(LĐ online) - Chiến tranh đã lùi xa, đất nước ngày càng phát triển, đời sống nhân dân từng bước được cải thiện và nâng cao… Có được ngày hôm nay là nhờ biết bao xương máu của các thế hệ đã ngã xuống. Vì vậy, việc ghi ơn và chăm lo cho người có công vừa là vinh dự và trách nhiệm, vừa góp phần khơi dậy, vun đắp lòng yêu nước.
Qua các chặng đường cách mạng của Đảng, của dân tộc, với khát vọng và niềm tin chân lý “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”, lớp lớp những người con ưu tú đất Việt đã xung phong ra trận, anh dũng chiến đấu, hy sinh quên mình vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của Nhân dân. Do đó, các hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa” là sự thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “ăn quả nhớ người trồng cây”, một nghĩa cử cao đẹp, mang ý nghĩa chính trị - xã hội và nhân văn sâu sắc; thể hiện bản chất tốt đẹp của Nhà nước ta; đồng thời cũng là trách nhiệm của thế hệ hôm nay đối với những người đã xả thân vì nước, vì dân.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu luôn dành sự quan tâm đặc biệt đối với thương binh, gia đình liệt sĩ - những người hy sinh tính mạng hay một phần thân thể cho cuộc đấu tranh giành độc lập, tự do của dân tộc. Năm 1945, chỉ 21 ngày sau Ngày Quốc khánh 2/9, thực dân Pháp đã gây hấn ở Sài Gòn (ngày 23/9/1945) với âm mưu xâm lược nước ta một lần nữa. Nhân dân Nam bộ lại phải tiếp tục cầm súng, đứng lên cứu nước; rất nhiều người con ưu tú đã ngã xuống. Nhằm động viên các gia đình có người hy sinh, ngày 2/10/1945, Bác Hồ đã đến Nhà thờ Lớn, Hà Nội làm lễ cầu hồn cho các chiến sĩ hy sinh ở miền Nam. Trong phiên họp Hội đồng Chính phủ ngày 20/11/1945, Người đề nghị Chính phủ ra Sắc lệnh truy tặng 5 liệt sĩ đã hy sinh cho Tổ quốc tại quận Cái Răng, Cần Thơ vào ngày 12/11/1945.
Để tỏ lòng “hiếu nghĩa bác ái” đối với thương binh, gia đình liệt sĩ và người có công, ngay trong thời điểm cuộc kháng chiến chống Pháp đang ở giai đoạn khó khăn, ác liệt, Bác Hồ đã chỉ thị chọn một ngày kỷ niệm những người đã hy sinh xương máu vì độc lập, tự do của đất nước. Thực hiện chỉ thị của Người, tháng 6/1947, một hội nghị trù bị diễn ra tại Đại Từ, Thái Nguyên đã thống nhất lấy ngày 27/7 hàng năm là Ngày Thương binh toàn quốc (từ năm 1955 được đổi tên thành Ngày Thương binh - Liệt sĩ). Và cũng chính Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh thành lập Bộ Thương binh - Cựu binh (3/10/1947), tiền thân của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để chuyên trách chăm lo công tác thương binh, liệt sĩ.
Không chỉ ký và ban hành các chính sách về công tác thương binh, liệt sĩ, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn luôn đi đầu trong việc thực hiện công tác này. Hàng năm, cứ vào dịp tháng 7, Bác lại gửi thư thăm hỏi, động viên thương binh, gia đình liệt sĩ, một mặt khẳng định công lao, đóng góp của họ, một mặt động viên họ. Người cũng thường xuyên đặt vòng hoa viếng tại Đài liệt sĩ Hà Nội vào các dịp lễ, Tết: “Ngày mai là năm mới... Trong lúc cả nước vui mừng, thì mọi người đều thương tiếc các liệt sĩ đã hy sinh vì Tổ quốc, vì dân tộc. Bác thay mặt nhân dân, Chính phủ và bộ đội kính cẩn nghiêng mình trước linh hồn bất diệt của các liệt sĩ”.
Theo Bác Hồ, tình cảm đối với thương binh, liệt sĩ không chỉ là sự thương xót mà còn là niềm tự hào và biết ơn và sự biết ơn đó phải được thể hiện bằng ý thức trách nhiệm và nghĩa vụ của xã hội đối với việc chăm sóc và giúp đỡ thương binh và các gia đình liệt sĩ. Người nói: “Thương binh, bệnh binh gia đình quân nhân và gia đình liệt sĩ là những người có công với Tổ quốc, với nhân dân. Cho nên bổn phận chúng ta là phải biết ơn, phải thương yêu và giúp đỡ họ”. Trước lúc đi xa, trong bản Di chúc, Bác còn căn dặn: “Đối với những người đã dũng cảm hy sinh một phần xương máu của mình (cán bộ, binh sĩ, dân quân, du kích, thanh niên xung phong...), Đảng, Chính phủ và đồng bào phải tìm mọi cách làm cho họ có nơi ăn chốn ở yên ổn, đồng thời phải mở những lớp dạy nghề thích hợp với mỗi người để họ có thể dần dần “tự lực cánh sinh”. Đối với các liệt sĩ, mỗi địa phương (thành phố, làng, xã) cần xây dựng vườn hoa và bia kỷ niệm ghi sự hy sinh anh dũng của các liệt sĩ, để đời đời giáo dục tinh thần yêu nước cho nhân dân ta”.
Thực hiện lời dạy của Bác Hồ kính yêu, Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta luôn trân trọng, ghi nhớ công ơn và làm nhiều việc tốt để tỏ lòng biết ơn những người có công với nước. Hàng nghìn văn bản của Đảng, Nhà nước về thương binh, liệt sĩ, người có công với nước đã được ban hành (giai đoạn từ 1947-1954, Nhà nước ban hành 24 văn bản dưới hình thức sắc lệnh, nghị định, thông tư hướng dẫn về thực hiện chính sách, chế độ đối với người có công; giai đoạn 1954-1975, Nhà nước ban hành 184 văn bản pháp luật; giai đoạn 1975-1985, Nhà nước ban hành 523 văn bản pháp luật liên quan trực tiếp đến việc thực hiện chế độ ưu đãi người có công với cách mạng. Từ năm 2012 đến nay đã có 69 văn bản quy phạm pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng được ban hành, trong đó có 3 pháp lệnh của Quốc hội, 1 chỉ thị của Bộ Chính trị, 1 chỉ thị của Ban Bí thư, 2 nghị quyết và 11 nghị định của Chính phủ, 10 quyết định của Chủ tịch nước, 2 chỉ thị và 10 quyết định của Thủ tướng Chính phủ, 29 thông tư và thông tư liên tịch của các bộ, ngành…). Chính sách ưu đãi người có công với cách mạng ngày càng được hoàn thiện, từng bước đáp ứng được yêu cầu, nguyện vọng của các đối tượng. Số người hưởng chính sách ưu đãi được mở rộng đã có tác dụng khích lệ, động viên hết sức to lớn. Cùng với đó, sự nỗ lực vươn lên của chính cá nhân thương binh, bệnh binh, người có công càng có ý nghĩa giáo dục sâu sắc.
Hiện nay, cả nước đã xác nhận được trên 9,2 triệu người có công, trong đó có trên 1,3 triệu người có công được hưởng trợ cấp hàng tháng và hơn 280.000 thân nhân người có công đang hưởng trợ cấp tiền tuất hàng tháng. Cả nước đã đầu tư xây dựng, nâng cấp, tu bổ 3.200 nghĩa trang liệt sĩ và trên 3.000 công trình ghi công liệt sĩ trên khắp cả nước…
Những việc làm trên đây là bằng chứng cụ thể, sinh động, đầy thuyết phục mà không ai có thể phủ nhận được. Nhưng kỳ lạ thay, một số đối tượng vẫn cố tính không thừa nhận điều đó, cứ vào dịp tháng 7, khi cả nước hướng về Ngày Thương binh - Liệt sĩ với biết bao lòng thành kính, tri ân công lao to lớn của các anh hùng, liệt sĩ và đồng bào đã ngã xuống, thì chúng lai thi nhau tung ra những luận điệu chống phá, lời lẽ trái ngược thông qua những bài viết, hình ảnh, video với nội dung sai trái, bôi nhọ, xuyên tạc, vu cáo “chính quyền không quan tâm”, “bỏ mặc các gia đình liệt sĩ, các thương, bệnh binh”, “người có công bị bỏ rơi”, … để phủ nhận vai trò, nỗ lực của Đảng, Nhà nước trong chăm lo người có công. Thậm tệ hơn, đối tượng xấu còn hạ thấp, miệt thị sự cống hiến, hy sinh, mất mát của anh hùng, liệt sĩ, thương bệnh binh bằng giọng điệu xuyên tạc, chẳng hạn như: vì nghe “lời xúi giục, dối lừa của Đảng” mà lao vào trận chiến “nồi da, nấu thịt”, “huynh đệ tương tàn”, nay bỏ thân hay tàn phế thì không ai quan tâm,… Mục đích của chúng là nhằm đòi bỏ Ngày Thương binh-Liệt sĩ 27/7; phủ nhận chiến thắng của cuộc đấu tranh chính nghĩa mà Nhân dân ta đã giành được; phủ nhận công lao của những người có công với nước; phủ nhận chính sách của Đảng, Nhà nước đối với người có công,... Chúng ta cần cảnh giác và đấu tranh trước các luận đệu sai trái đó.
Nhiệm vụ thực hiện chính sách đối với người có công đã được Đại hội XIII của Đảng xác định: “Thực hiện tốt chính sách ưu đãi người có công; đẩy mạnh các hoạt động đền ơn đáp nghĩa. Tiếp tục cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho người có công; bảo đảm chế độ ưu đãi người và gia đình người có công phù hợp với xu hướng tăng trưởng kinh tế, tiến bộ và công bằng xã hội”.
Thực hiện chính sách đối với người có công theo yêu càu Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, thiết nghĩ thời gian tới cần tập trung triển khai tốt một số nhiệm vụ trọng tâm: (i) Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của toàn xã hội về những hy sinh, cống hiến to lớn của những người có công với cách mạng, đi đôi với đấu tranh, phản bác những luận diệu phản động, sai trái,… để khơi dậy lòng yêu nước, tinh thần đại đoàn kết dân tộc, ý thức trách nhiệm cá nhân với lịch sử và khát vọng cống hiến cho đất nước. (ii) Tiếp tục bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách, khung khổ pháp lý về ưu đãi với người có công theo hướng hiện đại, bao trùm, toàn diện và đồng bộ với các chính sách xã hội khác nhằm bảo đảm an sinh xã hội, không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho thân nhân và các gia đình cách mạng, nhất là những người có công đang sống cô đơn, không nơi nương tựa, là người đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa. (iii) Giải quyết tốt những vấn đề tồn đọng, những khó khăn, vướng mắc liên quan đến chính sách với người có công, bảo đảm khách quan, công bằng, minh bạch, không ai bị bỏ sót. Tiếp tục tìm kiếm, quy tập liệt, xác định ADN đối với các trường hợp liệt sĩ chưa rõ thông tin,…(iv) Chính quyền các cấp cần làm tốt công tác quy hoạch, dành quỹ đất cần thiết để mở rộng không gian các nghĩa trang liệt sĩ, các khu tưởng niệm; bố trí nguồn vốn cần thiết để tu bổ, tôn tạo nghĩa trang và các công trình ghi nhớ công lao của các anh hùng, liệt sĩ, bảo đảm khang trang, sạch đẹp, thể hiện sự thiêng liêng, tôn kính, trở thành “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống lịch sử, cách mạng cho muôn đời sau. (v) Kịp thời phát hiện, ngăn chặn những hành vi lợi dụng kẽ hở của cơ chế, chính sách, làm giả hồ sơ giấy tờ, bệnh án để trục lợi, hưởng chế độ; những hành vi mê tín, dị đoan trong tìm kiếm, xác định thông tin liệt sĩ, củng cố niềm tin trong nhân dân…
Với truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, “ăn quả nhớ người trồng cây”, trong mỗi chúng ta luôn ghi ơn những người đã hy sinh xương máu để đem lại cuộc sống tự do, ấm no, hạnh phúc, từ đó xác định trách nhiệm phải chăm lo ngày càng tốt hơn đời sống vật chất và tinh thần của thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và gia đình có công. Coi đó là tình cảm thiêng liêng, là niềm vinh dự, tự hào cũng như bổn phận của thế hệ hôm nay.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin