Đầu tư công có vai trò, ý nghĩa cực kỳ quan trọng, được coi như “vốn mồi” để dẫn dắt, thúc đẩy đầu tư và kích hoạt các nguồn lực xã hội phục vụ phát triển. Chính vì vậy, thời gian qua, Chính phủ đã có những chỉ đạo quyết liệt, sâu sát để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công.
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch - Đầu tư và Bộ Tài chính, công tác giải ngân vốn đầu tư công trong 6 tháng đầu năm đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Thủ tướng Chính phủ đã giao 669,3 nghìn tỷ đồng kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2024 cho bộ, cơ quan và địa phương, đạt 100% kế hoạch vốn năm 2024 đã được Quốc hội phân bổ. Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công 6 tháng đầu năm 2024 đạt 29,39% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (đạt khoảng gần 200 nghìn tỷ đồng). Một số bộ, cơ quan, địa phương có tỷ lệ giải ngân cao; nhiều dự án, nhất là dự án quan trọng quốc gia và dự án của các địa phương đang được triển khai với tinh thần quyết tâm, nỗ lực cao. Tuy nhiên, vẫn còn 33 bộ, cơ quan, 28 địa phương có tỉ lệ giải ngân dưới mức trung bình của cả nước…
Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc của Thường trực Chính phủ về thúc đẩy đầu tư công năm 2024 diễn ra ngày 16/7, bên cạnh việc biểu dương những kết quả đạt được; ghi nhận khó khăn, vướng mắc do cơ chế, chính sách…, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng chỉ rõ những tồn tại, hạn chế trong công tác chuẩn bị dự án, phê duyệt chủ trương đầu tư và quyết định đầu tư; quản lý chi phí đầu tư xây dựng, quản lý định mức, giá xây dựng, quản lý vật liệu xây dựng thông thường đối với các dự án đầu tư xây dựng; công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư; công tác đấu thầu và thanh tra, kiểm tra…
Bên cạnh đó, một số địa phương còn chưa chủ động, chưa quyết liệt, còn lúng túng trong chỉ đạo, điều hành, chưa thể hiện được tinh thần trách nhiệm chính trị cao. Việc triển khai thực hiện các kết luận, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ có lúc, có nơi còn chậm. Công tác thông tin, truyền thông một số nơi chưa chủ động thông tin đầy đủ để người dân đồng tình, ủng hộ.
Vì vậy, để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công thời gian tới với mục tiêu giải ngân trên 95% số vốn đã phân bổ của năm 2024, các bộ, ngành, địa phương cần triển khai thực hiện nghiêm túc các nghị quyết Chính phủ, chỉ thị, công điện của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ về đôn đốc phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công năm 2024. Nêu cao tinh thần trách nhiệm, phát huy vai trò của người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện; “chỉ bàn làm, không bàn lùi”; thường xuyên rà soát, đôn đốc, kịp thời phát hiện và tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc phát sinh của từng dự án, nhất là các dự án trọng điểm; cá thể hóa trách nhiệm đến từng cá nhân; coi kết quả giải ngân là một trong những căn cứ quan trọng để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ hằng năm của tổ chức, cá nhân liên quan.
Bên cạnh đó, đề cao kỷ luật, kỷ cương, tăng cường kiểm tra, giám sát; xử lý nghiêm các chủ đầu tư, ban quản lý dự án, nhà thầu cố tình gây khó khăn, cản trở làm chậm tiến độ giao vốn, giải ngân vốn; kiểm điểm, xử lý kịp thời các cán bộ yếu kém, tiêu cực, không hoàn thành nhiệm vụ được giao. Rà soát kỹ từ khâu chuẩn bị dự án, giao vốn đến công tác thiết kế, đấu thầu, thi công, thủ tục thanh, quyết toán… đối với từng dự án. Tập trung đẩy mạnh tiến độ giải phóng mặt bằng; thực hiện tạm ứng, thu hồi tạm ứng, thanh toán vốn đầu tư theo đúng quy định…
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin