ba, về thực hành dân chủ. Đại hội XIII xác định: “Thực hành dân chủ trong Đảng gắn liền với tăng cường kỷ luật, kỷ cương của Đảng”. Đây là nhiệm vụ, giải pháp rất quan trọng, là một vấn đề bản chất của Đảng ta. Những năm tới đòi hỏi phải thực hành tốt hơn dân chủ trong Đảng, nhưng phải gắn với tăng cường kỷ luật, kỷ cương của Đảng.
Xây dựng Đảng về chính trị là một bộ phận quan trọng trong xây dựng văn hóa chính trị, văn hóa Đảng. Nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng không chỉ thể hiện ở đường lối và bản lĩnh chính trị của Đảng, mà còn thông qua tính chiến đấu của tổ chức đảng và tác phong cư xử chuẩn mực, có văn hóa của cán bộ, đảng viên, đặc biệt là vai trò tiên phong, gương mẫu, tinh thần trách nhiệm, tự phê bình và phê bình của người đứng đầu, góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh nhằm củng cố niềm tin của Nhân dân đối với chế độ.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin