(LĐ online) - Sau 49 năm chờ đợi, tìm kiếm, gia đình bà Phạm Thị Vinh (60 tuổi,ngụ tại Thôn 4, xã Đam B’ri, TP Bảo Lộc) là 1 trong 4 gia đình đầu tiên trên toàn quốc may mắn và hạnh phúc khi được nhận kết quả ADN của liệt sĩ trùng khớp với thân nhân. Bà Vinh là em gái của Liệt sĩ Phạm Văn Thước (sinh 1952, quê quán Yên Thành, Yên Định, tỉnh Thanh Hóa).
Bà Phạm Thị Vinh (thứ 3 từ trái qua, em gái của Liệt sĩ Phạm Văn Thước) cùng thân nhân các liệt sĩ vinh dự được Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước trao Giấy chứng nhận ADN được kết nối, tìm được thân nhân qua Ngân hàng Gen sau hàng chục năm chờ đợi (Ảnh: Nhật Bắc) |
Sáng 23/7, nhân kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2024), tại Thủ đô Hà Nội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Báo Nhân Dân và UBND TP Hà Nội phối hợp đã tổ chức Hội nghị tri ân người có công với cách mạng năm 2024; đồng thời, ra mắt Ngân hàng Gen (ADN) liệt sĩ chưa xác định được thông tin và thân nhân liệt sĩ. Đồng chí Phạm Minh Chính - Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ đến dự.
Dự Hội nghị còn có các đồng chí là Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng; lãnh đạo một số ban, bộ, ngành Trung và TP Hà Nội. Tham dự hội nghị có hơn 400 đại biểu là các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân, Anh hùng Lao động; các đồng chí thương binh, bệnh binh, thân nhân gia đình liệt sĩ tiêu biểu toàn quốc năm 2024.
Những năm qua, các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, phong trào “Toàn dân chăm sóc các gia đình thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng” ngày càng phát triển sâu rộng, được xã hội đồng tình hưởng ứng, cùng chăm lo, trở thành nét đẹp truyền thống của dân tộc.
Từ năm 2013 đến nay, cả nước đã vận động gần 7.900 tỷ đồng để hỗ trợ gia đình người có công; xây dựng mới 67.700 căn nhà và sửa chữa gần 45.900 căn nhà tình nghĩa với tổng kinh phí hỗ trợ trên 12.700 tỷ đồng; tặng hơn 110 nghìn sổ tiết kiệm cho gia đình chính sách với trên 403 tỷ đồng và hỗ trợ một số trường hợp đặc biệt khó khăn; hiện nay 2.412 bà mẹ Việt Nam Anh hùng còn sống được các tổ chức nhận chăm sóc, phụng dưỡng suốt đời.
Công tác chăm sóc các nghĩa trang, công trình ghi công người có công được chăm sóc chu đáo. Công tác xem xét, giải quyết hồ sơ tồn đọng là một trong những kết quả nổi bật trong việc thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng thời gian qua, với việc đã xem xét, giải quyết dứt điểm hơn 7.000 hồ sơ tồn đọng, trình Thủ tướng Chính phủ công nhận và cấp bằng Tổ quốc ghi công đối với hơn 2.400 liệt sĩ, hơn 2.700 thương binh, người hưởng chính sách như thương binh.
Bà Phạm Thị Vinh (bìa phải) đại diện cho thân nhân 4 gia đình các liệt sĩ được nhận kết quả ADN trùng khớp vinh dự được cùng Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước thực hiện nghi thức ra mắt Ngân hàng Gen (Ảnh: Nhật Bắc) |
Theo thống kê của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, cả nước vẫn còn hơn 300.000 hài cốt liệt sĩ đã được quy tập về các nghĩa trang, nhưng chưa xác định được danh tính.
Nhằm hỗ trợ cho công tác giám định ADN để xác định danh tính các liệt sĩ, Ngân hàng Gen đã được thành lập và ra mắt vào sáng nay 23/7. Ngân hàng này sẽ đảm nhận việc lấy mẫu và giám định ADN cho thân nhân các liệt sĩ chưa xác định được hài cốt; đồng thời, giám định gen cho toàn bộ hài cốt các liệt sĩ hiện đã được quy tập trong các nghĩa trang liệt sĩ trong cả nước.
Được biết, bà Phạm Thị Vinh (em gái Liệt sĩ Phạm Văn Thước) là 1 trong 10 gia đình đầu tiên trong cả nước đăng ký giám định mẫu ADN tại Ngân hàng Gen thuộc Trung tâm Dữ liệu Quốc gia C06 của Bộ Công an. Đặc biệt hơn, bà Vinh là 1 trong 4 gia đình thân nhân liệt sĩ trên toàn quốc may mắn nhận kết quả ADN của liệt sĩ trùng khớp. Theo các hồ sơ cho thấy, Liệt sĩ Phạm Văn Thước, hy sinh vào ngày 19/8/1975 tại chiến trường Miền Nam và hiện đang được quy tập tại Nghĩa trang Liệt sĩ TP Thủ Đức (TP Hồ Chí Minh).
Bà Phạm Thị Vinh (thứ 5 từ trái qua) cùng thân nhân các liệt sĩ đến thăm và chụp hình lưu niệm tại Trung tâm Dữ liệu Quốc gia về Dân cư (Bộ Công an), nơi đã giúp gia đình bà tìm được phần mộ của anh trai là Liệt sĩ Phạm Văn Thước thông qua giám định ADN |
Bà Phạm Thị Vinh đã bày tỏ niềm hạnh phúc, xúc động và biết ơn sâu sắc đối với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đã giúp gia đình bà tìm kiếm được anh trai mình là Liệt sĩ Phạm Văn Thước đã thất lạc 49 năm, thông qua quá trình giám định ADN.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin